Tình trạng trong tù của Nguyễn Hoàng Hải và Phạm Thanh Nghiên






. Trà Mi, phóng viên RFA 2009-04-16



Hai trong số các trường hợp của những người cầm bút tại Việt Nam đang bị giam cầm vì thể hiện quan điểm bất đồng mà Văn bút Quốc tế quan tâm là anh Nguyễn Hoàng Hải và chị Phạm Thanh Nghiên.

Mong chờ công lý



Anh Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày, thành viên Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do gặp rắc rối với chính quyền sau các bài viết phản ánh quan điểm cá nhân về thực trạng xã hội và hoạt động biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa.

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải Anh bị bắt tháng 4 rồi bị đưa ra xét xử hồi tháng 9 năm ngoái với bản án 2 năm rưỡi tù giam vì tội danh trốn thuế.

Hỏi thăm chị Tân, vợ anh Hải, về tình hình của anh hiện nay trong trại giam, chúng tôi được biết ngày 30/3 vừa qua, anh Hải đã bị chuyển từ trại giam Chí Hoà đến trại giam Cái Tàu, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.

Chị Tân, vợ anh Hải, thuật lại: “Sau thời hạn tạm giam kéo dài rất lâu và toà xử phúc thẩm xong, tôi mới được thăm nuôi chồng tôi, mỗi tháng 1 lần. Mỗi lần như vậy được từ 15-30 phút, tùy theo. Thực tế trại giam Cái Tàu chỉ dành cho những tội phạm ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, miền Tây. Còn thành phố HCM đổ ra thì phải đưa đi Bình Thuận. Còn vì sao họ không chuyển về Bình Thuận, Hàm Tân mà lại chuyển đi Cái Tàu thì tôi cũng không rõ. Theo tôi, có lẽ họ cũng muốn gián tíêp gây khó khăn cho gia đình thôi. Quả tình, đi xuống đấy, sự thăm viếng rất là khó khăn. Để gặp đựơc anh Hải, tôi cũng rất khó khăn. Như hôm vừa rồi, họ cho rằng tôi không hợp pháp khi gặp anh vì tôi là vợ cũ đã ly hôn của anh, thì không đựơc phép thăm. Tôi nói rằng những trại giam khác đều cho phép tôi vào, vì các con tôi phải đi học, tôi có thể đại diện cho các cháu không? Họ mới đưa vào cho lãnh đạo giải quyết. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau họ mới cho tôi vào gặp anh. Điều kiện trại giam, theo như chính quản giáo trại Cái Tàu nói, thì không thể bằng ở trại giam Chí Hoà được. Đường xá đi lại xa xôi quá, ngồi ô tô 10 tiếng mới tới, xuống đi xe ôm vào khoảng 20 cây số nữa.”

Về tình trạng sức khoẻ của anh Hoàng Hải, chị Tân cho biết: “Sức khoẻ tương đối ổn hơn so với lần họ đưa anh trở lại điều tra về việc gì khác. Đợt đó sức khoẻ anh ấy kém. Còn nhìn chung tất nhiên không thể bằng khi ở bên ngoài. Anh Hải cũng gửi lời thăm và cảm ơn tất cả những ngừơi đã quan tâm đến việc của anh ấy. Tôi có nói với anh Hải rằng ở ngoài này tôi vẫn tiến hành khởi kiện ngừơi thuê nhà tôi bội tín đẩy chúng tôi vào tình cảnh như vậy. Vị quản giáo trong đấy nghe xong lưu ý tôi rằng không nên thưa kiện gì nhiều nữa, vì nếu thưa kiện gì nữa sẽ rất khó khăn cho anh Hải. Anh Hải rất muốn công lý phải được thực hiện, kể cả bây giờ hay khi anh ra tù. Anh ấy rất muốn làm cho vụ việc này sáng tỏ để mọi ngừơi thấy rằng người ta ép buộc chúng tôi vào một bản án như vậy hoàn toàn bất công. Gia đình tôi ở ngoài cũng cùng chung 1 suy nghĩ như vậy. Chúng tôi khẳng định chẳng bao giờ chúng tôi có tội như vậy. Chẳng qua là họ buộc vào để bắt anh Hải vì một cái tội khác thôi. Anh Hải cùng một số ngừơi bạn biểu tình chống Trung Quốc lấy đảo Hoàng Sa-Trừơng Sa của Việt Nam. Họ cho đấy là hành động phản động, chống đối lại chính quyền. Họ không có chứng cứ gì để bắt về việc đó. Cho nên họ mới phải mượn việc này.”

Bao giờ mới xét xử?



Cô Phạm Thanh Nghiên, nhà báo tự do và là một cây bút mạng, bị bắt từ tháng 9 năm ngoái vì những bài viết và hành động biểu tình tại gia phản đối thái độ của nhà nước Việt Nam trước việc Trung Quốc chiếm Trừơng Sa-Hoàng Sa.

Người nhà cô cho biết cách đây mấy tháng, cô đã nhận lệnh gia hạn tạm giam thêm 4 tháng nữa, sau 4 tháng tạm giam ban đầu. Theo lời bà Nguyễn Thị Lợi, thân mẫu của cô Nghiên, kể từ ngày cô bị bắt 18/9 năm ngoái tới nay, cô vẫn bị giam cầm không án lệnh, không được đưa ra toà xét xử, và người nhà cũng không được phép tiếp xúc thăm nuôi.

Bà Lợi phát biểu: “Tôi vẫn được gửi quà bánh vào đó, còn gặp thì chưa đựơc gặp. Tôi có hỏi bên an ninh, họ bảo em nó khoẻ. Giờ chỉ nghe thế biết thế thôi chứ có nhìn thấy đâu ạ! Em nó chỉ có đấu tranh cho tự do, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí và nói sự thật thôi, ví dụ như em nó bảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Thế thôi, chứ còn trong lệnh bắt thì họ quy tội phạm điều 88, tuyên truyền chống phá nhà nước. Cũng chẳng biết cầu cứu ở đâu. Đợi hết hai lần gia hạn hết 8 tháng tôi lại hỏi tiếp xem họ có mang ra xử không. Mà nếu họ không xử, lúc đó tôi cũng chả biết phải làm thế nào. Tôi bây giờ già rồi. Con tôi làm những việc không phải là sai. Bây giờ chỉ có nhờ tất cả những qúy vị làm sao có được quyền dân chủ như tất cả mọi nước. Nhờ quý vị mọi nơi lên tiếng giúp thôi, chứ còn cũng chẳng biết phải làm thế nào.”

Trong danh sách 7 ngòi bút dân chủ bị giam cầm tại Việt Nam được Văn bút Quốc tế lên tiếng bảo vệ, ngoài anh Hoàng Hải và chị Thanh Nghiên, còn có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo tự do Phạm Văn Trội, phóng viên mạng Lê Thị Kim Thu, nhà thơ Nguyễn Văn Túc, ngòi bút trẻ Ngô Quỳnh. Tất cả họ đều bị bắt trong chiến dịch đàn áp những tiếng nói bất đồng chống Trung Quốc hồi tháng 8, tháng 9 năm ngoái và bị giam giữ dài hạn kể từ đó đến nay dù không có bản án xét xử của toà.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-writers-in-prison-TMi-04162009154002.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét