|
Từ Trung Quốc nhìn về Việt Nam Chỉ số tăng trưởng GDP rất cao của Trung Quốc (TQ) được duy trì trong nhiều năm liền đã khiến không ít người choáng váng khi nhìn lướt qua nền kinh tế khổng lồ này. Tuy Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để hạ nhiệt, nền kinh tế TQ năm nay vẫn đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, dự kiến 11,5%. Có thể tưởng như đây là một kỳ tích mà bất cứ quốc gia nào cũng mơ ước nếu không hiểu rằng đấy chẳng qua là một sự tăng trưởng nóng, cũng gọi là tăng trưởng không bền vững, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế nhưng kéo theo rất nhiều điều tai hại mà chỉ số GDP, theo đúng định nghĩa của nó, không có nhiệm vụ phải báo cho ta biết. Hai trong những thiệt hại điển hình do tăng trưởng nóng gây ra mà GDP không phản ánh là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí. Năm 2004, Phó chủ tịch SEPA (Cục Bảo vệ môi trường quốc gia TQ) từng cho biết ô nhiễm môi trường hằng năm làm TQ thiệt hại khoảng 200 tỉ USD. China Daily hôm 20.11 cho hay, Ngân hàng Thế giới vừa công bố một nghiên cứu có con số khiêm tốn hơn nhưng vẫn đủ sức gây choáng váng: ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí mỗi năm tương ứng làm TQ thiệt hại khoảng 2% và 3,8% GDP, tổng cộng là 5,8% GDP, tương đương 100 tỉ USD. Đấy là chưa kể rằng ô nhiễm môi trường còn là tác nhân tàn phá sức khỏe và tuổi thọ của con người, vốn là những thứ quý giá không bao giờ có thể đo đếm bằng tiền được. Nhưng điều trớ trêu hơn là cũng theo đúng nội hàm của khái niệm GDP, nếu TQ bỏ ra một lượng tiền khổng lồ nêu trên để làm sạch nguồn nước và không khí thì toàn bộ chi phí (cũng chính là doanh số) của việc làm sạch này sẽ được cộng vào GDP, và chỉ số tăng trưởng GDP mỗi năm lại được tăng thêm 5,8% nữa! Việc dùng chỉ số GDP cũng còn vấp phải nhiều sự xem xét và chỉ trích, đặc biệt khi bàn đến sự bất lực của nó trong việc phản ánh đầy đủ các hoạt động của nền kinh tế: Những hoạt động từ thiện hay tình nguyện, những việc ta tự làm như giặt quần áo, sửa sang nhà cửa, những việc mà các bậc cha mẹ ở nhà vẫn làm cho con em, những đóng góp tích cực vào chất lượng sinh môi do ngành trồng rừng mang lại cho xã hội mà không được trả tiền…, chắc chắn có đóng góp vào sự phồn thịnh quốc gia nhưng do không được định giá và mua bán trên thị trường nên cũng không được tính vào GDP. Những hoạt động khắc phục thiên tai thì lại được tính vào GDP trong khi sự tổn thất do thiên tai gây ra thì không phải là "nhiệm vụ" của GDP. Nếu chúng ta chặt rừng để lấy gỗ xuất khẩu thì doanh số bán gỗ được gộp vào GDP và làm chỉ số này tăng lên. Và khi lũ ống lũ quét xảy ra do rừng đầu nguồn bị tàn phá như tình hình miền Trung nước ta hiện nay, chúng ta lại phải chi một lượng tiền khổng lồ để xây lại trường học, dựng lại nhà cửa, sửa chữa hệ thống đường sá, kênh mương, khám chữa bệnh cho dân, và điều hàng vạn người tới vùng lũ để giúp dân khắc phục hậu quả. Tất cả chi phí cho những việc này đều sẽ được gộp vào GDP, theo đúng định nghĩa của chỉ số này. Chi phí để vận hành các trại cai nghiện, trại giáo dưỡng phạm nhân, chống đua xe, chống kẹt xe cũng sẽ được tính vào GDP trong khi nạn nghiện hút, tội phạm, hay tắc nghẽn giao thông là những thứ không ai mong muốn. Cần phải khôi phục chỉ số GNP Nói đến GDP tưởng cũng nên nhắc đến chỉ số GNP mà từ lâu rồi không mấy ai còn nghe nhắc. Bấy lâu, các bản báo cáo kinh tế định kỳ công bố rộng rãi thường chỉ nhắc đến GDP (gross domestic product - tổng sản phẩm quốc nội), là giá trị tính bằng tiền của tổng hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra trên lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian một năm. Theo định nghĩa, những thứ do người nước ngoài tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam đều được gộp vào GDP của Việt Nam hết. Khi chúng ta thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài thì phần đóng góp tuyệt đối và tương đối của nước ngoài vào GDP của Việt Nam ngày càng tăng lên, tức là phần GDP mà người Việt được hưởng sẽ ngày càng nhỏ đi về tỷ lệ phần trăm. Nhưng chỉ số GDP chỉ lạnh lùng cho biết trên lãnh thổ Việt Nam trong năm qua toàn bộ hàng hóa dịch vụ cuối cùng được tạo ra và được mang ra trao đổi có giá trị bao nhiêu mà không cho biết bao nhiêu phần trăm trong đó sẽ dành cho người Việt ta. GNP (gross national product - tổng sản phẩm quốc dân) là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ do người quốc tịch Việt Nam sản xuất ra trên lãnh thổ Việt Nam và cả ngoài Việt Nam nữa trong khoảng thời gian một năm. Chỉ tiêu này sẽ cho biết rõ thu nhập bình quân năm mà mỗi người quốc tịch Việt Nam được hưởng là bao nhiêu. Nhưng từ lâu lắm rồi các báo cáo định kỳ không còn nhắc đến chỉ tiêu này và giới truyền thông khi đưa tin về các báo cáo cũng không còn nói đến nó. Ở các nước phát triển, GDP và GNP thường cách nhau không xa vì phần của nước ngoài sản xuất tại một nước nào đó cũng "xêm xêm" với phần do dân nước đó sản xuất ra ở nước ngoài, và để cho tiện lợi người ta chuyển sang dùng GDP, Mỹ cũng đã chuyển sang dùng GDP kể từ 1991 "chỉ để cho giống với những nước châu Âu khác". Nhưng đối với những nước đang phát triển, đầu tư rất ít ra nước ngoài mà nhận rất nhiều đầu tư của nước ngoài như Việt Nam thì GNP bao giờ cũng thấp hơn GDP nhiều, đầu tư nước ngoài càng lớn thì khoảng cách GDP-GNP càng xa ra, và việc dùng chỉ tiêu GNP bên cạnh GDP vẫn còn hết sức cần thiết. Và đối với nhân dân tăng trưởng GNP bao nhiêu phần trăm chắc chắn quan trọng hơn là tăng trưởng GDP bao nhiêu phần trăm. Cần xây dựng nhiều chỉ số phản ánh chất lượng của nền kinh tế Tuy còn nhiều khiếm khuyết, GDP vẫn là một phát kiến quan trọng của kinh tế học hiện đại và là một trong những chỉ số then chốt giúp ta hình dung về thực trạng nền kinh tế để có biện pháp thích hợp điều khiển nó. Điều quan trọng là bên cạnh cái chỉ số rất dễ đánh lạc hướng chúng ta đến mức từng bị kết tội là "lá chắn che chở cho hành vi hủy hoại sinh môi" này, cần phải xây dựng và sử dụng những chỉ số an ninh kinh tế, chỉ số an sinh xã hội, chỉ số bảo vệ môi trường, chỉ số năng suất lao động, v.v... Và ở một nước đang phát triển như Việt Nam, trong khi dùng chỉ số GDP cho tương đồng với các nước đã phát triển, chỉ số GNP vẫn còn cần thiết và nhất thiết phải được nhắc đến trong những báo cáo vĩ mô về nền kinh tế đất nước. Hải Văn |
Không để chỉ số tăng trưởng GDP làm lạc hướng chúng ta!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Paul Krugman có lý thuyết phân biệt 2 loại tăng trưởng kinh tế: (1) Tăng tưởng do ném thêm tài nguyên vào nền kinh tế (như chặt thêm rừng, tăng thêm sức lao động, tăng số công nhân hoặc tăng số giờ làm việc của mỗi công nhân), và (2) Tăng trưởng bằng cách gia tăng năng suất.
Trả lờiXóaÔng không cho tăng trưởng kiểu (1) là tăng trưởng thật, vì cứ thêm input thì tất thêm output thôi.
Tiệm lâu nay không hề chửi bậy. Nay nghe Cái Vụ Gờ Đờ Pờ không im nổi. GDP là dành nói với chính quyền và mấy thằng xưng Tiến Sĩ, Giáo sư trong ngòai nước với nhau thôi. Và con nít nó nghe nó tưởng thiệt. Tía Má nó vô Tiệm mua, hàng hóa tăng rầm rầm. Dân đen họ nói khó nghe mà dễ hiểu hơn nhiều:
Trả lờiXóaTăng cái gì mà tăng,Gạo Xăng Gaz Thịt Cá tăng hòai. Nghe bọn khen tăng GDP riết có mà "HỒT QUẦN QUÈ" về mà ăn.Đồ thứ lãnh đạo nói láo, hốt cho tụi lũ nó ăn một mớ cho nó á khẩu hết cho rồi.
Bài này hay!
Trả lờiXóa