Ông Phạm Khôi Nguyên - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, chính thức thừa nhận tại Nghị trường Quốc Hội là cách đền bù cho người dân bị thu hồi đất “bất hợp lý” và “sắp tới sẽ có chính sách đền bù cả những “giá trị vô hình” cho người dân”.
Cái “sắp tới” của ông Phạm Khôi Nguyên là bao lâu? 1 tháng, 1 năm, 5 năm, 10 năm hay 100 năm để biến cái “vô hình” đó thành hiện thực cho người dân được nhờ? Không thấy những người có trách nhiệm đặt ra mốc thời gian phải hoàn thành và nếu không hoàn thành phương án chính sách đó thì bị xử lý như thế nào.
Ngày xưa cụ Nguyễn Khuyến còn có mảnh đất của mình, nên cụ mới có thể viết được mấy câu thơ để đời cho con cháu: “Ao sâu nước cả khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà/ Cải chửa ra cây, cà mới nụ/ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”; còn bây giờ người ta muốn sống một cuộc sống bình thường, giản dị, thanh bạch trên mảnh đất của mình, của cha ông mình bao đời nay để lại cũng không được yên. Bởi một lúc nào đó hễ nhà doanh nghiệp “nhắm” vào mảnh đất nào rồi thì thầm với chính quyền thì ngay lập tức sẽ có quyết định thu hồi đất cho dự án này dự án nọ, mà trong tất cả các dự án ấy không hề tạo nguồn sống cho người dân sau khi bị thu hồi đất, cứ thảy ra một mớ tiền rồi “sống chết mặc bây”.
Ông Phạm Khôi Nguyên nói lên được điều đó cũng cho thấy rằng các vị lãnh đạo cao cấp biết rõ người dân bị mất đất phải gánh chịu sự bất công, nỗi bất hạnh từ phía Nhà nước đổ ụp lên đầu gia đình họ. Và mỗi ngày trên đất nước này đều có những dự án thu hồi, giải tỏa đất, đền bù bất hợp lý vẫn đang tiếp diễn, tiến hành, thậm chí được báo cáo “tiến độ” hàng ngày với "tốc độ" đất nông nghiệp mỗi năm "biến mất" 50.000ha do các kiểu đền bù, giải toả sẽ đem đến sự xáo trộn dữ dội về văn hoá, cơ cấu hạ tầng, an ninh lương thực… ; đồng nghĩa với việc nhiều gia đình nông dân bị mất trắng tài sản, mất tư liệu sản xuất, cuộc đời quen sống bằng nghề nông nay trở thành vô nghề nghiệp, bần cùng vì mất đất.
Bàn qua tán lại cũng nhiều, cãi nhau cũng lắm, tranh luận cũng hay; vậy mà biết rõ là bất hợp lý nhưng tại sao không một vị Đại biểu Quốc Hội, không một Ngài Bộ trưởng hay một vị đức cao vọng trọng nào trong Chính phủ đề nghị trong khi chờ đợi cụ thể hóa cái chính sách đền bù cả những “giá trị vô hình” cho người dân thì tạm ngưng triển khai tất cả các Quyết định thu hồi đất trong toàn quốc?
Biết là bất hợp lý nhưng tại sao vẫn im lặng không giải quyết khiếu nại về đất đai cho nông dân mà vin vào cái cớ “đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” trong khi cái “quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” phần lớn là Quyết định của cấp tỉnh lặp lại y chang nội dung quyết định của cấp huyện?
Biết là bất hợp lý nhưng tại sao vẫn im lặng nhìn cơ quan tố tụng khắp nơi khởi tố, bắt giam người dân vì bức xúc do bị mất đất phải bỏ quê kéo nhau lên Sài Gòn, ra tận Thủ đô Hà Nội khiếu kiện với các tội “Gây rối trật tự công cộng” (Điều 245 BLHS), “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” (Điều 258 BLHS) hoặc vu cho họ “bị các thế lực thù địch xúi giục”?
Thử hỏi nếu dân chúng được đền bù thỏa đáng, có thể tạo dựng cuộc sống mới sung túc sau khi thu hồi đất thì bất kỳ kẻ nào xúi giục cũng không ai thèm nghe. Các vị lãnh đạo chính quyền hãy đặt mình vào địa vị người nông dân bị mất đất và viễn cảnh phải sống vạ vật vô nghề nghiệp thì các vị sẽ chọn con đường dắt díu gia đình đi ăn mày hay chọn con đường đi khiếu nại?
Dân gian có câu: “Khi đói đầu gối phải bò, cái chân hay lội, cái giò hay đi”. Lại cũng có câu: “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Khi người dân bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất, đằng nào cũng phải đi ăn mày thì đi khiếu kiện vạ vật ở 210 Võ Thị Sáu (Sài Gòn) hay vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) vẫn hơn, đi khiếu kiện thì trong lòng họ vẫn còn le lói một tia hy vọng cấp trung ương sẽ ngó đến sự bất công mà họ đang gánh chịu.
Kinh tế thị trường của “xã hội tư bản thối nát” bảo vệ quyền tư hữu đất đai của dân, là tuân theo quy luật cung cầu của thị trường, là bảo vệ quyền thuận mua vừa bán, là tôn trọng sự thỏa thuận dân sự, không ai được ép ai phải bán tài sản cho mình trái ý muốn của họ. Còn cái mà người ta đang mượn danh nghĩa “kinh tế thì trường định hướng xã hội chủ nghĩa” áp dụng ở Việt Nam phải chăng chỉ là để hợp pháp hóa quyền cướp không phương tiện sinh sống của người dân, là tước đoạt luôn cả quyền phản kháng trước sự bất công khi chụp cho các nạn nhân cái mũ “bị các thế lực thù địch xúi giục”, là bắt bớ, tù đày?
Trong khi các vị “ở trên” đang hùng hồn tranh luận với nhau “sắp tới” sẽ v.v… và v.v… thì các bản án dành cho dân oan bị mất đất vẫn đang được thi hành, đất vẫn bị mất, người vẫn bị giam, oan khiên chồng chất oan khiên. “Công bằng, dân chủ, văn minh” với những nông dân này vẫn là “hàng xa xỉ”.
Tạ Phong Tần
______________
Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét