Bauxite & Báo Nhân Dân




http://www.blogosin.org/?p=870

Osin

Phàm đã là văn kiện Đảng, tôi hay đọc báo Nhân Dân vì ở đó đăng nguyên văn. Ngôn từ chính trị đa nghĩa, các báo nhiều khi không “dịch” được. Khi Nhân Dân đăng “Kết luận của Bộ Chính trị (BCT) về vụ Bauxite” tôi đọc và thấy có thể yên tâm. Tuy nhiên, cũng trên báo Nhân Dân, vào lúc 03:01 ngày 26-4-2009, xuất hiện một bài báo mà khi đọc, e rằng, tình hình có thể phức tạp hơn những gì nhận được qua Kết Luận.

Bài báo có tên: Chung Quanh Vấn Đề Khai Thác Bauxite Ở Tây Nguyên; người viết ký tên là Xuân Quang đã dùng những lời đanh thép: “Cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ”.

Ai theo dõi những ý kiến về vụ bauxite vừa qua đều bàng hoàng khi nghe báo Nhân Dân nói vậy. Không bàn về tính chính xác của những “ý kiến” được Nhân Dân trích, chỉ biết là bài báo này đã không hề dẫn nguồn. Rất có thể cũng có những người, những thế lực, nhân bauxite đã đánh bóng hình ảnh của mình. Nhưng, bạn đọc của báo Nhân Dân lại rất ít đọc những website có thể đã in những bài như thế. Về vụ bauxite, người dân trong nước chủ yếu đọc những ý kiến tâm huyết của các tướng lĩnh, các nhà khoa học dũng cảm và trách nhiệm. Những ý kiến mà khi đọc Kết Luận Của Bộ Chính trị thì thấy đã được “cân nhắc, tiếp thu”. Chỉ khi đọc bài của Xuân Quang thì có cảm giác như cũng có người hậm hực.

Nhân Dân khẳng định: “TKV (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) là chủ đầu tư, trực tiếp tổ chức khai thác bô-xít, chế biến a-lu-min; Công ty Chalieco (Trung Quốc) chỉ là nhà thầu”. Về vấn đề Trung Quốc, bài báo đã không dẫn điều mà các ý kiến nêu ra. Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, một cán bộ của TKV, người được Văn phòng Trung ương Đảng mời dự Tọa đàm về Bauxite sáng 20-2-2009, sau đó trong thư gửi cho Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Trương Tấn Sang, phân tích: “Lựa chọn nhà thầu TQ là một sai lầm… Tôi có thể khẳng định, nếu đấu thầu một cách minh bạch, đúng luật… thì không thể có một nhà thầu TQ nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào”. Không ai chống khai thác bauxite một cách cực đoan, các ý kiến đăng trên báo chí vừa qua chỉ cảnh báo về thứ công nghệ lạc hậu mà Chalieco đang đưa vào. Và, nếu Xuân Quang đọc kỹ, sẽ thấy vấn đề “an ninh quốc phòng” mà các tướng lĩnh nêu cũng đã được Bộ Chính trị đưa vào trong “Kết Luận”.

Nhân Dân nhấn mạnh: “Cần phải có những thông tin đầy đủ, toàn diện về dự án để tránh những bức xúc do thiếu thông tin hoặc do thông tin sai lạc”. Nhưng ngay trong bài viết này, liệu người viết đã tuân thủ nguyên tắc ấy. Con số 583 lao động Trung Quốc có mặt ở Tân Rai, là “theo báo cáo của phóng viên báo Nhân Dân”. Nhưng, phóng viên ở Tân Rai đã báo cáo “đầy đủ và toàn diện” hơn những gì Xuân Quang đã viết: “Số lao động tại dự án này biến động liên tục, người đến, người đi chưa được kiểm soát chặt chẽ; có những trường hợp, khi công nhân lên xe về nước, cơ quan chức năng địa phương mới biết”.

Phóng viên Nhân Dân tại Tây Nguyên cũng đã báo cáo cho Bộ Biên tập: “Nhà thầu chính (Công ty Chalieco – Trung Quốc) chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Pháp luật Việt Nam… Không báo cáo số lao động tăng, giảm cho Ban Quản lý dự án… Có trường hợp như ngày 15/4/2009, 41 lao động Trung Quốc lên xe về nước sau khi đã làm việc nhiều ngày ở dự án nhưng các cơ quan chức năng vẫn không nắm được thông tin chi tiết”.

Khi Xuân Quang viết: “Tại Ðác Nông, hiện nay mới có một số chuyên gia của Chalieco sang làm việc với các ngành chức năng để tìm hiểu các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”, là nhằm khẳng định: “chứ không có lao động phổ thông người Trung Quốc làm việc”. Nhưng, cũng chính đoạn “bào chữa” ấy cho thấy rõ ý định của Trung Quốc muốn đưa người vào Việt Nam. Nếu không tuân thủ kết luận của Bộ Chính trị “chỉ cho đưa những lao động kỹ thuật không có ở Việt Nam” thì những lo ngại của dư luận là hoàn toàn có thật. Chính phóng viên Nhân Dân ở Tân Rai đã viết trong báo cáo: “Hầu hết số lao động Trung Quốc đang có mặt tại công trình là lao động phổ thông”. Phóng viên đã biết rất “đầy đủ thông tin”, lẽ ra Nhân Dân nên nói đủ cho nhân dân được biết.

Những ai theo dõi kỹ từng diễn tiến của vụ bauxite chắc hẳn sẽ thấy yên tâm. Đất nước luôn luôn có những vị tướng, những nhà khoa học, những bậc hiền tài bất chấp nguy cơ bị quy chụp, bất chấp quyền lợi của bản thân để cảnh báo hiểm họa có thể ô nhiễm môi trường sống của nhân dân, hủy hoại văn hóa của một vùng và đe dọa sự trường tồn của tổ quốc. Dư luận đã rất “hy vọng” khi đọc trong “Kết Luận” thấy Bộ Chính Trị “tiếp thu những ý kiến đúng đắn”; đưa ra một quyết định vừa kế tục những vấn đề mang tính lịch sử, vừa cân nhắc kỹ “lòng dân”… “Kết Luận” ấy chắc đã được đưa ra trong một tương quan không hề đơn giản.

Rất tiếc, khi đọc bài báo này của Nhân Dân, thấy tầm nhìn của Bộ Chính trị đã chưa được thể hiện. Đành rằng tờ báo có thể chia sẻ với KTV, nhưng, thay vì củng cố “lòng dân”, bài báo đã gây lo ngại sâu sắc khi khôi phục một công cụ tưởng đã được dẹp bỏ, đó là quy chụp. Một thời, không ít những lời nói thẳng ngay, đã bị dán nhãn “âm mưu thù địch”. Nhân Dân không nên để những công cụ như thế có lối quay về.

1 nhận xét:

  1. Báo Nhân dân thì chấp làm gì. Một tờ báo bao cấp, chỉ nhai đi nhai lại mấy cái nghị quyết của Đảng như một cái máy hoặc tuyên truyền một cách một chiều, áp đạt. Báo in ra có ai thèm mua đâu. Viết báo ra chỉ mấy ông tòa soạn + mấy ông quản lý báo chí + mấy Sếp lớn Nhà nước (chắc chỉ liếc thôi) + vài cụ hưu trí đọc mà thôi. Đi khắp các sạp báo ở Hà Nội hay bất kỳ một thành phố nào ở Việt Nam, đố tìm thấy một tờ Nhân dân.

    Trả lờiXóa