Lời tự sự của Luật sư Lê Trần Luật

Gửi bạn thân: Ba Sài Gòn !

Sau khi gửi thư cho bà Dương Thị Tân, vợ anh Điếu Cày, đề nghị bào chữa cho anh. Ngày 02/05/2008 tôi đến công an Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh để làm thủ tục luật sư. Không được công an quận chấp nhận, tôi quyết định đến nhà gặp bà Dương Thị Tân để tìm hiểu sự việc và thuyết phục bà đồng ý cho tôi là người bảo vệ cho anh Điếu Cày.

Tôi nhớ buổi sáng hôm đó, sau những phút giây e dè chị Tân đã tiếp tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị bảo "em à! suốt đời chị ở trong bếp, chăm sóc cho con cái và gia đình, bất ngờ hôm nay chị bị xem là tội phạm, đau đớn và nhục nhã quá!". Chị nói "bây giờ mỗi lần nghe ai gõ cửa chị giật thót người, tay chân bủn rủn vì lo sợ". Tôi hỏi lại: Sao chị sợ? chị bảo "người ta suốt ngày triệu tập, khám xét. Bất kỳ lúc nào người ta cũng có thể xông vào nhà chị, chị sợ lắm em à!"

Tiễn tôi ra về, chị dõi theo: "lần sau, trước khi đến em nhớ gọi điện cho chị, chị sợ tiếng gõ cửa lắm", tôi ra về lòng dâng trào những cảm xúc lẫn lộn. Từ sâu trong đáy lòng mình tôi muốn bảo vệ cho chị và các con của chị !

Hai hôm sau, chị Tân gọi điện đến Văn phòng Luật sư của tôi và bảo: "Chị nghe nói an ninh mời Luật hả ?, chị thấy phiền cho em lắm, cảm ơn em đã có ý tốt với gia đình và cho chị từ chối lời đề nghị bào chữa miễn phí nha, có gì chị gọi lại".

Mấy hôm nay tôi nghĩ nhiều đến thân phận của chị Tân và những thân phận khác đang chống chọi một cách yếu ớt vấn nạn cường quyền và bất công. Tôi chợt nhớ câu nói của một vị Luật sư: "nỗi ai oán trong lòng dân đang kêu thấu tận trời xanh". Một sự căm hờn và bế tắc !

Tôi lan man trong suy nghĩ về sự bất công, nạn cường quyền và lẽ công bằng. Ký ức về sự trải nghiệm trở về! Tôi nhớ trong suốt thời gian mình làm Luật sư tôi đã từng nghe, từng thấy và từng tiếp xúc nhiều với những người đi tìm "Công lý". Phải rồi, họ đã đến tìm tôi cũng như các Luật sư khác, họ trả tiền để hy vọng chúng tôi tìm lại sự công bằng cho họ. Nghĩ đến đây, tôi thấy hổ thẹn với chính mình! Tôi đã làm được gì cho họ?. Trong xã hội đầy rẫy sự bất công, lòng dân ai oán, tôi cũng là một nạn nhân trong xã hội đó ! Bản thân tôi cũng có những lúc im lặng và chịu đựng. Một sự sợ hãi bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội.

Mặc cho sự cường quyền chà đạp lên chính mình.

Tại sao tôi lại hèn nhát thế ! Còn bao nhiêu luật sư hèn nhát như tôi nữa ? nhắm mắt làm ngơ, sợ hãi không dám lên tiếng, mặc cho sự bất công, cường quyền xảy ra hàng ngày, hàng giờ trước mắt mình !

Tôi không biết luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân đã làm những gì? Đúng hay sai? nhưng họ đã dám làm. Tôi thấy mình nhỏ bé trước họ! Ý nghĩ mình là một luật sư hèn nhát làm tôi ray rứt.

Cách đây cũng khá lâu, tôi có người anh là bác sỹ. Một hôm anh đi thẳng đến gặp tôi và nói: "Tao thấy báo chí đăng chiến dịch mùa hè xanh, sinh viên tình nguyện của trường Đại học X đã 'thu gom" được 30 người lang thang, cơ nhỡ" anh dừng một lát rồi buột miệng nói "mẹ kiếp, con người chứ đâu phải rác rưởi gì mà nó bảo là thu gom". Suốt buổi gặp hôm đó tôi không thể trả lời những câu hỏi của anh về "Nhân quyền" và "Dân chủ". Nội dung đó dường như quá tầm hiểu biết của tôi. Ít hôm sau, có dịp đi nhà sách, tôi quyết tâm tìm kiếm các loại sách nói về "Nhân quyền" và "Dân chủ". Tuyệt nhiên chẳng có loại sách nào nói về vấn đề đó cả. Loay hoay mãi tôi cũng mua được một cuốn "Các văn kiện quốc tế về quyền con người". Tôi nhận ra Việt Nam tham gia ký kết hầu hết những văn kiện này và ký từ rất sớm. Tất cả các quyền con người trong các văn kiện này đều đã được hiến pháp Việt Nam ghi nhận.

Suốt thời gian dài sau đó, tôi cố gắng tìm hiểu về nội dung của các chữ "Nhân quyền" và "Dân chủ". Sau nhiều năm, nhiều lần tranh luận, tôi và người bạn thân của mình – anh Ba Sai gon đã thống nhất với nhau: "Nhân quyền" là kết quả của tiến trình văn minh của nhân loại và rằng nhân loại đã mất nhiều máu và nước mắt cho hai chữ này, còn dân chủ là cách thức để đạt đến nhân quyền". Xã hội nào, nhà nước nào, chế độ nào, lý thuyết nhà nước nào, mô hình nhà nước nào cũng phải lấy "Dân chủ" làm tiêu chí của mình. Chúng tôi cũng thống nhất với nhau "Vấn đề không phải là ghi nhận quyền con người trong hiến pháp hay tham gia ký kết các điều ước quốc tế mà vấn đề là tổ chức thực hiện các quyền được ghi nhận đó trong đời sống thực tiễn". Đọc hiến pháp Việt nam tôi thấy cũng có nhiều điều tốt đẹp, nhưng tôi cũng thấy Bộ luật hình sự như "lưỡi kiếm sau lưng mình", nếu tôi thực hiện quyền của mình không khéo có thể tôi trở thành một tên tội phạm.

Bẵng đi một thời gian không gặp, cách đây mấy tháng anh Ba sài gòn đến thăm tôi. Anh nói nhiều về câu lạc bộ nhà báo tự do và Bloger Điếu Cày. Anh bảo, không cần phải xa xôi, lý luận trừu tượng nhiều, anh chỉ đơn giản là lên tiếng bảo vệ lẽ công bằng cho những người dân của mình. Chúng tôi lại tranh cãi về "Như thế nào là lẽ công bằng", và mau chóng tìm được "định nghĩa" chung": Lẽ công bằng có hai nội dung lớn. Một là, pháp luật phải có bản chất là ý nguyện của dân. Hai là, pháp luật phải được thực thi trên thực tiễn.

Anh Ba Sài Gòn bảo tôi nội dung số một lớn quá, chúng ta sẽ làm nội dung số hai, tức là làm sao cho pháp luật thực thi trên thực tiễn, anh bảo phải dùng công cụ truyền thông để hỗ trợ công việc của Luật sư. Anh đưa ra nhiều giải pháp và một sáng kiến thành lập một trang web "Ý kiến luật sư", tại đó các Luật sư sẽ chia sẻ và ghi nhận lại kinh nghiệm bị công quyền coi thường và gây khó dễ như là một sức ép của giới luật sư và công luận lên án các nhân viên công quyền ấy. Ngoài ra các Luật sư sẽ dành một phần thời gian riêng của mình để tư vấn miễn phí cho người dân …

Tiễn anh ra về, anh nheo mắt và cười đầy lạc quan. Tôi lại thấy mình nhỏ bé và hèn nhát. Ý nghĩ tôi là một tên luật sư hèn nhát ám ảnh tôi, mấy ngày sau tôi gọi điện cho Anh Ba Sài Gòn và nói: "Tôi muốn cùng anh thực hiện ước mơ của mình" anh bảo "Ok, chúng ta bắt đầu nhé".

Sài gòn ngày 06 tháng 05 năm 2008

3 nhận xét:

  1. Phil Nguyen Anderwaylúc 04:57 6 tháng 5, 2008

    Xin bày tỏ tấm lòng của tôi đối với hành động cao cả của Luật sư Lê Trần Luật.
    John Norris: "Nếu không có những người can đảm đứng ra chấp nhận rủi ro thì những người thấp cổ bé họng [đó] sẽ không bao giờ có cơ hội được tiếp cận với công lý và pháp luật". (Davis & Norris và sứ mệnh người luật sư – tuoitre.com.vn, 24/03/2008)
    Tinh thần pháp luật là gì?
    Pháp luật đứng trên tất cả các đại diện của nhân dân như quốc hội, quốc gia, chính phủ, đảng phái, người dân…
    Tuy những người dân thấp cổ bé họng trên danh nghĩa là người chủ một đất nước dân chủ, nhưng vì trí tuệ thấp, sức lực yếu, bao giờ cũng cần phải có những người luật sư can đảm, có năng lực (Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, ...) đứng ra chấp nhận rủi ro thay họ sử dụng sức mạnh của Pháp luật để trừng trị những kẻ không vâng lời, dù là kẻ đó có bất kì là ai, có mạnh đến nhường nào cũng không lùi.
    phil.

    Trả lờiXóa
  2. Hoan nghenh y tuong lap trang web " Y KIEN LUAT SU"
    cac luat su hay tao ra 1 noi ma moi nguoi co the tham khao luat, tu van du thu van de...
    hay giup nhung nguoi khong hieu biet luat nhu chung toi!
    cam on cac anh!
    GOD BLESS YOU and YOUR FRIEND!!!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi xin cúi đầu khâm phục luật sư LT Luật.
    Anh là niềm hy vọng của những người yếu đuối thấp cổ bé miệng .
    Tôi rất cho ngại cho an ninh của anh trước cường quyền tàn ác.

    Trả lờiXóa