Hai Phó tổng biên tập của Tuổi Trẻ bị đuổi khỏi ngành báo, làm gì?




TS. Lê Tuấn Huy

23 NĂM SỐNG, HI SINH VÌ SỰ NGHIỆP TUỔI TRẺ, GIỜ ĐÀNH XIN NGHỈ VIỆC!

Đó là blast anh Trương Quang Vĩnh, nguyên (vâng, đến hôm nay đúng là “nguyên”) Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đưa lên blog vào hơn bảy giờ sáng ngày 01.12.2007. Thật là một lời chua xót và một sự việc chua xót!

Đây là lời tâm sự nho nhỏ sau khi tôi hỏi thăm anh: “Hôm qua Thành đoàn đã công bố quyết định anh rời khỏi Tuổi Trẻ, thuyên chuyển qua Nhà xuất bản Thành phố. Sáng nay anh đã gửi đơn xin nghỉ việc. Anh có quyền lựa chọn con đường đi của mình!”.

Tại các blog khác, tôi được biết quyết định điều động anh Quang Vĩnh sang Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh được công bố ngày 30.11.2007 và có hiệu lực ngay vào ngày hôm sau! Tuần sau nữa sẽ đến anh Huỳnh Sơn Phước phải sang Nhà xuất bản Trẻ! Như những blogger khác, tôi xem đây rõ ràng là đuổi hai phó tổng biên tập kỳ cựu còn lại của Tuổi Trẻ ra khỏi làng báo!

Tiếp tục lướt qua các comment trên blog anh Quang Vĩnh, nhiều lời… chia buồn, đọc mà… tức. Tôi đưa lên blast: “Anh Quang Vĩnh tại Tuổi Trẻ quyết định xin nghỉ việc để từ chối thuyên chuyển. Đồng nghiệp của anh tại đó và nơi khác chỉ có thể… buồn thôi sao!”. Một blogger là người của Tuổi Trẻ vào nói với tôi rằng: “Pó tay rồi anh ơi! Làm gì bây giờ?”.

Khi sự việc tại Tuổi Trẻ bắt đầu nổi lên, đã có giả thiết là do tiềm năng kinh tế của Tuổi Trẻ đã nằm trong tầm mắt của (những) ai đó. Tôi vẫn nghĩ rằng khả năng này rất thấp, nguyên nhân chính là bản sắc riêng về chính trị-xã hội mà tờ báo lớn nhất nước đã định hình được. Việc bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp, bất kể những điều ngược ngạo về tổ chức[1] và dùng đến cả thủ thuật[2] để kiên quyết loại trừ Quang Vĩnh và Sơn Phước, càng củng cố thêm cho điều này. Việc bất ngờ và cùng lúc thẳng thừng tống xuất những nhân vật rường cột của tờ báo mang tính chiến đấu cao nhất - dứt khoát không cho trụ lại, dù với chỉ chân biên tập viên bình thường - há không phải là sự trừng phạt nặng nề nhất, một hình thức kỷ luật “mềm” không “chính danh” đó sao, há không phải là bứng thẳng vào gốc của tờ báo đó sao?

Vậy, quay trở việc “làm gì?” trước tình thế này. Có lẽ đúng hơn hết, câu hỏi này nên dành cho các bạn tại Tuổi Trẻ, cho đồng nghiệp của Trương Quang Vĩnh và Huỳnh Sơn Phước trên khắp đất nước - các đại nhà báo lẫy lừng và những trung, tiểu nhà báo có tâm, tức người có nhiều quan hệ xã hội và quan hệ chính trị, cũng như có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến công luận; chứ không phải cho tôi - một người chuyên tâm cho việc nghiên cứu và dịch thuật chuyên môn, một cách đơn lẻ…

Khi tôi viết Hãy “dám đương đầu khi cơ hội đến” - Thư ngỏ gửi báo Tuổi Trẻ, post tại blog của mình và chuyển bằng đường email đến Tuổi Trẻ, đã (đương nhiên) không nhận được phản hồi từ tờ báo cũng như các thành viên của nơi này, ngoài (chỉ) một vài người nơi đây (dám) mời add tôi vào Friends List hay có ý kiến ẩn danh nào đó. Điều này có thể vì blog của tôi thuộc loại ít được biết đến, không nằm trong cụm các blog của giới truyền thông và giải trí, mà cũng không thể loại trừ nguyên nhân là Thư ngỏ của tôi một mặt công kích chủ trương “tém lề” truyền thông và thông tin, một mặt kêu gọi thái độ đấu tranh để “bảo vệ bản sắc của tờ báo, bảo vệ những con người dám đứng lên bảo vệ bản sắc đó”.

Nay thì Trương Quang Vĩnh và Huỳnh Sơn Phước đành ngậm ngùi ra khỏi Tuổi Trẻ và - cay đắng hơn - ra khỏi làng báo, với tư cách những cá nhân, theo tôi, chính là vì tập thể này đã không hành động đủ với tư cách một tập thể để bảo vệ lấy mình - chứ không phải đơn giản là bảo vệ Quang Vĩnh và Sơn Phước.

Một blogger đã đặt vấn đề Hội Nhà báo Việt Nam có đứng ra “bảo vệ” cho hai nhân vật của Tuổi Trẻ trước việc thuyên chuyển này. Câu trả lời dễ thấy trước, nếu có thì đã có rồi, trong từng ấy thời gian khi sự việc bắt đầu nổi lên, và 99% là đến khi hoàn toàn êm xuôi, cũng không có ý kiến phản đối từ nơi này. Câu hỏi này thực tế chỉ mang tính thách thức đối với “trách nhiệm” của “tổ chức nghề nghiệp” này chứ không thể trông mong. Mặt lý, với tư cách cơ quan chủ quản, Thành đoàn có quyền phân công hay thuyên chuyển. Mặt không phải lý (tức về từ ngữ là “phi” lý), trong một xã hội pháp quyền… phân nửa (hơi bị nói quá về định lượng) như nước ta đây, mọi hội đoàn thực chất đều giữ chức năng vinh danh quyền lực lãnh đạo và thay mặt quyền lực ấy quản lý về mặt nghề nghiệp đối với thành viên, thì trông mong vào sự “bảo vệ” nào đó là hơi ảo tưởng.

Vậy thì, nếu muốn bảo vệ mình - tức bảo vệ bản sắc riêng, và muốn bảo vệ các thành viên của mình - tức bảo vệ những con người đã định hình và duy trì bản sắc đó, Tuổi Trẻ phải dựa trước hết vào sức mạnh của chính mình, cùng với tác động của một công luận chính trực. Tuổi Trẻ có sức mạnh đó hay không? Rõ ràng là có. Xin nhắc lại một ý, là “một khi tryền thông là một thành phần trong cơ cấu quyền lực xã hội thì tác động từ dưới lên và từ ngoài vào là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc áp đặt cho Tuổi Trẻ từ trên xuống là điều mà chính tờ báo cũng có thể chủ động tác động ngược lại, bằng tất cả sức mạnh tổ chức, uy tín thông tin và uy tín xã hội mà tờ báo đã có”.

Nói cho văn hoa chứ điều đó đơn giản chỉ là việc Tuổi Trẻ tự đấu tranh để giữ vững sự tồn tại của chính mình. Mọi sự đấu tranh đều luôn đi kèm với hình thức phản kháng. Trước đây, khi sự việc mới nổ ra, một số thành viên Tuổi Trẻ đã viết tâm thư cho Tổng biên tập Lê Hoàng, đó là hình thức phản kháng tập thể. Lê Hoàng đặt vấn đề về nội dung chủ quản của Thành đoàn, đó cũng là một hình thức phản kháng. Thế nhưng sự đấu tranh-phản kháng này đã không được khai thác hết từ chính năng lực tự thân của nó.

Tại sao Tuổi Trẻ lại không nghĩ đến một kiến nghị tập thể và công khai, gửi đến Thành đoàn?

Tại sao không đưa lên mặt báo của mình chính vấn đề gây biết bao bức xúc ngay bên trong Tuổi Trẻ và giới bạn đọc lưu tâm, để tập hợp sự ủng hộ của dư luận?

Tại sao lại không dám nghĩ đến việc tác động quyết liệt hơn nữa nếu những tiếng nói hợp lý cứ bị phớt lờ, bằng cách tự đình bản để phản đối?

Tại sao lại không có một cuộc “bãi công” bên ngoài trụ sở tờ báo hay tại đâu đó có liên quan?

Hoặc, “tiêu cực” hơn, tại sao lại không dám nghĩ đến việc không thừa nhận sự áp đặt này bằng chính sự phản kháng mà Quang Vĩnh đã làm, là “xin” nghỉ việc tập thể (cho dù chỉ ở nhóm những người vững danh và vững thế) cùng với một tuyên bố công khai, rõ ràng về sự phản kháng của mình, để phản đối?...

Đó hoàn toàn là những điều mà luật pháp cho phép. Những hành động phản kháng này nếu được thực hiện, trước sức ép của công luận, có lẽ cơ quan chủ quản không thể không tính đến một giải pháp thỏa hiệp (cho dù không tránh khỏi sẽ có người nói rằng tôi ảo tưởng về sự thực hành dân chủ trong một xã hội dân chủ… một nửa!).

Tất nhiên cũng sẽ có ý kiến nói rằng người bên ngoài nói suông thì dễ, chứ bên trong thì bao nhiêu vấn đề đặt ra. Hoàn toàn đúng như vậy. Tuy nhiên, có dễ hay khó, nếu không bao giờ bắt tay vào thực hiện thì làm gì có cơ hội nào cho thành công, và nếu ngay cả việc nghĩ đến những biện pháp đó mà còn không dám nghĩ, thì làm gì có chuyện tính đến những giải pháp khả dĩ đi kèm để hạn chế mặt tiêu cực phát sinh (ví dụ tự đình bản thì các hợp đồng quảng cáo tính sao, nguồn thu hàng ngày tính sao?).

Ai cũng biết là không một tập thể nào là hoàn toàn đồng nhất. Chắc chắn rằng nội bộ Tuổi Trẻ cũng đã phân hóa trong việc này. Các cơ quan quyền lực và những người có thế lực muốn thực hiện việc thay máu Tuổi Trẻ chắc rằng trong thời gian qua đã khai triển nhiều biện pháp ly gián, những “tác động” tư tưởng, những chiêu dụ chức, quyền… mà những người chính trực chỉ còn biết chào thua. Vai trò người đứng đầu trong những tình huống sinh tử này rất quan trọng, nhưng cho dù Lê Hoàng - theo ý kiến nghe được từ người trong giới - là một người “hiền hòa”, chỉ muốn lánh khỏi nơi dầu sôi lửa bỏng Tuổi Trẻ, tôi vẫn nghĩ một tập thể như Tuổi Trẻ không phải lúc này đã hoàn toàn bị “bình định” để mà tuyệt đối buông xuôi.

Có thể cũng có ý kiến cho rằng phải chấp nhận sự sắp đặt này, phải chịu hy sinh, sự nghiệp lớn vẫn là Tuổi Trẻ - tức những người ở lại - tiếp tục giữ vững bản sắc của tờ báo. Điều này có thể được minh chứng bằng chính việc trước đây cho dù có bứng đi Kim Hạnh, rồi Lê Văn Nuôi, thì bất kỳ ai về Tuổi Trẻ, kể cả Lê Hoàng, cũng phải vận động theo bản sắc đã có của tờ báo. Nghe có vẻ hợp lý, lý thuyết quản trị cũng hàm chứa luận điểm này. Nhưng xin nhớ cho rằng bất kỳ bản sắc nào tồn tại được vẫn phải giữ vững những rường cột của nó, và bản sắc nội sinh sẽ chỉ thuần hóa được bản sắc ngoại sinh nếu cái ngoại sinh đó không phải là sức mạnh của một quyền lực áp đặt hoặc có sự hậu thuẫn của nó. Một khi hai rường cột Quang Vĩnh và Sơn Phước đã bị bứng đi, ai chắc rằng những cột cỡ trung, cỡ nhỏ còn lại sẽ không bị nhổ đi nhanh chóng sau đó? Ai chắc rằng những quyền lực mới - không phải đơn thuần là quyền lực chuyên môn hay tổ chức, mà là quyền lực chính trị và kinh tế đứng phía sau - sẽ không tức thì “tái sắp xếp” để bình định thái độ coi thường đã thể hiện thời gian qua đối với họ?

Trong sự việc này, cả lý và tình, chính nghĩa đang đứng về phía Tuổi Trẻ và những người chính trực của Tuổi Trẻ, công luận chắc chắn cũng đứng về phía đó, nếu các bạn không đủ mạnh mẽ nắm để lấy cơ hội này nhằm đấu tranh cho sự tồn tại của mình, tôi tin rằng rồi thì từng người trong các bạn lại sẽ ngậm ngùi ra đi, để rồi chứng kiến một ngày không xa, cơ nghiệp Tuổi Trẻ và các bạn đã bỏ bao tâm huyết và công sức trở thành cái xác không hồn.

Dưới những thể chế thiếu vắng dân chủ, những người không có quyền lực, để phản kháng ôn hòa trước sự bất công của quyền lực, không thừa nhận sự áp đặt phi lý của nó nhằm giữ vững phẩm giá của mình, cuối cùng cũng chỉ là biết “tự sát” về mặt công việc, vị trí, kinh tế, danh xưng… trong phạm vi có liên quan, nhưng việc từ chối thừa nhận quyền lực của sự áp đặt như vậy đã là một sự khinh thị xác đáng đối với nó.

Anh Quang Vĩnh đã chọn giải pháp này trước sự bất lực của tập thể Tuổi Trẻ. Tôi ủng hộ sự cả quyết và mạnh mẽ của anh!

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thân phận của những con người bị vắt chanh bỏ vỏ, hành động thuyên chuyển này không chỉ là việc trấn áp nhắm vào riêng Tuổi Trẻ. Trong bối cảnh của những diễn tiến hiện nay và xuất phát công khai từ chính lãnh đạo ngành truyền thông, nhiều khả năng nó nằm trong bộ khung rộng lớn hơn nhiều, mà viễn cảnh chính là việc báo chí “được” đưa về lại ở vị trí không xa là mấy so với thời trước đổi mới. Do vậy, như đã nói ở Thư ngỏ, nếu Tuổi Trẻ chấp nhận phủ phục thì gần như chắc rằng sẽ không còn tờ báo nào giữ được khí phách và tính chiến đấu.

Vậy thì, nào Tuổi Trẻ, một khi các bạn đã bỏ rơi chính những rường cột của mình, thì tôi, với tư cách một độc giả lâu năm, đều đặn và liên tục của tờ báo, xin cùng quỳ với các bạn, và chúng ta, cùng với mọi người, sẽ cùng “chết chùm” vì quỳ!

-

(Bài đã đăng tại talawas, 04.12.2007)



[1] Thành đoàn, cơ quan chủ quản của Tuổi Trẻ lại có quyền điều động người của mình “lên” Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi thuộc quyền quản lý của Thành uỷ.

[2] Đợi dư luận lắng xuống, đưa quyết định “cuối cùng” vào ngày cuối tuần và có hiệu lực ngay tức thì vào ngày nghỉ hôm sau (thứ Bảy 01.12.2007), đặt tất cả vào tình thế đã rồi.

14 nhận xét:

  1. Tớ có đọc Blog của ông Vĩnh ,( Phản Biện và có post cái hình chử TÂM rất đẹp ,nhưng trong các bài hầu như bài nào cũng do " thư ký của sếp " viết ?!?!
    Tôi chả tội nghiệp gì ông cựu phó TBT Tuổi Trẻ này .
    1. Trong chế độ XHCN những người làm báo đều được đào tạo để trở thành cán bộ tuyên truyền vì hơn 600 tờ báo trong nước đều la " Cơ quan tuyền truyền cho đơn vị ngoại vi của Đảng và nhà nước , vì thế chức năng của họ rất quan trọng với chế độ .
    2. Leo lên được đến chức vụ Phó hay tổng biên tập của một cơ quan ngôn luận của một tổ chức chính trị ( Đoàn thanh niên CS Thàng phố HCM ) là một quá trình phấn đấu ghê gớm .
    3. Từ quá trình phấn đấu để leo lên chức vụ như ông Vĩnh là một quá trình thông đồng với sự giả dối , bẻ cong sự thật hoặc im lặng trước sự thật khổ đau của đất nước và dân tộc mà con người nếu có chử TÂM thì không ai làm được
    4. Nếu quả thật Blog PHẢN BIỆN là của ông Cựu TBT Tuổi Trẻ thì tôi đánh giá ông rất thấp :@a ông này còn quan liêu khi làm cai Blog thì lai cho "thư ký" post bài @ b : nếu " thư ký sếp " là chính ông ta thì lại cang dở hơn vì ông ta không dám sống thật , viết thật và nói thật . @ c : tôi không nghĩ ông Vĩnh có được cái TÂM bình thường trong suốt thời gian viết báo , làm báo và lảnh đạo tờ báo của Thành đoàn TNCS HCM
    Ông Vĩnh bị đuổi ra khỏi chức vụ TBT Tuổi trẻ là một bài học cho ông ta cũng như cho nhiều người ( bị vắt chanh bỏ vỏ ). và nói theo giáo lý nhà phật thì vấn đề ông Vĩnh bị đuổi là quả báo .

    Trả lờiXóa
  2. Nhung noi khac "co' van de" thi` Tuoi Tre Lap tuc va`o dau tranh chong tieu cuc. Nhung tai sao "van de" lon nhu vay xay ra ngay Tuoi Tre thi` khong thay ho noi gi`. Cac bao khac cunh khong nhac den. Neu nhu khong co BBC va` cac Blog nhu the nay` thi` la`m sao nguoi doc biet duoc rang, ngay ca co quan ngon thong tan hang dau nhu Tuoi Tre cung bi " an hiep" ma` khong dam la la`ng. Suc mang cua Dang that la ghe gom. Cac lanh dan cua Thanh Nien hay de` chung nhe'. Ca Tong BT Dai Doan Ket nua. CHuc CLB NB TD ngay cang lon manh.

    Trả lờiXóa
  3. ặc ặc, xin hỏi tác giả entry ni và tất cả các bạn blog khác, thế có ai đã từng đọc một bài báo nào của "nhà báo" Quang Vĩnh chưa? đọc được chít liền đó_ à, tiết lộ tí, nhà páo ni hổng viết bằng bút và com-bu-te_ hình như diết bằng mao-it, máu, dao và súng chi đó! nói hổng phải hay phải thì nghiệp cũng đã nặng rồi [vì đã nói]_ rứa đó!

    Trả lờiXóa
  4. cảm ơn về bài viết của anh, rất sâu xắc. Nhưng tại sao các đường link sang các trang khác trong cái entry này đều bị chặn hả anh ?

    Trả lờiXóa
  5. Mịa nó , Tớ đáng kiếp những thằng bưng bô cho CS như tay Phó TBT này , ít nhiều hắn ta cũng đã thông đồng sự giả dối để lừa bịp đồng bào mới leo được lên các chức Phó TBT của một cơ quan Tuyền Truyền lớn nhất nhì VN . Tớ càng kinh bỉ hắn hơn khi hắn ta làm cái Blog rồi đưa chử TÂM thật đẹp ra để lừa bịp bloger .Nếu hắn ta khai ngộ sau khi bị đá thay vì dưa chử TÂM ra hắn ta ngỏ lời TẠ TỘI với Quốc Dân Đồng Bào .... và xin lỗi đã cọng tác với một tờ báo của Đảng eể lừa bịp nhân dân suốt mấy chục năm qua may ra người ta còn thương .

    Trả lờiXóa
  6. Comment này của blogger TIẾNG DÂN bên blog PHẢN BIỆN (đã bị xóa sau khi comment 5 phút), nhưng hiện nay nó vẫn còn bên blog TIẾNG DÂN, tại hạ copy lại cho bà con đọc chơi và tự đánh giá, riêng phần tại hạ xin được miễn bình luận.
    TIẾNG DÂN: HELLO
    Chữ " TÂM " đẹp và có ý nghĩa quá, xin hỏi thẳng anh, trong suốt thời gian anh làm cho 1 tờ báo lớn cho đến gần đây ... cũng ngót hơn 20 năm ..có bao giờ anh đặt nặng chữ TÂM như lúc này không ? nói thật anh đừng giận, theo tôi thấy những người làm công tác truyền thông trong các cơ quan Tuyên Truyền của nhà nước hầu như nếu ai đặt nặng chữ TÂM thì không làm được, bỏ nghề , và nếu làm thì hầu như trong họ không còn TÂM nữa.
    PHẢN BIỆN: Sorry bạn , phải xóa mấy comment nhạy cảm của bạn thôi.( Thư ký sếp)
    TIẾNG DÂN: @Anh (chị) tự xưng là “Thư ký sếp” của blog PHẢN BIỆN:
    1. Tôi đang hỏi chuyện ông Quang Vĩnh-P.TBT chớ không hỏi anh (Thư ký sếp). Ông QV chưa có ý kiến, anh lấy quyền gì xóa comment của tôi trước khi ông QV đọc? Cấp dưới mà dám ngang nhiên trèo qua mặt cấp trên như thế là hỗn láo, ông QV nếu không muốn người khác nghĩ rằng “chủ nào tớ nấy” thì cần phải dạy cho anh một bài học để biết phép cư xử lễ độ hơn.
    2. Chữ “Tâm” không biết đến hai từ “nhạy cảm”. Có “Tâm” thì điều gì lương tâm thúc giục làm thì nhất thiết phải làm, không cần biết việc đó thuộc phạm vi gì. Đã viện đến chữ “Tâm” mà còn giới hạn “nhạy cảm” thì chỉ là “TÂM GIẢ”, lập lờ đánh lận con đen, ngụy biện để che giấu sự hèn nhát mà thôi. Vậy thì cái “TÂM GIẢ” này là của anh (chị) hay của ông QV? Nếu là của anh (chị) thì anh (chị) làm ơn tự lập blog riêng của mình rồi phô trương cái “TÂM GIẢ” của mình ra cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng, đừng làm mang tiếng sếp. Còn nếu cái “TÂM GIẢ” này là của ông QV thì tôi cũng botay.com.canh luôn, hết dám có ý kiến ý cò gì nữa.
    Thursday December 6, 2007 - 11:01pm (ICT)

    Trả lờiXóa
  7. Xuân Lập-nhabaotudolúc 18:58 5 tháng 12, 2007

    Đọc cmt của Tiếng Dân mình giật mình trở lại trang blog Phản Biện kiên nhẫn mở từ trang đầu đến trang cuối và choáng ngợp bởi những lời tung hô chủ nhân, xen lẫn một vài bài miệt thị người mới tới. Buồn và thất vọng, thế mà sáng nay mình đã chót gởi lời mời add mình vô LF bởi mình muốn biểu hiện một sự sẻ chia.Té ra cái ghế quyền lực và những quyền lợi khác rất dễ làm lung lạc bất kỳ ai ngay cả những người mà đôi khi ta lầm tưởng là có tâm và bản lĩnh nhất.Về điểm này, xin được chia buồn với các bạn làm báo ở Tuổi Trẻ. Xin thành thật nhận lỗi với một người mới đến và một người sắp đến báo TT vì trong mình đã có lúc nghĩ rất xấu, rất võ đoán về 2 bạn.

    Trả lờiXóa
  8. "Một khi hai rường cột Quang Vĩnh và Sơn Phước đã bị bứng đi, ai chắc rằng những cột cỡ trung, cỡ nhỏ còn lại sẽ không bị nhổ đi nhanh chóng sau đó?" ->ít người dám lên tiếng.

    Trả lờiXóa
  9. Tuổi trẻ không phải là của hai người đó nên hai người đó không có quyền gì. Bảm thân hai người đó - xét về mặt chức nghiệp cũng không phải của hai người đó mà là của Nhà nước nên họ cũng không có quyền. Để được là mình nên ông Quang Vĩnh mới xin nghỉ việc -tôi nghĩ vậy.

    Trả lờiXóa
  10. Đấu tranh, tránh đâu mà bạn. Chia buồn 2 bác ấy

    Trả lờiXóa
  11. Bài này UV (& CLBNBTD) lấy từ talawas qua đường của anonymouse.org, mà anonymouse.org cũng có thể dính firewall, nên tất cả các link trong bài đều có thể không vào được. Bài ở blog của tôi, mọi link đều thông :)

    Trả lờiXóa
  12. dong y voi nhung nhan xet rat xac dang cua TD...
    nhung du sao ong ta cung de cho TT lam dc nhieu viec...
    tay moi lam viec ve tu tuong...thi nhung bai su that ve che do...chac kh the nao dc dang...

    Trả lờiXóa
  13. ĐÃ theo hầu bao lâu nhưng không biết ý chủ nên bị đưổi việc là đúng!
    tôi đã vào blog của 2 nhà báo này và thấy nhữgn entry chia buòn dộng viên linh tinh... nhưng họ laànhững người hèn - nếu cho rằng báo TT đoàn kết sao tất cả không nộp đơn thôi việc hết!
    toàn nói xạo!

    Trả lờiXóa
  14. Cũng là một chữ H mà thằng "Hùng" thì ít còn thằng "Hèn" thì quá nhiều. Nên áp dụng định luật đòn bẩy của Acsimet hơi khó. Đâu là điểm tựa? Hơn nữa nhà ta có câu chuyện Bó Đũa mà. Mới tách 2 chiếc ra thôi, may chưa bẻ luôn 2 chiếc đấy :(

    Trả lờiXóa