Dạo này báo chí Việt Nam gặp nhiều sự cố. Những sự cố lớn do báo chí đăng lên và lặng lẽ chìm nghỉm là vụ 2 nhà báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt.
Có lẽ chưa bao giờ báo chí Việt Nam mạnh miệng về vấn đề liên quan đến lĩnh vực của mình như vậy.
Trong giới báo chí hiện chỉ còn râm ran những tin đồn, những dự đoán về số phận 2 nhà báo với nhiều rụt rè e ngại.
Hai nhà báo ấy sai phạm pháp luật hay không thì vẫn phải chờ vào phán quyết của tòa án nhưng dù sao thì truyền thông cũng đã công khai trước dư luận thông tin này.
Sự việc này khiến dư luận trong giới không khỏi liên tưởng đến vụ phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ suýt "lâm nạn" khi những phóng sự điều tra của cô về các thế lực lũng đoạn thị trường thuốc tây làm rung động nhiều người.
Phóng viên Lan Anh may mắn "thoát nạn" vì được dư luận ủng hộ mạnh mẽ.
Không được may mắn như thế là trường hợp của bà Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cách đây mười mấy năm bị "lâm nạn" hay vụ ông Nguyễn Hoàng Linh, báo Doanh Nghiệp bị bắt giam hơn 1 năm vì tội tiết lộ "bí mật quốc gia".
Hai vụ này gần như thông tin chỉ truyền miệng trong giới báo chí những lúc trà dư tửu hậu.
Tiếp theo là sự cố phi văn hóa trong một sự kiện văn hóa "đình đám", đó là vụ một nhà báo bị người nhà ban tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 đấm vào mặt, giật thẻ tác nghiệp và buông lời nhục mạ.
Báo chí cũng rộ lên phản đối, đòi "làm đến nơi" rồi cũng lẳng lặng giàn xếp cho xong chuyện.
Lại một sự cố khác trong một sự kiện "đình đám" khác là vụ một phóng viên làm việc cho Reuter bị một viên chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tát tai ngay giữa sân vận động Mỹ Đình, ngay trước mắt Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Dư âm chưa lắng
Sự vụ cũng được thu xếp, dàn hòa. VFF cũng thông báo là "đã trao đổi, rút kinh nghiệm" viên chức này.
Dư âm chưa kịp lắng thì có quyết định thu hồi thẻ nhà báo, cách chức bảy nhà báo, ngoài hai nhân viên báo Người Cao Tuổi vì tội tham ô, năm nhà báo còn lại đều là những nhà báo kỳ cựu, có chức vụ cao trong làng báo.
Quyết định này được thông báo rộng rãi cả trên truyền hình lẫn báo giấy, tuy nhiên báo giới Việt Nam không hề có bất cứ bình luận nào về sự kiện này mặc dù đây là sự kiện rất lớn đối với báo giới mà có người ví von, so sánh với vụ "Nhân văn & Giai phẩm" cách đây nửa thế kỷ.
Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, song trong vụ "Nhân văn & Giai phẩm" ngày xưa đã có rất nhiều bài bình luận, phân tích dù hầu hết những bài bình luận, phân tích ấy đều rập khuôn lên án, chỉ trích.
Sự im lặng của báo chí hôm nay có thể "tốt" hơn cho những người trong cuộc, họ không bị "đấu tố", không bị "ném đá" bởi đồng nghiệp.
Cũng có thể các đồng nghiệp của họ tự hiểu nên làm gì và đã lựa chọn cách tốt nhất.
Một vụ khác xảy ra cuối tháng 07/2008 là việc một thượng tá, ông Phan Văn Phải, Đội trưởng Đội CT 408 - QK9, chuyên về công tác "vận động quần chúng".
Ông này đã lớn tiếng chửi thề và đập vỡ máy ảnh của một phóng viên báo Tiền Phong khi phóng viên này định chụp cảnh các sĩ quan quân đội đang ăn nhậu lớn tiếng trong nhà hàng ở TP Cà Mau.
Ông sĩ quan dù sao cũng đã xin lỗi và đền lại máy ảnh mới cho phóng viên. Tuy nhiên, cách "vận động quần chúng" bằng chửi thề và bạo lực kiểu của ông Phải xem ra không phải chút nào.
Sự kiện gần đây nhất là hôm 06/8, một phóng viên báo Khánh Hòa bị đâm ngay trước tòa soạn báo của mình.
Báo Tiền Phong Online đã phỏng vấn TBT báo Khánh Hòa và được cho biết phóng viên đó là nhà báo chuyên chống tiêu cực.
Lại chuyện 'lề đường'
Vết thương may mắn không nguy hiểm nhưng vụ việc lại nghiêm trọng vì trước đó tòa soạn báo Khánh Hòa nhận được nhiều thư đe dọa, lời trong thư đe dọa "sẽ thanh toán tận gốc rễ" những kẻ "thọc gậy bánh xe"...
Vụ việc xuất phát từ những bài viết điều tra về vấn đề tranh chấp đất đai như công văn của Hội Nhà báo Khánh Hòa khẳng định.
Cũng trong ngày 06/8 trên báo Vietnamnet, ông bộ trưởng bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp giao lưu trực tuyến cùng nhân dân.
Nội dung không có gì mới, chủ yếu vẫn khẳng định rằng báo chí, truyền thông "phải đi đúng lề bên phải", "đi ngoài hành lang là không được và không an toàn"...
Ông bộ trưởng một lần nữa khẳng định Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân, nhà xuất bản tư nhân hoạt động.
Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến này, ông đưa ra một khái niệm hơi buồn cười khi diễn giải chữ quản lý (báo chí) :
"Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý." và "Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động".
Cách diễn giải như vậy chỉ làm cho vấn đề thêm mông lung, huyền ảo.
Những sự kiện liên tiếp xảy ra như trên chắc hẳn khiến nhiều nhà báo chùn tay vì rõ ràng là họ sẽ không an toàn vì chẳng biết mình đang đi "ngoài hành lang", hay trong hành lang?
Hành lang ấy có đúng là hành lang pháp lý hay chỉ là khái niệm mơ hồ có thể diễn giải theo đủ chiều kích?
Hãy tự răn đe
Thậm chí đọc bài báo của Vietnamnet về vụ công ty PCI Nhật Bản hối lộ quan chức Việt Nam, nghe cứ như chuyện của một nước xa xôi nào đó.
Vụ này thực ra là một quả bom trong giới truyền thông Nhật, vì đây là lần đầu tiên Nhật bắt giam, truy tố công dân của mình về tội danh hối lộ quan chức nước ngoài.
Những bài báo Nhật đã nêu rõ danh tánh quan chức Việt Nam nhũng nhiễu vòi tiền thế nào, công việc điều tra tỉ mỉ ra sao...
Thế nhưng báo chí Việt Nam vẫn cứ im lặng một cách khó hiểu. Như vậy, độc giả quan tâm đến vấn đề chỉ có một cách hiểu duy nhất: công khai sự thật có nghĩa là đi ngoài hành lang.
Biết chuyện mà ấm ức vì không được nói, các nhà báo Việt Nam bây giờ tìm được một phương tiện truyền thông hữu hiệu để bày tỏ đó là blog.
Blog đã là nơi người ta tìm những thông tin xác thực, những vấn đề có thể mổ xẻ không e dè...
Chính đó là để thỏa cơn khát thông tin mà báo chí không thể thực hiện.
Nhiều nhà báo tên tuổi đã lập cho mình một blog, họ gắn bó với blog như để phần nào xả nỗi ấm ức bị trói buộc.
Thế giới blog đã mang lại môi trường viết ít hạn chế, lại có tính tương tác đa chiều, nơi giao lưu giữa người viết và người đọc thật trọn vẹn với đầy đủ cung bậc cảm xúc quả là môi trường lý tưởng.
Song với những blogger tên tuổi rõ ràng, họ vẫn phải né tránh những vấn đề, những câu chữ quá nhạy cảm... cho dù đến bây giờ vẫn chưa có "hành lang" nào cho blog.
Chỉ có lời khẳng định "quản lý được blog" của ông bộ trưởng, được ngầm hiểu như lời răn đe cho giới blogger.
Thôi thì, hỡi các nhà báo lẫn các blogger Việt Nam, hãy tự uốn lưỡi, tự răn đe ngòi bút cho khỏi phập phồng lo sợ.
Bài đã đăng trên BBC Vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét