Phản biện và lợi ích nhân dân

Sau khi Quyết định 97 được công bố, có một số ý kiến cho rằng chỉ có các tổ chức KH&CN không được công bố ý kiến phản biện đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, còn các cá nhân vẫn có quyền này. Tuy nhiên đây có thể là một sự lầm tuởng tai hại.

Theo ông Hoàng Ngọc Doanh - Phó Trưởng ban chính sách nhân lực và hệ thống tổ chức KH&CN, Viện Chiến lược và chính sách KHCN (Bộ KH&CN), các nhà khoa học hay bất kỳ cá nhân nào "vẫn có thể phát biểu ý kiến với tư cách cá nhân song phải tuân thủ Luật Báo chí, Luật Xuất bản và pháp luật về KH&CN, đồng thời không được vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động KH&CN".

Điều 10 Luật Báo chí 1990 quy định: "Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân." Điều 10 Luật Xuất bản 2004 cấm "Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc." Thông tư 07 năm 2008 của Bộ TTTT hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) khéo léo viện dẫn Điều 6 Nghị định 97 năm 2008 theo đó nghiêm cấm lợi dụng internet nhằm mục đích "Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân"

Và tất cả đều dẫn đến Điều 88 Bộ Luật hình sự 1999 quy định "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Hẳn ai cũng biết luật này, nhưng ít ai nhớ rằng nguyên tắc của Bộ Luật hình sự là chỉ áp dụng đối với cá nhân, không áp dụng đối với pháp nhân. Như vậy, Quyết định 97 loại trừ những phản biện gắn với tổ chức KH&CN, cho phép quy kết những phản biện đó cho các cá nhân và xử lý theo Điều 88 Hình luật. Có một điều mà phần đông ai cũng công nhận, rằng Điều 88 Bộ Luật hình sự rất dễ được diễn giải theo hướng có lợi cho các nhà cầm quyền, và do đó các phản biện chính sách rất dễ bị gán tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Kết quả là Quyết định 97 cùng với Bộ Luật hình sự và các quy định pháp lý khác sẽ có vai trò tiêu diệt cả hai luồng phản biện: từ các tổ chức khoa học công nghệ và từ nhân dân.

Bỏ rơi lợi ích của nhân dân

Xin nhắc lại là chúng ta đang nói về những phản biện đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiếm có ai phản đối các chính sách hiện hành nếu họ không nhận thấy rằng nó đang gây thiệt hại cho xã hội hoặc cho bản thân họ. Một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cần phải lắng nghe những ý kiến này. Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ chính sách nào, bên cạnh những lợi ích chung mà nó mang lại, cũng sẽ gây thiệt hại cho ai đó. Trong trường hợp này cần phải giải thích và/hoặc đền bù thỏa đáng trên nguyên tắc công khai.

Quy định cấm phản biện chính sách của nhà nước triệt tiêu hai nhu cầu cơ bản của con người: nhu cầu theo đuổi lợi ích cá nhân và nhu cầu thể hiện mình. Một mặt, nó không cho phép cá nhân lên tiếng ngay cả khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Điều này trái với Tuyên ngôn độc lập vốn đề cao "quyền mưu cầu hạnh phúc", "quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" của cá nhân. Mặt khác, nó không cho phép cá nhân lên tiếng khi nhìn thấy người những xung quanh bị xâm phạm quyền lợi. Điều đó cản trở sự hình thành và phát triển một nhân cách hoàn chỉnh của các cá nhân trong xã hội. Hơn nữa, sẽ không có một "khối đại đoàn kết toàn dân tộc" nếu mỗi người không dám lên tiếng vì quyền lợi của đồng bào mình.

Lẽ dĩ nhiên, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do và quyền thể hiện mình là những quyền lợi không thể chối cãi. Việc cấm phản biện ngoài việc tiêu diệt những cải thiện Pareto tiềm năng còn là một thái độ đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Những mâu thuẫn cơ bản



Một chính sách đi ngược lại lợi ích của nhân dân không nên và không thể là một chính sách bền vững.


Ngay cả chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx cũng có thể chỉ ra mâu thuẫn cơ bản của quy định cấm phản biện. Ở đây, kiến trúc thượng tầng không bảo vệ cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó. Với vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng ấy sớm muộn gì cũng sẽ vượt qua mặt chủ nghĩa tư bản vốn "đang đứng bên bờ vực thẳm".


Một chính phủ vì nhân dân cần phải chăm lo cho phúc lợi của nhân dân chứ không phải bảo vệ nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Các quy định pháp lý như hiện nay khiến cho người ta đặt câu hỏi: liệu nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa có mâu thuẫn với lợi ích của nhân dân?

Nguồn : http://www.vneconomist.net/index.php

1 nhận xét: