Đó là nhận định mới nhất về sự chuyển biến trong quan hệ của đảng cầm quyền và xã hội dân sự Việt Nam của nhà nghiên cứu Carl Thayer.
Điểm mấu chốt trong bài trình bày tại Hong Kong hôm 21-22/08/2008 của Giáo sư Thayer là khái niệm “xã hội dân sự mang tính chính trị” (political civil society) ở Việt Nam.
Nằm ngoài hệ thống
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 29/08, Giáo sư Thayer cho rằng các tổ chức hoạt động dân sự này không "đe dọa" chính quyền nhưng "gây sức ép" rất mạnh để buộc phải thay đổi chính sách.
Sự khác biệt với các tổ chức phi chính phủ, hội đoàn quần chúng hay hoạt động từ thiện bình thường là ở chỗ những tổ chức dân sự mới này tại Việt Nam nằm ngoài hệ thống của đảng.
Chính hai năm sau sự kiện Việt Nam đăng cai hội nghị APEC (11/2006), hàng loạt tổ chức bung ra hoạt động.
Theo Carl Thayer nếu như trước đó là có các nhóm bất đồng chính kiến nhỏ lẻ thì việc tập hợp lại của họ trong Khối 8406 (04/2006) cho thấy việc đồng nhất quan điểm chính trị của họ.
Cùng thời gian từ 2006 đến nay, các tổ chức như Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, đảng Dân chủ, Hội Công Nông, đảng Vì Dân, Ủy ban Nhân quyền v.v. cũng hoạt động bằng việc ra tuyên cáo nhưng chỉ Khối 8406 mới cho thấy một sự liên kết rộng khắp.
Bên cạnh đó, Giáo sư Thayer cũng nhắc đến hoạt động của đảng Việt Tân từ hải ngoại xâm nhập về.
Sự hiện diện của các nhân vật Công giáo và Phật giáo cùng những cuộc đấu tranh đòi đất của nông dân được ông đặt vào một bối cảnh chung.
Theo đó, vì Việt Nam không có báo chí tư nhân trong lúc vai trò thúc đẩy tiến bộ của một số tờ báo như Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị “ngăn chặn” nên sự bung phá của các lực lượng khác nhau hiện đang lan ra bề rộng.
Ngoài cùng của trục trái sang phải, về phía trái là các nhóm chống đối trực tiếp chế độ độc đảng bằng các cuộc vận động bất hợp tác hoặc biểu tình đông người.
Gần vào trung tâm hơn là báo chí đối lập hoặc các phát biểu phê phán chính sách hoặc cả chính sách và chính thể.
Đứng giữa là báo chí chính thống nhưng có vai trò giám sát chống tham nhũng và vạch trần các vụ quan chức bê bối.
Phía bên phải là nhóm vận động thay đổi chính sách chung từ bên trong.
Xa hơn về tay phải là những nhóm kêu gọi thay đổi cho từng trường hợp cụ thể, vì những nhóm quyền lợi cụ thể.
Và ở phần cuối của trục sinh hoạt dân sự phía bên phải là những tổ chức ôn hòa nhất chỉ hoạt động thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách của nhà nước nhằm cải thiện các dịch vụ xã hội và phần nào đóng vai trò đối xứng với hệ thống đảng.
Vào thời điểm này, theo Giáo sư Thayer hiện chưa thể nói được các khối và nhóm trên diễn tiến ra sao.
Các kịch bản thay đổi
Tuy thế, ông cho rằng trong tương lai, hệ thống độc đảng ở Việt Nam sẽ bị thách thức nghiêm trọng.
Việc duy trì tình trạng hiện hữu sẽ rất khó vì các thay đổi kinh tế xã hội đã tăng tốc.
Khả năng trấn áp và quay trở lại mô hình độc đoán (authoritatian rule) tuy có thể xảy ra nhưng nếu có thì sẽ gây rạn nứt trong đảng cộng sản.
Một khả năng nữa là phe đối lập sẽ chiếm quyền, thay thế hệ thống hiện nay nhưng đang là kịch bản khó xảy ra nhất vì họ còn yếu và chưa có sự ủng hộ rộng khắp của dân chúng.
Một kịch bản nữa là giới ưu tú trong chính quyền sẽ tự tạo lực để thay đổi. Có bằng chứng rằng giới lãnh đạo Việt Nam thỏa thuận với nhau về tốc độ và cách thứ xử lý thay đổi nhưng hiện Việt Nam đang “tự do hóa” mà không “dân chủ hóa”.
Khả năng thứ năm, theo Carl Thayer là hoạt động phối hợp của những thành phần trong thượng tầng kiến trúc quyền lực và đối lập để “hoán vị và bổ sung” các vị trí của nhau. Mô thức chia sẻ quyền hành này trước mắt khó xảy ra nhưng “về tương lai lâu dài sẽ là cách rất khả thi”.
Bài "One-Party Rule and the Challenge of Civil Society in Vietnam" được trình bày tại City University of Hong Kong, 21-22/08/2008. Giáo sư Carl Thayer là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam ở nước ngoài. Ông giảng dạy tại Đại học New South Wales và tại Viện nghiên cứu Quốc phòng Úc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét