Quyền lực thuộc về cộng đồng blog

Với con số ước tính khoảng 70 triệu bloger, các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây đang chịu một áp lực dai dẳng đòi hỏi họ phải quả quyết từ một cộng đồng blog theo chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa dân tộc mà trong bối cảnh thiếu vắng bầu cử dân chủ, đã trở thành tiếng nói của người dân trên thực tế…

Việt Nam phủ nhận cáo buộc của Google về các vụ tấn công tin tặc

AnhBaSG :Vài lời tâm sự và cảm ơn các bạn Blogger



Tôi thực sự xúc động khi biết có nhiều người quan tâm đến mình suốt thời gian 51 tiếng đồng hồ hoàn toàn bị cô lập.

Blog vẫn nhanh nhất và là công cụ đấu tranh hữu hiệu. Thật may mắn khi mình có nhiều bè bạn, những người quen và cả rất nhiều người mình không quen. Hy vọng những bè bạn của tôi cũng đều được quan tâm như vậy.

Anh Ba Sài Gòn (CLB NBTD) bị bắt

Ls Phan Thanh Hải  hiện đang bị giam giữ ở số 04 Phan Đăng Lưu.

Một người bạn của anh đã ghé lên số 4 PDL với mục đích để hỏi thăm và gởi đồ ăn cho anh. Sau khi tra danh sách một hồi thì nhân viên gác cổng nói là “Phan Thanh Hải hả ? có vào đây chiều qua, nhưng anh đừng lo chuyện ăn uống gì cả. Tụi này lo hết rồi“.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị kết án tù

Sau bản án 4 năm tù của nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thanh Nghiên hôm 29 tháng Giêng về tội “tuyên truyền chống phá nhà nứơc”, đến ngày 5 tháng 2, nữ văn sĩ bất đồng chính kiến Trần Khải Thanh Thuỷ bị toà án nhân dân quận Đống Đa tuyên án 3 năm rưỡi tù giam về tội “cố ý gây thương tích”. Chồng của bà Thuỷ là ông Đỗ Bá Tân nhận bản án 2 năm tù treo, với cùng tội danh.

Thêm một nhà văn bất đồng chính kiến bị tuyên án tại Việt Nam.

Blog Osin bị hack

Nhà báo Huy Đức, được nhiều người biết đến qua blogosin.org xác nhận với BBC blog và địa chỉ email của ông đang bị tấn công.

''Từ lúc 1700 (5/2) blog của tôi bị hack, kể cả email huyducnews@yahoo.com của tôi không còn vào được nữa vì password đã bị đánh cắp,'' ông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang sẽ tự thiêu nếu tiếp tục bị áp lực

HÀ NỘI (PS) Trước áp lực của Công an, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một trong những người chủ trương Bán nguyệt san Tổ Quốc đã viết một lá Thư Ngỏ nói rằng, Ông sẽ tự thiêu nếu nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục gây áp lực, ông Giang nói: "Nếu rồi đây họ còn tiếp tục xúc phạm tôi thì e tôi không còn có thể chịu đựng nổi nữa. Cảm ơn các đấng anh linh đã cho tôi hưởng đến nay đã 74 tuổi trời. Tôi không còn ân hận, cũng không nuối tiếc gì nhiều nữa mà sẵn sàng bật cháy lên ngọn lửa căm phẫn ngất trời để mọi người nhanh chóng nhìn rõ những bộ mặt, những tâm địa xảo trá bất lương cuả những kẻ bất chấp công lý, đạo lý, đầy đọa mãi nhân dân tôi trong những nối đắng cay, oan khuất trường cửu."

Việt Nam tuyên án tù 4 nhà bất đồng chính kiến



Bốn nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam hôm nay bị đưa ra Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử vì đã cổ xúy cho dân chủ-đa đảng, một hành động bị nhà cầm quyền Hà Nội xem là mưu phản.

Theo tin của các hãng thông tấn AFP, AP, và Reuters, các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long bị truy tố về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, dựa theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Họ bị tố cáo là đã cấu kết với các tổ chức tranh đấu cho dân chủ Việt Nam ở hải ngoại.

Phiên tòa vốn dự trù diễn ra trong hai ngày 20 và 21, nhưng sau phần bào chữa của các luật sư kéo dài tới gần 7 giờ tối nay giờ Việt Nam, tòa án đã tuyên án. Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị tuyên án tù 16 năm cộng với 5 năm quản chế. Ông Lê Công Định và ông Lê Thăng Long bị tuyên 5 năm tù và 3 năm quản thúc. Nguyễn Tiến Trung nhận án 7 năm cùng thời gian quản thúc 3 năm.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nói rằng vụ xét xử này có động cơ chính trị, trong lúc các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào năm tới.

Tường thuật của các hãng tin quốc tế cho biết phiên tòa ở Sài Gòn được xúc tiến dưới các biện pháp an ninh nghiêm nhặt. Các nhà báo và các nhà ngoại giao theo dõi phiên tòa qua màn ảnh truyền hình tại một phòng riêng trong pháp đình. Cảnh sát cấm không cho những người này mang theo máy thu âm, thu hình và điện thoại di động.

Khi phát biểu trước tòa, ông Lê Công Định, 41 tuổi, từng theo học tại Đại học Tulane ở Mỹ, nói rằng Đảng Dân chủ Việt Nam mà ông là một thành viên chủ trương đa nguyên đa đảng và muốn mang lại một sự thay đổi trong hệ thống chính trị. Ông cho biết trong thời gian theo học ở nước ngoài ông đã chịu ảnh hưởng của Tây phương về dân chủ, tự do và nhân quyền. Ông Định cũng thừa nhận một cách điềm tĩnh rằng ông đã vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Ông Nguyễn Tiến Trung, 26 tuổi, từng du học ở Pháp, nói với tòa án rằng ông đã phạm sai lầm vì non nớt, thiếu kinh nghiệm và thừa nhận là những hành động của ông đã vi phạm pháp luật. Ông Trung nói thêm rằng ông cảm thấy ân hận vì những hành động của mình đã ảnh hưởng tới gia đình và bạn bè.

Hãng tin Reuters trích lời ông Kenneth Fairfax, Tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn nói rằng Bộ Ngoại giao ở Washington đã yêu cầu giới hữu trách Việt Nam trả tự do ngay cho các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long. Ông nói rằng thêm rằng những điều họ làm là hành xử các quyền con người được thế giới thừa nhận.

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã theo dõi sát phiên xử, đồng thời kêu gọi Việt Nam phóng thích các nhà hoạt động dân chủ này để thể hiện sự tôn trọng nhân quyền như đã cam kết với quốc tế.

Từ Pháp, bà Lucie Morillon, đại diện Hội Nhà báo Không biên giới RSF, nói với Ban Việt Ngữ VOA rằng:

“Chúng tôi đã theo dõi vụ này trong nhiều tháng nay. Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho những nhà hoạt động dân chủ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long. Chúng tôi kêu gọi sự quan tâm của công luận quốc tế rằng những ngừơi này không làm gì sai trái, họ chỉ thực hành quyền tự do bày tỏ quan điểm. Họ phải đi tù về điều này thì sẽ càng làm gia tăng thêm áp lực quốc tế đối với quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch kêu gọi và áp lực Hà Nội phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận đựơc cả thế giới công nhận. Thật là một sai lầm khi Việt Nam bỏ tù những ngừơi này vì điều đó một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy Hà Nội đàn áp những tiếng nói bất đồng như thế nào.”

Về việc bị cáo Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định nhận tội trứơc toà, bà Morillon nói rằng:

“Họ không có sự lựa chọn nào khác vì họ bị đặt dứơi nhiều áp lực từ chính quyền. Họ là những người vô tội. Những điều họ làm không phải là tội vì họ chỉ thể hiện quyền tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, không có gì gọi là “lật đổ chính quyền” như nhà nứơc Việt Nam tố cáo.”

Từ Anh Quốc, phát biểu với ban Việt Ngữ VOA, ông Brad Adams, giám đốc đặc trách vùng Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nhấn mạnh:

“Chúng tôi theo dõi phiên xử rất chặt chẽ. Chúng tôi muốn xem xem phiên toà này có công bằng hay không, nếu đúng là phiên toà công bằng thì có nghĩa là Hà Nội phải huỷ bỏ những cáo buộc nêu ra. Những điều mà các nhà hoạt động này đã làm không phải là một cái tội theo luật quốc tế khi họ kêu gọi dân chủ và bẩu cử tự do. Những ngừơi này bị tuyên án tù, nhà cầm quyền Việt Nam đã thể hiện rõ sự độc tài của mình và chúng tôi nghĩ rằng nhiều nước trên thế giới nên xem xét lại mối quan hệ với Việt Nam.”
Nguồn: AFP, Reuters, AP

Ngày 13.1: Đồng Chiêm đã bị quân đội và cảnh sát phong tỏa!


ĐỒNG CHIÊM - Sáng ngày 13.1.2010: Cảnh sát và quân đôi đã phong toả toàn bộ giáo xứ Đồng Chiêm. Hàng chục biển sắt đỏ: Cấm tụ tập đông người được đặt trên con đường đê xung quanh Núi Thờ và trên con đường dẫn vào Đồng Chiêm.

Cảnh sát và quân đội đã xuất hiện trong khu vực và án ngữ ngay đầu cầu xây. Một đống đất đá đã được đổ chắn ngang con đường bê tông dẫn vào Đồng Chiêm, gần đầu cầu xây.

Khoảng 9g, xe hơi không thể vào được. Toàn bộ ôtô và các xe máy lạ không thể vào được Đồng Chiêm. Xe máy quen và người đi bộ vẫn có thể đi lại bình thường cho đến 10g30.

Khoảng 10g35, một cộng tác viên của chúng tôi có mặt tại hiện trường cho biết: Cảnh sát đã phong tỏa cầu xây, xe máy quen cũng như người đi bộ cũng không thể đi lại đựôc nữa.

Cha Tào cho biết sáng nay ngài đã nói với một số cán bộ địa phương vào thăm ngài rằng: Các ông chỉ làm khổ người dân và các ông làm khổ cả các ông nữa. Ngài cho biết, nếu khai đường vào Đồng Chiêm, thì người dân đi lại dễ dàng. Càng đi lại dễ dàng thì chuyện nó càng trở lại bình thường.

Bất chấp sự ngăn sông cấm chợ, số người về hành hương khá đông. Sự ngăn sông cấm chợ càng kích thích giáo dân hăng hái hơn trông việc hành hương viếng Thánh Giá và chia sẻ với Đồng Chiêm. Giáo dân Hàm Long, Nhà Thờ Lớn người đi taxi, người đi xe bus, người đi xe máy, một số đã vào được Đồng Chiêm, còn lại phần lớn hiện nay đang bị kẹt ở khu vực xứ Nghĩa Ải, trước đầu Cầu Xây, bắc ngang sông Vài.

Tại nhà thờ Đồng Chiêm, chỉ còn cha Phó Liên, cha Hữu, Chính xứ đang đi làm lễ tang ở nhà thờ bên cạnh. Có cha Nguyễn Văn Hy, Chính xứ An Thái và xú Cổ Nhuế, cùng một số giáo dân đã đến Đồng Chiêm từ sớm. Trông khi ấy, cha Giuse Nguyễn Ngọc Hinh, Chính xứ Phùng Khoang và xứ Hà Đông, còn đang kẹt tại nhà thờ Nghĩa Ải.

Lúc này là 11g, cha Tào nghe tin bị phong toả toàn diện, đã đi vào Đồng Chiêm, yêu cầu chính quyền mở lối cho giáo dân vào nhà thờ, nhưng các cảnh sát và binh lính không cho. Bản thân ngài và cha Hinh cũng phải vất vả lắm mới vào được Đồng Chiêm.

Nhiều giáo dân đã đi theo bờ sông bên kia sông Vài và đến đoạn ngang nhà thờ Đồng Chiêm thì lội qua sông sang nhà thờ. Cũng nên biết lúc này Miền Bắc rét đậm, nhiệt độ ở Đồng Chiêm ngoài trời xuống khoảng 11 độ C.

Dòng người vẫn đang tiếp tục đổ về hành hương và chứng kiến những việc làm hại dân của chính quyền Hà Nội.

Thông tin số 1: THÔNG TIN VỀ ĐỒNG CHIÊM NGÀY 12.1.2010:

Sáng 12.1.2010, chúng tôi đi đến khu vực gần cầu Ái Nàng tìm hiểu vụ bắt người và đánh người tối hôm qua, thì được người dân địa phương, toàn bộ đều không Công giáo, xác nhận có đánh người và bắt người. Họ nói đánh một anh gãy hai răng cửa và nằm bất tỉnh, còn đánh một thương binh như đánh lợn vậy và sau đó thì bắt đi cả hai thương binh, bỏ lại hiện trường cái xe thương binh 3 bánh.

Cha Bùi Quang Tào, Chính xứ Nghĩa Ải cho biết tối hôm qua, giáo dân Nghĩa Ải đã sang Đồng Chiêm san bằng đống đất đá ở đầu cầu xây nơi giáp ranh giữa hai giáo xứ và cũng là giữa hai xã An Phú và Hợp Thanh.

Ngài cũng cho biết giáo dân Nghĩa Ải tối qua 11/1 cầu nguyện ở UBND xã Hợp Thanh, phản đối đánh người và bắt người, vì nghĩ rằng UB cơ quan đại diện chính quyền, vì không muốn giáo dân đi xa trong đêm tối, và vì chính ngài có thấy một số cán bộ của Hợp Thanh cộng tác với An Phú trong việc phong tỏa và làm khó dễ khách hành hương đến Đồng Chiêm

Cha Giuse Nguyễn Văn Hữu cho biết, tối hôm qua, nghe tin CA vừa lấp nốt con đường vào Đồng Chiêm chỗ gần cầu Ái Nàng và ở đấy vừa có cảnh đe doạ và khống chế cha Phó Liên, bắt và đánh người vô lý, giáo dân Đồng Chiêm cùng Nghĩa Ải đã mang cuốc xẻng, gậy gộc tính đi đến khu vực xảy ra sự vụ san bằng đống đất và sống chết với những kẻ bắt người, đánh người nhưng ngài đã không cho đi, mà yêu cầu giáo dân trở về nhà thờ cầu nguyện. Vì thế hôm nay đống đất đá ở đây vẫn còn và cũng vì thế mà không có đụng độ nào xảy ra.

Nhiều người cho biết CA và dân phòng ở An Phú và Nghĩa Ải được lệnh rút ra vòng ngoài, trở về Mỹ Đức, xảy ra cuộc xuống đường của 3000 dân Nghĩa Ải và Đồng Chiêm. Những CA hiện diện ở khu vực này lúc đẩy là người cảm nhận rõ nhất người dân phẫn uất thế nào khi phải xuống đường và tình hình thế nào nếu không có các cha xứ.

Hiển nhiên, vì sợ giáo dân bị dồn vào đường cùng sẽ đứng lên phản ứng, cho nên từ Tế Tiêu về Đồng Chiêm và toàn bộ khu vực trong ngoài Đồng Chiêm và Nghĩa Ải, không thấy có một bóng nhân viên CA nào mặc sắc phục. Ngay khu vực cầu Ái Nàng, gần trụ sở CA xã An Phú, cũng không thấy một cán bộ CA nào. Tụ điểm CA ở đầu cầu Xây bị giải tán. Không có bóng CA, dân phòng và đám người xã hội đen mặc thường phục đứng đấy, thấy khung cảnh thanh bình, đường đất thông thoáng hẳn.

Tại Đồng Chiêm, ngày 12/1/2010 giáo dân vẫn đi nhà thờ và đi xuống đồng, trẻ em đi nhà thờ và đến nhà trường, các nhóm hành hương vẫn tiếp tục. Khi chúng tôi đến Đồng Chiêm, thì có nhóm sinh viên Công giáo TGP Hà Nội đang đầu đội khăn tang, đứng đọc kinh cầu nguyện nơi chân Núi Thờ. Lát sau thấy hầu hết các bạn đã í ới trên đỉnh núi.

Dưới chân Núi, người già và thiếu nhi trong thôn ra cầu nguyện, rồi trò chuyện, gặp gỡ thăm hỏi. Núi Thờ trở thành điểm hẹn của cả thôn. Có một số thanh niên và trung niên hiếm hoi đang dựng cột tre, chạy đường dây mắc điện lên Núi Thờ và khu vực xung quanh chân núi cũng như đường đê đê đối diện chân núi nơi có đập tràn. Các ông còn cho biết, buối tối các ông còn thay nhau lên đỉnh Núi Thờ trông thánh giá. Dù CA có đe doạ bắt hoặc dù có bị làm sao thì các ông cũng chấp nhận.

Khoảng 2g chiều ngày 12/1 cha Giuse Nguyễn Văn Liên, Phó xứ Đồng Chiêm, cùng một số giáo dân Đồng Chiêm, Nghĩa Ải và Thái Hà đã đến CA xã huyện để đòi thả tự do cho các giáo dân hành hương bị bắt trên địa bàn giáo xứ Đồng Chiêm. Phó Trưởng CA huyện Mỹ Đức đã tiếp cha Liên và một số giáo dân là thân nhân của những người bị bắt.

Cuối cùng CA huyện thông báo sẽ làm thủ tục thả anh Tĩnh. Còn anh Công, anh thương binh cụt chân lái xe 3 bánh, CA nói rằng sẽ tiếp tục tam giam. CA nói anh này “phạm tội” chống người thi hành công vụ bằng cách lao xe vào cảnh sát, tát cảnh sát và khi CA khám trong xe 3 bánh của anh, thì thấy trong đó có hêrôin và 3 lít rượu.

Một giáo dân đã phản đối ngay trước mặt Phó CA huyện Mỹ Đức, vì điều lạ lùng và khó hiểu trước cáo buộc này: Vì buổi sáng khi xe của 2 thương binh đi vào Đồng Chiêm thì đường chưa bị đất đá lấp. Buổi chiều tối các anh về đến gần cầu Ái Nàng thì đường bị bịt, người bị bắt mang đi, cái xe 3 bánh vứt lại hiện trường, khi anh Vinh và cha Liên đến thì xe vẫn còn vứt đấy và một giáo dân đi sau cha Liên và anh Vinh một tý đã chụp được cảnh cái xe này còn đang vứt ở phía bên này đống đất đá. Đến hôm nay, thì CA huyện nói anh có ma tuý và có rượu thì thật là khó hiểu…

Khoảng 7g30 tối, anh Tĩnh đã cùng thân nhân về đến Hà Nội, trong khi đó, một giáo dân khác của giáo xứ Hàng Bột là anh Tiến, nhà ở Kim Mã, vừa bị CA bắt giữ chiều nay và đã đưa đến trụ sở của Cục Điều Tra ở số 7 Thuyền Quang. Thân nhân của anh vừa báo cho chúng tôi biết. Anh Tiến, bị bắt giữ vì có đi hành hương Đồng Chiêm cùng với anh Tĩnh và anh Công và 2 người đi chung một xe thương binh 3 bánh, nhưng hôm qua, anh từ Đồng Chiêm trở về sau, không đi cùng 2 anh Tĩnh và Công.

Giáo dân Hà Nội xem chuyện bị CA bắt giữ là bình thường, cả thân nhân lẫn các đương sự, hầu như không coi đấy là vấn đề gì lạ lùng. Họ đón nhận trong bình an và trong lời cầu nguyện. Có phần còn hãnh diện vì được cùng chịu thân phận khốn khổ với Chúa Kitô.

(Nguồn: CTV dcctvn.net)
An Hòa

Công an khám nhà, thẩm vấn GS Nguyễn Huệ Chi



Trong đầu đề bản tin của BBC, hai chữ "làm việc" xin để trong ngoặc kép. Trên thế giới, có lẽ chỉ ở Việt Nam, và trong lịch sử loài người, có lẽ chỉ ngày nay, mới có chuyện người dân đang làm việc hay nghỉ ngơi, phải ngừng tay để "làm việc" với công an. Thế là hôm nay, ngày 13 tháng 1-2010, công an đã tới nhà giáo sư Nguyễn Huệ Chi (điều này chứng tỏ Công an giỏi hơn Quốc hội, vì năm ngoái "Cơ quan quyền lực cao nhất" của Nhà nước Việt Nam đã gọi ông là... Bà Nguyễn Thị Huệ) khám xét, đặc biết là khám cái máy tính, tháo "ổ cứng" mang đi, và mời ông 4g chiều tới lấy. Từ đó mà ra buổi 'làm việc", 8g tối ông mới trở về, không biết có còn phải "làm việc" trong những ngày tới không. Từ một tháng nay, mạng Bauxite Việt Nam do các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng chủ trường, đã bị phá sập. Nguyễn Huệ Chi và Phạm Toàn bị giả danh để gửi thư trên mạng. Riêng Huệ Chi còn bị cướp địa chỉ email. Dưới đây là những thông tin của BBC về buổi "làm việc" và một vài phản ứng đầu tiên. (Bình luận của DienDan.ORG)


(RFA) Tin mới nhất, sáng ngày hôm nay công an khám nhà giáo sư Nguyễn Huệ Chi, lấy đi một máy vi tính để bàn và dẫn giáo sư Chi đến cơ quan công an làm việc. Đến 10 giờ 15 tối, ông đã được trả về nhà

Trưóc đó, cùng ngày, công an Việt Nam đã lục soát tư gia của ông và lấy đi một máy tính để bàn, sau đó đưa ông đi làm việc.

Trả lời phóng viên Mặc Lâm, Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do, ngay sau khi vừa về đến nhà, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho biết: 
"Chắc là họ mời làm việc không chỉ hôm nay nhưng bình thường thôi, cũng chẳng căng thẳng đâu. Tất nhiên là làm việc tiếp chứ làm sao mà xong được nhưng chắc cũng không có vấn đề gì đâu.  "
 Đối với việc mở lại diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam, ông nhận định:
"Chắc là họ lại đánh tiếp. Chuyện đó thì không biết... "
Trong vài giờ qua, sự kiện giáo sư Nguyễn Huệ Chi – một trong ba người sáng lập diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam – bị khám nhà, thu giữ máy tính và được Công an mời làm việc – đã được RFA cũng như nhiều hãng thông tấn quốc tế, một số diễn đàn điện tử và blogger loan báo gần như lập tức.
Trưóc đó, cùng ngày, công an Việt Nam đã lục soát tư gia của ông và lấy đi một máy tính để bàn, sau đó đưa ông đi làm việc.
Nhà văn Phạm Toàn, người cộng tác với GS Chi trong kiến nghị chống bauxite kể với phóng viên đài Á Châu Tự Do:  
“Hôm nay họ đến họ khám nhà Huệ Chi và có thể ngày mai là đến lượt nhà tôi. Còn Huệ Chi thì họ đem cái CPU đi và họ yêu cầu Huệ Chi đang trả lời trên cơ quan công an.  Họ hẹn với gia đình là 10 giờ đêm thì họ sẽ mang Huệ Chi về trả." " Do chỗ vợ Huệ Chi ốm yếu nên họ cho hai cô công an mặc thường phục đến để chơi với vợ Huệ Chi tối hôm nay.  Đồng chí Toàn tới nhà Huệ Chi từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối thì về để cho ba bà đàn bà chơi với nhau.  Chắc phải độ hai tiếng hay tiếng rưỡi nữa mới biết tin Huệ Chi được.  Có thể ở trên ấy đến 10 giờ mà cũng có thể đến 10 giờ ngày mai không ai biết đâu là chừng cả.  " "Phần tôi thì phải đến ngày mai mới biết họ đến thì xem họ đòi những cái gì. Hôm nay họ đến tôi đi vắng, và rất lạ là họ không biết số di động của tôi, họ nhờ vợ tôi gọi tôi về lúc ấy tôi đang ở trung tâm Pháp.  Tôi nói rằng tôi không về, tôi bận lắm, thì họ bảo ngày mai gặp.”"
---------------------------------------------------------------------------
Thư của nhà nghiên cứu Phạm Toàn cho biết tin về việc Công an tới khám nhà giáo sư Huệ Chi và mời "làm việc".

Thư của nhà giáo PHẠM TOÀN

Ngày mai, thứ năm họ vẫn mời Huệ Chi "làm việc"

9 giờ sáng nay (giờ Paris), thứ tư 13.1.2010, được tin giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong ba người khởi xướng bản kiến nghị về bauxite và chủ trương mạng Bauxite Việt Nam, bị công an tới khám nhà và tịch thu "ổ cứng" máy tính, chúng tôi đã gửi thư điện tử cho nhà nghiên cứu Phạm Toàn (một trong ba người chủ xướng) để hỏi tin.
16g36 (giờ Paris, 22g36 giờ Hà Nội), chúng tôi nhận được thư trả lời của Phạm Toàn. Theo ý tác giả (xem cuối thư), chúng tôi đăng dưới đây toàn văn lá thư này để bạn bè trong nước và ngoài nước được thông báo chính xác (xem thêm : bản tin BBC, nối kết trong mục THẤY TRÊN MẠNG của Diễn Đàn).
Nguyễn Ngọc Giao Anh Giao thân,
Xin phúc đáp thư hỏi tin tức của anh.
Sáng nay, tôi nhận được tin từ Phạm Xuân Nguyên rằng nhà anh Huệ Chi bị khám xét hồi 10 giờ 15, lúc tôi đang gặp mấy vị biên tập ở nhà xuất bản Phụ Nữ. Tôi thông báo ngay cho Anh em để cùng biết tin tức rành rọt hơn. Tiếc là tin tức rất khó lọt ra xa, vì theo PXN, ô tô bao vây quanh đường vào nhà HC (cần gì phải to đến thế nhỉ? thân hình HC bé nhỏ lắm mà !).
Đến khoảng 3g30 chiều, tôi được tường thuật cũng từ PXN là người ta chỉ đến nhà HC mượn ổ cứng máy tính thôi, nhưng vì HC không cho mượn, nên họ lấy trong túi ra tờ lệnh khám nhà viết sẵn. Tin cuối cùng tôi nghe được là : ổ cứng đã được đem đi, và người ta yêu cầu HC đúng 4 giờ chiều lên chỗ đó mà nhận lại.
Tôi liền lên xe taxi đến nhà HC, hy vọng gặp anh trở về cùng ổ cứng máy tính. Đến nơi, chỉ thấy chị Hưng (vợ anh HC) ra đón, nét mặt hoang mang mếu máo. Tôi vào nhà. Chị không dám nói to. Vẻ ngoài chị rất lo lắng, có lẽ vì những gì xảy ra ban sáng đều khó hiểu với chị. Chị có vẻ lo sợ người ta cài lại những con rệp. Chính vì thế mà tôi càng nói to : nếu có rệp thì cho họ cùng nghe cho họ hiểu sự đời. Tôi bảo chị Hưng : « Tôi ở đây với chị. Chẳng nhẽ tôi chỉ đến nhà chị khi có rượu và có thịt thôi à ? Anh Huệ Chi là bạn tôi, tôi có nhiệm vụ ở đây chờ tin tức của anh ».
Chị Hưng đã dịu đi, và do có thêm người nhà cũng đỡ vắng vẻ nên chị cũng yên tâm hơn. Lúc đó đã là 4 giờ 30 sang 5 giờ, song Huệ Chi vẫn chưa về. Đến 6 giờ, có một anh CA mặc sắc phục dẫn hai phụ nữ trung niên đến. Có lẽ theo yêu cầu của Huệ Chi, họ cho hai chị này tới trông nom chị Hưng, vì chị ốm. Hai chị cho biết anh HC sẽ được ô tô chở về nhà vào hồi 10 giờ đêm.
Một chị ngồi dưới nhà đọc sách, một chị lên gác với chị Hưng, và do đó gặp tôi khi đó đang trả lời đài RFI. Chị này không tỏ vẻ gì khó chịu, mặc kệ tôi muốn trả lời ra sao cũng mặc, kể cả sau đó bè bạn gọi tới tôi trả lời ra sao cũng không can thiệp, chị ta chỉ ngồi hiền hòa trò chuyện với chị Hưng nhà anh Huệ Chi. Do đó, tôi cũng quay sang trò chuyện với chị, tôi dạy chị cách dạy con viết một đoạn văn ra sao, cách dạy người mới học máy tính ra sao, cả cách dạy người nhát tập bơi nữa...
Đến 9 giờ hơn thì anh Huệ Chi về nhà. Khi đó tôi đã về nhà tôi được chừng một tiếng đồng hồ. Huệ Chi gọi điện tới tôi ngay, cho biết là cuộc « trò chuyện » ở nơi giữ ổ cứng máy tính dễ chịu, lịch sự, « họ muốn biết mọi điều, nên HC cũng cho họ biết những gì họ cần biết ».
Tóm tắt ý tứ của HC như sau : « Anh em trí thức có học nên hiểu rõ lich sử do đó rất lo lắng trước mưu đồ của "nước bạn". Phong trào kiến nghị yêu cầu hoãn khai thác bô-xít thể hiện tâm tư nguyện vọng anh chị em trí thức. Chúng tôi không khởi xướng thì cũng có người khác khởi xướng. Vì mọi người đều có tinh thần yêu nước cả. »
« Trang bô-xít không có tổ chức gì hết, không nhằm mục đích chống phá gì cả, mấy anh em rủ nhau làm thì chia nhau việc mà làm, cho trang Web sống. Thế thôi. Không có tổ chức, không có điều lệ, không có tôn chỉ, mục đích gì hết... »
Ngày mai, thứ năm 14-1-2010, họ vẫn mời Huệ Chi làm việc. Làm việc đến bao giờ ? Không biết.
Chúng tôi chưa nắm được bạn Thế Hùng ở Đà Nẵng ra sao. Ở Hà Nội, buổi sáng, một CA mặc sắc phục và một người cao lớn mặc thường phục đến nhà Toàn, chỉ gặp vợ Toàn, vì Toàn đã đi từ sớm tới một đám ma, sau đó lại đi làm mấy việc, chờ đến chiều thì dự giới thiệu sách về Tây Nguyên tại Trung tâm L'Espace. Mấy người đến thăm Toàn không có số điện thoại di động của Toàn, phải nhờ vợ Toàn cung cấp. Vợ Toàn không mời họ vào nhà, họ cũng không đòi vào, vẫn kiên nhẫn chờ vợ Toàn vào nhà mang số điện thoại ra. Họ gọi được cho Toàn và hẹn sẽ « làm việc sau »...
Đại khái tình hình đến bây giờ là như vậy.
Nhờ anh Giao và mạng Diễn đàn thông tin giúp tới các bạn bè khắp nơi.
Thân ái,

Phạm Toàn

Ban Tôn Giáo chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đặt điều và chạy chối sự thật



Trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội vào chiều nay (11.1.10) Ban tôn giáo chính phủ (BTGCP) Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), ông Nguyễn Thanh Xuân trong chức vụ Phó Trưởng ban thường trực của Ban này nói rằng:
 
1. Trước tháng 6/2008, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai tụ tập tại tu viện Bát Nhã theo những khóa tu ngắn ngày có sự bảo lãnh của Thượng tọa Thích Đức Nghi, Trụ trì tu viện Bát Nhã. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bổ nhiệm Phó Trụ trì Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm cho một vị từ Thượng tọa lên Hòa thượng mà không qua ý kiến trụ trì Tu viện Bát Nhã và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
 
Qua đó, ông Xuân lên án Thiền sư Thích Nhất Hạnh "can thiệp vào nội bộ của GHPGVN, vi phạm Hiến chương GHPGVN và pháp luật Việt Nam".
 
Theo giới quan sát, sau khi tiếp cận và kiểm chứng nhiều nguồn tin đa chiều cũng như tham khảo những văn thư, công văn của các cơ quan BTGCP, GHPGVN, và Chính quyền các cấp tại địa phương, nhất là Ban Trị Sự (BTS) tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng cho thấy lời cáo buộc của ông Xuân đối với Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên đây hoàn toàn không đúng với sự thật. Vì Thiền sư Thích Nhất Hạnh chưa bao giờ "tấn phong giáo phẩm cho một vị từ Thượng tọa lên Hòa thượng" mà ông Xuân vừa vu cáo. Hơn nữa, là một bậc đạo sư có hơn 68 hạ lạp, được thế giới kính trọng như bậc Thầy, là Sử gia, Học giả,... là Kiến trúc sư cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, và thế giới qua nhiều thời đại, hơn ai hết Thiền Sư hiểu rất rõ thế nào là Giáo Lý, Giáo Luật, và Giáo Chế, thì làm sao có thể phạm vào một lỗi lầm tầm thường đến như thế. Rõ ràng, chỉ có kẻ không có khái niệm căn bản về ba lĩnh vực đó mới có thể đặt điều vu cáo một cách ấu trỉ như thế.
 
2. Cũng theo ông Xuân: vì Thiền sư Thích Nhất Hạnh "can thiệp vào nội bộ của GHPGVN, vi phạm Hiến chương GHPGVN và pháp luật Việt Nam". (Ông Xuân đặt điều và cáo buộc không có cơ sở) cho nên: ngày 1/9/2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi có đơn không bảo lãnh cho những người tu theo pháp môn Làng Mai ở lại đây.
 
Một cách dễ hiểu, ông Xuân đã tự đặt điều rồi lấy đó làm lý do cho việc Thượng tọa Thích Đức Nghi có đơn không bảo lãnh cho những người tu theo pháp môn Làng Mai ở lại đây. Và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc bạo động lớn nhỏ từ đầu tháng 6 đến ngày Tăng thân Bát Nhã tan rã (30.12.2009) trước một ngày theo lệnh của Chính quyền Bảo Lộc bắt Thượng tọa Thích Thái Thuận phải ký tờ Cam Kết vào trưa ngày 11.12.2009 (Xem vidéo Sự kiện Phước Huệ - version complet).
 
Cũng theo giới quan sát, tính từ đầu sự vụ cho đến ngày hôm nay: Ít nhất cũng đã có 3 lần Việt Nam đưa ra lý do cho việc giải tán tập thể gần 400 tu sĩ Phật giáo tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã tỉnh Lâm Đồng, và cả 3 lần đều không trùng hợp nhau, 3 lần là 3 lý do khác nhau và không có lý do nào có cơ sở. Xin điểm lại 2 lần trước đây:



  • Lần thứ hai do Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra trong một cuộc họp báo định kỳ vào ngày 13.8.2009, ông Lê Dũng, người Phát ngôn của Bộ nói: "Tu Viện đã diễn giảng những bài học Phật Giáo "không được phép" của Giáo Hội".



Cùng lúc Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã tự thú nhận: sẽ Trục xuất 379 tu sĩ ra khỏi tu viện Bát Nhã, thời hạn chót cho các tu sĩ này phải ra khỏi Tu Viện là 2 tháng 9 năm 2009. Ngoài ra, khi được hỏi: Lý do gì mà từ tháng Sáu vừa qua các tu sĩ này lại bị một nhóm người hung hăng kéo tới làm dữ đuổi đi. Và liên tục từ đó đến giờ Tu Viện bị cúp nước, cắt điện? Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao nói rằng: "sở dĩ có chuyện cắt cúp điện nước là vì lệ phí không được thanh toán" (Tin La Croix ngày 13/08/2009). Tức khắc, các tu sĩ Tăng thân Bát Nhã đã trưng dẫn những chứng từ chứng minh lời nói của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam là không đúng sự thật. (xem ở đây).



  • Lần thứ nhứt do BTG và UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng đưa ra là: "400 tu sĩ tu theo pháp môn Làng Mai hiện đang tu học tại đây có biểu hiện hoạt động chính trị", do các đài truyền thanh và truyền hình Lâm Đồng chuyển tải trong bản tin Thời sự trong những tuần lễ đầu của tháng 5 năm 2009. (xem tin: 1 | 2).



Chỉ cần bao nhiêu đây cũng đủ chứng minh cho chủ trương nhất quán của Nhà nước CHXHCNVN từ Trung ương địa phương trong việc Giải tán Tăng thân, và cướp đoạt tài sản tu viện Bát Nhã rồi.
 
Nếu phản biện thêm những lời nói không đúng sự thật của ông Xuân, ông Đồng trong cuộc họp báo chiều nay thì cách chạy chối sự thật của Nhà nước ta càng thêm lộ liễu một cách vô cùng tệ hại. Chẳng hạn như thông tin mà ông Xuân viện dẫn, xin trích: "Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn đã chủ động ... đề nghị được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn giải quyết việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, Thiền sư đã từ chối với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo"
 
Tại sao Việt Nam lại muốn gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn giải quyết việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng ? Một ông quan Thứ trưởng cấp Bộ mà lại ngu xuẩn đến mức độ như thế này, thì hỏi sao Trung Quốc không đè đầu cởi cổ Đảng và Nhà nước ta cho được!!! Thưa quý Ngài:



  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh có phải là Viện chủ tu viện Bát Nhã đâu mà quý Ngài cần gặp để bàn giải quyết vụ việc? Xin thưa với quý Ngài rằng: Đối với tu sinh của tu viện Bát Nhã, kể cả Thượng tọa Thích Đức Nghi, và một số đệ tử của Thượng Tọa, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ là bậc đạo sư, một người Thầy dạy đạo mà thôi. Xin nhắc để quý Ngài nhớ rằng, ngày Thượng tọa Đức Nghi quỳ gối dâng cúng Tu Viện cho Thiền Sư, Thiền Sư đã trả lời rằng: Tu viện là của quý vị, không phải của tôi, tôi chỉ hướng dẫn quý vị tu tập mà thôi, do đó mọi vấn đề khác của Tu Viện quý vị tự lo lấy. Rồi từ đó, đích thân Thượng tọa Đức Nghi làm đơn, đứng đơn, ký tên xin phép với BTG, GHPGVN, Chính quyền các cấp cho mọi sinh hoạt của Tu Viện, và cũng chính Thượng tọa Thích Đức Nghi ký tên ra Thông cáo Chiêu sinh,... và từ đó mới có 379 vị tu sinh hợp thành Tăng thân Bát Nhã tu theo pháp Làng Mai tại tu viện Bát Nhã tỉnh Lâm Đồng.  






  • Quý Ngài đã chạy chối sự thật về chủ trương, chánh sách khống chế Tôn giáo, ở đây là Phật giáo qua GHPGVN và giải tán Tăng thân Bát Nhã bằng lý do "Vụ việc ở Bát Nhã là mâu thuẫn nội bộ người tu" (sic) thì cũng phải khôn ngoan một chút chứ có đâu mà ấu trỉ và ngu xuẩn đến mức độ trút hết trách nhiệm lên đầu Thiền sư Thích Nhất Hạnh một cách vô lý như thế? Đã tự đổ thừa vụ việc đàn áp bằng bạo lực, đánh tan rã một Tăng thân gần 400 tu sĩ là do mâu thuẫn nội bộ cớ sao lại đi tìm một người không dính dáng gì tới vấn đề tổ chức của nội bộ đó để bàn giải quyết? Tại quý Ngài không bàn với Thượng tọa Đức Nghi, với Đại diện Tăng thân Bát Nhã với BTS tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng?



Rõ ràng là Đảng ta, Nhà nước ta có gian mà không có ngoan, dấu đầu lòi đuôi, lạy ông con ở bui này. Than ôi! Chưa hết, đã nói rằng "Vụ việc ở Bát Nhã là mâu thuẫn nội bộ người tu" thì tại sao khi GHPGVN (GH của những người tu) có Văn thư Thỉnh cầu Bộ Công an, BTGCP, và Chính quyền cùng Ban ngành địa phương chấp thuận Đơn xin bảo lãnh Tăng thân Bát Nhã của hai vị Viện chủ: tu viện Toàn Giác ở Đồng Nai và Thiền viện Vạn Hạnh ở Lâm Đồng (xem ởđây) mà chính ông Xuận với cương vị Phó Trưởng ban thường trực BTGCP đích thân ký công văn số:1185/TGCP-PG bác bỏ Thỉnh cầu của Hòa thượng Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Đồng Trị Sự GHPGVN Thích Thiện Nhơn ký gửi.
 
Thưa Ngài Phó Trưởng ban thường trực BTGCP đã là chuyện mâu thuẫn nội bộ người tu với nhau thì cớ gì Ngài lại can thiệp vào chuyện nội bộ của người tu để phải mắc công họp báo quốc tế mà đặt điều và chạy trốn sự thật như thế, vừa làm ô danh dân Việt, vừa tự tố cáo với thế giới rằng Nhà nước ta tồn tại là nhờ vào Bạo lực và Dối trá. Dối trá để che đậy Bạo lực, để Đảng tồn tại trên ngôi vị Thống trị thì phải nhờ đến Bạo lực, vì nhờ vào Bạo lực Đảng ta mới cướp được Chính quyền này, có phải không ạ! Đảng đã không học tập như thế cho quần chúng nhân dân ta sao.
 
Thiết nghĩ, bao nhiêu đây cũng đã đủ cho Đảng ta, và Nhà nước ta biết là quốc dân không quá ngu như quý Ngài tưởng, và hy vọng trong tương lai, nếu lỡ ăn vụng thì xin chùi mép sạch hơn một chút, kẻo bàng dân thiên hạ cười mà chết. Đối với những lời tuyên bố ngây ngô của ngài Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Đông thì không cần phải bàn chi cho mất thì giờ của bà con, chỉ cần xem mấy cái vidéo phổ biến ở đầu trang Phù Sa là đủ rồi.
 

Lê Nguyên,

11.1.2010. Theo dòng Thời sự trên bản tin Vietnamnet 'Vụ việc ở Bát Nhã là mâu thuẫn nội bộ người tu'

Cập nhật lúc 19:31, Thứ Hai, 11/01/2010 (GMT+7).

Tin liên quan:

"Bauxite Việt Nam" quyết sống!


Phải khẳng định rằng đối với Loài Người Văn Minh, thông tin chuyển tải trên Internet đã trở nên thiết yếu tới mức không có nó thì không thể tồn tại, như oxy đối với sự sống vậy. Cũng như thế, từ 8 tháng nay với 17 triệu rưỡi lượt truy cập - một con số kỷ lục, trang mạng Bauxite Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, tập hợp trên 3 nghìn chữ ký của giới trí thức Việt Nam và các tầng lớp nhân dân vào Kiến nghị quyết liệt phản đối Chính phủ cho phép khai thác bauxite tại Tây Nguyên tiếp nối những bức tâm thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cùng vấn đề, đã thực sự trở thành dinh dưỡng hàng ngày của tất cả những ai “con Lạc cháu Hồng” ứa máu với Hoàng Sa, đau đáu với Trường Sa, với sinh mệnh của Tổ quốc đang lâm nguy bởi “liên minh ma quỷ” giữa các thế lực tham nhũng trong nước và bành trướng phương Bắc. Cũng chính vì vậy, với Bauxite Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam Cộng sản, “xã hội dân sự” – thành phần quyết không thể thiếu của bất kỳ quốc gia Dân chủ và Pháp quyền nào, đã được thị phạm một cách vô cùng hoành tráng và sinh động!

Thế nhưng từ ngày 12 tháng 12 năm ngoái, 2009, Bauxite Việt Nam liên tục bị “tin tặc” đánh phá khốc liệt, mạng bị sập nhiều lần, thậm chí cả các hộp thư điện tử cá nhân của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Nhà giáo Phạm Toàn cũng bị chúng trộm cắp mật khẩu hoặc “nhái” địa chỉ để “chế” và phát tán một số thư mạo danh người này để đả kích người nọ. Nếu như hành vi đầu cùa “tin tặc” dù là thô bạo và trắng trợn nhưng cũng chẳng làm nhụt được chí của ai thì hành vi sau của chúng quả vô cùng hiểm độc bởi không chỉ nhằm ly gián những người chủ trương Bauxite Việt Nam với nhau mà chính là nhằm ly gián những người ký Kiến nghị và ủng hộ với trang mạng hòng đẩy cả một phong trào yêu nước và dân chủ rầm rộ nhất từ trước đến nay đi đến chỗ tan rã.

Thế nhưng như mọi người đã thấy, những mưu đồ nói trên đã thất bại thảm hại với lời kết án “bọn lưu manh tin học” thật đanh thép và đầy khinh bỉ của Nhà giáo Phạm Toàn, với các thư “chế” sặc mùi mật thám tuốt tuột bị vụt vô sọt rác mà bằng chứng là không có bất cứ trang mạng nào dù trong hay ngoài nước đăng lại. Mặc dù vậy, để khôi phục một cách bền vững Bauxite Việt Nam, không thể không đặt câu hỏi: Ai là kẻ chủ mưu và ai là kẻ thực hiện những hành vi bỉ ổi ấy?!

Tất cả những ý kiến mà tôi nghe được cho đến nay đều cho rằng hỏi tức trả lời: Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo “xoá” Bauxite Việt Nam bởi run sợ trước ảnh hưởng xã hội ngày một lớn của trang mạng có được bằng những phản biện quyết liệt mà khoa học và đúng pháp luật đối với quyết định cho phép khai thác bauxite tại Tây Nguyên và các quyết định trái pháp luật khác của Chính phủ và Thủ tướng, bằng những phanh phui không khoan nhượng những bất cập, tha hoá và phản dân chủ của hệ thống chính trị hiện hành cốt lành mạnh hoá hệ thống, và chỉ đạo này đã được “ẩn” dưới Công văn 8500/VPCP-TH do Thủ tướng ký đầu tháng 12/2009 giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra các trang mạng "có phép và không phép" và báo cáo Thủ tướng trước 15/12/2009! Tuy nhiên tôi khẳng định những ý kiến trên là không đúng vì đã đánh giá quá thấp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bởi dẫu có bất đồng chính kiến với Bauxite Việt Nam dến đâu, không đời nào Thủ tướng - người không ngớt hô hào xây dựng Nhà nước pháp quyền vì Dân - lại có thể hành xử phản pháp luật đến như vậy! Thực thế, các hành vi phá hoại trên của “tin tặc” đã xâm phạm nghiêm trọng những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và Pháp luật bảo hộ và bị các Nhà lập pháp liệt vào danh sách tội phạm thể hiện tại các quy định pháp luật sau:

-    Điều 69 Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin…”

-    Điều 73 Hiến pháp: “Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được đảm bảo an toàn, bí mật”.

-    Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh bưu chính, viễn thông: “Nghiêm cấm thu trộm, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông, trộm cắp, sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.

-    Điều 125 Bộ Luật hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” quy định: “Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền bằng phương tiện viễn thông và máy tính, hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” với hình phạt “cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm” trong trường hợp “có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều này.

Vậy để trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời gián tiếp chứng minh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “vô can” một cách có căn cứ pháp luật, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Nhà giáo Phạm Toàn với tư cách chủ nhân trang mạng Bauxite Việt Nam, chủ nhân của những hộp thư điện tử bị tin tặc trộm cắp mật khẩu, khoá mật mã và chủ nhân của những thư điện tử bị tin tặc chiếm đoạt, hoàn toàn có quyền yêu cầu Nhà nước “nhập cuộc” bằng cách căn cứ Điều 100 (Căn cứ khởi tố vụ án hình sự) và Điều 101(Tố giác và tin báo về tội phạm) Bộ Luật tố tụng hình sự để làm đơn tố cáo hoặc tố giác gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về các tội phạm trên của “tin tặc” và đề nghị khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” theo Điều 125 Bộ Luật hình sự để truy tìm và đưa ra trước vành móng ngựa “bọn lưu manh tin học” và những kẻ chủ mưu (nếu có).

Song song, hai ông có thể cậy tới sự giúp đỡ của Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, người đã rất thành công trong việc tổ chức tấn công và chiếm quyền kiểm soát hai máy chủ ở Anh được cho là nguồn gốc điều khiển các cuộc tấn công vào các trang web của Hàn Quốc và Mỹ vào tháng 7 nắm ngoái. Tôi tin Tử Quảng không hổ danh Hiệp sĩ và cũng là một người yêu nước chân chính (bố vợ là Nhà báo Đăng Ngọc, Phó Tổng biên tập báo Đại đoàn kết bị buộc thôi việc do ngày 6/11/2007 đã đăng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên giáp phản đối phá bỏ Hội trường Ba Đình để xây Nhà Quốc Hội), sẽ hết mình vì Bauxite Việt Nam!

“Quyết sống!”, đó là câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi gửi cá nhân tôi ngay khi Bauxite Việt Nam bị đánh sập. Không nghi ngờ gì nữa, đó cũng là lời tuyên thệ long trọng của những người khởi xướng trang mạng, tiếp nối lời thề “Quyết Tử cho Tổ quốc quyết Sinh” của những bậc Anh hùng nước Việt Mùa Đông năm 1946. Hậu sinh Cù Huy Hà Vũ này chỉ có thể nghiêng mình và noi theo trước khí phách của các Ông, những Chu Văn An – “Thất trảm sớ” thời nay, với niềm tin chắc nịch rằng những Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng cùng hàng ngàn Nghĩa sĩ của Phong trào Kiến nghị 2009 đã và đang làm nên Lịch sử!

Hà Nội, mùa Đông 4/01/1010

Việt Nam: Một năm nhìn lại


Năm 2009 có thể coi là một năm có nhiều biến động và thách thức đối với Việt Nam. Nhân dịp đầu năm dương lịch, Blog Góc nhìn Kinh tế muốn cùng quý vị và các bạn điểm lại các sự kiện chính, các thành công cũng như thất bại của Việt Nam trong năm vừa qua.

Kỳ 1- Kinh tế VN trong năm 2009

Việt Nam bước vào năm 2009 trong khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng tốc. Là một nước tăng trưởng dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, VN chịu ảnh hưởng lớn từ doanh số xuất khẩu giảm sút và đầu tư nước ngoài thu hẹp. Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của VN giảm 11.4% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm chỉ xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những thử thách to lớn đối với nền kinh tế và với chính phủ – với tư cách là người lèo lái con thuyền này.

Lèo lái tốt trong khủng hoảng: Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng kinh tế ước tính của năm 2009 vẫn lên tới 5.2% (sau khi đã khấu trừ lạm phát). Việt Nam là nước duy nhất trong khối ASEAN luôn tăng trưởng trong tất cả 4 quý của năm 2009. Thành tích tăng trưởng này được Ngân hàng Thế giới tán dương với nhận định “kinh tế Việt Nam chèo chống tương đối tốt qua cuộc khủng hoảng,” còn IMF thì tuyên bố Việt Nam chắc sẽ làm tốt hơn các nước láng giềng trong giai đoạn hồi phục.”

Duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt trong điều kiện thế giới chìm đắm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái rõ ràng là thành tích ấn tượng nhất trong lĩnh vực quản lý kinh tế của chính phủ trong năm 2009.



Hình 1: Chỉ số VN-Index từ cuối 2008 tới nay
Nguồn: Bloomberg


Thị trường chứng khoán VN (TTCK) hồi phục: TTCK bắt đầu năm 2009 với VN-Index nằm ở mức 315 điểm, sau đó tụt xuống thấp nhất ở mức 235 điểm vào ngày 24 tháng 2 (giảm 25.4%). Từ đó tới nay, TTCK đã hồi phục mạnh mẽ, VN-Index đạt trần vào ngày 22 tháng 10 với mức 624 điểm, tức là tăng khoảng 100% so với hồi đầu năm và 165% so với thời điểm chỉ số này chạm đáy. Tuy nhiên, VN-Index đã liên tục giảm trở lại từ cuối tháng 10 và hiện nay chỉ còn ở mức 440 điểm (số liệu trong ngày 16 tháng 12). Đà giảm điểm này có lẽ còn kéo dài nữa do vấn đề thanh khoản (liquidity) trong hệ thống ngân hàng ở VN.
Thâm hụt mậu dịch và sức ép phá giá tiền tệ: Ngược lại với các điểm sáng kể trên, kinh tế Việt Nam vẫn còn đang gặp phải vô số khó khăn trong ngắn hạn. Thâm hụt mậu dịch quốc tế vẫn liên tục tăng từ hàng chục năm nay tạo nên sức ép thường trực lên giá trị của đồng VND. VN đã phải tuyên bố phá giá 5.4% giá trị đồng VND vào hồi cuối tháng 11 vừa rồi mặc dù chỉ vài ngày trước đó các chính trị gia hàng đầu của đất nước vẫn khẳng định như đinh đóng cột là không có chuyện phá giá.

Đầu tư nước ngoài ít thực chất: Do sức ép phải duy trì được thành tích kêu gọi vốn nước ngoài, Việt Nam đã phải chấp nhận cho FDI đi mạnh vào các khu vực “bong bóng” như bất động sản và du lịch thay vì vào các khu vực công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng, hay giáo dục là các khu vực có tác dụng nâng cao năng suất của nền kinh tế về dài hạn. Tỉ lệ FDI đầu tư vào bất động sản trong năm 2008 là 36.8% và trong 10 tháng đầu năm 2009 là 30% ($5.67 tỉ trong tổng số khoảng $19 tỉ). Nếu tính cả số FDI đầu tư vào dịch vụ du lịch thì vốn FDI vào bất động sản và du lịch chiếm tới 76% trong tổng số vốn FDI đầu tư vào VN trong 10 tháng đầu năm 2009.

Khả năng trả nợ của quốc gia ngày càng bị đánh giá thấp: Xếp hạng tín dụng quốc gia đang ngày càng kém đi. Hiện nay các khoản nợ quốc gia của Việt Nam được Moody xếp hạng Ba3 và Standard & Poor’s xếp hạng BB. Hồi giữa năm 2008, Standard & Poor’s đã hạ thấp mức xếp hạng chỉ số tín dụng quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” (stable) xuống “tiêu cực” (negative). Một báo cáo gần đây của Nomura còn khuyến cáo rằng Việt Nam đang đứng trước khả năng tiếp tục bị đánh tụt hạng tín dụng. Vì bị xếp hạng tín dụng thấp, khả năng huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài ngày càng khó khăn.

Cuộc đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng tín dụng: Việt Nam hứng chịu sức ép lạm phát trong suốt cả năm 2009 do tăng trưởng tín dụng nhanh và giá nguyên vật liệu thô tăng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tìm cách kiềm chế đà tăng này bằng cách yêu cầu các ngân hàng duy trì mức tăng tín dụng cả năm không quá 30%. Tuy nhiên, chỉ trong 11 tháng từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã lên tới 36%. Vì thế, mức lạm phát cả năm hiện nay được dự tính sẽ vào khoảng 6.8%. Ngân hàng phát triển Châu Á hồi cuối tháng 9 vừa qua còn dự báo lạm phát của năm 2010 ở Việt Nam có thể lên tới 8.5% nếu chính phủ tiếp tục duy trì gói kích thích tài chính.

Để ngăn chặn khả năng lạm phát quá cao, hồi cuối tháng 11 này, NHNN đã phải tăng lãi suất cơ bản và yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) hạn chế cho vay vào các mục đích phi sản xuất. Hậu quả là nguồn tín dụng cho chứng khoán và nhà đất bị thu hẹp một cách bất ngờ. Chính vì vậy mà TTCK tiếp tục tụt dốc không phanh, còn thị trường bất động sản thì cũng được VNeconomy mô tả là “bong bóng đang xì hơi.”

Hiệu quả sử dụng vốn quá thấp: Một thước đo thường được sử dụng để xác định hiệu quả sử dụng vốn là Tỉ lệ vốn tăng thêm trên sản lượng (ICOR-Incremental Capital Output Ratio). Ti lệ này cho biết mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn trong sản xuất. ICOR càng cao có nghĩa là Việt Nam càng phải sử dụng nhiều vốn hơn chỉ để sản xuất ra một sản lượng như trước.
Nghiên cứu của Deutsche Bank cuối năm 2007 đã kết luận “không may là hiệu quả của vốn đầu tư của Việt Nam đã ngày càng kém đi trong nhiều năm trở lại đây. ICOR của Việt Nam [năm 2006] là 4.2, cao hơn nhiều so với Trung Quốc khi đó là 3.7 hay Ấn Độ là 3.3.” Theo một nghiên cứu được Intellasia trích đăng lại thì ICOR trong năm 2007 là 4.76.

Có vẻ như chỉ số này của năm 2009 còn kém hơn nữa. Khi được đề nghị dự báo về chỉ số cho năm 2009, ông Bùi Bá Cường của Tổng cục Thống kê đã trả lời: “Đầu tư của nhà nước tăng bất thường lên hơn gấp rưỡi – tính theo giá thực tế, mà tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,2% thì rõ ràng là ảnh hưởng đến ICOR rồi.” 

Hiệu quả sử dụng vốn thấp đồng nghĩa với giá thành cao và khả năng cạnh tranh của hàng hóa ở Việt Nam sẽ phải kém đi tương đối. Điều này hoàn toàn bất lợi cho một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Các lãnh đạo của Việt Nam hiểu rõ vấn đề này, ngay đến như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng bình luận: “ICOR tăng cao thế là rất đáng lo ngại nhưng cần có đánh giá thêm của các nhà khoa học.”

Nền kinh tế “chạy” không nhanh nhưng luôn “quá nóng”: Điểm đau đầu nhất mà chính phủ của Thủ tướng Dũng đang gặp phải có lẽ là kinh tế Việt Nam đang bị coi là ở trong tình trạng “quá nóng” mặc cho tốc độ tăng trưởng không thực sự cao nếu so sánh với tốc độ phát triển kinh tế của các nước Đông Á hay Trung Quốc một vài thập niên trước. Mấu chốt của vấn đề này có lẽ ở chỗ cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang bị mất cân đối nghiêm trọng và cần phải được điều chỉnh về cơ bản.

Hiện nay các chủ nợ như ADB đang kêu gọi Việt Nam nên tăng trưởng chậm lại và tập trung vào giải quyết các vấn đề đang tồn đọng, tái cấu trúc cơ cấu kinh tế nhằm duy trì được khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Kỳ 2- Chính trị 

Thay đổi đường lối đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc: Năm 2009 đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam. Điểm dễ thấy là Việt Nam đang tích cực tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương với Hoa Kỳ. Trong những tháng cuối năm, lịch thăm viếng của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Mỹ có thể nói là dày đặc: Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ vào tháng 9, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm thăm Mỹ vào tháng 10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm vào tháng 11 còn Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thì thăm Mỹ vào tháng 12. Phía Hoa Kỳ thì một mặt đang cân nhắc việc bán vũ khí cho Việt Nam, mặt khác đang tìm cách lôi kéo Việt Nam tham gia vào một tổ chức mậu dịch có tên là Hiệp định Đối tác Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tỏ ra cứng cỏi hơn và công khai hơn trong cách ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông. Từ đầu năm trở lại đây, báo chí trong nước liên tục đăng tải các sự kiện có liên quan tới Biển Đông. Các kênh truyền hình cũng làm các chuyên đề về Biển Đông trong khi các trường Đại học và các nhóm nghiên cứu thì tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, như hồi năm 2005, khi sự kiện hải quân Trung Quốc thảm sát dân thường Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, việc đưa tin và thảo luận công khai về các vấn đề này vẫn bị coi là hết sức nhạy cảm.

Nỗ lực bang giao với Vatican chưa thành công: Trong nỗ lực đặt quan hệ ngoại giao với Vatican, Chủ tịch Triết đã hội kiến với Ðức giáo hoàng Bennedict XVI tại Vatican hồi giữa tháng 12 vừa rồi. Ngay trước buổi hội kiến này, Chủ tịch Triết đã trả lời báo Corriere della Sera rằng “chúng tôi đang xúc tiến để thiết lập bang giao chính thức với Vatican.” Cuộc gặp với Ðức giáo hoàng đã kéo dài tới 40 phút, gấp đôi thời lượng dự tính ban đầu. Thế nhưng kết cuộc thì hai bên vẫn chưa đi tới được thỏa thuận cuối cùng về việc thiết lập bang giao.

Theo các hãng tin nước ngoài, một trong những khúc mắc hai phía cần tập trung giải quyết là tài sản của Giáo hội bị chính phủ tịch thu sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau 1975 ở miền Nam. Một vấn đề khác có lẽ cũng quan trọng không kém là việc Việt Nam từ trước tới nay vẫn dành quyền phủ quyết các quyết định bổ nhiệm nhân sự của Vatican trên lãnh thổ Việt Nam.

Nếu như Vatican chịu nhượng bộ Việt Nam trên vấn đề tranh chấp đất đai thì có lẽ sẽ là dấu chấm hết cho các cuộc đấu tranh đòi đất của các nhà thờ công giáo từ Bắc vào Nam.

Quản lý blog và hạn chế phản biện: Năm 2009 cũng đánh dấu bước chuyển biến mới trong chính sách của Việt Nam đối với giới bloggers và những người làm công tác phản biện. Tháng 8 năm qua được đánh dấu bởi một loạt các vụ bắt giữ những bloggers có tên tuổi ở Việt Nam như Bùi Thanh HiếuPhạm Đoan Trang. Từ phía chính quyền, bà Nguyễn Thanh Nga của Bộ Ngoại giao chỉ khẳng định họ bị bắt giữ vì “có những dấu hiệu xâm hại an ninh quốc gia.” Tuy nhiên bà Nga không nói rõ đó là các dấu hiệu gì, và những dấu hiệu này sau đó cũng không thấy được nhắc tới nữa.

Gần đây, từ đầu tháng 11 vừa qua, trang mạng Facebook – là trang được những người trẻ tuổi ở Việt Nam ưa chuộng – đã bị hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISPs) ở Việt Nam ngăn chặn. Facebook tuy không phải là một trang cung cấp dịch vụ blogging nhưng là một mạng lưới xã hội cực mạnh giúp người dùng nhanh chóng phổ biến các thông tin cho bạn bè và những người trong mạng lưới của mình. Theo VOA, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) của Việt Nam khẳng định họ không có liên hệ gì đến việc giới sử dụng Internet ở trong nước hiện không truy cập được trang mạng Facebook. Nếu VOA đưa tin đúng, thì tuyên bố này của Bộ TT&TT không có nghĩa facebook không bị chặn, mà chỉ có nghĩa việc chặn này không phải do Bộ TT&TT làm.

Liên quan tới phản biện, Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg do Thủ tướng Dũng ký hồi tháng 7 vừa rồi đã yêu cầu các tổ chức nghiên cứu “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.” Việc này đã gây ra một số phản ứng trong giới nghiên cứu và phản biện chính sách. Điển hình nhất là sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã tuyên bố đóng cửa vào ngày 14 tháng 9 vừa qua. IDS là một think tank tư nhân có uy tín vào bậc nhất ở Việt Nam do các nhà khoa học có tên tuổi thành lập. Sự kiện IDS giải thể để phản đối quyết định này đã gây ra chấn động khá lớn trong giới trí thức Việt Nam.

Vụ án xâm phạm an ninh quốc gia Lê Công Định: Năm 2009 cũng được đánh dấu bởi vụ án xâm phạm an ninh quốc gia liên quan tới luật sư Lê Công Định và các đồng sự của ông. Vụ án này gây chấn động lớn trong dư luận không phải vì tính nghiêm trọng của nó mà vì sự nổi tiếng cá nhân của những người bị bắt trong vụ án như Luật sư Định hay ông Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức cùng với việc nhà nước Việt Nam nhanh chóng công bố các video có ghi hình ảnh họ đọc biên bản nhận tội.

Khác với các vụ án của các thế hệ đi trước như Lê Chí Quang hay Nguyễn Khắc Toàn, vụ án liên quan đến nhóm của LS Định đã được giới trí thức, sinh viên, và các chuyên viên cổ cồn trắng nói chung đặc biệt quan tâm. Lý do như đã nói ở trên là vì sự nổi tiếng cá nhân của họ. Thí dụ như LS Định có vợ là một cựu hoa hậu, còn ông Nguyễn Tiến Trung thì đã từng hội kiến với nhiều chính khách lớn của nước ngoài. Tuổi tác, học vấn và sự thành đạt của họ cũng khiến họ được ngưỡng mộ và đồng cảm. Ngoài ra, nhận thức của công chúng thành thị ở Việt Nam cũng đã có những bước chuyển biến khá rõ nét so với hồi năm 2001.

Theo báo chí Việt Nam, nhóm của LS Định đã cấu kết với một số người Việt phản động ở nước ngoài nhằm thành lập ra các tổ chức đảng với mục tiêu lâu dài là cạnh tranh quyền lực với ĐCS. Nhà nước Việt Nam coi hoạt động này là vi phạm pháp luật (hiến pháp Việt Nam quy định ĐCS là đảng duy nhất có độc quyền lãnh đạo đất nước). Việt Nam trước đây từng có các đảng anh em bên cạnh ĐCS. Tuy nhiên, những người anh em này sau đó được cho là không cần thiết nữa nên đã tự nguyện giải thể.

Kỳ 3- Xã hội


GS. Ngô Bảo Châu được báo Times vinh danh: Tờ báo này đã bình chọn GS Châu là người có một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009. Đây là một thành tích cá nhân của GS Châu, nhưng cũng là một niềm vui cho những người Việt Nam làm khoa học và cũng là một điểm sáng của nền giáo dục Việt Nam vốn trước nay bị chê bai là yếu kém.

GS Châu sinh năm 1972 và lớn lên ở Việt Nam. Ông từng học ở khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Có thể coi ông là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam, và đặc biệt là sản phẩm của mô hình “trường chuyên, lớp chọn” – là một mô hình cũng bị phê phán nhiều vì khuyến khích trẻ em học lệch về một số môn học nhất định.

Bauxite Tây nguyên và mối lo mang tên Trung Quốc: Năm 2009 cũng được đánh dấu bởi sự phản đối quyết liệt của dư luận, đặc biệt là trong giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Hàng loạt các tên tuổi lớn đại diện cho trí tuệ Việt Nam đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị gởi lên Quốc hội và Chính phủ yêu cầu đình chỉ các dự án này. Sự lên tiếng của các nhà khoa học đã tạo ra một làn sóng công luận rộng rãi khắp cả nước về vấn đề này. Từ chỗ không chủ trương đưa ra Quốc hội, các dự án ở Tây Nguyên đã được đưa ra thảo luận công khai trong phiên họp lần thứ 5 của cơ quan lập pháp hồi tháng 5 năm qua.

Lý do mà phe phản đối đưa ra là dự án này không có hiệu quả kinh tế và tai hại về môi trường. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề gây phản ứng dữ dội nhất trong công chúng là vai trò của Trung Quốc trong dự án này. Nhiều người cho rằng Trung Quốc hiện nay đang tìm cách bòn rút tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, từ ếch nhái, cua, cá, rắn rết, hải sâm, rong biển, ba ba thuồng luồng đến quặng kim loại. Đó là chưa kể sự xuất hiện bất thường của rất đông công nhân người Trung Quốc trên các công trường bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ gây ra quan ngại về an ninh quốc gia.

Những bức xúc này, kèm theo việc Trung Quốc liên tục lấn át và gây hấn trên Biển Đông đã khiến nhiều người Việt lo ngại và bất bình. Năm 2009 có lẽ là năm mà mối lo mang tên Trung Quốc ở Việt Nam được bộc lộ rõ ràng nhất trong công luận.

Thất vọng lớn của bóng đá nam tại SEA Games: Đội tuyển U23 làm tan nát lòng người hâm mộ – vốn rất đông – ở Việt Nam khi để thua trước Malaysia trong trận chung kết bóng đá nam hôm 17 tháng 12 năm qua.

Xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội yêu bóng đá, đặc biệt là bóng đá nam. Người Việt yêu bóng đá tới mức Việt Nam có bao nhiêu huy chương vàng trong bảng tổng sắp của SEA Games cũng không có ý nghĩa gì đặc biệt nếu VN không thành công ở môn bóng đá nam. Thanh niên Việt Nam chỉ xuống đường ăn mừng (và một số xuống đường để quậy phá) nếu đội tuyển U23 của Việt Nam thắng lợi. Và đội tuyển này đã làm đúng những gì người hâm mộ Việt Nam mong muốn – trừ ở trận trung kết.

Bóng đá không phải là một môn thể thao mà Việt Nam có thế mạnh. Việt Nam từng đạt được huy chương của Thế vận Hội ở một số môn như taekwondo và cử tạ. Đối với môn bóng đá nam, trong suốt 50 năm qua, Việt Nam chưa lần nào dành được huy chương vàng ở giải đấu khu vực Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Vì sao người Việt yêu thích môn bóng đá đến vậy là một câu hỏi khó trả lời. Có lẽ vì người Việt nói chung rất ít chơi thể thao, vì thế cũng không biết đến nhiều môn thể thao đa dạng. Bóng đá là môn được nhiều người chơi nhất, cũng vì thế là môn được nhiều người xem nhất. Từ chỗ đó, nó được nhà nước đầu tư nhiều nhất, và được các doanh nghiệp tài trợ và được quảng bá nhiều nhất.

Bát Nhã và Làng Mai: Sự kiện tu sinh Làng Mai bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã không phải là một sự kiện lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người Việt nhưng lại được các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài theo dõi từng bước.

Cần nhắc lại rằng ở Việt Nam hiện nay chỉ có một giáo hội được công nhận có tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Giáo hội này được tổ chức theo mô hình như một hệ thống cơ quan công quyền, bao gồm cơ quan trung ương, các Tỉnh hội (thành hội) phật giáo ở các tỉnh. Bên dưới nữa là các ban đại diện phật giáo ở các quận, huyện, thị xã. Có thể nói đây là một guồng máy thống nhất, được tổ chức chặt chẽ, và độc quyền trên mọi hoạt động liên quan đến Phật giáo ở Việt Nam.

Thiền sư (TS) Nhất Hạnh và các tu sĩ Làng Mai được chào đón ở Việt Nam hồi năm 2005 và 2007 với tư thế là các vị khách chứ không phải là một giáo hội cạnh tranh. Khi đệ tử của ông là thượng tọa (TT) Đức Nghi đứng ra xin mở các khóa tu ngắn hạn vào hồi tháng 8 năm 2006, nhà nước Việt Nam đã đồng ý và cơ sở của sự đồng ý này là TT Đức Nghi là người của GHPGVN và các khóa tu ở Bát Nhã chỉ là các khóa tu ngắn hạn. Theo các văn bản qua lại giữa TT Ðức Nghi với nhà nước và GHPGVN, các khóa tu ngắn hạn này có thời gian 3 tháng cho mỗi khóa, và sẽ nối tiếp nhau từ cuối tháng 8/2006 tới năm 2010.

Thế nhưng trong các thư từ trao đổi giữa TS Nhất Hạnh và TT Đức Nghi thì TS Nhất Hạnh muốn Bát Nhã trở thành một cơ sở vĩnh viễn của Làng Mai ở Việt Nam, hoạt động độc lập với GHPGVN. Vì chính quyền Việt Nam không chấp nhận một giáo hội khác ngoài GHPGVN, việc tu sinh Làng Mai ở Bát Nhã phải giải tán là kết quả tất nhiên.

Đã có nhiều tiếng nói lên án việc chính quyền buộc các tu sinh Làng Mai phải giải tán. Thế nhưng có vẻ như câu chuyện thực sự ở đây là việc chính quyền Việt Nam chỉ chấp nhận một giáo hội, và chuyện TS Nhất Hạnh muốn phá bỏ quy định này của nhà nước – và ông đã không thành công.

Vụ án PMI và RBA: PMI và RBA chỉ là hai vụ án hối lộ do Nhật Bản và Úc phanh phui, nhưng đều liên quan tới quan chức Việt Nam. Chính vì thế, chúng có ảnh hưởng tai hại tới hình ảnh các quan chức Việt cũng như đến tính khả tín của toàn bộ bộ máy nhà nước nói chung. Nhật Bản thậm chí còn quyết định ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian xuất phát từ vụ án này.

Trong vụ án PCI, quan chức Việt Nam có dính líu tới hối lộ là ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Tuy nhiên, việc điều tra và đưa ông Sỹ ra xét xử từ phía Việt Nam đã tỏ ra chậm chạp. Trong số nhiều lý do được đưa ra có cả lý do cần thời gian để dịch tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp.

Hiện nay ông Sỹ đang ngồi tù nhưng lại không liên quan gì tới vụ án hối lộ của Nhật. Ông Sỹ bị ngồi tù vì đã cho thuê trái phép trụ sở của PMU Đông Tây để lấy tiền chia chác. Tuy nhiên, theo Vnexpress ông chỉ chịu mức án nhẹ (3 năm thay vì 5-6 năm tù theo đề nghị của VKS) vì ông có “công nhiều hơn tội” (?) và có “nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể “tha thiết” đề nghị tòa… giảm nhẹ hình phạt” cho ông.

Khác với vụ PMU, vụ RBA chỉ mới bắt đầu từ hồi tháng 10 vừa qua. Theo văn bản giải trình của Thượng nghị sĩ Bob Brown của Úc trước QH nước này vào ngày 27 tháng 10 thì tập đoàn Reserve Bank of Australia (RBA) đã hối lộ ông Lê Đức Minh, là con trai của cựu thống đốc Lê Đức Thúy. Theo văn bản của TNS Brown thì “vào năm 2002, khi Việt Nam chuyển từ tiền giấy sang tiền polymer, Securency (chi nhánh của RBA) đã kết hợp với công ty CFTD ở Hà Nội và chi nhánh của nó là Banktech. Hồi đầu năm 2002, phó giám đốc Banktech Lê Đức Minh đã đứng ra thực hiện thương vụ này. Securency đã trả nhiều triệu đô la hoa hồng cho các giám đốc của CFTD có quan hệ với các nhân vật chính trị của Việt Nam.”

Phía Úc vẫn chưa đưa vụ án ra tòa và nhà nước Việt Nam vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về sự kiện này.

Bài đã đăng trên VOA
Nguồn : MinhBien.ORG