Tạp chí Kinh tế Viễn Đông
FAR EASTERN ECONOMIC REVIEW
Geoffrey Cain
Số tháng 3-2009
Được lôi cuốn bởi tổ chức Hiến chương 77 của Czechoslovakia, một tập hợp không thuộc về nhà nước gồm những người nhà tranh đấu xã hội vào năm 1977 chỉ trích gay gắt những vụ đàn áp nhân quyền, nhóm Hiến chương ’08 của Trung Quốc tuyên bố:
Đối với Trung Quốc, con đường dẫn dắt ra khỏi tình trạng nguy hiểm của chúng ta hiện nay là tự tước bỏ khỏi bản thân chúng ta cái ý niệm độc đoán về sự trông cậy vào một thứ “lãnh tụ tìm đường khai sáng” hay một “công chức lương thiện” nào đấy và thay vào đó là hướng tới một hệ thống tự do, dân chủ, và sự cai trị bằng luật pháp, và hướng tới cổ vũ và nuôi dưỡng sự phát triển về ý thức thành những công dân hiện đại, những công dân coi nhân quyền như là nguyên tắc cơ bản và việc tham dự (vào sự bảo vệ và quảng bá nhân quyền) như là một nhiệm vụ.
Hơn 8.000 người đã ký vào bản Hiến chương 08 — được công bố ngày 10-12-2008, nhân kỷ niệm lần thứ 60 ra đời bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc – nhằm tận dụng một năm có sự chú ý mạnh mẽ của dư luận quốc tế hướng vào Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như những người đi trước ở Czechoslovakia, các học giả và nhà hoạt động Trung Quốc trong nhiều tháng đã ký tên vào bản văn kiện theo lối điện tử, tụ tập quanh những chiếc máy tính tại nơi làm việc của họ và các quán cà phê, tránh né được sự kìm kẹp chặt chẽ của chính quyền trên mạng Internet để nhanh chóng dẫn tới một hành động phản đối dữ dội trên mạng trực tuyến khắp đại lục Trung Quốc.
Làn sóng phản ứng dữ dội đã xuất hiện nhằm chống lại chính quyền Trung Quốc vì chính quyền nầy, trước thế vận hội Olympic, đã từng hứa nới lỏng các hạn chế truyền thông. Hai ngày trước khi bản Hiến chương được công bố trên mạng trực tuyến (8-12-08), công an đã bắt giữ hai nhà hoạt động, trong đó có nhân vật chỉ trích xã hội nổi tiếng Liu Xiabo, vì những nghi ngờ về việc phổ biến rộng rãi bản Hiến Chương để lấy chữ ký (ủng hộ). Họ vẫn chưa được trả tự do và nơi giam giữ cũng không được cho biết. Sau đó công an đã triệu tập ít nhất là 70 trong số 303 người ký tên ban đầu và ra lệnh cho họ phải rút lại những hành động ủng hộ của mình.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải hoảng hốt về sự bùng nổ những người sử dụng các trang Web ở nước này – đã có tới 220 triệu người sử dụng Internet vào năm 2008, một sự nhảy vọt từ mức 162 triệu năm 2007, và 22 triệu năm 2000 – Tất cả những người sử dụng internet là những độc giả tiềm tàng của những thứ tài liệu nhạy cảm như bản Hiến chương ’08. Tỉ lệ truy cập Internet của nước này, kết hợp với một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cú đòn suy thoái tại các quốc gia phương Tây, đang thúc đẩy cuộc đàn áp thẳng tay của chính quyền Trung Quốc giữa những nỗi lo sợ về tình trạng bất ổn ở đất nước nầy.
“Một số lượng gia tăng các quốc gia trong khu vực đang sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp kỹ thuật tương tự để sàng lọc và kiểm soát, mặc dù không phải luôn có được trình độ công nghệ tiên tiến như Trung Quốc, những thứ mà Trung Quốc đã và đang sử dụng trong những năm qua để hạn chế quyền tự do trên mạng Internet,” đó là nhận xét của Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông nam Á của Uỷ ban Bảo vệ các Nhà báo và là cựu trưởng văn phòng đại diện tại Bangkok. “Những quốc gia này cũng đang sử dụng cùng một thứ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh triển khai để thanh minh cho những vụ bắt bớ và bỏ tù những người viết trên mạng Internet,” ông nói.
Việt Nam, với những hoạt động blog chống đối cộng sản sôi động, đã trở thành kẻ theo đuôi trước tiên. Chính phủ nước này đã chế ra một hệ thống tường lửa không giống ai tại Đông nam Á, rập khuôn theo kiểu của Trung Quốc mặc dù vẫn có thế vượt qua được. Vào tháng 12-2008, chính phủ nước này đã loan báo là họ sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ Google và Yahoo! để ra nội qui và kiểm soát cộng đồng blog đang bùng nổ tại Việt Nam, giờ đây được tính lên tới hàng trăm ngàn blog. Yahoo! 360 là một sân chơi được ưa thích cho hoạt động blog ở Việt Nam, một viễn cảnh mà các blogger Việt Nam đã và đang cảm thấy lo ngại khi công ty này giao nộp thông tin cá nhân của nhà báo Trung Quốc Shi Tao vào năm 2005, dẫn tới bản án phạt tù 10 năm đối với ông vì tội “tiết lộ bí mật quốc gia.” Những blogger khác, trong đó có ông Nguyễn Văn Hải, dưới bút danh Điếu Cày, người từng lên tiếng (công khai) chống lại những thương thảo của Việt Nam với Trung Quốc quanh vấn đề Quần đảo Trường Sa, đã bị bắt vì những tội nghi ngờ là trốn thuế.
Những bước đi của chính phủ đang làm sôi sục một phản ứng chống đối dữ dội. Các blogger ủng hộ cho phong trào đang bí mật gắn kết lại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghề nghiệp và xuất thân của họ thì khác nhau, nhưng hầu hết là những sinh viên hiểu biết về công nghệ thông tin, những người ủng hộ cho việc lật đổ chính quyền và lớn tiếng chống lại Trung Quốc.
Hoạt động ngầm trên mạng trực tuyến ở Việt Nam đã bắt đầu vào tháng 12-2007 giữa lúc có các cuộc biểu tình chống lại việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa.
Hàng ngàn sinh viên phản kháng cần có một chỗ để phối hợp và quảng bá cho các kế hoạch của họ. Mạng Internet, khi đó là một lĩnh vực đi đầu trong quốc gia đang công nghiệp hóa nhanh chóng này, đã chứng tỏ là một mặt trận tiền phương rất phổ biến thông qua đó các blogger đã tổ chức phối hợp những cuộc biểu tình phản đối và công bố ngay lập tức những hình ảnh về sự tàn bạo của công an Việt Nam.
Những hành động trả đũa của chính quyền đã bắt đầu vào mùa hè năm ngoái 2008 nhằm chống lại các cư dân mạng sau khi họ đã phối hợp tổ chức thêm nhiều hơn những cuộc biểu tình phản đối chống lại Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và đã đột nhập vào một trang Web tin tức chuyên bênh vực nhà nước, trang Dân Trí, vào tháng Năm, 2008. Nổ lực kiểm duyệt của Việt Nam tuy chưa sánh được với hệ thống kiểm duyệt thô bạo của Trung Quốc, nhưng Hà Nội hiện đang áp dụng những công nghệ giống hệt với Bắc Kinh.
Vậy mà Thái Lan, từng được trưng ra như là có hoạt động truyền thông cởi mở và phát triển mạnh mẽ, nay đã bắt đầu hệ thống trấn áp bằng kiểm duyệt có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử của họ nhằm chống lại những người chỉ trích chế độ quân chủ, Thái Lan đang chặn hơn 2.300 trang Web và kết án những người vi phạm lên tới 15 năm tù giam.
Chính quyền Bangkok cũng đang chơi trò phương Đông phản đối phương Tây về mặt ngoại giao để chống lại những sức ép dân chủ của phương Tây, theo một bản báo cáo của Ủy Ban bảo vệ các Nhà Báo (CPJ) cho hay.
Bộ luật về tội khi quân của nước này, từng nhắm vào những cuốn sách và bài báo được xuất bản chỉ trích nhà vua, nay đã nới rộng hiệu lực tới cả lĩnh vực Internet. Cuộc đàn áp đã bắt đầu vào năm 2007 khi các nhà chức trách chặn trang mạng YouTube vì có một đoạn phim video đả kích Vua Bhumibol Adulyadej kính yêu. Trong số những quy định ngặt nghèo về Internet của Thái Lan, các trang Web không được đăng những bức ảnh bất cứ ai nằm phía trên ảnh quốc vương. Hiện nay, theo lời những người chỉ trích, các quy định nầy đã vượt đi quá xa những câu chỉ trích mang tính thuần túy chống lại nhà vua, và qui định nầy đang chuyển hướng thành một cuộc săn đuổi được tin là mang tính chính trị mà trong đó không một ai được nói về gia đình hoàng tộc nầy. Trong lúc những cuộc căng thẳng giữa các đảng phái chính trị gia tăng, cuộc trấn áp có thể được mở rộng, theo như các báo cáo của tổ chức CPJ. Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã đặt lên hàng ưu tiên việc bảo vệ chế độ quân chủ chống lại những chỉ trích.
Đối với Arthit, một blogger Thái Lan nổi tiếng, người đã không cho biết họ của ông ta, những viễn cảnh phải vào nhà tù vì đưa ra nghi vấn về hoàng tộc đang làm mọi người lo sợ. “Với danh nghĩa tội khi quân, họ có thể hợp pháp hóa bất cứ hành động nào [chống lại sự chỉ trích] một cách tiện lợi,” ông nói.
Vào năm 2005, Harry Nicolaides, một giáo viên tiếng Anh người Úc ở Bangkok, đã tự xuất bản một cuốn truyện được coi là chỉ phát ra cho một nhóm người rất nhỏ. Một thông điệp ngắn gọn từ cuốn truyện đặt nghi vấn về những phẩm chất xứng đáng của vị thái tử đã giáng vào ông một bản án ba năm tù giam vào đầu năm nay; ông đã nhận được một lời tha thứ của hoàng gia vào tháng trước và đã quay trở về Úc.
Thậm chí tại Malaysia và Cambodia, những nơi từng duy trì những tiêu chuẩn dân chủ cho hoạt động trên mạng trực tuyến, hiện đang bóp chặt những tin tức nào hoạt động được xem như là có tính chất chống đối (chính quyền).
Vào tháng 12-2008, Phnom Penh đã trở thành vùng đối tượng của việc gia tăng dần dần hoạt động kiểm duyệt trên mạng sau khi chính phủ thông qua luật kiểm duyệt trên mạng đầu tiên của nước này để đối phó với trang reahu.net, một trang Web có những bức hoạ mô tả các vũ nữ truyền thống khỏa thân *, mặc dù Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith đã từng hứa hẹn là luật này sẽ chỉ nhắm vào những sản phẩm khiêu dâm và “đồi bại” mà thôi. Thế rồi vào tháng 2-2008, một bản báo cáo gây tranh cãi của Global Witness, một tổ chức phi chính phủ [NGO], đề cập tình trạng tham nhũng trong khai khoáng và dầu mỏ đã được xác định là (và hiện nay vẫn) không thể truy cập vào được. Những lời kết tội đã được chĩa thẳng vào mạng AngkorNet, một nhà cung cấp dịch vụ Internet, về hành động kiểm duyệt đối với bản báo cáo, và những ý kiến kết luận về những mối quan hệ của chính phủ ở cấp cao với ban lãnh đạo của công ty này đã xuất hiện. Cho tới giờ, AngkorNet đã phủ nhận việc ngăn chặn trang Web ấy, trang nầy đã ám chỉ các viên chức chính phủ về việc che giấu hàng triệu đô la tiền lại quả.
Malaysia, nước vào năm 1996 đã hứa sẽ không kiểm duyệt Internet, thì hiện nay cũng đang tăng cường hệ thống kiểm duyệt trên mạng trực tuyến của mình, với ít nhất là ba cơ quan chính phủ giờ đây đang thực hiện việc kiểm tra các blog và trang Web nổi tiếng. Raja Petra, người sáng lập trang Web được nhiều người ưa thích Malaysia Today, đã bị bắt giữ năm 2008 theo Đạo luật An ninh Nội địa của nước này do ông viết những bài chỉ trích chính quyền.
Và hội đồng tư vấn Miến Điện, nơi đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng Internet trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Vàng năm 2007, đã gửi những nhân viên của họ tới Trung Quốc để huấn luyện về công nghệ thông tin. Chính phủ Miến cũng được cho là đã phát động những cuộc tấn công theo kiểu từ-chối-phục-vụ để chống lại các trang Web của những ngươi lưu vong vào thời điểm trùng khớp với lễ kỷ niệm Cách mạng Vàng. Đài Tiếng nói Dân chủ của Miến Điện đóng tại Na Uy đã truy dò theo những cuộc tấn công của Trung Quốc và Nga. [Những kẻ tấn công] đã sử dụng những máy tính được sắp đặt dưới dạng vô chủ … mặc dù theo tôi nghĩ rõ ràng mọi người đều thấy là chính phủ Miến Điện đó … đã có niềm khích lệ lớn nhất để tấn công vào các trang Web chỉ trích họ,” theo lời ông Crispin.
Trong khi các chính quyền phương Tây mất đi ảnh hưởng của họ trong việc chống lại ảnh hưởng đang lớn dần của Trung Quốc, hệ thống kiểm duyệt Internet trong khu vực nầy đang chuyển sang không phải là một chiều hướng lúc tiến lúc lùi mà là một hiện trạng đang phát triển. Các tay chơi cường quốc trên thế giới đã đón chào Trung Quốc đến với sân khấu nầy, và những hậu quả đang đánh vào quyền tự do ngôn luận. “Điều đó đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đối với các chính phủ trong khu vực rằng họ không còn bị bó buộc để đi theo những cuộc cải cách dân chủ mà trước đó họ từng phải chịu áp lực của phương Tây để chấp nhận,” theo nghi nhận của ông Crispin, “bao gồm sự tự do báo chí và Internet.”
Ông Cain là một tác giả của mạng Global Voices Online.
Hiệu đính: Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét