Biểu tình phản đối Trung Quốc tại nhiều nơi trên thế giới một ngày trước lễ khai mạc





Giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới liên tiếp hành động gây sức ép trên chính quyền Bắc Kinh trước giờ Thế Vận Hội khai mạc. Biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra hôm 07/08/2008 tại Ấn Độ, Nêpal, Đức. Ngày 08/08/2008 đến lượt Hoa Kỳ, Canada và bẩy nước Châu Âu nhập cuộc. Trong bối cảnh một số người ngoại quốc biểu tình tại Bắc Kinh tiếp tục bắt giữ, 127 vận đông viên thể thao quốc tế công khai kêu gọi chính quyền Trung Quốc tôn trọng nhân quyền.

Hôm 07/08/2008, khoảng 2.500 người Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn Độ và Népal đã biểu tình phản đối Trung Quốc ở New Dehli và Kathmandu. Họ kêu gọi tẩy chay Thế vận hội và tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Hoá trang thành tù nhân, một người Tây Tạng lưu vong biểu tình đòi tự do cho xứ sở mình hôm 07/08/2008 ở Dharamsala (Ấn Độ)(Ảnh : Reuters)

Hoá trang thành tù nhân, một người Tây Tạng lưu vong biểu tình đòi tự do cho xứ sở mình hôm 07/08/2008 ở Dharamsala (Ấn Độ)
(Ảnh : Reuters)

Tại Berlin, khoảng 100 đại diện các tổ chức người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ và đại diện giáo phái Pháp Luân Công đã biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc. Họ đã tìm cách trao cho đại sứ quán Trung Quốc một kiến nghị về nhân quyền, nhưng không được tiếp.

Tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris kêu gọi biểu tình ngày 08/08, đúng vào ngày khai mạc Thế vận hội, trước các Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hoa Kỳ, Canada và bảy nước châu Âu, trong đó có Pháp. Thế nhưng, Sở cảnh sát Paris vừa ra lệnh cấm mọi cuộc biểu tình chung quanh đại sứ quán Trung Quốc trong hai ngày 07 và 08/08. Phóng viên không biên giới đã cực lực phản đối quyết định này và nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên họ bị cấm biểu tình ở Pháp.

Ba nhà hoạt động Thiên chúa giáo bị bắt tại Bắc Kinh

Một nhà hoạt động Thiên Chúa Giáo người Mỹ bị công an chìm Trung Quốc câu lưu và dẫn đi khỏi quảng trường Thiên An Môn hôm 07/08/2008. (Ảnh : Reuters)

Một nhà hoạt động Thiên Chúa Giáo người Mỹ bị công an chìm Trung Quốc câu lưu và dẫn đi khỏi quảng trường Thiên An Môn hôm 07/08/2008.
(Ảnh : Reuters)

Hôm 07/08/2008, công an Bắc kinh đã bắt giữ ba nhà hoạt động Thiên chúa giáo sau khi họ mở một cuộc họp báo và bắt đầu cầu nguyện trước đài tưởng niệm Mao Trạch Đông. Theo lời một trong ba nhà hoạt động, họ đến đây để lên án những vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc . Hôm 06/08/2008, ba người này cũng đã biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn phản đối chính sách kiểm soát sinh đẻ của chính quyền Bắc Kinh, nhưng đã bị công an ngăn chận ngay lập tức.

Tại Hồng Kông, một nhà đấu tranh cho nhân quyền người Trung quốc sống tại Mỹ đã dự định tham gia một cuộc tuần hành phản đối việc giam giữ các tù chính trị tại Trung Quốc , nhưng cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ khi ông bay từ Nhật Bản tới và hiện tạm giam ở sân bay hôm nay. Hai nhà đấu tranh nhân quyền khác cũng đã bị buộc phải quay trở về khi vừa đáp xuống Hồng Kông.

Còn theo tổ chức Human Rights in China, một nhà đối lập Trung Quốc, ông Hà Đức Phổ, hiện đang thọ án tù 8 năm, đã viết thư cho chủ tịch Uỷ ban thế vận quốc tế, Jacques Roggue để báo động về điều kiện giam giữ tồi tệ trong các nhà tù Trung Quốc. Theo ông Hà Đức Phổ, càng đến gần Thế Văn Hội, các tù nhân chính trị càng bị kiểm soát chặt chẻ.

127 vận động viên ký thư ngỏ kêu gọi tôn trọng nhân quyền

Về phía giới thể thao quốc tế, 127 vận động viên đã ký một bức thư ngỏ gởi chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, nhất là ở Tây Tạng. Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Marc Lebeaupin tường trình :

Đây là một sáng kiến của giới vận động viên, 24 tiếng đồng hồ trước lễ khai mạc chính thức Thế vận hội Bắc Kinh. Theo đề xướng của các hiệp hội nhân quyền như tổ chức Ân xá quốc tế, Thể thao cho nền hòa bình, Phong trào vận động cho Tây Tạng, 127 vận động viên đã gửi 1 bức thư ngỏ đến ông Hồ Cẩm Đào. Trong thư này, họ yêu cầu chính quyền Trung Quốc tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề Tây Tạng, tôn trọng tự do tôn giáo và tự do chính kiến.

Trên danh sách của hơn một trăm vận động viên đã ký vào bức thư, có khoảng 40 gương mặt đến Bắc Kinh để tranh tài. Trong số này, có hai vận động viên Pháp : cô Muriel Hurtis Houairi, môn chạy nước rút và Romain Mesnil môn nhảy sào. Đáng chú ý hơn nữa, có Dayron Robles, vận động viên Cuba hiện đang nắm giữ kỷ lục thế giới trong môn 110 mét chạy vượt rào.

Hiện giờ, chính quyền Trung Quốc chưa có phản ứng nào. Lá thư ngỏ được gửi đến ông Hồ Cẩm Đào, một ngày sau khi tổ chức Sinh viên đấu tranh cho Tây tạng treo biểu ngữ trước mặt sân vận động Thế vận hội. 4 thành viên của tổ chúc này đã bị bắt giữ rồi bị chính quyền đưa lên máy bay, trục xuất về nước họ trong ngày mồng 7 tháng 8/2008.
Về phần mình, báo chí Trung Quốc không hề nhắc đến các sụ kiện nói trên. Giới truyền thông trong nước tuân thủ lập trường của chính quyền, tức là tố cáo mọi hành động mà Bắc Kinh cho là có dụng ý chính trị hóa Thế vận hội.

Nguồn: RFI (France)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét