SỰ KIỆN THÁI HÀ: “CẢNH CÁO” BẰNG KIỂU GÌ?




Ls Lê Trần Luật và Linh mục Vũ Khởi Khụng (phải)-Người bị UBND TP Hà Nội cho là "nhân vật chính" sự kiện cầu nguyện đòi đất ở Thái Hà

.

September 26, 2008

.

Ngày 22/9/2008, UBND Thành phố Hà Nội gởi Công văn số 1407/UBND-NC “V/v cảnh cáo một số giáo sỹ tại Nhà thờ Thái Hà, gồm các ông: Vũ Khởi Phụng, Chánh xứ Thái Hà” gồm các linh mục Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Báo Hà Nội Mới ngày 21/9/2008, trong bài “Cảnh cáo Tổng giám mục giáo phận Hà Nội” có đoạn: “Ngày 21/9, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn về việc cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục giáo phận Hà Nội”.

Nội dung công văn chỉ nói chung là có hành vi vi phạm pháp luật, tuyên truyền, xuyên tạc… nhưng không chỉ rõ hành vi cụ thể nào là vi phạm pháp luật, xuyên tạc điều gì sai sự thật, những hành vi trên đã vi phạm vào điều nào, khoản nào, văn bản pháp luật nào.

Không nói đến việc quy hoạch và giải tỏa, thi công… gói gọn trong vòng 24 giờ với tốc độ tên lửa, đáng ghi vào “kỷ lục Ghi-net thế giới” và chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật ở Việt Nam”, và vi phạm vào Điều 130 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định về “Trình tự thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Đất đai”; thì ngay cả việc “cảnh cáo” bằng công văn quả là một hình thức “cảnh cáo” kỳ dị nhất và không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào, lại còn ra văn bản cảnh cáo vào ngày Chủ nhật nữa chứ. Thế mới kinh!

Căn cứ pháp luật Việt Nam hiện hành thì cảnh cáo được thực hiện bằng hai hình thức: theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (PLXLVPHC) và theo bản án của Tòa án.

- Nếu là vi phạm hành chính:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính được quy định tại Điều 11 PLXLVPHC, trong đó có hình thức “cảnh cáo” (điểm a khoản 1 Điều 12, Điều 13).

Tổ chức ở đây được hiểu là cơ quan, nhóm, hội, đoàn… có danh xưng hẳn hoi. Ví dụ: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Sở Tài nguyên - Môi trường, v.v… chớ tổ chức không phải là nhiều cá nhân đơn lẻ gộp lại. Cho nên, chỉ có thể ra quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân ông Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Lê Văn C… mỗi người riêng 1 Quyết định xử phạt, không được quyền gộp chung các ông A, B, C… vào cùng 1 Quyết định xử phạt.

Nếu theo trình tự quy định tại Chương VI Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì trong mọi trường hợp đều phải có Quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính đúng quy định tại Điều 56 PLXLVPHC và phải sử dụng mẫu số 05 hoặc mẫu số 07 được ban hành kèm theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ.

Thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính là cá nhân giữ chức vụ được quy định tại PLXLVPHC và chịu trách nhiệm cá nhân đối với quyết định của mình. Nếu người bị xử phạt khởi kiện là kiện cá nhân người ra quyết định sai chớ không phải kiện cơ quan do người đó đang lãnh đạo. Cụ thể, đối với UBND cấp tỉnh, thành phố thì người có thẩm quyền là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. PLXLVPHC không cho phép thẩm quyền tập thể nên các hình thức ký TM (thay mặt), KT (ký thay), TL (thừa lệnh)… là hoàn toàn sai. Pháp lệnh cho phép duy nhất một hình thức TUQ (thừa ủy quyền), tức Chủ tịch ủy quyền cho Phó Chủ tịch trong trường hợp có ủy quyền bằng văn bản của Chủ tịch trong trường hợp Chủ tịch đi vắng (Điều 41 PLXLVPHC).

- Nếu là vi phạm hình sự:

Hình phạt được quy định tại Điều 28 Bộ Luật Hình Sự (BLHS), trong đó có hình thức “cảnh cáo” (điểm a khoản 1 Điều 28); “Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Tòa án quyết định” (Điều 26 BLHS). “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự). Như vậy, một cá nhân, nếu Tòa án muốn áp dụng hình phạt cảnh cáo thì phải tuân thủ theo trình tự tố tụng được quy định tại BLTTHS. Nghĩa là Cơ quan điều tra phải có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra, có kết luận và đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố theo điều khoản cụ thể nào đó được quy định tại BLHS; VKS phải có Cáo trạng truy tố, đề nghị Tòa án cùng cấp xét xử theo điều khoản nào đó trong BLHS, Tòa án cùng cấp ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định thành phần Hội đồng xét xử, Hội đồng xét xử căn cứ vào các quy định pháp luật, BLHS, BLTTHS và chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa mà quyết định người bị truy tố có phạm tội hay không; nếu HĐXX cho rằng có phạm tội, quyết định hình phạt bằng một bản án, trong bản án đó sẽ ghi rõ đối tượng bị hình phạt cảnh cáo. Sau khi bản án này có hiệu lực (sau 15 ngày án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc từ ngày có bản án phúc thẩm đồng thời chung thẩm) thì lúc đó hình phạt “cảnh cáo” đó mới có hiệu lực thi hành.

Vì vậy, việc UBND Thành phố Hà Nội ra Công văn cảnh cáo là UBND Thành phố Hà Nội đã sai về nội dung lẫn hình thức và 2 Công văn nói trên hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Giá như cái việc người ta đua nhau tận diệt ao hồ, bóp nghẹt môi trường sống người dân Thủ đô, nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, bạo lực học đường, v.v… mà chính quyền thành phố Hà Nội cũng nhanh chóng tém dẹp gọn gàng trong vòng 24 giờ như vụ đất đai Tòa Khâm sứ thì hay biết mấy.

Tạ Phong Tần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét