Văn Bút Quốc Tế đòi phóng thích
tất cả các nhà dân chủ đối kháng bị giam cầm ở Việt Nam
Sau khi được báo động về tình trạng giam cầm, đối xử tồi tệ của các tù nhân ngôn luận và lương tâm nói chung, hai nhà báo Điếu Cày và Phạm Thanh Nghiên nói riêng, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị ngược đãi và cầm tù (International PEN CODEP/WIPC) đã phổ biến một Thông cáo/Kháng Nghị Thư chiều ngày 9 tháng 4 năm 2009. Bản văn nhắc lại cuộc leo thang trấn áp những nhà văn và nhà báo dân chủ đối kháng tại Việt Nam hồi tháng 8 và tháng 9 năm 2008. Văn Bút Quốc Tế đòi phóng thích những tù nhân này tức khắc và vô điều kiện vì họ chỉ hành sử ôn hòa quyền tự do phát biểu, phù hợp với Điều 19 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà CHXHCNVN đã ký kết. Văn Bút Quốc Tế yêu cầu đảm bảo tiện nghi thuận lợi cho cuộc sống tù nhân khi họ còn phải chờ ngày trả lại tự do. Khi đau ốm, họ phải được săn sóc và điều trị thích hợp với đầy đủ thuốc men. Và họ phải được gia đình, thân nhân thăm nom dễ dàng. Đó là những điều đòi hỏi khẩn cấp.
Như đã viết ở trên, Văn Bút Quốc Tế đặc biệt quan tâm đến trường hợp hai nhà báo tù nhân, ông Điếu Cày và bà Phạm Thanh Nghiên :
* Ông Nguyễn Văn Hải (1953) bút hiệu Hoàng Hải và bút ký điện tử Điếu Cày, nhà báo độc lập và nhà viết nhật ký điện tử, bị bắt ngày 20 tháng 4 năm 2008 về cái gọi là ‘’tội danh trốn thuế’’ và bị kết án 2 năm 6 tháng tù ngày 10 tháng 9 năm 2008. Nhưng thế giới đều tin rằng ông bị trừng phạt vì những bài ông viết chỉ trích đường lối chính sách của nhà cầm quyền hiện nay, nhứt là thái độ của các lãnh tụ CS Hà Nội đối với những kẻ cầm đầu ở Bắc Kinh. Ông tán trợ cho phong trào đòi hỏi Dân Chủ và Nhân Quyền. Ông còn phạm nhiều ‘’tội’’ khác nữa đối với chế độ. Như là đồng sáng lập viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và thành lập trang nhà Dân Báo của hội này. Ông còn tham gia nhiều cuộc tuần hành biểu tình tố cáo và lên án chủ nghĩa bành trướng và hành động gây hấn của Trung Cộng ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như ở Tây Tạng.
Đầu tuần trước, bà Dương Thị Tân đi thăm ông Điếu Cày thì mới được biết chồng cũ của bà không còn ở trại giam Chí Hòa. Nhà báo tù nhân đã bị đày về trại giam K1 Cái Tàu (Cục V26 Bộ Công An), thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Nằm tại vùng rừng U Minh Hạ, đây là một trại tù khổ sai nổi tiếng khủng khiếp vì đối xử tù nhân thật vô nhân đạo. Đây cũng là nơi tiêu biểu ‘’quốc nạn nhũng lạm, hối mại quyền thế dưới chế độ CHXHCNVN’’ thông qua các ‘’triều đại’’ giám thị (cấp thượng tá công an) cùng bộ máy an ninh võ trang kềm kẹp khắc nghiệt tù nhân. Từ cố đô Miền Nam Việt Nam Tự Do (Sài Gòn trước 4.1975), thân nhân phải bỏ ra hai ngày đi về, trên dưới 20 giờ ngồi xe đò, mỗi tháng một lần thăm đem theo thức ăn và thuốc men cho tù nhân. Những cuộc viếng thăm ông Điếu Cày trở thành khó khăn và chắc sẽ bị hạn chế dần thì sức khỏe của ông sẽ ra sao. Đó là điều quan tâm sâu xa đối với gia đình và cả Văn Bút Quốc Tế nữa.
* Bà Phạm Thanh Nghiên (1977), nhà báo độc lập và nhà văn bất đồng chính kiến. Trong những bài viết của bà được nhiều người đọc trên Internet, có bút ký ‘’Chuyến đi nhạy cảm’’ hoặc là bài bà tường thuật chuyến đi thăm gia đình ngư dân và một số người sống sót trở về quê ở Thanh Hóa trong những vụ Trung cộng sát hại tại vùng biển Việt Nam. Bà bị bắt ngày 17 tháng 9 năm 2008 và bị giam nhốt đến nay, chưa hề xét xử. Nhưng bà có thể bị cáo buộc phạm ‘’tội tuyên truyền chống nhà nước’’ theo Điều 88 hình luật CHXHCNVN.
Ngay lúc bị bắt lần cuối, sức khỏe bà đã rất suy yếu. Đó là hậu quả của vụ bốn tên lạ mặt (?) hành hung bà đến gây thương tích chiều ngày 4 tháng 7 năm 2008. Trong đơn gởi Công an quận Lê Chân và phường Dư Hàng Kênh, Hải Phòng ngày 7 tháng 7 năm 2008, bà Phạm Thanh Nghiên viết : (...) Sáng thứ sáu, ngày mồng 4 tháng 7 năm 2008, tôi có đến chơi nhà ông Nguyễn Xuân Nghĩa ở 828 đường Trường Chinh, Hải Phòng. Trong khi trò chuyện, chúng tôi phát hiện có hai thanh niên lạ mặt ngồi quan sát nhà ông Nguyễn Xuân Nghĩa từ quán nước mía nhà bà Vũ Thị Thảo (ngã ba Quán Trữ). Gần 17 giờ cùng ngày, tôi rời nhà ông Nguyễn Xuân Nghĩa để về nhà bằng xe đạp. Lập tức, hai thanh niên này cũng đi theo tôi bằng xe gắn máy. Việc những người lạ mặt này bám theo tôi, vợ chồng ông Nghĩa cũng chứng kiến lúc tiễn tôi ra cửa. Tuy nhiên, trên đường đi, tôi cũng không nhìn lại phía sau để quan sát xem họ còn bám theo tôi hay không. Đến đường Nguyễn Văn Linh (cách chân cầu vượt Lạch Tray khoảng vài trăm mét), một chiếc xe gắn máy chở hai thanh niên lạ mặt đã ép xe đạp của tôi vào lề đường. Cùng lúc ấy, lại thấy xuất hiện thêm một chiếc xe gắn máy chở hai thanh niên khác. Cả bốn người này đều là nam giới, trạc trên dưới 30 tuổi. Khi tôi phải dừng xe đạp để tránh một vụ tai nạn giao thông thì người ngồi sau chiếc xe đầu tiên liền nhảy xuống xe và hành hung tôi. Đầu tiên, anh ta giật mũ, kính, khẩu trang khỏi mặt tôi và vứt xuống đường, sau đó liên tục đấm vào đầu, vào mặt tôi. Vừa đánh, anh ta vừa chửi rủa khá tục tĩu, lời lẽ hằn học và đe dọa. Anh ta cảnh cáo rằng đây là lần đầu tiên, nếu không dừng lại những việc tôi đang làm (?) thì đừng trách và sẽ còn những việc tương tự xảy ra cho tôi. Sự việc xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ nên tôi không kịp phản ứng gì. Những người đi đường thấy thế vào can ngăn liền bị cả bốn thanh niên này ngăn cản và đe dọa. Trong cơn đau đớn, choáng váng, tôi chỉ thốt ra được một câu: “Các anh là ai, tại sao lại đánh người?”. Khi thấy tôi không thể gượng được nữa, bốn thanh niên này mới bỏ đi. Tôi kịp nhớ được biển số xe của họ là: 0335 và 0938( tôi không nhớ ký hiệu).Lúc này, người đi đường mới dám chạy lại, giúp tôi nhặt kính, nhặt mũ và hỏi han. Tôi đã gọi điện cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa để báo tin, lúc đó vào khoảng 17 giờ 14 phút chiều ngày 4/7/2008. Thời gian gần đây, tôi luôn nhận được những cuộc gọi qua điện thoại đe dọa hành hung. Liên hệ đến vụ hành hung đã xảy ra ngày 4-7 vừa qua, tôi khẳng định đây là vụ hành hung có tổ chức, có chuẩn bị. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc trên và đưa những người vi phạm luật pháp ra xét xử. Rất mong quý cơ quan có biện pháp bảo vệ cho tôi để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu sự việc không được làm rõ, rất mong cơ quan công trả lời bằng văn bản cho tôi biết (...).
Bà Nguyễn Thị Lợi, thân mẫu của bà Phạm Thanh Nghiên, chưa được phép gặp mặt con mình từ ngày 17 tháng 9 năm 2008. Đó là tình cảnh của hầu hết các tù nhân được nói đến lần này.
Văn Bút Quốc Tế cũng nhắc đến ông Nguyễn Xuân Nghĩa, bà Lê Thị Kim Thu, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Văn Túc và ông Ngô Quỳnh. Trong Kháng Nghị Thư RAN 47/08 ngày 23 tháng 9 năm 2008, Văn Bút Quốc Tế có nêu lên trường hợp nhà thơ Trần Đức Thạch chỉ bị bắt để thẩm vấn trong ngày 10 tháng 9 rồi bị canh chừng nghiêm ngặt. Vì lý do kỹ thuật và hành chánh, Văn Bút Quốc Tế không kịp cập nhựt tin tức mới nhứt về tình trạng của nhà thơ tù nhân. Chúng tôi sẽ bổ túc như ghi lại dưới đây :
* Ông Nguyễn Xuân Nghĩa (1949), nhà văn và nhà thơ, hội viên Hội Nhà Văn Hải Phòng và thành viên sáng lập Khối 8406 bị cấm, một Phong trào tranh đấu cho Dân Chủ. Ông là tác giả của nhiều bài thơ và tiểu luận phổ biến trên Internet. Ông là một trong tám nhà văn Việt Nam cùng với 26 nhà văn quốc tế được tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) tuyên dương với Giải thưởng cao quý Quyền Tự Do Phát Biểu Hellman Hammet năm 2008. Ông bị bắt ngày 11 tháng 9 năm 2008 và bị giam tại trại tù lao công cưỡng bách B14, tỉnh Hà Đông, phía Nam Hà Nội.
* Bà Lê Thị Kim Thu (1968), phóng viên thời sự và nhiếp ảnh, bị bắt từ ngày 14 tháng 8 năm 2008 và bị giam nhốt tại trại tù tập trung Hỏa Lò ở ven biên Hà Nội. Nhờ những bài tường thuật bằng điện thoại và Internet của bà, và nhứt là những tấm ảnh do bà chụp được mà cả thế giới đều biết về những cuộc tuần hành biểu tình ôn hòa của Dân Oan Việt Nam tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội. Đó là hình ảnh hàng trăm (và nhiều hơn nữa) nữ nông dân bị cướp đoạt đất đai tài sản tìm cách nộp đơn khiếu kiện nhưng hầu hết chưa bao giờ được xét xử công minh. Họ là nạn nhân của những vụ cán bộ đảng viên lạm quyền nhũng lạm được chế độ bao che nhiều năm qua. Ngày 7 tháng 11 năm 2008, bà bị kết án 18 tháng tù về tội ‘’gây rối trật tự công cộng’’ (sic).
* Ông Phạm Văn Trội (1972), cựu chiến binh CS, tốt nghiệp đại học Hà Nội (Quản lý Xã hội), nhà văn bất đồng chính kiến và nhà tranh đấu bênh vực Nhân Quyền. Ông cùng với luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân đồng sáng lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam. Ông còn là cây bút đóng góp cho tạp chí bị cấm Tự Do Dân Chủ mà ban biên tập gồm có các nhà văn và nhà báo Hoàng Tiến, Nguyễn Khắc Toàn, bà Dương Thị Xuân và luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông Phạm Văn Trội bị bắt ngày 10 tháng 9 năm 2008 và bị giam tại trại tù lao công cưỡng bách B14, tỉnh Hà Đông, phía Nam Hà Nội.
* Ông Nguyễn Văn Túc (1963), nông dân, nhà thơ trào phúng, tranh đấu bênh vực Nhân Quyền, thành viên Khối 8604. Ông được biết nhiều qua những bức thư, bài viết tố cáo bất công xã hội và những bài thơ châm biếm phổ biến trên Internet. Ông Nguyễn Văn Túc bị bắt ngày 10 tháng 9 năm 2008 và bị giam tại trại tù lao công cưỡng bách B14, tỉnh Hà Đông, phía Nam Hà Nội.
* Ông Ngô Quỳnh (1984), sinh viên và nhà văn bất đồng chính kiến, tác giả nhiều bài viết đối kháng trên Internet, gồm có ‘’ Việt Nam cần biên soạn một bộ sử mới’’ và ‘’Nhật ký chuyến đi về Lạng Sơn’’. Ông Ngô Quỳnh bị bắt ngày 10 tháng 9 năm 2008 và bị giam tại trại tù lao công cưỡng bách B14, tỉnh Hà Đông, phía Nam Hà Nội.
* Ông Trần Đức Thạch (1952), nhà thơ bất đồng chính kiến, hội viên Hội Nhà Văn Nghệ An. Một trong những bài viết của ông được nhiều người đọc trên Internet là hồi ký ‘’Hố Chôn Người Ám Ảnh’’. Ông Trần Đức Thạch bị bắt ngày 12 tháng 9 năm 2008. Mãi đến ngày 2 tháng 4 năm 2009, mới biết rằng ông bị nhốt tại trại giam số 3 tỉnh Hà Đông, phía Nam Hà Nội. Theo một nguồn tin từ tù nhân cùng trại, dường như sức khỏe của ông Trần Đức Thạch rất sa sút sau một lần tuyệt thực. Càng đáng lo ngại cho ông vì gần 7 tháng bị biệt giam, ông chưa hề nhận được sự tiếp tế của gia đình về thức ăn và thuốc men chi cả.
Văn Bút Quốc Tế gởi Kháng Nghị Thư này đến chủ tịch, thủ tướng cùng bộ trưởng văn hóa và thông tin CHXHCNVN. Văn Bút Quốc Tế cũng yêu cầu các Trung Tâm Văn Bút trên toàn thế giới gởi Kháng Nghị Thư tương tự đến nhà cầm quyền Hà Nội, để
- bày tỏ mối quan tâm sâu xa về việc nhiều nhà văn vẫn bị nhốt tù hoặc bị quản thúc nghiêm ngặt tại gia vì những hoạt động dân chủ đối kháng ôn hòa, trong tháng 8 và tháng 9 năm 2008.
- đòi bảo đảm tiện nghi thuận lợi cho cuộc sống tù nhân của ông Nguyễn Văn Hải (Hoàng Hải) và bà Phạm Thanh Nghiên; nếu đau ốm, họ phải được săn sóc và điều trị thích hợp với đầy đủ thuốc men, cũng như phải được gia đình, thân nhân thăm nom.
- đòi phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả những người bị giam giữ vì hành sử ôn hòa quyền tự do phát biểu, phù hợp với Điều 19 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà CHXHCNVN đã ký kết.
(Nguồn tin: nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại/Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Trung Tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Tài liệu : LHNQVN-TS).
Genève ngày 9 tháng 4 năm 2009
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét