Những suy nghĩ chung quanh Hội Hoa Hà Nội


Thành viên TuanVuFan:

Tôi và đại gia đình tôi chẳng có ai đi "Phố Hoa" Hà nội cả, dù nhà chúng tôi rất gần nơi đó. Nhà gần nhất chỉ cách đúng 01km. Không phải do chúng tôi không yêu hoa, nhưng quả thực thời gian làm việc và nghỉ ngơi nó cứ chồng chất lên nhau, làm gì còn mà để tham gia những thú vui "tao nhân, mặc khách" ấy. Và, sau cái vụ Hoa anh đào Nhật bản năm nào thì cảm thấy không nên đi thì hơn, thiếu gì việc hay hơn để làm. Thêm nữa, đa số đều biết, cái đó chỉ hay trên TV, trên báo thôi, chứ cái chủ yếu hay ho là số tiền 17 tỷVND (tương đương khoảng gần 1milion USD) kia cơ. Cá nhân tôi thấy với số tiền ấy, cái "Chợ Hoa" kia không đáng, và số tiền thực tế chi cho nó sẽ ít hơn nhiều, rất nhiều. Nhiều người tôi biết cũng không đi, có một số người hàng xóm tôi biết có đi tập thể dục buổi sáng và kể có hôm thấy nhiều người ngắt hoa, bà ta cũng làm vài bông (bà ấy người gốc Nghệ An, dĩ nhiên đã có "Hộ khẩu" Hà Nội được cả vài chục năm vì theo chồng ra Hà Nội làm việc "cơ quan nhà nước").

Có ai đó nói là những hình ảnh trên không phải người Hà Nội. Qua cách ăn mặc thì quả đúng có thể những người kia là du khách đến chơi Phố Hoa, nhưng Hà Nội bây giờ lớn lắm, có cả Hà Nội 1 và 2 nữa cơ. Nên những người kia là người Hà Nội vẫn có thể lắm chứ. Tôi biết nhiều người Hà Nội gốc... ngoại thành nhưng rất tự hào là người Hà Nội, trong khi ăn ở, giao tiếp thì....

Trong đại gia đình tôi và một số gia đình của bạn bè tôi, có người là dân Hà Nội gốc, cũng có người là dân nhập cư, nhưng cung cách ứng xử, giao tiếp của họ thì tôi nghĩ là còn rất tốt, rất có giáo dục. Ví dụ như con trẻ khi gặp và khi ra về đều khoanh tay chào đầy đủ từ cao đến thấp. Các con thì hay dùng từ "Mẹ ạ, Bố ạ" khi gặp và "con chào Bố Mẹ con về ạ" khi ra về. Các cháu thì "Con/cháu chào Ông ạ, con/cháu chào Bà ạ". Với anh chị em, cô dì chú bác cũng vậy.

Rất nhiều gia đình ngày nay hay có thói quen gọi "Thím" là "Cô", vì họ nghĩ cho nó đơn giản vì từ "Cô" là từ thông dụng nhất trong quan hệ hàng ngày và cũng bởi một số người không thích được gọi là "Thím" vì họ cho rằng từ "Thím" hơi... nhà quê.

Nói chung, những "bức tranh" Phố Hoa kia nó cũng chỉ là phương tiện để "ai đó" phô trương, lợi dụng để tuyên truyền và bòn rút. Còn kể cả những nhà tổ chức, họ biết trước cái kết cục của Phố Hoa rồi, nhưng ai quan tâm chứ. Mấy cái trò này và những trò thi Hoa hậu hoa hiếc anh em chúng tôi khi bị nghe nhiều trên truyền thông quá hay nói với nhau rằng nó chả khác gì cái trò "Leo cột mỡ" của chế độ Thực dân, phong kiến năm xưa trong thơ của cụ Tú Xương. Thế nên nó chỉ làm cho cái bộ mặt vốn đã quá nhem nhuốc kia thêm nhem nhuốc hơn nữa mà thôi.

Người ở đâu thì đâu có quan trọng, ở đâu chả có người nọ người kia, phải không các bác? Miễn sao ta sống với nhau trước là tình đồng bào, sau là tình người, hơn nữa là tình anh em, bạn bè, đồng chí. Sao lại cứ phải nơi này thì hơn nơi kia theo kiểu "mình phục mình thế". 

------------------------------------------------------------

Thành viên Phan Anh:

Đồng ý với nhận định của bác. Nhà tôi còn ở gần Phố Hoa hơn nhà bác vì nó ở ngay chính Chợ Hoa Ngày Tết phố Hàng Lược.


Tuy nhiên không bao giờ tôi đi xem những "hội" nhặng xị kiểu này vì cũng cùng suy nghĩ như bác. Những "Hội" này đúng là giống như cái trò "Leo cột mỡ" , "vui vẻ trẻ trung " năm xưa của thực dân Pháp tổ chức nhằm đánh bóng chế độ và đánh lạc hướng chú ý của nhân dân vào những trò phù phiếm, lòe loẹt, rùm beng, nhặng xị nhưng rỗng tuếch về văn hóa và tâm linh....lại đầy những ý đồ chính trị bẩn thỉu , lưu manh.

Đa số những bình luận về hiện tượng này đều chỉ dựa vào lập luận dân trí thấp kém, theo tôi là chưa giải mã được đúng mạch.

Tôi nghĩ rằng dù dân trí Việt Nam còn chưa cao, nhưng cũng không thấp kém đến nỗi không thể làm chủ được hành vi của mình. Bởi vì đến một đứa trẻ cũng biết được hành động ăn cắp, ăn cướp, bẻ hoa, phá cành như vậy là sai trái thì không lý gì người lớn, nhiều người là thanh niên, sinh viên có học, lại không biết.

Điều đó phải giải thích bằng tâm lý. Các cụ nói " thượng bất chính, hạ tắc loạn". Sống trong một xã hội mà giai cấp thống trị toàn những kẻ bất lương. Ra ngoài xã hội toàn nói dối, lừa đảo. Sáng ngủ dậy ra đường là phải nói dối, đến sở nói nối. Nói dối cấp trên, nói dối cấp dưới, nói dối đồng nghiệp và ... tự dối lòng mình (để biện minh, an ủi mà sống ) thì người ta có cái tâm lý bất cần. Đời là vậy. Muốn lương thiện cũng không lương thiện được thì không cần lương thiện, không cần tôn trọng kỷ cương, luật pháp nữa, vì bọn trên cao cũng làm bậy, xung quanh mình cũng làm bậy thì mình làm sao lương thiện mà không bị mắng là ngu?

Những người đã vượt đèn đỏ, tông xe vào cảnh sát, điện thoại lừa trúng thưởng, hoặc những người bị lừa, bị cướp đoạt nhà đất tài sản v.v.....có cả tỷ lý do, thì xá gì mà phải " thanh lịch" trong một cái Hội Hoa của Xứ Lưu Manh?

Vì vậy hễ làm bậy được là họ làm. Đấy cũng là một cách trả lời của ẩn ức tâm lý "bất phục tùng dân sự".

Người dân đa số thầm lặng và sợ hãi trước cường quyền. Nhưng không dám nói. Nên khi có dịp những ẩn ức ấy mới bùng phát. Họ đến hội hoa không phải với tâm lý "hân hoan " trước " vận hội mới của chế độ", để thưởng thức trong không khí thanh bình, thanh lịch, tài tử , giai nhân, nhưng là để biến nó thành một trò hề nhặng xị, ồn ào, chen lấn, xô đẩy, vô văn hóa, móc túi, chém chặt gửi xe, đái bậy, bẻ hoa, dẫm cỏ và cướp giật và chụp giật...

Mặc dù họ ý thức được việc làm của mình là sai trái, nhưng ẩn ức vô thức về sự phản kháng vẫn khiến họ làm một cách tỉnh bơ...

Chỉ có hiểu như vậy thì ta mới lý giải được hiện tượng vì sao các "Hội" rởm dù phô trương rùm beng, chuẩn bị tốn kém thế nào, vẫn diễn ra trong cảnh bát nháo, xập xệ ... như vậy !

Các bác lý giải sao cái hiện tượng bánh chưng dâng "Vua Hùng" lại là bánh thối và bên trong độn rác?

Có phải vì người ta gian dối, người ta không có tâm linh kính trọng tổ tiên, hay có phải vì người ta mắc bệnh thành tích, bệnh " kỷ lục"?

Không phải!

Thông điệp rõ ràng nhất là họ tẩy chay lễ hội. Một lễ hội giả tạo, không có truyền thống mà chỉ được tạo dựng nhằm phục vụ mục đích chính trị. Bởi vì những kẻ tổ chức ra lễ dâng hương vua Hùng và thành kính bề ngoài nâng bó hương trước bàn thờ vua Hùng, nhưng trong tâm họ không coi vua Hùng ra gì. Trước thập niên 1980, không bao giờ chính quyền tổ chức " giỗ tổ Hùng Vương" nhưng năm nào cũng tổ chức " giỗ tổ Các Mác" , "giỗ tổ Lê Nin". Trong đó còn ghi đầy đủ ngày quốc khánh của các nước XHCN anh em.

Bác Hồ viết di chúc cũng nghĩ đế ngày" sẽ đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lên Nin" chứ không thèm gặp tổ tiên là cụ Hùng. Bác Tố Hữu còn nói rõ hơn "Bác đã lên đường theo tổ tiên: Mác, Lênin thế giới người hiền".....?

Chính vì giả dối như vậy, nên khi làm bánh dâng Vua Hùng, những người phụ trách công việc này đã hóm hỉnh đã gửi một thông điệp mạnh mẽ cho những kẻ giả dối bằng một chiếc bánh thối, mốc và độn rác! Chỉ có như vậy, người ta mới ta mới không sợ sự trừng phạt của tổ tiên vì sự bất kính. Trái lại, có khi còn được sự phù hộ của tổ tiên.

Tóm lại, logic của những sự kiện trên, không phải do dân trí thấp hay suy đồi, dù điều đó có, nhưng vì nó không đủ sức lý giải những hành động khó chấp nhận như vậy. Nên chỉ có thể lý giải bằng hiện tượng tâm lý "bất phục tùng dân sự". Người dân phản ứng, có thể chỉ là vô thức, đối với một chế độ mà họ hoàn toàn chán ghét và coi khinh vì sự gian manh của nó. Đáng lẽ cần phải thanh lịch thì họ làm cho nó xập xệ đi, đáng lẽ phải thành kính thì họ làm thành giả dối...

Các thành viên X-Cafe

2 nhận xét: