Hội thảo đầu tiên về chủ quyền biển Đông




Lần đầu tiên hôm 17/3, giới học giả Việt Nam có hội thảo chính thức về tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, chủ đề vẫn bị coi là 'nhạy cảm'.

Điều đáng chú ý là hội thảo "Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế" được tổ chức trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới tại khu vực biển mà sáu quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, gần như chỉ có sự quy tụ của giới học thuật, chuyên gia và một số nhà báo, không có quan chức nhà nước.

Trong một ngày, 14 diễn giả đã đọc tham luận chia làm ba nhóm chủ đề: Lịch sử các quá trình tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng tại biển Đông; Luật pháp quốc tế và tranh chấp chủ quyền tại biển Đông; Biển Đông và quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vai trò của Trung Quốc như một cường quốc đang lên trong tương quan biển Đông được đặc biệt chú ý trong quá trình thảo luận.

Một diễn giả đã nhấn mạnh về chính sách của Bắc Kinh trong thời đại mới, rằng Trung Quốc "rất chú trọng đến việc chuẩn bị dư luận trong vấn đề biển Đông", "không từ bỏ một thủ đoạn nào, diễn đàn nào để khẳng định chủ quyền của mình".

Trong khi đó, dư luận Việt Nam chưa được tiếp cận thông tin về các sự thực lịch sử, các cơ s̉ơ pháp lý của Việt Nam trong tranh chấp biển Đông.

Có diễn giả cảm thán: "Từ 1909 đến nay, đúng một thế kỷ tranh chấp chủ quyền về biển Đông. Nhưng Việt Nam chưa biết sử dụng kết quả nghiên cứu, chưa biết tập hợp lực lượng".

"Người nghiên cứu cứ thấy mình đang làm một việc mà như giấu diếm, như bất hợp pháp vậy. Trong khi đó, Trung Quốc đào tạo và công bố tài liệu và rao giảng khắp thế giới."

Kêu gọi đồng thuận

Ba khía cạnh của chủ quyền tại biển Đông được bàn tới là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, và tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc, trong đó dựa theo đường phân định chữ U mà nước này đưa ra, Trung Quốc chiếm gần như trọn khu vực biển Đông.

Có ý kiến nhận định, Hoàng Sa sau trận thủy chiến giữa quân Trung Quốc và quân đội Việt Nam Cộng hòa năm 1974, đã hoàn toàn vào tay Trung Quốc, "không thể lấy lại được". Do vậy, "vấn đề nút, nóng, là quần đảo Trường Sa".

Những người tham gia hội thảo cho rằng cần vận động sự đồng thuận của xã hội (kể cả người VN ở nước ngoài) trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ, công khai hóa thông tin, thu hút sự quan tâm của các cấp, kể cả cao cấp nhất và "mở rộng dư luận để mọi người đều biết, đều có trách nhiệm về vấn đề chủ quyền biển".

Thậm chí còn có đề xuất đem vào trường học chương trình giảng dạy và nghiên cứu về chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa.

Hồ sơ pháp lý của Việt Nam cũng phải được chuẩn bị đầy đủ trong nỗ lực tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao và đàm phán quốc tế.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được trích lời nói: "Chuẩn bị luận cứ pháp lý là yêu cầu đầu tiên và phải là chính".

Việt Nam, theo một số chuyên gia, cần tận dụng thời cơ khi các nước trong khu vực đang đẩy vấn đề này rất quyết liệt, và dựa trên quan hệ đa phương nhất là với ASEAN để đàm phán về lãnh thổ.

Họ cũng khuyến cáo Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa, và chính phủ Việt Nam phải có chiến lược biên toàn diện và đồng bộ, thay vì chỉ có chiến lược kinh tế biển như hiện nay.

Nguồn: BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét