Năm 2009 có thể coi là một năm có nhiều biến động và thách thức đối với Việt Nam. Nhân dịp đầu năm dương lịch, Blog Góc nhìn Kinh tế muốn cùng quý vị và các bạn điểm lại các sự kiện chính, các thành công cũng như thất bại của Việt Nam trong năm vừa qua.
Kỳ 1- Kinh tế VN trong năm 2009
Việt Nam bước vào năm 2009 trong khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng tốc. Là một nước tăng trưởng dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, VN chịu ảnh hưởng lớn từ doanh số xuất khẩu giảm sút và đầu tư nước ngoài thu hẹp. Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của VN giảm 11.4% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm chỉ xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những thử thách to lớn đối với nền kinh tế và với chính phủ – với tư cách là người lèo lái con thuyền này.
Lèo lái tốt trong khủng hoảng: Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng kinh tế ước tính của năm 2009 vẫn lên tới 5.2% (sau khi đã khấu trừ lạm phát). Việt Nam là nước duy nhất trong khối ASEAN luôn tăng trưởng trong tất cả 4 quý của năm 2009. Thành tích tăng trưởng này được Ngân hàng Thế giới tán dương với nhận định “kinh tế Việt Nam chèo chống tương đối tốt qua cuộc khủng hoảng,” còn IMF thì tuyên bố Việt Nam chắc sẽ làm tốt hơn các nước láng giềng trong giai đoạn hồi phục.”
Duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt trong điều kiện thế giới chìm đắm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái rõ ràng là thành tích ấn tượng nhất trong lĩnh vực quản lý kinh tế của chính phủ trong năm 2009.
Hình 1: Chỉ số VN-Index từ cuối 2008 tới nay
Nguồn: Bloomberg
Nguồn: Bloomberg
Thị trường chứng khoán VN (TTCK) hồi phục: TTCK bắt đầu năm 2009 với VN-Index nằm ở mức 315 điểm, sau đó tụt xuống thấp nhất ở mức 235 điểm vào ngày 24 tháng 2 (giảm 25.4%). Từ đó tới nay, TTCK đã hồi phục mạnh mẽ, VN-Index đạt trần vào ngày 22 tháng 10 với mức 624 điểm, tức là tăng khoảng 100% so với hồi đầu năm và 165% so với thời điểm chỉ số này chạm đáy. Tuy nhiên, VN-Index đã liên tục giảm trở lại từ cuối tháng 10 và hiện nay chỉ còn ở mức 440 điểm (số liệu trong ngày 16 tháng 12). Đà giảm điểm này có lẽ còn kéo dài nữa do vấn đề thanh khoản (liquidity) trong hệ thống ngân hàng ở VN.
Thâm hụt mậu dịch và sức ép phá giá tiền tệ: Ngược lại với các điểm sáng kể trên, kinh tế Việt Nam vẫn còn đang gặp phải vô số khó khăn trong ngắn hạn. Thâm hụt mậu dịch quốc tế vẫn liên tục tăng từ hàng chục năm nay tạo nên sức ép thường trực lên giá trị của đồng VND. VN đã phải tuyên bố phá giá 5.4% giá trị đồng VND vào hồi cuối tháng 11 vừa rồi mặc dù chỉ vài ngày trước đó các chính trị gia hàng đầu của đất nước vẫn khẳng định như đinh đóng cột là không có chuyện phá giá.
Đầu tư nước ngoài ít thực chất: Do sức ép phải duy trì được thành tích kêu gọi vốn nước ngoài, Việt Nam đã phải chấp nhận cho FDI đi mạnh vào các khu vực “bong bóng” như bất động sản và du lịch thay vì vào các khu vực công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng, hay giáo dục là các khu vực có tác dụng nâng cao năng suất của nền kinh tế về dài hạn. Tỉ lệ FDI đầu tư vào bất động sản trong năm 2008 là 36.8% và trong 10 tháng đầu năm 2009 là 30% ($5.67 tỉ trong tổng số khoảng $19 tỉ). Nếu tính cả số FDI đầu tư vào dịch vụ du lịch thì vốn FDI vào bất động sản và du lịch chiếm tới 76% trong tổng số vốn FDI đầu tư vào VN trong 10 tháng đầu năm 2009.
Khả năng trả nợ của quốc gia ngày càng bị đánh giá thấp: Xếp hạng tín dụng quốc gia đang ngày càng kém đi. Hiện nay các khoản nợ quốc gia của Việt Nam được Moody xếp hạng Ba3 và Standard & Poor’s xếp hạng BB. Hồi giữa năm 2008, Standard & Poor’s đã hạ thấp mức xếp hạng chỉ số tín dụng quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” (stable) xuống “tiêu cực” (negative). Một báo cáo gần đây của Nomura còn khuyến cáo rằng Việt Nam đang đứng trước khả năng tiếp tục bị đánh tụt hạng tín dụng. Vì bị xếp hạng tín dụng thấp, khả năng huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài ngày càng khó khăn.
Cuộc đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng tín dụng: Việt Nam hứng chịu sức ép lạm phát trong suốt cả năm 2009 do tăng trưởng tín dụng nhanh và giá nguyên vật liệu thô tăng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tìm cách kiềm chế đà tăng này bằng cách yêu cầu các ngân hàng duy trì mức tăng tín dụng cả năm không quá 30%. Tuy nhiên, chỉ trong 11 tháng từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã lên tới 36%. Vì thế, mức lạm phát cả năm hiện nay được dự tính sẽ vào khoảng 6.8%. Ngân hàng phát triển Châu Á hồi cuối tháng 9 vừa qua còn dự báo lạm phát của năm 2010 ở Việt Nam có thể lên tới 8.5% nếu chính phủ tiếp tục duy trì gói kích thích tài chính.
Để ngăn chặn khả năng lạm phát quá cao, hồi cuối tháng 11 này, NHNN đã phải tăng lãi suất cơ bản và yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) hạn chế cho vay vào các mục đích phi sản xuất. Hậu quả là nguồn tín dụng cho chứng khoán và nhà đất bị thu hẹp một cách bất ngờ. Chính vì vậy mà TTCK tiếp tục tụt dốc không phanh, còn thị trường bất động sản thì cũng được VNeconomy mô tả là “bong bóng đang xì hơi.”
Hiệu quả sử dụng vốn quá thấp: Một thước đo thường được sử dụng để xác định hiệu quả sử dụng vốn là Tỉ lệ vốn tăng thêm trên sản lượng (ICOR-Incremental Capital Output Ratio). Ti lệ này cho biết mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn trong sản xuất. ICOR càng cao có nghĩa là Việt Nam càng phải sử dụng nhiều vốn hơn chỉ để sản xuất ra một sản lượng như trước.
Nghiên cứu của Deutsche Bank cuối năm 2007 đã kết luận “không may là hiệu quả của vốn đầu tư của Việt Nam đã ngày càng kém đi trong nhiều năm trở lại đây. ICOR của Việt Nam [năm 2006] là 4.2, cao hơn nhiều so với Trung Quốc khi đó là 3.7 hay Ấn Độ là 3.3.” Theo một nghiên cứu được Intellasia trích đăng lại thì ICOR trong năm 2007 là 4.76.
Có vẻ như chỉ số này của năm 2009 còn kém hơn nữa. Khi được đề nghị dự báo về chỉ số cho năm 2009, ông Bùi Bá Cường của Tổng cục Thống kê đã trả lời: “Đầu tư của nhà nước tăng bất thường lên hơn gấp rưỡi – tính theo giá thực tế, mà tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,2% thì rõ ràng là ảnh hưởng đến ICOR rồi.”
Hiệu quả sử dụng vốn thấp đồng nghĩa với giá thành cao và khả năng cạnh tranh của hàng hóa ở Việt Nam sẽ phải kém đi tương đối. Điều này hoàn toàn bất lợi cho một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Các lãnh đạo của Việt Nam hiểu rõ vấn đề này, ngay đến như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng bình luận: “ICOR tăng cao thế là rất đáng lo ngại nhưng cần có đánh giá thêm của các nhà khoa học.”
Nền kinh tế “chạy” không nhanh nhưng luôn “quá nóng”: Điểm đau đầu nhất mà chính phủ của Thủ tướng Dũng đang gặp phải có lẽ là kinh tế Việt Nam đang bị coi là ở trong tình trạng “quá nóng” mặc cho tốc độ tăng trưởng không thực sự cao nếu so sánh với tốc độ phát triển kinh tế của các nước Đông Á hay Trung Quốc một vài thập niên trước. Mấu chốt của vấn đề này có lẽ ở chỗ cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang bị mất cân đối nghiêm trọng và cần phải được điều chỉnh về cơ bản.
Hiện nay các chủ nợ như ADB đang kêu gọi Việt Nam nên tăng trưởng chậm lại và tập trung vào giải quyết các vấn đề đang tồn đọng, tái cấu trúc cơ cấu kinh tế nhằm duy trì được khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Kỳ 2- Chính trị
Thay đổi đường lối đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc: Năm 2009 đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam. Điểm dễ thấy là Việt Nam đang tích cực tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương với Hoa Kỳ. Trong những tháng cuối năm, lịch thăm viếng của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Mỹ có thể nói là dày đặc: Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ vào tháng 9, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm thăm Mỹ vào tháng 10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm vào tháng 11 còn Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thì thăm Mỹ vào tháng 12. Phía Hoa Kỳ thì một mặt đang cân nhắc việc bán vũ khí cho Việt Nam, mặt khác đang tìm cách lôi kéo Việt Nam tham gia vào một tổ chức mậu dịch có tên là Hiệp định Đối tác Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tỏ ra cứng cỏi hơn và công khai hơn trong cách ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông. Từ đầu năm trở lại đây, báo chí trong nước liên tục đăng tải các sự kiện có liên quan tới Biển Đông. Các kênh truyền hình cũng làm các chuyên đề về Biển Đông trong khi các trường Đại học và các nhóm nghiên cứu thì tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, như hồi năm 2005, khi sự kiện hải quân Trung Quốc thảm sát dân thường Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, việc đưa tin và thảo luận công khai về các vấn đề này vẫn bị coi là hết sức nhạy cảm.
Nỗ lực bang giao với Vatican chưa thành công: Trong nỗ lực đặt quan hệ ngoại giao với Vatican, Chủ tịch Triết đã hội kiến với Ðức giáo hoàng Bennedict XVI tại Vatican hồi giữa tháng 12 vừa rồi. Ngay trước buổi hội kiến này, Chủ tịch Triết đã trả lời báo Corriere della Sera rằng “chúng tôi đang xúc tiến để thiết lập bang giao chính thức với Vatican.” Cuộc gặp với Ðức giáo hoàng đã kéo dài tới 40 phút, gấp đôi thời lượng dự tính ban đầu. Thế nhưng kết cuộc thì hai bên vẫn chưa đi tới được thỏa thuận cuối cùng về việc thiết lập bang giao.
Theo các hãng tin nước ngoài, một trong những khúc mắc hai phía cần tập trung giải quyết là tài sản của Giáo hội bị chính phủ tịch thu sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau 1975 ở miền Nam. Một vấn đề khác có lẽ cũng quan trọng không kém là việc Việt Nam từ trước tới nay vẫn dành quyền phủ quyết các quyết định bổ nhiệm nhân sự của Vatican trên lãnh thổ Việt Nam.
Nếu như Vatican chịu nhượng bộ Việt Nam trên vấn đề tranh chấp đất đai thì có lẽ sẽ là dấu chấm hết cho các cuộc đấu tranh đòi đất của các nhà thờ công giáo từ Bắc vào Nam.
Quản lý blog và hạn chế phản biện: Năm 2009 cũng đánh dấu bước chuyển biến mới trong chính sách của Việt Nam đối với giới bloggers và những người làm công tác phản biện. Tháng 8 năm qua được đánh dấu bởi một loạt các vụ bắt giữ những bloggers có tên tuổi ở Việt Nam như Bùi Thanh Hiếu và Phạm Đoan Trang. Từ phía chính quyền, bà Nguyễn Thanh Nga của Bộ Ngoại giao chỉ khẳng định họ bị bắt giữ vì “có những dấu hiệu xâm hại an ninh quốc gia.” Tuy nhiên bà Nga không nói rõ đó là các dấu hiệu gì, và những dấu hiệu này sau đó cũng không thấy được nhắc tới nữa.
Gần đây, từ đầu tháng 11 vừa qua, trang mạng Facebook – là trang được những người trẻ tuổi ở Việt Nam ưa chuộng – đã bị hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISPs) ở Việt Nam ngăn chặn. Facebook tuy không phải là một trang cung cấp dịch vụ blogging nhưng là một mạng lưới xã hội cực mạnh giúp người dùng nhanh chóng phổ biến các thông tin cho bạn bè và những người trong mạng lưới của mình. Theo VOA, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) của Việt Nam khẳng định họ không có liên hệ gì đến việc giới sử dụng Internet ở trong nước hiện không truy cập được trang mạng Facebook. Nếu VOA đưa tin đúng, thì tuyên bố này của Bộ TT&TT không có nghĩa facebook không bị chặn, mà chỉ có nghĩa việc chặn này không phải do Bộ TT&TT làm.
Liên quan tới phản biện, Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg do Thủ tướng Dũng ký hồi tháng 7 vừa rồi đã yêu cầu các tổ chức nghiên cứu “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.” Việc này đã gây ra một số phản ứng trong giới nghiên cứu và phản biện chính sách. Điển hình nhất là sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã tuyên bố đóng cửa vào ngày 14 tháng 9 vừa qua. IDS là một think tank tư nhân có uy tín vào bậc nhất ở Việt Nam do các nhà khoa học có tên tuổi thành lập. Sự kiện IDS giải thể để phản đối quyết định này đã gây ra chấn động khá lớn trong giới trí thức Việt Nam.
Vụ án xâm phạm an ninh quốc gia Lê Công Định: Năm 2009 cũng được đánh dấu bởi vụ án xâm phạm an ninh quốc gia liên quan tới luật sư Lê Công Định và các đồng sự của ông. Vụ án này gây chấn động lớn trong dư luận không phải vì tính nghiêm trọng của nó mà vì sự nổi tiếng cá nhân của những người bị bắt trong vụ án như Luật sư Định hay ông Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức cùng với việc nhà nước Việt Nam nhanh chóng công bố các video có ghi hình ảnh họ đọc biên bản nhận tội.
Khác với các vụ án của các thế hệ đi trước như Lê Chí Quang hay Nguyễn Khắc Toàn, vụ án liên quan đến nhóm của LS Định đã được giới trí thức, sinh viên, và các chuyên viên cổ cồn trắng nói chung đặc biệt quan tâm. Lý do như đã nói ở trên là vì sự nổi tiếng cá nhân của họ. Thí dụ như LS Định có vợ là một cựu hoa hậu, còn ông Nguyễn Tiến Trung thì đã từng hội kiến với nhiều chính khách lớn của nước ngoài. Tuổi tác, học vấn và sự thành đạt của họ cũng khiến họ được ngưỡng mộ và đồng cảm. Ngoài ra, nhận thức của công chúng thành thị ở Việt Nam cũng đã có những bước chuyển biến khá rõ nét so với hồi năm 2001.
Theo báo chí Việt Nam, nhóm của LS Định đã cấu kết với một số người Việt phản động ở nước ngoài nhằm thành lập ra các tổ chức đảng với mục tiêu lâu dài là cạnh tranh quyền lực với ĐCS. Nhà nước Việt Nam coi hoạt động này là vi phạm pháp luật (hiến pháp Việt Nam quy định ĐCS là đảng duy nhất có độc quyền lãnh đạo đất nước). Việt Nam trước đây từng có các đảng anh em bên cạnh ĐCS. Tuy nhiên, những người anh em này sau đó được cho là không cần thiết nữa nên đã tự nguyện giải thể.
Kỳ 3- Xã hội
GS. Ngô Bảo Châu được báo Times vinh danh: Tờ báo này đã bình chọn GS Châu là người có một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009. Đây là một thành tích cá nhân của GS Châu, nhưng cũng là một niềm vui cho những người Việt Nam làm khoa học và cũng là một điểm sáng của nền giáo dục Việt Nam vốn trước nay bị chê bai là yếu kém.
GS. Ngô Bảo Châu được báo Times vinh danh: Tờ báo này đã bình chọn GS Châu là người có một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009. Đây là một thành tích cá nhân của GS Châu, nhưng cũng là một niềm vui cho những người Việt Nam làm khoa học và cũng là một điểm sáng của nền giáo dục Việt Nam vốn trước nay bị chê bai là yếu kém.
GS Châu sinh năm 1972 và lớn lên ở Việt Nam. Ông từng học ở khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Có thể coi ông là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam, và đặc biệt là sản phẩm của mô hình “trường chuyên, lớp chọn” – là một mô hình cũng bị phê phán nhiều vì khuyến khích trẻ em học lệch về một số môn học nhất định.
Bauxite Tây nguyên và mối lo mang tên Trung Quốc: Năm 2009 cũng được đánh dấu bởi sự phản đối quyết liệt của dư luận, đặc biệt là trong giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Hàng loạt các tên tuổi lớn đại diện cho trí tuệ Việt Nam đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị gởi lên Quốc hội và Chính phủ yêu cầu đình chỉ các dự án này. Sự lên tiếng của các nhà khoa học đã tạo ra một làn sóng công luận rộng rãi khắp cả nước về vấn đề này. Từ chỗ không chủ trương đưa ra Quốc hội, các dự án ở Tây Nguyên đã được đưa ra thảo luận công khai trong phiên họp lần thứ 5 của cơ quan lập pháp hồi tháng 5 năm qua.
Lý do mà phe phản đối đưa ra là dự án này không có hiệu quả kinh tế và tai hại về môi trường. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề gây phản ứng dữ dội nhất trong công chúng là vai trò của Trung Quốc trong dự án này. Nhiều người cho rằng Trung Quốc hiện nay đang tìm cách bòn rút tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, từ ếch nhái, cua, cá, rắn rết, hải sâm, rong biển, ba ba thuồng luồng đến quặng kim loại. Đó là chưa kể sự xuất hiện bất thường của rất đông công nhân người Trung Quốc trên các công trường bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ gây ra quan ngại về an ninh quốc gia.
Những bức xúc này, kèm theo việc Trung Quốc liên tục lấn át và gây hấn trên Biển Đông đã khiến nhiều người Việt lo ngại và bất bình. Năm 2009 có lẽ là năm mà mối lo mang tên Trung Quốc ở Việt Nam được bộc lộ rõ ràng nhất trong công luận.
Thất vọng lớn của bóng đá nam tại SEA Games: Đội tuyển U23 làm tan nát lòng người hâm mộ – vốn rất đông – ở Việt Nam khi để thua trước Malaysia trong trận chung kết bóng đá nam hôm 17 tháng 12 năm qua.
Xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội yêu bóng đá, đặc biệt là bóng đá nam. Người Việt yêu bóng đá tới mức Việt Nam có bao nhiêu huy chương vàng trong bảng tổng sắp của SEA Games cũng không có ý nghĩa gì đặc biệt nếu VN không thành công ở môn bóng đá nam. Thanh niên Việt Nam chỉ xuống đường ăn mừng (và một số xuống đường để quậy phá) nếu đội tuyển U23 của Việt Nam thắng lợi. Và đội tuyển này đã làm đúng những gì người hâm mộ Việt Nam mong muốn – trừ ở trận trung kết.
Bóng đá không phải là một môn thể thao mà Việt Nam có thế mạnh. Việt Nam từng đạt được huy chương của Thế vận Hội ở một số môn như taekwondo và cử tạ. Đối với môn bóng đá nam, trong suốt 50 năm qua, Việt Nam chưa lần nào dành được huy chương vàng ở giải đấu khu vực Đại hội thể thao Đông Nam Á.
Vì sao người Việt yêu thích môn bóng đá đến vậy là một câu hỏi khó trả lời. Có lẽ vì người Việt nói chung rất ít chơi thể thao, vì thế cũng không biết đến nhiều môn thể thao đa dạng. Bóng đá là môn được nhiều người chơi nhất, cũng vì thế là môn được nhiều người xem nhất. Từ chỗ đó, nó được nhà nước đầu tư nhiều nhất, và được các doanh nghiệp tài trợ và được quảng bá nhiều nhất.
Bát Nhã và Làng Mai: Sự kiện tu sinh Làng Mai bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã không phải là một sự kiện lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người Việt nhưng lại được các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài theo dõi từng bước.
Cần nhắc lại rằng ở Việt Nam hiện nay chỉ có một giáo hội được công nhận có tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Giáo hội này được tổ chức theo mô hình như một hệ thống cơ quan công quyền, bao gồm cơ quan trung ương, các Tỉnh hội (thành hội) phật giáo ở các tỉnh. Bên dưới nữa là các ban đại diện phật giáo ở các quận, huyện, thị xã. Có thể nói đây là một guồng máy thống nhất, được tổ chức chặt chẽ, và độc quyền trên mọi hoạt động liên quan đến Phật giáo ở Việt Nam.
Thiền sư (TS) Nhất Hạnh và các tu sĩ Làng Mai được chào đón ở Việt Nam hồi năm 2005 và 2007 với tư thế là các vị khách chứ không phải là một giáo hội cạnh tranh. Khi đệ tử của ông là thượng tọa (TT) Đức Nghi đứng ra xin mở các khóa tu ngắn hạn vào hồi tháng 8 năm 2006, nhà nước Việt Nam đã đồng ý và cơ sở của sự đồng ý này là TT Đức Nghi là người của GHPGVN và các khóa tu ở Bát Nhã chỉ là các khóa tu ngắn hạn. Theo các văn bản qua lại giữa TT Ðức Nghi với nhà nước và GHPGVN, các khóa tu ngắn hạn này có thời gian 3 tháng cho mỗi khóa, và sẽ nối tiếp nhau từ cuối tháng 8/2006 tới năm 2010.
Thế nhưng trong các thư từ trao đổi giữa TS Nhất Hạnh và TT Đức Nghi thì TS Nhất Hạnh muốn Bát Nhã trở thành một cơ sở vĩnh viễn của Làng Mai ở Việt Nam, hoạt động độc lập với GHPGVN. Vì chính quyền Việt Nam không chấp nhận một giáo hội khác ngoài GHPGVN, việc tu sinh Làng Mai ở Bát Nhã phải giải tán là kết quả tất nhiên.
Đã có nhiều tiếng nói lên án việc chính quyền buộc các tu sinh Làng Mai phải giải tán. Thế nhưng có vẻ như câu chuyện thực sự ở đây là việc chính quyền Việt Nam chỉ chấp nhận một giáo hội, và chuyện TS Nhất Hạnh muốn phá bỏ quy định này của nhà nước – và ông đã không thành công.
Vụ án PMI và RBA: PMI và RBA chỉ là hai vụ án hối lộ do Nhật Bản và Úc phanh phui, nhưng đều liên quan tới quan chức Việt Nam. Chính vì thế, chúng có ảnh hưởng tai hại tới hình ảnh các quan chức Việt cũng như đến tính khả tín của toàn bộ bộ máy nhà nước nói chung. Nhật Bản thậm chí còn quyết định ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian xuất phát từ vụ án này.
Trong vụ án PCI, quan chức Việt Nam có dính líu tới hối lộ là ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Tuy nhiên, việc điều tra và đưa ông Sỹ ra xét xử từ phía Việt Nam đã tỏ ra chậm chạp. Trong số nhiều lý do được đưa ra có cả lý do cần thời gian để dịch tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp.
Hiện nay ông Sỹ đang ngồi tù nhưng lại không liên quan gì tới vụ án hối lộ của Nhật. Ông Sỹ bị ngồi tù vì đã cho thuê trái phép trụ sở của PMU Đông Tây để lấy tiền chia chác. Tuy nhiên, theo Vnexpress ông chỉ chịu mức án nhẹ (3 năm thay vì 5-6 năm tù theo đề nghị của VKS) vì ông có “công nhiều hơn tội” (?) và có “nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể “tha thiết” đề nghị tòa… giảm nhẹ hình phạt” cho ông.
Khác với vụ PMU, vụ RBA chỉ mới bắt đầu từ hồi tháng 10 vừa qua. Theo văn bản giải trình của Thượng nghị sĩ Bob Brown của Úc trước QH nước này vào ngày 27 tháng 10 thì tập đoàn Reserve Bank of Australia (RBA) đã hối lộ ông Lê Đức Minh, là con trai của cựu thống đốc Lê Đức Thúy. Theo văn bản của TNS Brown thì “vào năm 2002, khi Việt Nam chuyển từ tiền giấy sang tiền polymer, Securency (chi nhánh của RBA) đã kết hợp với công ty CFTD ở Hà Nội và chi nhánh của nó là Banktech. Hồi đầu năm 2002, phó giám đốc Banktech Lê Đức Minh đã đứng ra thực hiện thương vụ này. Securency đã trả nhiều triệu đô la hoa hồng cho các giám đốc của CFTD có quan hệ với các nhân vật chính trị của Việt Nam.”
Phía Úc vẫn chưa đưa vụ án ra tòa và nhà nước Việt Nam vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về sự kiện này.
Bài đã đăng trên VOA
Nguồn : MinhBien.ORG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét