"BIẾT THÌ THƯA THỐT" một ví dụ bi hài về truyền thông nhà nước






J.B. Nguyễn Hữu Vinh

Mấy hôm nay, đến vùng đất “Linh địa Đức Bà” ở giáo xứ Thái Hà, được nghe người công giáo đến cầu nguyện với những chuyện cười nghiêng ngả về truyền thông nhà nước trong vụ đất đai Thái Hà. Kiểm nghiệm lại điều này, thì không chỉ bà con ở Thái Hà, mà cả những người Công giáo từ Nam ra bắc cả những người Công giáo không ở Việt Nam đều ngạc nhiên. Nhiều câu chuyện thật cứ như bịa, buộc chúng tôi phải kiểm chứng lại những câu chuyện này, thì ra, bà con không nói điêu.

1 – “Điều răn thứ 3 của Kinh Thánh”?

Người Công giáo Việt Nam và trên toàn thế giới, chắc không ai không thuộc Mười Điều Răn Thiên Chúa dạy, trong đó Điều răn thứ 3 được ghi rõ ràng: “Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật”.

Vậy nhưng, Đài Truyền hình Trung ương (bộ mặt của 84 triệu nhân dân Việt Nam, đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, trong đó Công giáo có số dân là 1/10 dân số) trong chương trình thời sự đã sáng tác thêm cho đồng bào Công giáo “Điều răn thứ 3 của Kinh Thánh”: "Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách sơ suất, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách sơ suất” (Trích Chương tình Thời sự đài Truyền hình Việt Nam).

Quả thật, đồng bào Công giáo và không Công giáo, khi nghe chương trình thời sự này, nhiều người choáng. Họ bảo nhau: Chẳng lẽ có thêm một điều răn nào như thế mà không ai được biết? Nhưng sau đó, họ cười nghiêng ngả, chỉ vì sự dốt nát của chương trình truyền hình Quốc gia, với cung cách truyền thông nói lấy được đã sáng tác ra điều răn này.

Trớ trêu thay, họ còn trách giáo dân Thái Hà đã không thuộc điều răn này? Bà con chép miệng: Thưa các bố, với những điều răn của nhà nước dạy, ngay cả cán bộ nhà nước còn không thuộc, sao bắt giáo dân thuộc được? Nhưng mình sáng tác ra, thì đừng gắn vào miệng của Thiên Chúa, vì dù Thiên Chúa không cãi, nhưng không thể vì thế mà gắn râu nhà nước vào cằm Đức Chúa được. Cái lối dựng chuyện như dựng ông già “giáo gian” hôm qua, không có tác dụng đâu, ngược lại, nó chỉ có tác dụng ngược cho uy tín của Đài TH Quốc gia mà thôi.

2- Giáo Phận Thái Hà?

Cũng trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Quốc gia, có thông tin về “Giáo phận Thái Hà” làm nhiều người hết sức ngạc nhiên khi cô phát thanh viên nói rằng: “cho rằng, đất này thuộc Giáo phận Thái Hà…tuy nhiên, theo những văn bản pháp lý mà nhà nước đã ban hành, thì việc đòi lại mảnh đất này cho Giáo phận Thái Hà là không có căn cứ”.

Quả là đáng khâm phục những người ăn lương nhà nước trong cái bộ mặt Đài Truyền hình Trung ương. Người ta cứ tưởng Tòa Thánh mới lập nên Giáo phận Thái Hà một ngày nào đó mà không ai biết, hoặc đang nói về Giáo phận Thái Bình, nhưng không, đây lại là Giáo phận Thái Hà? Thật không còn lời gì để bình luận thêm.

Cũng với cách nói lấy được, nhét vào miệng ai những điều mình thích thì nhét, Đài THVN còn quay luôn cả những văn bản, miệng phát thanh viên thì đọc: “Đây là những văn bản mà cách đây gần 50 năm, năm 1961, linh mục Vũ Ngọc Bích là người quản lý nhà khu vực này đã bàn giao cho Nhà nước toàn bộ nhà đất mà dòng Chúa Cứu thế quản lý”?

Nhưng hình ảnh được chiếu trên bản tin lại là cái quyết định số 76/SQL-NĐ của sở Quản lý Nhà đất Hà Nội “giao cho Xí nghiệp Thảm len Hà Nội được xử dụng (chúng tôi trích đúng nguyên văn sai chính tả) khu đất và nhà sẵn có trong khu vực Nhà thờ Nam Đồng Thái – hà, diện tích 16.296 m2 để làm xí nghiệp”. (Mời xem tại http://clip.vn/watch/Vi-pham-cua-mot-so-giao-dan-Giao-xu-Thai-Ha-da-ro/WPyu,vn)

Có một điều mà họ cố tình quên mất, đó là cái quyết định này được ký ngày 30/1/1961. Trong khi họ luôn cho rằng: Linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao qua nhà nước nhà đất này vào ngày 24/10/1961 (Theo UBND TP Hà Nội) và là ngày 24/11/1961 (Theo Sở TN Môi trường và Nhà đất Hà Nội). Nghĩa là quyết định giao đất này, trước khi “Linh mục Bích nào đó của nhà nước”? giao cho Nhà nước trước 10 tháng?

Trong đó, họ cũng nói rằng, “Nghị quyết 23 của Quốc hội ra ngày 26/11/2003 khẳng định: Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách “cải tạo xã hội chủ nghĩa” liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991”.

Tiếc cho họ rằng: Khu đất Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà cho đến nay, lại không nằm trong bất cứ một điều khoản nào của các chủ trương, chính sách đã nói ở trên. Vì nếu có, chắc giáo dân và hàng giáo sĩ đã “im như thóc”. Và nếu có những văn bản, chính sách đó, chắc chắn đến bây giờ, không chỉ được chiếu trên truyền hình, mà khắp các ngõ xóm của khu vực Nam Đồng, Thái Hà đã được dán nhan nhản. Nhưng bói đâu ra? Đó là cái khó, chính vì vậy, mà giáo dân cứ đòi họ xuất trình thị họ cứ đánh bài… lờ.

Chính vì điều này mà giáo dân khẳng định: Nhà nước không có bất cứ một văn bản nào hợp pháp cho việc chiếm đoạt này.

Rõ ràng, đây là việc cố tình “nói lấy được” bịt miệng người khác để nói cho họ nghe mà thôi.

3- Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Sự và nhân vật thuộc “đàn két Công giáo”:

Cũng trong chương trình thời sự đó, xuất hiện một gương mặt, linh mục Giuse Nguyễn Tiến Sự và một nhân vật thuộc Ủy ban đoàn kết Công giáo, mà giáo dân thường gọi là “đàn két công giáo”.

Bỏ qua nhân vật thuộc “đàn két” này, vì thường thì giống két, khi chủ nó cho thức ăn nó sẽ nói theo những gì chủ nó dạy.

Trên truyền hình, linh mục Sự hoa tay múa chân rất dũng mãnh lên án chuyện dùng ảnh tượng “một cách sơ suất” (theo cách nói của Đài THVN)? Người ta cứ nghĩ không biết ông linh mục này thuộc hàng linh mục nào? Quốc doanh hay Công giáo đoàn kết? Đã biết thế sự ra sao chưa mà mạnh mẽ đến thế?

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Sự, sinh ngày 2/1/1933, hiện là quản xứ Thánh Linh – Đl2- 103 Nơ Trang Gưh, Phường Tân Tiến, Thành phố Ban Mê Thuột, điện thoại: 0500851 907.

Gọi điện thoại đến hỏi thăm, thì ông đã đi ngủ. Người giữ máy ở văn phòng cho biết: Cha Sự đang phản đối đài TH cắt xén ghép những lời ông nói để đưa lên?

Nếu quả vậy thật, thì cũng đáng để cho một cụ già đã 75 tuổi mà vẫn còn… ngây thơ. Cụ sống lâu thì cụ nên biết là phương tiện truyền thông này là của Nhà nước, mà cụ muốn nổi danh, cũng không nên bằng cách đó nếu chưa tìm hiểu rõ ràng người anh em của mình đang lâm nạn như thế nào. Hay cả đời Cụ chưa được lên truyền hình nên cụ… khoái?

Nhưng nếu không đúng như vậy, thì chắc Đức Cha Nguyễn Văn Hòa cũng cần xem lại nhân sự của mình trong cách hành xử?

Chỉ có hai chương trình thời sự, người ta đã rút ra được nhiều điều vui, cười, hài hước, bổ ích và đáng suy ngẫm về tính đạo đức và trung thực của truyền thông nhà nước, một loại truyền thông độc quyền.

Thật là đúng như cha ông nói: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” câu đúc kết kinh nghiệm tuyệt vời này đúng cho tất cả các nhân vật nói ở trên.

Hà Nội, Ngày 20 tháng 8 năm 2008

Nguồn: Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét