Phản biện và lợi ích nhân dân

Sau khi Quyết định 97 được công bố, có một số ý kiến cho rằng chỉ có các tổ chức KH&CN không được công bố ý kiến phản biện đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, còn các cá nhân vẫn có quyền này. Tuy nhiên đây có thể là một sự lầm tuởng tai hại.

Theo ông Hoàng Ngọc Doanh - Phó Trưởng ban chính sách nhân lực và hệ thống tổ chức KH&CN, Viện Chiến lược và chính sách KHCN (Bộ KH&CN), các nhà khoa học hay bất kỳ cá nhân nào "vẫn có thể phát biểu ý kiến với tư cách cá nhân song phải tuân thủ Luật Báo chí, Luật Xuất bản và pháp luật về KH&CN, đồng thời không được vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động KH&CN".

Điều 10 Luật Báo chí 1990 quy định: "Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân." Điều 10 Luật Xuất bản 2004 cấm "Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc." Thông tư 07 năm 2008 của Bộ TTTT hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) khéo léo viện dẫn Điều 6 Nghị định 97 năm 2008 theo đó nghiêm cấm lợi dụng internet nhằm mục đích "Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân"

Và tất cả đều dẫn đến Điều 88 Bộ Luật hình sự 1999 quy định "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Hẳn ai cũng biết luật này, nhưng ít ai nhớ rằng nguyên tắc của Bộ Luật hình sự là chỉ áp dụng đối với cá nhân, không áp dụng đối với pháp nhân. Như vậy, Quyết định 97 loại trừ những phản biện gắn với tổ chức KH&CN, cho phép quy kết những phản biện đó cho các cá nhân và xử lý theo Điều 88 Hình luật. Có một điều mà phần đông ai cũng công nhận, rằng Điều 88 Bộ Luật hình sự rất dễ được diễn giải theo hướng có lợi cho các nhà cầm quyền, và do đó các phản biện chính sách rất dễ bị gán tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Kết quả là Quyết định 97 cùng với Bộ Luật hình sự và các quy định pháp lý khác sẽ có vai trò tiêu diệt cả hai luồng phản biện: từ các tổ chức khoa học công nghệ và từ nhân dân.

Bỏ rơi lợi ích của nhân dân

Xin nhắc lại là chúng ta đang nói về những phản biện đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiếm có ai phản đối các chính sách hiện hành nếu họ không nhận thấy rằng nó đang gây thiệt hại cho xã hội hoặc cho bản thân họ. Một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cần phải lắng nghe những ý kiến này. Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ chính sách nào, bên cạnh những lợi ích chung mà nó mang lại, cũng sẽ gây thiệt hại cho ai đó. Trong trường hợp này cần phải giải thích và/hoặc đền bù thỏa đáng trên nguyên tắc công khai.

Quy định cấm phản biện chính sách của nhà nước triệt tiêu hai nhu cầu cơ bản của con người: nhu cầu theo đuổi lợi ích cá nhân và nhu cầu thể hiện mình. Một mặt, nó không cho phép cá nhân lên tiếng ngay cả khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Điều này trái với Tuyên ngôn độc lập vốn đề cao "quyền mưu cầu hạnh phúc", "quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" của cá nhân. Mặt khác, nó không cho phép cá nhân lên tiếng khi nhìn thấy người những xung quanh bị xâm phạm quyền lợi. Điều đó cản trở sự hình thành và phát triển một nhân cách hoàn chỉnh của các cá nhân trong xã hội. Hơn nữa, sẽ không có một "khối đại đoàn kết toàn dân tộc" nếu mỗi người không dám lên tiếng vì quyền lợi của đồng bào mình.

Lẽ dĩ nhiên, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do và quyền thể hiện mình là những quyền lợi không thể chối cãi. Việc cấm phản biện ngoài việc tiêu diệt những cải thiện Pareto tiềm năng còn là một thái độ đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Những mâu thuẫn cơ bản



Một chính sách đi ngược lại lợi ích của nhân dân không nên và không thể là một chính sách bền vững.


Ngay cả chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx cũng có thể chỉ ra mâu thuẫn cơ bản của quy định cấm phản biện. Ở đây, kiến trúc thượng tầng không bảo vệ cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó. Với vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng ấy sớm muộn gì cũng sẽ vượt qua mặt chủ nghĩa tư bản vốn "đang đứng bên bờ vực thẳm".


Một chính phủ vì nhân dân cần phải chăm lo cho phúc lợi của nhân dân chứ không phải bảo vệ nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Các quy định pháp lý như hiện nay khiến cho người ta đặt câu hỏi: liệu nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa có mâu thuẫn với lợi ích của nhân dân?

Nguồn : http://www.vneconomist.net/index.php

Yếu tố Trung Quốc trong các vụ Tam Tòa và Bát Nhã ở Việt Nam

Vấn đề tôn giáo tại Việt Nam đang nổi cộm trở lại với các vụ bạo hành nhắm vào môn sinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại tu viện Bát Nhã ở Dambri (Lâm Đồng), và giáo dân Công giáo tại Tam Tòa (Quảng Bình). Báo chí quốc tế đã gắn các sự kiện này với đợt bắt giữ một số người từng phản đối chính quyền hợp tác với Trung Quốc trong kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp các hành vi chèn ép của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Từ cuối tháng Sáu đến nay, vấn đề tôn giáo tại Việt Nam lại nổi cộm trở lại với hai sự kiện nối tiếp nhau, ở Tu Viện Bát Nhã thuộc Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng liên quan đến Phật giáo, rồi sau đó là vụ Tam Tòa, Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, liên quan đến Công giáo. Tại cả hai nơi này, tranh chấp nổ ra giữa chính quyền địa phương với các giáo dân, tín đồ tại chỗ, với việc dùng bạo lực để trấn áp đã thu hút sự chú ý của dư luận báo chí quốc tế, đặc biệt là cuộc tranh chấp tại giáo xứ Tam Toà, với tiếng vang trên cả nước, sau khi hai linh mục bị đánh trọng thương.

Sự trùng hợp giữa hai sự kiện đã khiến giới quan sát tự hỏi về nguyên nhân vì sao đột nhiên chính quyền lại có thái độ cứng rắn như vậy khi xử lý các vụ việc thoạt đầu chỉ giới hạn ở quy mô địa phương. Một trong những giả thuyết thường được nhắc đến : đó là giới bảo thủ trong chính quyền muốn đối phó với luồng dư luận phản đối chủ trương quá hữu hảo với Trung Quốc, cho Bắc Kinh khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên, bất chấp những lời cảnh báo về các tổn hại có thể xầy ra cho môi trường và nền an ninh quốc gia. Thái độ bất bình của dư luận lại càng gia tăng khi Trung Quốc không ngần ngại chèn ép Việt Nam trong vùng Biển Đông, vừa ngăn chặn không cho Việt Nam phát triển ngành dầu khí của mình, vừa chận bắt các tàu đánh cá của Việt Nam.

Chùa Bát Nhã, Lâm Đồng Nguồn : thuvienhoasen.org Chùa Bát Nhã, Lâm Đồng

Nguồn : thuvienhoasen.org

Trong một bài viết dài công bố hôm 01/08/2009, hãng tin Mỹ AP đã đề cập đến vụ tranh chấp tại Tu viện Bát Nhã giữa gần 400 môn sinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với chính quyền Việt Nam vừa bùng lên gay gắt từ cuối tháng sau đến nay.

Theo hãng AP, trong vòng 4 năm qua, các thiền sinh này đã được yên ổn tu tập theo lời dậy của Thầy Nhất Hạnh, một tu sĩ Phật giáo mà uy tin trên thế giới chỉ thua có Đức Đạt Lai Lạt Ma mà thôi. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, họ đã bắt đầu bị làm khó dễ, từ việc tu viện bị cúp điện, nước, điện thoại, cho đến việc nơi tu hành của họ bị cả một đám đông xông vào đập phá rồi bao vây, cô lập, những ai đến thăm đều bị hành hung. Công an địa phương có mặt nhưng không can thiệp.

Theo chính quyền thì vụ việc ở Bát Nhã nẩy sinh từ tranh chấp giữa hai phái Phật giáo trong tu viện, một bên là các môn sinh của Thiền sư Nhất Hạnh, và bên kia là những người ủng hộ vị sư trụ trì là Thượng Tọa Đức Nghi, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, theo hãng AP, các môn sinh của Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng họ bị chính quyền Việt Nam trừng phạt vì quan điểm ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như những lời kêu gọi mở rộng tự do tôn giáo của thầy Nhất Hạnh.

Theo một thiền sinh, thì từ năm 2008, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ bất bình sau khi Thiền Sư Nhất Hạnh tuyên bố công khai trong một bài phỏng vấn dành cho một đài truyền hình Ý là Việt Nam nên cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Hà Nội tham dự một đại lễ Phật giáo, còn Bắc Kinh thì nên để cho đức Đạt Lai Lạt Ma về Tây Tạng tiếp xúc với các tìn đồ, tương tự như chính quyền Việt Nam đã cho phép Thiền sư Nhất Hạnh về nước.

Dù thế nào chăng nữa thì quan điểm của chính quyền Việt Nam rất rõ. Theo hãng AP, chính quyền đã ra lệnh cho toàn bộ 379 thiền sinh là phải rời Tu Viện Bát Nhã trước đầu tháng 9/2009.

Thánh lễ trước tháp chuông nhà thờ Tam Tòa (DR)

Thánh lễ trước tháp chuông nhà thờ Tam Tòa (DR)

Sau vụ Bát Nhã, liên quan đến Phật giáo, qua hạ tuần tháng 07/2009 đã bùng lên vụ Tam Toà. thoạt đầu giới hạn ở địa phương, sau đó trở thành cuộc đấu tranh của người Công giáo trên toàn quốc.

Theo linh mục Antôn Phạm Đình Phùng, chánh văn phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài, Giáo phận Vinh, sáng 20/07/2009, khoảng 150 giáo dân xứ Tam Tòa đã đến dựng lều tạm để làm lễ trên nền nhà thờ Tam Tòa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bất ngờ hàng trăm công an, đã tới ngăn cản, đánh đập các giáo dân, rồi bắt lên xe mang đi khoảng 20 người. Theo hãng tin công giáo Asianews, hàng trăm người đã bị thương trong cuộc xung đột. Bạo động cũng tiếp diễn những ngày sau đó.

Theo Asianews, một số người địa phương cho biết là công an cùng nhiều nhóm thường dân phụ trợ đã đi đi lại lại trên các đường phố để tìm đánh tất cả những ai mang biểu tượng của đạo Công giáo. Họ còn thốt ra những lời đe dọa tính mạng giáo dân. Trong tình hình bất an đó, hàng trăm gia đình giáo dân Công Giáo ở Đồng Hới đã phải bỏ nhà chạy qua các vùng lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh để lánh nạn.

Tình hình nghiêm trọng thêm khi có hai linh mục bị đánh đập bị thương, có người bị bất tỉnh. Sự kiện đó là chất xúc tác, làm dấy lên cả một làn sóng bất bình trong cộng đồng người Công giáo trên toàn quốc. Phong trào ủng hộ giáo dân Tam Toà được tổ chức ở nhiều tỉnh thành với các cuộc tập hợp phản đối chính quyền. Các buổi cầu nguyện cho giáo dân bị bắt đã huy động được đến nửa triệu người tham dự.

Thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa (Ảnh : Reuters)

Thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa
(Ảnh : Reuters)

Nhà thờ Tam Tòa nguyên là một nơi bị bom Mỹ phá hủy trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, nhà thờ chỉ còn trơ lại tháp chuông. Đất tại khu vực này vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà Thờ. Giáo dân nơi đây đã xin phép xây lại nhà thờ nhưng không được vì chính đã quyết định giữ lại bằng của cuộc chiến, và biền nơi đây thành di tích lịch sử. Vấn đề là giáo dân không có nơi để hành lễ, cũng như chưa có khu đất khác để xây nhà thờ.

Nguyên nhân vụ Tam Tòa khởi thủy là vấn đề đất đai như nói trên, mang tính chất địa phương, nhưng diễn diễn tiến sự kiện và phản ứng chính quyền, cho thấy vụ việc đã mang một tầm cỡ khác. Trong bài viết đăng trên mạng Catholic Online, đề ngày 31/07, tác giả Deacon Keith Fournier đã không ngần ngại nói đến một cuộc "chiến tranh mới ở Việt Nam" đang bắt đầu, một cuộc chiến mà các "kẻ thù của tự do đang tấn công vào giáo hội Công giáo" .

Không đi xa đến thế, hãng tin Công giáo Asianews, công nhận là những gì xẩy ra ở Đồng Hới nghiêm trọng hơn nhiều so với ở Thái Hà trước đây. Chính quyền điạ phương Đồng Hới thực hiện một chính sách đàn áp thẳng tay. Họ không xấu hổ gì trước mục tiêu biến Đồng Hới thành một nơi không còn người công giáo nữa.

Trong một bài viết công bố ngày 05/08/2009, AsiaNews lồng vụ Tam Tòa vào trong bối cảnh xã hội và chính trị chung tại Việt Nam hiện nay để cho rằng người Công giáo bị xách nhiễu vì Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã có quan điểm rõ rệt chống lại kế hoạch khai thác bauxite và bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông, hai đề tài nhậy cảm hiện nay đối với Đảng Cộng Sản.

Theo AsiaNews, bauxite không đơn thuần là vấn đề môi trường kinh tế mà còn mối quan ngại là sự hiện diện lâu dài hàng trăm ngàn nhân công Trung Quốc đến làm việc tại các khu mỏ bauxite ở Tây Nguyên.
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, ngày 31/05/2009 đã lên tiếng cảnh báo về tác hại môi trường việc khai thác bauxite. Bức thư của Đức Hồng Y đươc công bố vài ngày sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua đề án này bất chấp phản đối của công luận.

AsiaNews cũng ghi nhận là cho dù nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội chỉ trích đề án bauxite, nhưng giới truyền thông Việt Nam chỉ nhắm vào những nguời Công giáo như linh muc Nguyễn văn Khải, Dòng chúa Cưú thế ở Hà Nội, và linh mục Lê Quang Uy, đã lên tiếng kêu gọi xem xét lại đề án nguy hiểm. Báo chí nhà nước đã cho là hai nguòi này thiếu hiểu biết, gây chia rẽ, cản trở công cuộc phát triển của đất nước, thậm chí tố cáo họ muốn lật đổ chinh quyền.

Ngoài hồ sơ bauxite, AsiaNews, còn thấy Giáo hội Công giáo và Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám Mục thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến một hồ sơ tế nhị khác, đó là ranh giới với Trung Quốc. Ngày 24/07/2009, Tòa Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh và nhà xuất bản Tri Thức dự kiến tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề biên giới Việt Nam Trung Quốc ngay tại Toà Tổng giám mục trong bối cảnh có nhiều tin là chính quyền Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ thêm về ranh giới trên bộ và trên biển.

Vào giờ chót, do áp lực của chính quyền, hội thảo được dời đến một nơi khác, chật hẹp hơn, cách đấy 2 cây số. Một số diễn giả chủ chốt được dự kiến, trong đó có Đức Hồng Y, đã rút lui, không đến tham gia hội thảo, vì có "những trách nhiệm khác quan trọng hơn''.

Phỏng vấn giáo sư Carlyle Thayer

Giáo sư Carlyle Thayer

Giáo sư Carlyle Thayer

Vấn đề Tam Tòa và Bát Nhã đã nổi cộm lên vào lúc chính quyền vừa bắt giam một lọat nhân vật đầu tranh cho dân chủ, cũng đã từng có quan điểm phản đối Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của RFI qua e-mail, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, trước hết đã lồng vụ Tam Toà vào trong bối cảnh các vụ tranh chấp đất đai giữa Giáo Hội Công giáo và chính quyền Việt Nam.

Vấn đề Tam Toà chỉ là sự kiện mới nhất trong tranh chấp giữa Giáo Hội Công giáo Việt Nam với chính quyền, liên quan đến việc đất của Nhà Thờ bị chế độ Cộng sản tịch thu. Năm ngoái đã có tranh chấp giữa cộng đồng người Công giáo và chính quyền điạ phương về sở hữu đất đai ở Thái Hà (Hà Nội) và Toà Khâm sứ Hà Nội. Bên cạnh đó, cũng những vụ tranh chấp ít được nói đến hơn ở các tỉnh Hà Đông, An Giang, Vĩnh Long.

Nhưng nguồn gốc vụ Tam Toà, thì gần đây hơn, vào thập niên 90, khi chính quyền điạ phương chọn ngôi nhà thờ bị bom đạn phá hủy làm 'di tích tưởng niệm tội ác chiến tranh của Mỹ''. Khu đất bị tịch thu vào năm 1996, nhưng giáo dân vẫn đươc phép đến đây thờ phụng. Qua năm 97, Ủy ban Nhân dân Quảng Bình ra quyết định, tuyên bố Nhà thờ Tam Tòa là đài tưởng niệm.

Thoạt nhìn qua thì vụ Tam Toà là một vấn đề điạ phương, nhưng có nhiều điểm tương đồng với những vụ tranh chấp khác liên quan đến đất của nhà thờ. Một cách cụ thể, sự vụ nổ ra hiện nay là do chính quyền địa phương không có khả năng đáp ứng một cách xây dựng yêu cầu của Giáo hội tại chỗ về việc cấp đất cho họ để họ xây dựng nơi thờ phụng.

Vụ tranh chấp hiện nay, nổ ra từ ngày 20 tháng 7, khi giáo dân dựng lều làm nơi tạm thời hành lễ. Công an đến nơi dẹp bỏ, và xô xát giữa hai bên dẫn đến bạo động. Các chức sắc Công giáo nói là công an đã sử dụng lựu đạn cay, dùi cui... để đánh những người phản đối.
Qua ghi nhận của Giáo Hội địa phương thì rõ ràng là giáo dân điạ phương đã xông vào giải thoát cho nhiều người bị bắt.

Hành động bạo lực của công an và việc bắt giữ hơn một chục người đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối công khai rầm rộ, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong các ngày chủ nhật 26 tháng 7, và mùng 2 tháng 8. Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngàn người đã tham gia thắp nến cầu nguyện cho Tam Tòa.

Phản ứng của chính quyền điạ phương theo một mô hình đã từng thấy trước đây trong các vụ tranh chấp đất đai giữa giáo hội Công giáo và chính quyền. Trước tiên, chính quyền tung chiến dịch truyền thông báo chí để đả kích giáo dân Tam Toà, tố cáo họ có hành động ''phản cách mạng và đe doạ an ninh quốc gia''. Và cũng giống như trong các cuộc tranh chấp khác, công an mặc thường phục và những đám du côn đã đánh linh mục và giáo dân.

Riêng về vụ Bát Nhã, giáo sư Thayer đã bác bỏ luận điểm xem đấy là một vấn đề hoàn toàn cục bộ ở địa phương :

Diễn biến tại Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc có dấu hiệu đi theo một logic khác. Thoạt đầu tu viện này do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Nhà sư trụ trì tại đấy đã mời những tu sinh của Thầy Thích Nhất Hạnh về Bát Nhã để tu tập.

Ta cần nhắc lại là Thiền sư Nhất Hạnh đã được long trọng tiếp đón khi được phép trở về Việt Nam vào năm 2005. Từ đó đến nay, lập trường ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như những lời kêu gọi gia tăng quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh đã làm cho chính quyền Việt Nam nổi giận đối với ông.

Có dấu hiệu cho thấy là các quan chức trong ngành an ninh đã gây áp lực trên chính quyền địa phương và các chức sắc Phật giáo để họ trục xuất các môn sinh của Thiền sư Nhất Hạnh. Vào cuối tháng sáu vừa qua, chính quyền điện phương đã cắt điện nước và điện thoại của Tu viện. Sau đó một nhóm người thuê mướn tại địa phương võ trang bằng buá rìu, gậy gộc, đã tấn công vào tu viện và đập phá mọi thứ tại đấy.

Báo chí Nhà nước tại Việt Nam đã đưa tin theo hướng sự cố Bát Nhã là vấn đề tranh chấp giữa các nhóm phật tử địa phương. Thế nhưng có thể thấy rõ bàn tay của ngành an ninh trung ương trong việc dàn dựng những hành động mạnh tay, kể cả bạo động.

Cả hai vụ Tam Tòa và Bát Nhã theo giáo sư Thayer có mẫu số chung với các vụ trấn áp những người hoạt động dân chủ gần đây : đó là yếu tố Trung Quốc :

Những sự cố ở Tam Toà và Bát Nhã đã diễn ra cùng một thời điểm với việc chính quyền bắt những người hoạt động dân chủ, nổi tiếng nhất là Lê Công Định. Ba sự kiện đó có mối liên hệ là đều nằm trong bối cảnh rộng lớn hơn là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thấy uy tín của mình bị suy giảm vì vấn đề bauxite.

Vấn đề bauxite không chỉ là một thách thức đối với năng lực của chính phủ trong việc đưa ra được những đề án phát triển quan trọng, mà còn là một vấn đề tế nhị liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cả giới lãnh đạo giáo hội Công giáo lẫn Phật giáo đều dùng trọng lượng của mình để dấn thân vào các vấn đề vừa kể. Họ ủng hộ giới bảo vệ môi môi trường, các nhà kinh tế, cũng như các quân nhân về hưu chống lại đề án bauxite. Lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã trực tiếp lên tiếng chỉ trích các thương lượng thương mại của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc.

Ông Lê Công Định, cũng những nhà hoạt động dân chủ khác đã nêu vấn đề bauxite và Trung Quốc trên các trang blog của họ.
Hành động cứng rắn gần đây của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, ra lệnh cấm đánh cá, tác hại đến ngư dân và ngành đánh cá của Việt Nam đã làm cho lãnh đạo Việt Nam lúng túng. Tóm lại, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính quyền của ông đang đứng trước một cơn 'bão táp ' trên vấn đề rất tế nhị là quan hệ vơí Trung Quốc.

Các sự kiện trên xẩy ra trong lúc đảng Cộng Sản vừa thông báo bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội đảng, dự trù vào đầu năm 2011. Trong bối cảnh đó, có thể là khối ''bảo thủ và an ninh'' trong Đảng đang phô trương sức mạnh một cách sớm sủa để dẹp tan những vấn đề có khả năng gây chia rẽ trong nội bộ Đảng. Những người cải tổ trong Đảng phải thận trọng trong bầu không khí nặng nề về ý thức hệ đó.

VP Chính phủ thông báo về 150 triệu đô của Thủ tướng

Hà Nội 4/8/2009 – Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo nội bộ, do Bộ trưởng Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc ký gửi các cơ quan báo chí, trả lời về việc có thông tin cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận 150 triệu USD liên quan đến các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ đã khẳng định một số quan điểm xuyên suốt sau đây:

Một là, TT Nguyễn Tấn Dũng luôn biểu lộ quyết tâm chống tham nhũng, và coi đây là trọng tâm công tác vừa cấp bách lại vừa lâu dài của Chính phủ, như có lần TT đã từng nhận định với các Giáo sư của Trường đại học Havard (Mỹ): “Việt Nam đang đánh mất một phần đáng kể nguồn lực của mình do lãng phí và tham nhũng”.

Hai là, tiến trình xây dựng Nhà thờ họ, hoặc Quỹ đầu tư IDG Ventures và quỹ đầu tư Việt Capital Fund Management đều là những việc riêng trong gia đình dòng tộc của Thủ tướng, không liên quan đến công việc của Chính phủ.

Ba là, trong tương lai gần nhất, TT sẽ bổ nhiệm nhân sự vào chức vụ Vụ trưởng Vụ Theo dõi Công tác chống Tham nhũng, Buôn lậu và Gian lận Thương mại (được gọi tắt là Vụ I), đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động của bộ phận Thanh tra Chính phủ, sớm thực thi các biện pháp giáo dục cán bộ đảng viên cho tốt, củng cố khâu tổ chức, và chống suy thoái trong cán bộ đảng viên.

Bốn là, Vụ trưởng Vụ xử lý Khiếu nại, Tố cáo (được gọi tắt là Vụ II) Phan Văn Minh xác định là chưa nhận được văn bản khiếu nại chính thức nào về thông tin 150 triệu USD bôi trơn dự án nói trên, cũng không có bất kỳ liên hệ nào đến việc từ chức của nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên Nguyễn Văn Lâm trước đây.

Năm là, quyết định của TT về việc tạm đình chỉ chức vụ Phó tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Trần Quốc Trượng hoàn toàn là nhằm “làm rõ trách nhiệm và những sai phạm trong việc chỉ đạo đoàn thanh tra tại Tổng công ty Dầu khí”.

Bản Thông báo cũng cho biết thêm, một lần nữa, TT Nguyễn Tấn Dũng khẳng quyết theo đuổi tinh thần tôn trọng lời “nói thẳng, nói thật” và “ghét nhất là sự giả dối”, nên sẽ không có việcquyết định rút thẻ nhà báo đối với bất kỳ ai về những nỗ lực tìm hiểu về thông tin có thể gây dư luận phức tạp nói trên. Tuy nhiên, mọi cá nhân có hành vi thông tin sai lạc sẽ được xử lý nghiêm minh, triệt để và khách quan theo điều 281 Bộ luật Hình sự về tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Nếu tình trạng vi phạm gây hậu quả trầm trọng, sẽ bị truy tố theo điều 258 về tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, hoặc ở mức độ cao nhất, là theo điều 258, về tội danh “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/ThongBao_150M_USD.htm

Tam Tòa: Sự xảo trá của tờ Sài Gòn Giải Phóng


Tờ Sài Gòn Giải phóng (SGGP) ngày 30/7/2009 có bài viết: “Bà con giáo dân yêu cầu: Nghiêm trị những kẻ gây rối ở Chứng tích Tam Tòa”. Trong bài báo đó liệt kê các “ý kiến” của Linh mục, giáo dân ở Quảng Bình nói về vụ việc ở nhà thờ Tam Tòa, đòi “Nghiêm trị” các giáo dân – nạn nhân của ở Đồng Hới, Quảng Bình bởi nhà cầm quyền đã thực hiện bạo lực trái pháp luật.

Thực chất, đây là một trò lừa bịp nhằm biến nạn nhân thành thủ phạm mà các cơ quan truyền thông hiện nay đang làm đối với giáo dân, linh mục Tam Tòa.

Tên lính xung kích

Chẳng ai lạ gì tờ báo này, đây là một tờ báo xung kích trong mặt trận bóp méo sự thật và bôi nhọ tôn giáo cũng như các giáo dân trong những vụ việc vừa qua, dù ở xa hay ở gần.

Nhiều người hỏi: Tại sao tờ SGGP này lại hung hăng đánh phá những việc xa xôi như Thái Hà, Tòa Khâm sứ, và bây giờ là Tam Tòa đến thế?

Nhiều câu trả lời đã được đưa ra, chẳng hạn:

1- Đánh phá tôn giáo, tâm linh tín ngưỡng là điều tối kỵ, vì nó ảnh hưởng tới âm đức, tới hồng phúc. Điều đó thực chất là việc phá đình phá chùa thường thấy trong thời cộng sản mà ta đã chứng kiến. Làm điều đó, dù kiếm được chút miếng ăn, nhưng con cái, cháu chắt mình phải chịu quả báo nên ít có ai dám làm tên lính xung kích. Trừ nhiệm vụ cấp trên giao phó phải hoàn thành thì phải bán rẻ tất cả lương tâm, nhân phẩm để kiếm mấy đồng lương chén đầy miệng đã, kệ đời con, đời cháu cho chúng nó mạt kiếp.

2- Tờ báo này giờ ế quá, chuyện chống tham nhũng thì thực hiện theo cách “mèo tha miếng thịt thì đòi, hổ tha con lợn mắt coi trừng trừng” nên cũng kém phần hấp dẫn.

Chuyện biên giới, hải đảo, lãnh thổ đất nước bị xâm lăng… thì có cho kẹo cũng chẳng dám mở mồm. Hàng ngàn ngư dân đang ngồi bó gối trong mùa cá vì Trung quốc ra lệnh cấm đánh cá trên biển Việt Nam đã vài tháng nay, ai ra khơi thì bị “tàu lạ” – thuật ngữ mới của VN để chỉ tàu Trung Quốc – đâm chìm, ai cố ra bằng được kiếm cái ăn, thì bị bắt và đòi tiền “chuộc”. Vậy mà tờ báo này cấm không có một tin nhỏ nào nói về họ, tôi đã dùng mọi cách có thể để mong tìm ra một dòng tin về những ngư dân này. Nhưng, tuyệt nhiên không thấy. Hình như tờ báo này coi đó không phải là người dân Việt Nam?

Ngược lại, người ta đọc được trên tờ báo này những thông tin: “Ngư dân không ra biển vì… giá dầu”? hoặc “Ngư dân không ra biển vì sản lượng khai thác thấp”… Người ta tin rằng những người ở Trung Quốc ra lệnh cấm biển Việt Nam đọc tin này chắc không khỏi bật cười.

Bây giờ cả trăm tờ báo như một, tin tức cần thiết không đăng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ cướp, giết, hiếp… nên quá ế ẩm. Chẳng lẽ chỉ có một tướng Tàu là Hứa Thế Hữu cần quân xâm lược Việt Nam năm 1979 đã được tờ Hà Nội mới ca tụng bốc thơm lên tận mây xanh, giờ lại còn tờ SGGP bốc nữa thì quá lố.

Vậy nên đành làm liều thành tên lính xung kích đánh phá tôn giáo hòng mua lấy lòng cấp trên may ra Tổng Biên tập hoặc phóng viên còn được cái giải “Ngô Tất Tố” như UBTPHN đã trao cho tờ Hà Nội mới và tác giả Anh Quang qua vụ xuyên tạc đánh phá tôn giáo ngoài đó?

3- Có người ra vẻ hiếu biết đường lối thì cho rằng: Tờ báo này lo xa, kiếm đồng minh sẵn với các địa phương, chứ phong trào đòi sự thật, công lý hòa bình và tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp đang dâng lên trong công giáo và xã hội thế này, thì mai kia ở Sài Gòn là nơi có gần 1 triệu người Công giáo và biết bao tài sản, đất đai bị mượn, chiếm… nếu lửa công lý cháy đến thì ra tro ngay.

Đây là nỗi lo của họ, nhưng họ đã lo quá xa.

May cho họ là ở trong đó hàng Giáo phẩm và linh mục còn “bận” chưa có thời giờ chú ý đến những chuyện này, chứ nếu có thì nước đâu mà dội vào. Họ cứ yên tâm kê cao gối mà ngủ, vì những vụ như Nhà Dòng, nhà xứ Thủ Thiêm có lịch sử cả hơn trăm năm nay, bây giờ nhà nước thấy đất đẹp muốn làm dự án, khu ăn chơi thì lấy ngang hông chẳng ông nào dám có một tiếng nói.

Thậm chí có nhiều người nói rằng: hình như trong đó, nhiều vị trong hàng Giáo phẩm và linh mục, đã được “cán bộ hóa”, nên cứ lo việc nhà mình xong là ổn, kệ đời xuôi ngược, mặc ai xoay vần, miễn không ảnh hưởng đến nhà mình, bản thân mình là được?

Không biết cái lý luận đó có đúng không, câu hỏi đó ai sẽ trả lời? Còn tôi, tôi nghĩ rằng đừng thấy hổ ngủ mà vuốt râu, đến khi nó tỉnh đầu lâu chẳng còn.

Bịp, lừa cũng lắm công phu

Thông thường, các tờ báo như Hà Nội mới hoặc tờ SGGP cũng như báo chí nói chung, muốn đưa các ý kiến để tìm sự đồng thuận với những việc làm vô nhân tâm, vô đạo đức với Công giáo thì thật khó, dù xã hội có suy đồi đạo đức thì tìm một người Công giáo chân chính để bán linh hồn cho quỷ dữ quả là không dễ.

Chính vì vậy, mà họ dùng nhiều phương cách ma quỷ khác nhau đó… là bịa.

Trong nhiều lần trước đây, đã có những trò đồ tể và bịp bợm được thi thố. Ở đó, họ bịa ra tên tuổi giáo dân nọ ở giáo xứ kia, nhưng khi tìm hiểu thì người đó đã chết cách đây mới có… 6 năm, trường hợp khác thì không hề có người nào ở địa chỉ đó. Chúng tôi đã kịp thời vạch mặt, chỉ tên.

Vậy là họ rút kinh nghiệm bằng cách ghi tên, tuổi những người mà có tìm cả năm cũng không bao giờ có. Chẳng hạn, ông Nguyễn Tất Công, nhà ở Quận Ba Đình… hoặc anh Lê Văn Tám, nhà ở Thị Nghè… thì độc giả có tìm cả đời cũng không biết mặt mũi ông ấy thế nào. Vậy là tha hồ đặt vào miệng những nhân vật tưởng tượng đó những lời thóa mạ thỏa thích. Đến khi nào chính những người bịa ra nhân vật lại tưởng nhân vật đó có thật mới thôi.

Nhưng cách đó cũng không hẳn là ổn, đi đêm lắm có ngày gặp ma, trường hợp ông Nguyễn Trọng Tỵ thì ngón nghề này đã bị vạch mặt, chỉ tên quả tang và tờ Hà Nội mới im bặt, cấm khẩu như bị trúng gió.

Cũng còn một cách nữa, đó là chuyện xảy ra ở Thái Hà, ở Tòa Khâm sứ, họ không dám phỏng vấn một người nào ở gần đó, chứng kiến sự việc để nói lên cảm nghĩ của mình, mà mò vào tận Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột… xa lắc xa lơ, những nơi không có thông tin nào ngoài đài báo nhà nước để phỏng vấn chuyện này, xuyên tạc ra thành chuyện khác. Khi những thông tin bịa đặt được đưa ra, cá nhân được đề cập không có điều kiện để tiếp nhận, nếu có thì cũng là chuyện “cái kiến đi kiện củ khoai” nên đành chịu. Chúng tôi cũng đã kịp thời vạch mặt trò xảo trá này.

Còn muôn cách nghìn kiểu khác nhau để làm trò khỉ, chúng tôi chưa thể thống kê ra đây hết được.

Lật mặt sự xảo trá, căn bệnh khó chữa của truyền thông bóp méo

Với tờ báo SGGP này, tôi cũng đã có kỷ niệm với nó. Đã có một lần tôi phải giải thích cho cả tác giả và tờ báo về người Công giáo như thế nào trong bài viết “Cần có vài điều với tờ Sài Gòn Giải phóng”. Trong đó nói cho họ hiểu rằng: cách suy nghĩ của họ chỉ đơn giản vì vật chất thì không thể đem ra để đánh giá cách suy nghĩ thánh thiêng của người khác, đặc biệt là người Công giáo. Nói như cha ông đã nói là “không thể lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử”.

Lần này, với vụ Tam Tòa, vẫn là bổn cũ soạn lại. Báo SGGP làm một cú tưởng chắc ăn và hấp dẫn. Đó là phỏng vấn một linh mục ở ngay Giáo phận Vinh và một số “giáo dân” ở ngay Quảng Bình. Có nhân chứng, hình ảnh sờ sờ ra thế thì ai mà chẳng tin tờ báo của Đảng bộ Thành phố to nhất nước này nói là có cơ sở(!)

Trong bài viết nói trên của SGGP cũng như tờ báo của Công an đã nêu lên danh tính các linh mục, giáo dân… có tên tuổi địa chỉ hẳn hoi, nói lên những điều mà người tín hữu không thể có ai tin được rằng: Giáo dân Tam Tòa là vi phạm pháp luật, là cần nghiêm trị... thôi thì đủ cả.

Chúng tôi đã kiểm nghiệm lại vài trường hợp tờ báo này nêu lên thì té ngửa, đó là những sự bịa đặt rất tinh vi và xảo quyệt nhằm chia rẽ nội bộ tôn giáo.

Họ tìm đến con bài linh mục Hồ Thái Bạch là có nguyên nhân của nó. Linh mục Hồ Thái Bạch quản xứ Liên Hòa đã gần 70 tuổi ở giữa cồn sông nghèo khó. Là một linh mục đã sống dưới thời cộng sản sắt máu nhất, phải chờ đến hơn 31 năm mới được trở lại trường Chủng viện, 52 tuổi mới được thụ phong linh mục. Hiểu được cuộc sống gian khó của người dân nên ông đã đem sức mình phục vụ nhân dân không chỉ có trong giáo lý, mục vụ, mà còn trong cuộc sống.

Về tinh thần, những nơi này ít có thông tin bên ngoài hoặc mạng internet để tìm hiểu tình hình, suốt ngày cũng chỉ ngộ độc bởi thứ truyền thông xuyên tạc.

Cũng cần nói rằng, nếu kể đến các linh mục công giáo hi sinh vì người nghèo thì chắc phải lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở cũng không hết. Bởi họ học theo người Thầy Giêsu vĩ đại, sinh ra giữa nghèo hèn, sống giữa những người cần lao, bênh vực những người bị áp bức.

Nhưng với các “cán bộ đầy tớ nhân dân”, thì việc thấy các linh mục hi sinh vì người nghèo là chuyện lạ. Khi muốn có sự thân thiện nào đó họ cho báo chí đến viết mấy bài ca ngợi. Nhiều vị cũng đã dính chưởng con bài này, tưởng rằng như vậy thì mình oai lắm. Vậy là mắc câu, họ sẽ nuôi cho béo và chờ ngày cho lên… thớt khi cần thiết.

Linh mục Hồ Thái Bạch cũng đã được tờ SGGP này đăng một bài viết về “vị linh mục của người nghèo” để ca tụng, hoặc đưa tin những khi tết đến, lễ lạt chính quyền đến… tặng quà, thể hiện sự “quan tâm”.

Khi vụ Tam Tòa xảy ra, phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng đã gọi điện đến hỏi vài câu chuyện vu vơ, vậy rồi đưa lên mặt báo hình ảnh và đặt vào miệng cụ những lời mà Ngài bảo rằng: “đó là lời của… nhà nước chứ tôi không nói thế”.

Linh mục Hồ Thái Bạch cho chúng tôi biết: “Họ gọi điện thoại đến hỏi han, rồi nói chuyện có vâng phục Đức Giám mục không?Tôi trả lời tôi là linh mục phải vâng phục Đức Cha là đương nhiên, còn yêu cầu của tôi là thả hết các giáo dân đang bị bắt bớ, đánh đập, giam cầm. Để xảy ra việc đó là điều đáng tiếc”.

Linh mục Hồ Thái Bạch nói: “Tôi hoàn toàn không nói và không có ý nói như thế, việc đất đai nhà thờ là việc bàn bạc của Đức Giám mục, còn tôi chẳng phải là chính quyền nên không thể nói là sẽ được cấp sớm hay muộn gì. Họ có nói với tôi là đất làm nhà thờ mới phải đẹp, tôi nói tất nhiên là phải đẹp thì mới đổi, nhưng mà đang trong quá trình trao đổi bàn bạc chưa xong”.

Vậy mà trên tờ Sài Gòn Giải phóng đã đưa hình ảnh linh mục Bạch lên với đầu đề: ““Bà con giáo dân yêu cầu: Nghiêm trị những kẻ gây rối ở Chứng tích Tam Tòa”.Trong đó phần linh mục Hồ Thái Bạch thì đặt vào miệng Ngài rằng: “…Về việc lựa chọn, cấp đất xây dựng nhà thờ ở Đồng Hới, tuy có chậm nhưng chắc chắn là đẹp và sẽ được chính quyền giải quyết thỏa đáng”(Trích nguyên văn một đoạn, không cắt xén). Hình của linh mục này được cắt ra từ hình ảnh mà báo này đã đăng trong một bài viết đã nói ở trên.

Linh mục Hồ Thái Bạch đã kiểm tra lại các giáo dân khu vực xung quanh Quảng Bình và cho biết không có giáo dân nào nói những điều như bài báo đã nêu, không có ai lại đi “yêu cầu nghiêm trị” các nạn nhân. Tất cả giáo dân đều có những chính kiến và lương tâm của mình trước các vụ việc đàn áp của nhà cầm quyền với anh em ở Tam Tòa và với các vấn đề của Giáo phận, Giáo hội. Ngay cả bản thân ông cũng cực lực lên án viẹc dùng bạo lực không chỉ với giáo dân mà cả linh mục và kêu gọi cầu nguyện cho nạn nhân những ngày qua.

Vẫn biết báo chí, truyền thông nô lệ thì coi mục đích đạt được là tất cả, bỏ qua nhân tâm, lương tâm và những hậu quả. Nhưng trường hợp này, đó phải nói là sự xảo trá mà chỉ có thể có ở những tâm địa ma quỷ.

Giáo dân, giáo gian và những kẻ mạo danh

Sau những vụ việc ở Thái Hà và Tòa Khâm sứ, nhiều người bạn nói với tôi rằng: “Anh cứ nghĩ giáo dân là công dân hạng hai, nhưng giờ thì vị thế đã đổi khác, những người Công giáo mới là công dân hạng nhất, bởi họ là những người có đạo, còn cái đám đánh đền phá nhà thờ kia được gọi là “quân vô đạo”, con người sống tử tế phải hiểu điều đó”.

Ngẫm lại cũng có ý đúng. Nhưng trong xã hội và Giáo hội ngày nay, cũng cần phân biệt rõ, không thể lập lờ đánh lận con đen mãi được về giáo dân và những kẻ mạo danh.

Giáo dân được định nghĩa như sau theo Bộ Giáo Luật:

Theo điều 205 thì giáo dân phải “là những người đã được Thánh Tẩy và liên kết với Đức Kitô trong cơ cấu hữu hình của Giáo Hội nhờ mối dây hiệp nhất do việc tuyên xưng đức tin, lãnh các Bí tích và nhận quyền lãnh đạo của Giáo Hội”.

Vì thế, những người đã không “kết hợp với Đức Kitô trong cơ cấu hữu hình của Giáo hội” đã không, hoặc từ bỏ “tuyên xưng Đức tin”, hoặc tuyên xưng (dù trực tiếp hay gián tiếp) những điều phản lại Đức tin, không lãnh nhận các Bí tích, không nhận quyền lãnh đạo của Giáo hội, thì đó không thể là giáo dân hoặc không còn là giáo dân.

Nói đến điều này, để phân biệt rõ ràng hơn danh xưng “Giáo dân” mà nhiều khi bị lạm dụng hoặc đánh tráo khái niệm trên báo đài nhà nước.

Một lần, nói chuyện với một Trung Tá công an tôn giáo, anh ta bảo tôi: “Hiện nay, trong Đảng Cộng sản vẫn có nhiều giáo dân và vẫn khuyến khích giáo dân vào Đảng”. Tôi trả lời rằng: “Anh nói thế là không đúng, đã là Đảng viên Cộng sản, thì không thể còn là giáo dân, dù không ai buộc người đó rời Giáo hội, thì tự người đó đã rời bỏ Giáo hội rồi. Dù trước đó anh ta có là giáo dân thật, thì hiện tại anh ta không còn là giáo dân nữa. Nói như anh, thì trong Giáo hội Công giáo vẫn có Hồi giáo, vẫn có Ấn độ giáo, Phật giáo… vì họ đã từng là những tín đồ các tôn giáo đó? Điều đó là không thể có được”.

Anh ta nói “anh không hiểu về Đảng. Tôi là Đảng viên, nhưng hàng tháng ngày rằm, mồng một vẫn thắp hương cầu trời, khấn phật mà chẳng sao cả”. Tôi nói với anh ta rằng: “Anh đã sai, một đảng viên theo thuyết vô thần mà vẫn làm thế là sai, là làm tôi hai chủ”.

Quả thật là về Đảng thì có thể tôi không hiểu bằng anh ta có hàng chục năm tuổi đảng. Nhưng căn cứ trên những văn bản, giấy tờ đã và đang có, qua cả chục năm học tập về Chủ nghĩa Mác – Lênin, thì CN Mác – Lênin hoàn toàn không công nhận có thần thánh và Thiên Chúa. Bản chất của Chủ nghĩa Mác – Lênin gắn với Chủ nghĩa duy vật biện chứng, coi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội duy tâm và có nhiều hạn chế, phủ nhận thần thánh, Thiên Chúa.

Trong khi đó, Điều lệ Đảng CSVN ghi rõ: “Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” – (Tất nhiên cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mới sinh ra sau này, hồi chúng tôi đi học chẳng bao giờ thấy nói đến nó). Và: “Điều 2:-1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng…”

Vậy thì không thể nói gì khác hơn, Đảng CSVN là một tổ chức của những người có tư tưởng vô thần. Và cũng vì vậy, những người đứng vào hàng ngũ đó đương nhiên thừa nhận tư tưởng vô thần này, để thề hứa “tuyệt đối trung thành”.

Cũng chính vì thế, ở Giáo phận Vinh có một nguyên tắc rất thẳng thắn: Ai đã là đảng viên Đảng Cộng sản, dù với bất cứ lý do nào thì đương nhiên không còn là giáo dân, không được chịu các phép bí tích một cách ngay tình và thành sự. Chỉ đến khi những người đó không còn là đảng viên cộng sản, mới có thể quay lại với Giáo hội trong các phép bí tích mà thôi.

Không ai cấm ai theo Đảng hay theo Chúa, mỗi người được tự do lựa chọn con đường đi của mình. Tất nhiên, trong quá trình đó sẽ có sự giúp đỡ của những người khác.

Nói về vấn đề này hơi kỹ, cũng chính là để các nhà báo, các nhà chức trách biết cách phân biệt, đừng có lập lờ đánh lận con đen, đừng đưa những “giáo gian” để lòe bịp thiên hạ. Những kẻ đã cam tâm bán mình để kiếm miếng cơm, thì bảo gì mà chẳng nói, miễn là đổ vào đầy miệng họ.

Một ví dụ cụ thể: Khi giáo dân Thái Hà đồng lòng đòi lại mảnh đất Nhà thờ bị chiếm đoạt trái pháp luật, muốn được gặp các lãnh đạo của Thành phố và Công an thì đã không được đáp ứng.

Ngược lại, sáng 5/9/2008, ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội đã cho xe đưa 11 người lên Sở Công an để “lấy ý kiến giáo dân” mà báo chí và công an gọi là “Giáo dân cốt cán của Thái Hà”.

Tìm hiểu thì được biết, nhóm 11 người này “từ năm 2002 luôn đứng ngoài cuộc trong tất cả mọi sinh hoạt của giáo xứ”. Trước đó, nhà thờ có một phòng trở thành nơi họp của công an và dân phòng các loại. Thậm chí thời đó còn có người mạo chữ ký của Cha sở để bán đất nhà thờ. Vì những trò ma quỷ đó, năm 2002 thì Ban Hành Giáo bị giải thể.

Thậm chí, một trong số những người này còn được Thành ủy Hà Nội phong chức là “Linh mục” trong giấy mời họp.

Cũng chính một trong những “giáo dân cốt cán” này là người đã bị bắt quả tang khi tháo các huy chương, huân chương để dựng nên màn phỏng vấn khi “khánh thành vườn hoa 1-6” mà người dân Thái Hà gọi là Vườn hoa Vũ Khởi Phụng. Màn video đó có thể xem Tại đây.

Trở lại vấn đề của báo chí hiện nay, không chỉ có tờ SGGP, mà cả dàn đồng ca đang xuyên tạc sự thật về Tam Tòa và cố nặn ra các nhân chứng, các ý kiến… nhằm lừa bịp thiên hạ. Những người có suy nghĩ và lương tri đều hiểu những gì đã xảy ra nếu họ có quan tâm.

Tuy nhiên, việc vạch mặt những trò lừa bịp, bóp méo sự thật là trách nhiệm của bất cứ ai muốn xã hội tốt đẹp hơn trong sự thật, công lý.

Đặc biệt là hàng ngũ giáo dân, linh mục càng phải đề cao cảnh giác trước những trò ma giáo này, không để mình bị ngộ độc thông tin, bị lừa bịp trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngày nay.

Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đồng hành với giáo dân, linh mục và tu sĩ, những nạn nhân của Giáo xứ Tam Tòa, Giáo phận Vinh trong cơn bách hại này.

Để rõ ràng hơn, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần âm thanh trả lời của linh mục Hồ Thái Bạch về những điều mà tờ SGGP đã viết. (xin click chuột vào hình cái loa ở đầu bài để nghe âm thanh)

Hà Nội, Ngày 5 tháng 8 năm 2009.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Thành viên 8406 bị Công an bắt & hành hung trái pháp luật

Ngày 28/07/2009, một thành viên khối 8406 là anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (sinh năm 1981) đã bị cơ quan Công an bắt giữ và hành hung trái pháp luật.

Tin cho biết, vào sáng cùng ngày, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng có hẹn với Luật sư Lê Trần Luật tại quán cafe DVD Đĩnh (D5, Bình Thạnh). Khi vừa bước ra khỏi quán, đã có rất đông an ninh bao vây bên ngoài. Họ yêu cầu anh Hùng phải về trụ sở Công an "làm việc" mà không có lý do. Trước thái độ uy hiếp ngang ngược ấy, anh Hùng kiên quyết từ chối. Ngay lập tức, hàng chục viên Công an với nét mặt hung dữ xông vào trấp áp nhằm khiêng anh Hùng lên xe, áp giải về Trụ sở Công an quận Phú Nhuận.

Tại trụ sở CA quận Phú Nhuận, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã kiên quyết cự tuyệt, không trả lời bất cứ câu hỏi điều tra nào từ phía An ninh. Hành động dứt khoát ấy khiến cho những viên Công an trở nên hung dữ. Thất bại với âm mưu khủng bố tinh thần, bọn chúng điên tiết giở trò hèn hạ khi cho một viên Công an tên Tâm xông vào hành hung anh Hùng một cách dã man.

Tra hỏi cả ngày cũng không được gì, đến 16 giờ cùng ngày, bọn chúng buộc gia đình anh Hùng phải lên Công an bảo lãnh về.

Trước đó, hồi tháng 11/2008, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng có đến sửa máy tính cho kỹ sư Đỗ Nam Hải, khi ra về anh đã bị Cơ quan An ninh dàn cảnh ép xe, bắt giữ và tịch thu mọi đồ đạc.

Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng hiện là thành viên của khối 8406. Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông, người thanh niên trẻ này cho biết "Việc bắt tôi chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, càng làm sôi sục thêm ý chí đấu tranh của tôi"

Tin từ Thành viên khối 8406, chị Lư Thị Thu Duyên