Nguyễn Viện
nhà văn, TP Hồ Chí Minh
Cập nhật:03:23 GMT - Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/03/090330_nguyenvien.shtml
Được biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và binh chủng Hải quân vừa chính thức đưa ra các biện pháp tuyên truyền về biển - đảo, một vấn đề vốn được coi là "nhạy cảm" và chỉ được diễn ra một cách giấm giúi trước đây.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, đặc biệt trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mặc dù quá muộn nhưng dù sao cũng còn hơn không.
Có thể hiểu như thế nào về sự muộn màng này?
Bất cứ một người Việt Nam nào khi nhìn bản đồ Biển Đông với cái "lưỡi bò" của Trung Quốc liếm hết các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng phải nổi giận.
Trong khi các quốc gia trong vùng tranh chấp như Philippines, Malaysia đều có những động thái biểu thị chủ quyền của mình thì phía Việt Nam, chúng ta chỉ nghe được những câu nói quen thuộc đến nhàm chán của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng.
Không một người dân nào có thể thông cảm cho chính quyền với hàng loạt những sự kiện như trấn áp những người yêu nước công khai bày tỏ thái độ của mình trước sự xâm lăng ngạo mạn của Trung Quốc, đồng thời lại cho phép Trung Quốc vào Tây nguyên khai thác bauxite, mà hậu quả của nó ai cũng thấy rõ là nghiêm trọng như thế nào.
Không những thế, Trung Quốc còn có mặt ở hầu hết các công trình trọng điểm khác trên khắp nước với hàng vạn công dân của họ.
Một vài động thái như của ông Dương Trung Quốc trên báo Tuổi Trẻ ngày 23/03/2009, cũng như trước đó trong các ngày 20 và 21/03, Ban Tuyên giáo T.Ư đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên truyền biển đảo, phân giới, cắm mốc và thông tin đối ngoại 2008, triển khai nhiệm vụ 2009 (cũng theo báo Tuổi Trẻ) đã cho thấy vẫn còn những dè dặt trong thái độ với Trung Quốc.
Những cuộc thăm viếng song phương gần đây của quan chức hai nước Trung Quốc và Việt Nam cho thấy Trung Quốc đang phủ dụ Việt Nam bằng tiền.
300 triệu đôla liệu có đánh đổi được sự mất đi vĩnh viễn của vùng biển đảo giàu tiềm năng và có ý nghĩa sống còn của thủy lộ đi ra thế giới này?
Liệu Việt Nam có khả năng chia phần với Trung Quốc trong việc tranh chấp quốc tế khi mà chính Trung Quốc đã buộc BP phải rời khỏi vùng khai thác dầu khí thuộc quyền lãnh thổ của mình?
Chính quyền cần phải biết xin lỗi
Nếu thật sự chính quyền đang có những nỗ lực tạo ý thức về chủ quyền biển đảo cho nhân dân như đã được thông tin, thì điều đó không thừa nhưng chưa đủ.
Việc tuyên truyền mang tính "học bài" xưa nay chính quyền vẫn làm, thật sự là một thái độ coi thường nhân dân.
Chính quyền cần phải tôn trọng lòng yêu nước của nhân dân bằng cách cho họ quyền tự do biểu thị lòng yêu nước đó bằng những hành động cụ thể.
Chính quyền cần phải công khai minh bạch cho nhân dân biết chúng ta đã mất bao nhiêu lãnh thổ từ biên giới đất liền cho đến hải đảo. Đồng thời, phải xin lỗi nhân dân và sửa chữa những lầm lỡ của mình từ thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho đến ngày nay.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần xin lỗi tất cả những người yêu nước bị trấn áp trong thời gian qua, đặc biệt là với công dân Điếu Cày và thả ông ta ngay lập tức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét