Đức Giáo hoàng muốn đi thăm Việt Nam?




Trong lúc cuộc hội đàm nhân chuyến thăm của phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam vẫn chưa rõ kết quả, Vatican tiết lộ "Đức Giáo hoàng muốn thăm Việt Nam”.

Bài của Reuters hôm 19/02 đặt câu hỏi liệu “Sẽ có chuyến thăm của Giáo hoàng đến Việt Nam cuối năm nay?”

Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Đức Ông Pietro Parolin nói với các nhà báo rằng “Đó là ước muốn của tôi”.

Tất nhiên, đây chỉ là câu trả lời của Đức Ông Parolin chứ không phải là phát biểu chính thức.

Người phát biểu cũng cho hay Ngài không hề bàn thảo gì với chính quyền Việt Nam về chuyện này.

Bản tin của VietCatholic News 20/02/09 cũng đặt câu hỏi:"Đức Giáo Hoàng có thể viếng thăm Việt Nam?"

Dù có thể coi đây chỉ là một cú PR của phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam nhưng cũng gợi ra một số suy nghĩ.

Thứ nhất, khó có chuyện Đức Ông Parolin tự ý nói như vậy mà không theo quan điểm chung của Tòa Thánh và chính Đức Giáo Hoàng Benedict XVI.

Thứ hai, việc này chắc chắn tạo áp lực lên chính quyền Việt Nam vì ‘chuyến thăm của Giáo Hoàng cuối năm nay’ đồng nghĩa với việc bình thường hóa ngoại giao.

Cố Giáo hoàng John Paul II cũng từng ngỏ ý muốn đi thăm Việt Nam, nước Công giáo lớn thứ nhì châu Á, sau Philippines.

Nhưng liên quan đến việc đó, điều hiển nhiên là tình hình của giáo dân và Giáo hội Công giáo tại chính Việt Nam phải có những thay đổi tương ứng.

Nhìn ra bên ngoài

Trên thực tế, việc có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh chắc chắn sẽ thay đổi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam là một trong vài nước châu Á như Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Điện không có quan hệ ngoại giao với Vatican.

Nếu nhà chức trách muốn chứng tỏ rằng Việt Nam “là bạn với tất cả các nước” mà lại không có quan hệ ngoại giao với Vatican, một quốc gia Công giáo, thì phát biểu đó không có cơ sở.

Xét về mặt thể chế, dù là một nước cộng sản, Việt Nam vẫn có quan hệ ngoại giao với các chế độ phong kiến ở châu Á, Trung Đông, hay thậm chí chế độ gần như thần quyền ở Iran.

Các vấn đề xung khắc lương và giáo trong quá khứ không còn là cách giải thích tốt để không bình thường hóa với Vatican.

Vả lại, né tránh vấn đề quan hệ ngoại giao với Vatican sẽ chứng tỏ chính quyền Việt Nam chưa đủ tự tin để điều hành một xã hội có từ 7 tới 8 triệu giáo dân hướng về Tòa Thánh.

Vấn đề chính là chỗ, như của Bill Tarrant trong bài đăng trên trang Reuters, Giáo hội Công giáo Việt Nam là tổ chức lớn nhất bên ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng ngày trong ngày 18/02, Phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc, bà Khương Du trả lời báo chí nói Trung Quốc “không can thiệp vào tình hình nội bộ nước khác” khi được hỏi về Vatican và Hà Nội.

Nếu đó đúng là quan điểm rõ rệt nhất của Bắc Kinh thì Trung Quốc không coi việc phải để họ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican là điều kiện đi trước.

Chính quyền của đảng Cộng sản ở Việt Nam, vẫn theo bình luận của Bill Tarrant, đang có lợi thế trong quan hệ với Vatican hơn Trung Quốc.

Việt Nam không tạo ra một giáo hội “quốc doanh” như ở Trung Quốc nên không có chuyện phải công nhận hai giáo hội như Trung Quốc nếu tiến tới bình thường hóa.

Bill Tarrant viết:

“Khác với Trung Quốc, nơi nhà nước kẹp chặt tôn giáo thông qua giáo hội và các tổ chức tôn giáo 'ái quốc', tại Việt Nam không có sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào khối Công giáo trung thành với Vatican.”

Quan trọng với ai?

Tuy thế điều này không có nghĩa là nhà nước không muốn kiểm soát hoặc hạn chế các hoạt động của giáo dân và Giáo hội địa phương.

Thời gian qua, các tin từ Việt Nam cho hay, quyết định của Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Bí thư Phạm Quang Nghị đã đặt chính quyền Trung ương vào thế khó.

Đó là việc chính quyền ở Hà Nội muốn loại bỏ Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt khỏi vị trí của ông.

Đây là động thái đầu tiên chứng tỏ nhà chức trách muốn can thiệp vào nội bộ công việc Giáo hội, điều Vatican khó có thể chấp nhận.

Giáo hội cũng cho rằng nhiều tài sản, đất đai của họ hiện chưa được sử dụng đúng hoặc hoàn trả.

Như thế, vấn đề bình thường hóa quan hệ với Vatican xét cho cùng chỉ có thể có được khi Việt Nam rõ ràng hơn về mặt tổ chức nhà nước.

Nếu coi vấn đề của đảng là quan trọng hơn cả thì, Giáo hội có thể là một thế lực có khả năng cạnh tranh với đảng về tổ chức và nhân sự, sẽ khó có thể là một 'đối tác' bình thường.

Nếu coi vấn đề nhà nước và pháp luật là quan trọng hơn thì không có lý do gì, một nhà nước ở một xã hội đa số không theo Công giáo như Việt Nam không thể bình thường hóa quan hệ với Vatican.

Cứ để cho Giáo hội hoạt động theo luật lệ, chứ không phải các nghị quyết, quyết định mang tính ứng phó, thì các mặt tích cực và cả tiêu cực nếu có trong các hoạt động của Giáo hội cũng sẽ được thể hiện công bằng hơn.

Nguyễn Giang
BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét