VN sẽ "đặt vấn đề" với Google và Yahoo để siết blog!




Vietnamnet hôm nay (28/11/2008) đăng bài về quyết tâm triệt blog của nhà cầm quyền VN. Với tiêu đề "Biến thông tin blog thành thông tin báo chí là phạm luật" Ông Doãn lại hùng hồn tuyên bố nhiều điều ngớ ngẩn và chỉ càng bộc lộ cho dư luận thấy cách hành xử của một nhà nước đang run rẩy cố đối phó với sự phát triển của công nghệ truyền thông và âm mưu dùng bạo lực để bịt miệng dân chúng.



Trong một thời gian ngắn, bộ TT&TT mà nhân vật tiêu biểu là Đỗ Quý Doãn đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề quản lý trang nhật ký điện tử cá nhân blog, từ ban hành các văn bản dưới luật cho đến tổ chức các cuộc hội thảo. Điều này chứng tỏ blog và các blogger đã vượt qua ranh giới của một hiện tượng hoặc một phong trào nhất thời mà biến thành một sức mạnh đáng kể. Chuyện các blogger biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa - Trường Sa gần 1 năm trước và lên tiếng tẩy chay Olympic Bắc Kinh là một ví dụ. Những ví dụ khác sinh động không kém là việc sụt giảm số lượng ấn hành của tất cả các báo VN, việc Đài TH VTV phản ứng về bài viết đăng trên blog của 1 giáo viên lật tẩy chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" mới xảy ra gần đây... và ngay cả việc các nhà báo dồn tâm huyết vào blog cá nhân của mình hơn là các bài viết "theo định hướng lề phải".



Có lẽ Việt Nam là nước hiếm hoi trên thế giới mà blog gây ảnh hưởng mạnh đến nhà cầm quyền như vậy, tất nhiên ta có thể kể thêm về trường hợp Miến Điện (Burma), Trung Quốc nữa. Câu kết luận là một nhà cầm quyền càng độc tài bao nhiêu càng sợ hãi việc minh bạch thông tin bấy nhiêu. Ở các nước có nền báo chí tự do thì việc phanh phui những chuyện mờ ám hay việc phản biện lại các quyết sách sai trái là những điều hết sức bình thường, dân chúng không cảm thấy cần thêm kênh thông tin nào để tìm hiểu những điều khuất tất hoặc để phản đối sai lầm của nhà cầm quyền.



Ông Doãn nói: "Yếu tố cá nhân trong blog là yếu tố cơ bản. Yếu tố này quy định blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào. Những blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định". Với lời phát biểu trên, ông Doãn không nói "sai quy định" là quy định nào, quy định của nhà cung cấp dịch vụ hay quy định nào khác của nhà cầm quyền. Ta có thể thấy blog của nhà cung cấp Yahoo hay bất cứ nhà cung cấp nào đều cho phép khách hàng của họ có quyền để thông tin mở (public), như thế dù yếu tố cá nhân có là yếu tố cơ bản thì cũng không thể cấm người sử dụng có quyền chia sẻ thông tin, chia sẻ cảm nhận của cá nhân mình về xã hội. Thêm nữa, nếu một tổ chức hay một kênh thông tin nào chọn blog để quảng bá về họ thì không lẽ blog đó không thể đại diện cho họ hay sao, hay là họ không có quyền chọn blog làm phương tiện quảng bá thông tin về họ?



Tiếp tục lập luận như vậy, ông Doãn triển khai: "Blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ của mình khó xác định. Nếu là tiếng nước ngoài thì nói blog là đã giới hạn khuôn khổ ngay trong khái niệm đó. Nếu đã đưa thông tin báo chí thì phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí . Người nào vượt quá phạm vi blog, biến thông tin trên blog thành thông tin báo chí là vi phạm Luật Báo chí". Không hiểu ông Doãn căn cứ vào đâu để nói những câu hàm hồ như trên, nói "blog đã giới hạn khuôn khổ ngay trong khái niệm" vậy tại sao các nhà cung cấp dịch vụ còn càng ngày càng mở rộng, càng thêm những công dụng khác của blog, khiến nó linh hoạt hơn báo chí. Thông tin nào là vượt quá phạm vi blog? Ví dụ tôi đọc một bài viết ngớ ngẩn hoặc sai sự thật trên báo, thay vì tôi viết một lá thư gửi cho các bạn bè chia sẻ cảm nghĩ của tôi thì tôi viết trên blog, vậy viết mail cc cho nhiều người thì không sao, còn viết trên blog thì vi phạm Luật báo chí? Ví dụ khác: thông tin báo chí cũng vẫn có những mục chia vui đám cưới, chia buồn đám ma, tâm sự nhỏ to... nếu tôi dựng 1 video clip có âm nhạc, hình ảnh, kỹ xảo để chia vui đám cưới bạn bè là cũng phạm Luật Báo chí?



Cũng ông Doãn nói: "Đã là nhật ký cá nhân thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là người thân của mình đọc. Nếu đưa ra đại chúng thì không thể là nhật ký mà vô tình biến nó thành trang thông tin điện tử, như vậy phải chịu sự quy định như đối với trang thông tin điện tử". Theo kiểu lập luận như vậy thì tất cả các loại nhật ký, hồi ký, gia phả, ghi chép không chỉ cho riêng cá nhân mình hoặc người thân của mình đều bị khép tội cả.



Để triệt mạnh tay hơn, ông Doãn không dấu giếm ý định gây áp lực hoặc mua chuộc 2 nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất thế giới là Yahoo và Google phải bán thông tin cá nhân hoặc hạn chế cung cấp cho khách hàng tại VN qua câu tuyên bố trơ trẽn: "Sắp tới, Bộ TT - TT sẽ đặt vấn đề với Google và Yahoo!, đề xuất họ hợp tác trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với Nhà nước để tạo môi trường hoạt động tốt nhất, lành mạnh nhất cho các blogger".



Chưa biết là mệnh lệnh của ông đối với công ty nước ngoài có khả thi hay không, nhưng đủ thứ rào cản, đe dọa, khép tội của hệ thống pháp luật kỳ quái mà nhà cầm quyền nghĩ ra để bóp nghẹt tiếng nói công dân trên blog mà gọi là để "tạo môi trường họat động tốt nhất, lành mạnh nhất" thì quả là khôi hài... đen.

Copy từ Nhã Nam

1 nhận xét:

  1. "Tại môi trường tốt nhất. lành mạnh nhất'hi hihi nhà nước ta đã thành công đem lại môi trường như vậy cho báo chí rồi. thừa thứang xông lên làm luôn blog bất chấp sự tự do mà chế đọ đã trịnh trọng ký vơi thế giới

    Trả lờiXóa