TỪ VÔ THẦN ĐẾN HỮU THẦN




September 25, 2008

.

Kể chuyện xưa

Tui vốn dĩ là kẻ vô thần, vô thần có “truyền thống” bởi lẽ gia đình nội ngoại không ai theo tôn giáo nào. Vô thần vì tui từ bé đến lớn suốt mấy chục năm “mài đáy quần đến mòn lẳng” trên đủ các loại ghế bàn dưới đủ loại mái trường XHCN Việt Nam.

Vô thần nên chưa bao giờ biết sợ con ma nào, tui từng gác mấy tấm ván ngủ cả tháng trên hai cái mả ngoài nghĩa địa (dành cho gia nhân ông Hội đồng Trần Trinh Trạch).

Lúc tui còn sinh viên, học và ở luôn trong ký túc xá Phân hiệu trường Đại học Pháp Lý tại Thủ Đức, Sài Gòn (nay đổi tên là trường ĐH Luật TPHCM). Chổ này tui nghe nói hồi trước là nhà thờ Fatima, bên trong Hội trường A vẫn còn tượng Chúa trên cây thánh giá rất lớn, ngoài sân thì vô số tượng Chúa, thánh, thần bằng xi măng to như người thật. Nhà trường lấy cót ép đóng ốp bốn bên che tượng Chúa Jesu và cây thánh giá trong Hội trường lớn lại nhưng ngoài sân thì để y nguyên.

Bọn tui cho rằng tôn giáo đồng nghĩa với mê tín dị đoan, lạc hậu, "ma túy", "thuốc phiện", cuồng tín kiểu như mấy bộ lạc bên châu Phi.

Vì vô thần nên bọn sinh viên hay lấy quần áo ra tranh thủ móc lên mấy bức tượng ngoài sân để phơi mỗi lúc trời nắng tốt. Những đêm cúp điện thì chúng nó bê tượng di chuyển đi tùm lum chổ sau khi mặc thêm cho tượng quần áo, quấn khăn, đội nón, máng thêm giỏ xách vào tay… rồi đẩy vào những chổ tranh tối tranh sáng nhằm nhát ma bạn bè để cười chơi. Một hôm, chẳng biết đứa nào đã đội cái vỏ bưởi còn xanh lè lên đầu bức tượng Chúa Jesu ngoài sân, trên tay tượng thì một bên nó máng cái bị cói đã cũ rách, một bên nó cột thêm cái que dài… “Hình ảnh mới” đã được bọn sinh viên nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng vì lúc đó trông buồn cười quá. Vài hôm sau, cái vỏ bưởi héo đổi màu, chúng nó lại hạ xuống để nghĩ ra trò mới… Thứ 7, Chủ nhật người dân đi nhà thờ (ở kế bên) bọn tui cũng đi nhà thờ, không phải để làm lễ, đọc kinh mà là để chôm chỉa đủ loại hoa tươi cắm trong bình lớn ở chánh điện. Thấy người ta khoanh tay đi lên, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, đến cái bình cắm hoa rút lấy 1 bông rồi đi vòng ra ngoài, người đàng sau lại tiến tới tuần tự như vậy, thì bọn tui cũng làm y chang, chừng vài đứa đi vài vòng là chôm được mớ rồi. Có điều bọn tui không phải lẩm nhẩm đọc kinh là đọc thơ tình vì… có biết kinh kệ gì đâu mà đọc.

Mà hồi đó sinh viên ở trong ký túc xá này cơm không đủ no, quần áo không đủ mặc, nước không đủ tắm, nhà vệ sinh thì dơ cực kỳ kinh khủng, sách báo cũng chả có mà đọc, cả trường có mỗi một cái ti vi để trên Hội trường, giành nhau xem đến “wính lộn”… nên mới có câu: “Sinh viên Pháp Lý ăn như tu, ở như tù, nói chuyện như lãnh tụ”. Vì vậy, phải nghĩ ra trò gì đó lạ lạ để giải trí…. Bây giờ nhớ lại tui thấy tội lỗi quá, nếu như lúc đó mà có Internet phổ biến như bây giờ chắc không ai thèm làm mấy chuyện vớ vẩn đó đâu.

Và chuyện nay

Chuyện nay là từ khi tui tiếp xúc nhiều với Internet, tui leo tường lửa đọc nhiều web “đen” nên đầu óc tui sáng ra, tui mới biết tôn giáo không phải là mê tín dị đoan, lạc hậu, cuồng tín, "ma túy" hay "thuốc phiện" gì hết. Bạn bè tui hiện nay quanh đi quẩn lại đều là người theo đạo Công giáo, chỉ có tui là… vô đạo. (Ê! Chổ này tui nói “vô đạo” có nghĩa là tui không theo tôn giáo nào à nhe. Đề nghị các bác không được cắt xén cả câu dài thành một câu ngắn ngủn rồi suy diễn “xiên tạc” “vô đạo” thành “không có đạo đức” à!).

Sự kiện giáo dân cầu nguyện đòi đất ở Thái Hà và Tòa Khâm sứ Hà Nội, ban đầu tui chưa biết ai nói đúng ai nói sai, giấy tờ sở hữu thế nào vì tui có thấy tận mắt thấy miếng giấy nào đâu; nhưng dần dần tui lại thấy lộ ra những bộ mặt khác, đó là những bộ mặt dối trá, xảo quyệt, lưu manh côn đồ, đổi trắng thay đen, dựng đứng vu khống, gắp lửa bỏ tay người, ngang tàng bạo ngược, độc ác tàn nhẫn, ăn nói quàng xiên, trẻ không tha già không bỏ…

Cả tuần nay, tự dưng tui thấy có một bọn côn quang trẻ tuổi đến rình mò nhà tui bất kể ngày đêm. Lúc đầu tui không hiểu chuyện gì, sau mới phát hiện rằng hóa ra chúng sợ tui cũng “ăn theo” đến nhà thờ Kỳ Đồng để thắp nến. Ông bà ta nói đúng vô cùng: “Sợ ma sợ cả bóng đa đầu làng”. Bọn này quả là một lũ ngu cùng cực, chúng nó nhìn đâu cũng thấy “ma” nên nhìn thấy tui chúng cũng “sợ”. Trong tình hình người Công giáo đang hết sức cảnh giác đề phòng bọn “giáo gian” trà trộn vào rồi vu khống, lu loa như ở Hà Nội; cái bản mẹt tui lạ hoắc, không biết một câu Kinh nào, vác mẹt đến nhà thờ thì xác suất tui bị cho là “giáo gian” rất là cao, tui có “tiềm năng” bị “chúng wính” chạy hổng kịp, ngu sao đến đó.

Người xưa có câu: “Đạo cao long hổ phục, Đức trọng quỷ thần kinh”. Tui thấy bọn ưng khuyển này quả là đáng ghét, khốn nạn quá, ngay đến quyền tự do tôn giáo, quyền đi lễ nhà thờ của người ta nó cũng muốn chen vào cản trở. Mai mốt tui xin gia nhập đạo, vào làm con chiên của Chúa, làm giáo dân thứ thiệt luôn cho chúng nó có giỏi thì cứ theo mà rình mò, cản trở.

Nói nhỏ một chút: Quý vị nào có lòng hảo tâm làm ơn cho tui biết nhà thờ nào thủ tục nhập đạo đơn giản một chút, bỉu tui cắp vở đi học mỗi ngày như mấy đứa con nít chắc tui chít, nếu có “chế độ iu tiên” cho Nhà báo Tự Do thì càng tốt.

Tạ Phong Tần

2 nhận xét:

  1. Tôn giáo là điều thiêng liêng và ý nghĩa, phải có nền tảng kiến thức giáo lý nhất định (cái để chứng tỏ lòng thành tâm ý tìm và hiểu Đạo) thì mới vào Đạo được. Mà muốn vậy phải chăm học hỏi và nghe giảng dạy giảng giải về giáo lý, về Đạo mới được. Tức là phải có thời gian thấm nhuần giáo lý. Chứ không phải là môn học bổ túc văn hóa gì hời hợt đâu mà không bỏ thời gian học hiểu, chỉ làm thủ tục giấy tờ này nọ là nhập được Đạo ạ. Mong anh nếu có tâm ý muốn vào Đạo, thì em khuyên anh nên tham gia đầy đủ các khóa học, và khi học xong các Cha sẽ kiểm tra, nếu anh có được kiến thức nhất định về Đạo, các Cha mới cho phép anh vào Đạo anh ạ. Chúc anh mau sớm trở thành con chiên mộ Đạo anh nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Vào Đạo không phải như viết đơn xin đi học mẫu giáo. Phải trải qua thời gian tìm hiểu và yêu mến thi mới có thể thật sự vào được. Thế nên phúc cho ai khong thay mà tin. Nếu a tin. Thi anh đã là người của Chúa rồi.

    Trả lờiXóa