Vụ xử án "Điếu Cày trốn thuế" đã gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua.
Đài BBC đã đưa tin:
Toà án Quận 3, TP Hồ Chí Minh, tuyên mức án trên đối với ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) hôm 10/9, trong khi vợ cũ của ông nhận mức án cải tạo không giam giữ 16 tháng và thử thách ba năm.
Bà Dương Thị Tân, vợ cũ của ông Hải, cho hay tòa vẫn giữ nguyên tội danh trốn thuế đối với chồng cũ của bà.
Nhưng bà Tân cho biết bà mới là người trực tiếp thu tiền thuê nhà của khách hàng.
“Chúng tôi không trốn thuế. Mọi chứng cớ vẫn còn trong các hợp đồng thuê nhà”.
Truyền thông trong nước loan tin vợ chồng ông Hải đã cho thuê nhà từ năm 1999 tới nay, và số thuế lẽ ra phải đóng là 400 triệu đồng.
Bà Tân nói: “Sự việc của gia đình liên quan tới nhiều vấn đề nên tôi phải mời bốn vị luật sư để công lý được thực hiện”.
“Nhưng rất tiếc là các lời bào chữa của bốn vị luật sư đều không được xem xét và tòa đều bác”.
Trước đó, luật sư Lê Công Định thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nói các chứng cứ đối với thân chủ của mình “rất yếu và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Vợ blogger Điếu Cày nói thêm sẽ kháng cáo đến cùng.
Blogger Điếu Cày một thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do.
'Ân oán giang hồ'
Blogger này là người viết nhiều bài lưu truyền trên mạng internet về các chủ đề dân quyền, Hoàng Sa - Trường Sa và gần đây là phản đối việc rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh.
Trước khi phiên tòa diễn ra, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới ở Pháp thúc giục giới chức tư pháp không đưa ra án tù với ông Hải.
Trong một bình luận gửi cho BBC hôm 10/9, một thành viên của 'Câu lạc bộ nhà báo tự do', Tạ Phong Tần, cho rằng bản ản và vụ bắt giữ blogger Điếu Cày đã hình sự hoá quan hệ hành chính đằng sau một mục đích chính trị.
Nhà báo tự do này cũng cho rằng Chính quyền có hành vi đáp trả lại những khiếu kiện trước đây của blogger điếu cày theo kiểu 'ân oán':
"Ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) đối với nhà cầm quyền địa phương vốn dĩ có nhiều ân oán vì ông từng kiện công an phường Bến Thành ra toà hành chính."
"Sau đó, ông Hải lại nhiều lần kiện báo Công an TPHCM vì đăng bài sai sự thực. "
Nhà báo tự do Tạ Phong Tần cũng cho rằng ông Hải nhiều lần bị 'vu khống tàng trữ ma tuý, bị sách nhiễu, hành hung, bắt giữ trái pháp luật và đối xử tàn tệ' vì đã 'tham gia biểu tình chống Trung Quốc chiếm hai quần đảo của Việt Nam'.
Trong khi đó, nhiều blogger trên mạng đã chỉ trích việc Chính quyền hạn chế quyền được có luật sư bào chữa của blogger Điếu Cày, cũng như việc thông tin về tổ chức phiên toà đã bị giới hạn tới công chúng.
Đài RFA viết:
Bối cảnh vụ xử Điếu Cày diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 9, được giới quan sát cho là “tế nhị,” và “xử nặng Điếu Cày là Việt Nam tự phủ nhận quan điểm về lãnh thổ, lãnh hải của mình đối với Trung Quốc” .
Giới quan sát tại Việt Nam cho rằng việc xét xử Điếu Cày nằm trong tình huống chính trị tế nhị mà chính quyền Việt Nam hiện đang đối mặt.
Có ý kiến cho rằng, chính quyền không muốn ra án nặng với Điếu Cày, cho dầu là án không liên quan trực tiếp đến chính trị.
Lý do là vì, xử nặng Điếu Cày tức là tự mâu thuẫn với phản ứng chính thức của Việt Nam liên quan đến bài báo Trung Quốc có nội dung dùng quân sự xâm lược Việt Nam.
Ông Hải bắt đầu gặp rắc rối với chính quyền sau khi có các hoạt động công khai thể hiện quan điểm phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa-Trường Sa như tham gia biểu tình và đăng bài viết trên trang blog cá nhân với bút danh Điếu Cày.
Ngoài ra, ông cũng là ngừơi chủ xướng thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do, quy tụ những cây bút mạng thẳng thắn phản ánh những điều mắt thấy tai nghe trong hiện thực, với mong muốn góp tiếng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, giữa bối cảnh nhà nứơc Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân đồng thời kiểm duyệt gắt gao internet.
Từ khi ông Hải bị bắt tạm giam gần 5 tháng qua, dư luận trong và ngoài nứơc, cộng đồng blogger, và kể cả các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế cụ thể như Tổ chức phóng viên không biên giới, bày tỏ sự phản đối và mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Cũng theo RFA, vợ cũ của Điếu Cày nói: "Họ đã kết án ông Hải là 2 năm 6 tháng tù giam vì cái tội gọi là trốn thuế của ông nguy hiểm cho cộng đồng. Họ nói như vậy tại toà. Và đền mấy cái số tiền mà theo họ quy kết cho chúng tôi là cái tội danh trốn thuế, số tiền họ phạt lên gấp đôi, cái thuế mà họ buộc cho chúng tôi được hạ xuống. Họ tuyên như vậy thôi thì tôi không hiểu cái tội danh trốn thuế họ quy kết cho chúng tôi là có phải là tội nguy hiểm hay không? Thực sự là họ muốn dùng biện pháp này để họ câu lưu ông ấy về cái việc khác, nhưng mà không cho nói. Họ bảo đây chỉ có xử về việc trốn thuế thôi.
Luật sư của tôi thì có rất là nhiều bằng chứng và rất là nhiều những yếu tố có chứng cứ đàng hoàng để khẳng định rằng chúng tôi không phải là trốn thuế, nhưng toà bác bỏ, toà cho rằng là không đúng."
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) nhận định:
"Nhà báo này thực ra đã bị kết tội vì những bài viết của ông trên Inetrnet, tố cáo chính sách bá quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông" và trước đó họ đã kêu gọi các thẩm phán Việt Nam khoan hồng với nhà báo Điếu Cày, vì cho rằng vụ này là ''một bài trắc nghiệm rất quan trọng về mức độ đáng tin cậy của ngành tư pháp Việt Nam''.
Theo RFI
Xin nhắc lại là nhà báo Nguyễn Hoàng Hải đã bị bắt hồi tháng tư vừa qua, vài ngày trước khi đuốc Thế Vận HộI Bắc Kinh ghé qua Sài Gòn. Theo hãng AFP, phiên toà hôm nay đã mở ra một cách hết sức kín đáo. Luật sư Lê Công Định bào chữa cho bị cáo đã xác nhận bản án với AFP, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Ngành tư pháp Việt Nam cũng hoàn toàn kín tiếng về nguồn tin trên.
Bản án đối với nhà báo Điếu Cày được đưa ra vào lúc Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam, chặng đầu tiên trong vòng công du Châu Á sẽ đưa ông qua Cam Bốt, rồi Hồng Kông, từ ngày 10 đến 18 tháng 8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét