CSVN sắp siết dây thòng lọng quanh cổ các "Blogger"




HÀ NỘI 28-11 (TH) - Chế độ Hà Nội qua Bộ Thông Tin Truyền Thông loan báo sắp đưa ra một thông tư vào Tháng Hai năm tới nhằm “quản lý hoạt động Blog” với những lời đe nẹt trước rằng “Biến thông tin Blog thành thông tin báo chí là phạm luật”.


Nhà báo tự do Hoàng Hải, tức người viết Blog “Ðiếu Cày”, đang bị công an CSVN cưỡng bách đi về trụ sở để thẩm vấn khi ông đi biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn.


Hàng trăm tới hàng ngàn người viết báo mạng cá nhân (Blogger) trong số hơn 1 triệu người viết Blog ở Việt Nam sẽ phải tù tội hay ít nhất phạt hành chính mà các biện pháp nặng nhẹ thế nào, chưa thấy Ðỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ nói trên nói rõ. Tuy nhiên, người ta có thể “đánh hơi” thấy chế độ Hà Nội muốn bóp chế những Blogs đang đưa tin tức, bài vở làm chế độ điên đầu mà không làm gì được ngoài những lần gọi tới cơ quan công an để đe nẹt, khủng bố.

Một số Blogs đã bị công an CSVN ép buộc ngừng hoạt động một cách kín đáo và người ta không biết rõ con số là bao nhiêu vì không hề có những thống kê được nêu ra.

“Yếu tố cá nhân trong Blog là yếu tố cơ bản. Yếu tố này quy định Blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào.” Ðỗ Quý Doãn nói và được VietNamNet thuật lại ngày Thứ Sáu 28 Tháng Mười Một 2008 nhân có buổi hội thảo về “Xây dựng thông tư về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (Blog)” ngày 27 Tháng Mười Một tại Hà Nội.

“Những Blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định”. Doãn nói.

Biên giới giữa thông tin báo chí và thông tin cá nhân là cái gì, ở chỗ nào, không hề được các nước tôn trọng tự do báo chí hoàn toàn, tôn trọng quyền tự do thông tin của nhân dân, đặt thành vấn đề. Các Bloggers muốn viết cái gì, đưa tin gì chứ không phải chỉ nói về mình, là quyền của họ và không hề bị chế tài, nhà nước chĩa mũi vào kiếm chuyện, từ bắt thẩm vấn khủng bố đến bỏ tù. Nhưng trong cái chế độ độc tài đảng trị ở Hà Nội, nhà nước nắm trọn quyền ban phát thông tin báo chí, cấm báo chí tư nhân nên mới thành vấn đề nhức đầu của nhà nước và đảng CSVN khi các người viết báo mạng cá nhân không “đi ở lề đường bên phải”.

“Quản lý hoạt động của Blog đang là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nên việc ban hành thông tư riêng cho hoạt động này là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng và cơ quan quản lý.” Ðỗ Quý Doãn nói như vậy.

Hiến pháp CSVN điều 69 viết “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Nhưng vào pháp luật thì không có luật nào cho tư nhân ra báo, làm truyền thông, không cho tư nhân lập hội, biểu tình.

Ngày 29 Tháng Mười Một 2006, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN phổ biến một chỉ thị theo lệnh của Bộ Chính Trị “kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”, ngược hẳn lại hiến pháp.

Rất nhiều chỉ thị, lệnh lạt mỗi năm một vài lần lại thấy chế độ Hà Nội càng ngày càng siết chặt thêm vấn đề thông tin báo chí. Bảng xếp hạng thường niên của Tổ Chức Phóng Biên Không Biên Giới (RSF) luôn luôn xếp tình trạng tự do báo chí tại Việt Nam trong nhóm những nước nằm cuối bảng bên cạnh các nước độc tài, Cộng Sản, quân phiệt hoặc tôn giáo quá khích như Bắc Hàn, Trung Cộng, Iran, Miến Ðiện v.v... Tổ chức này từng gọi Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng CSVN là “con dã thú sát hại báo chí”.

Hồi đầu năm, cơ quan bảo vệ mạng lưới Internet của Hà Nội bắn tiếng những người truy cập “web đen” sẽ bị phạt hành chính 5 triệu đồng và có thể lên đến 20 triệu đồng. Không giới hạn ở đây, các người cung cấp thông tin trên mạng, có thể bị truy tố hình sự.

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, bút hiệu Hoàng Hải, người viết báo mạng cá nhân Ðiếu Cày, bị nhà cầm quyền CSVN tống giam ngày 19 Tháng Tư 2008 rồi bị kết án 2 năm rưỡi tù với cái bỏ bọc “trốn thuế”. Nhưng thật sự, mọi người đều hiểu ông đã bị tù chỉ vì viết báo mạng cá nhân đưa tin, cổ võ lòng yêu nước xuyên qua Blog “Ðiếu Cày” về hành động bá quyền của Trung Quốc qua vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cũng tham dự tích cực trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ cuối năm 2007 sang đầu 2008 ở Sài Gòn nên đã làm Bộ Chính Trị CSVN tức giận.

RSF cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã phản đối mạnh mẽ bản án mà chế độ Hà Nội giáng lên đầu Ðiếu Cày.

Với những gì mà chế độ Hà Nội sắp sửa đưa ra để siết cổ tự do thông tin thêm một mức nữa, những Blogs nổi tiếng như “Công Lý và Sự Thật” của bà Tạ Phong Tần, “Osin” của nhà báo Huy Ðức, và hàng trăm Blogs “ngoài luồng” khác, sẽ vất vả.

Cho tới nay, chưa có gì được công bố trên báo chí cho thấy chế độ Hà Nội thỏa thuận được những gì với hai tổ chức cung cấp dịch vụ Internet quốc tế Google và Yahoo. Yahoo từng bị Quốc Hội Hoa Kỳ đả kích mạnh mẽ khi cung cấp chi tiết của người viết Blog tên Shi Tao đả kích chế độ Cộng Sản Bắc Kinh để ông bị kết án tù 10 năm với cáo buộc “tiết lộ bí mật nhà nước”. Liệu Yahoo và Google có làm như vậy đối với Việt Nam hay không trong khi họ muốn kiếm ăn ở Việt Nam? Ðây còn đang là một dấu hỏi mà chế độ Hà Nội đang điều đình.

Cái kẹt của Hà Nội là các người viết Blogs dùng dịch vụ Yahoo ở nước ngoài nên không thể “quản” được. Nếu không biết đích xác những người đó là ai, vì hầu hết đều dùng một bút hiệu, một cái tên lạ, dò tìm ra được để hành tội không phải dễ dàng.

Một trong những cách mà Hà Nội muốn làm là ép các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở nước ngoài, bắt họ lãnh nhiệm vụ đội vòng kim cô lên đầu những người viết Blog ở Việt Nam theo một thỏa thuận kỹ thuật nào đó.

“Sắp tới, Bộ Thông Tin Truyền Thông sẽ đặt vấn đề với Google và Yahoo!, đề xuất họ hợp tác trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhà nước để tạo môi trường hoạt động tốt nhất, lành mạnh nhất cho các Blogger”, Ðỗ Quý Doãn nói trong cuộc hội thảo nói trên ở Hà Nội.

Nay vì không thể “quản” được các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở nước ngoài, Hà Nội chọn cách giản dị là kết tội “phạm luật” đối với những người dùng Blogs để loan truyền tin tức. Cái khôi hài là chính mồm ông Doãn đã nói “Blogs sẽ làm cho xã hội thông thoáng hơn” (VietNamNet ngày 13 Tháng Tám 2008).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét