Một xã hội mỏi mòn và vô cảm




Trà Đoá

Đã lâu rồi, tôi không còn đủ sức để mà “căm phẫn” nữa. Tinh thần xã hội của chúng ta (từ “chúng ta” được dành cho những ai đang cùng tôi chịu đựng cuộc sống hiện tại ở Việt Nam) ngày hôm nay được tạo ra từ sự hưng phấn giả tạo tạm thời và sự mỏi mệt chán nản trường kỳ.

Lượng dopamin trong não bộ của tôi có thể tạm thời tăng lên một ít khi cả hệ thống tuyên truyền ra rả về chuyện Việt Nam gia nhập WTO, hay sự tăng đầu tư nước ngoài,… Nhưng nó nhanh chóng xẹp xuống khi vợ tôi đi chợ về, hay khi phải thanh toán các khoản tiền cuối tháng. Và sự căng thẳng mãnh liệt khi phải chạy xe ngoài phố. Hôm nào cũng như hôm nào, tôi cùng dòng người đông kịt phải chen chúc nhau trong những khoảng không gian chật hẹp, đầy khói bụi và hơi xăng, hay bì bõm trong những vũng nước ngập sâu như sông suối, được gọi là đường ấy, để đi đi về về. Trong những không gian dễ sợ đó, gương mặt ai cũng căng thẳng tột độ. Không ai có nụ cười, hình như ai cũng sẵn sàng nhảy xổ vào nhau nếu vô tình va quẹt xe. Đừng trách cái thái độ ấy. Tôi biết - cũng như tôi - mọi người đang phải nén chịu, kìm lòng. Dòng chảy xã hội Việt Nam ngày nay được tiếp sức chủ yếu từ các nguồn hận thù và bất công. Cái nguồn bất tận ấy nó hiện diện hàng ngày ở những nơi được gọi là chính quyền, và trong thái độ và hành xử của những kẻ được gọi là công chức nhà nước. Hơn ai hết, người miền Nam cảm nhận rất đầy đủ điều này từ những năm sau 75. Tôi không có ý khơi lại giai đoạn khủng khiếp ấy, nhưng không thể không nói đến điều này khi hàng ngày phải chứng kiến quá nhiều điều mà tôi cho là hậu quả của những năm tháng khốn nạn ấy. Để tìm bằng chứng cho điều này, bạn chỉ cần hỏi cảm tưởng của một người dân miền Nam bất kỳ, cho dù là già hay trẻ, về những người Bắc cộng. Bạn có thể qua Phú Mỹ Hưng để hỏi về chủ nhân của hầu hết những căn hộ cao cấp hay những khu biệt thự sang trọng đóng cửa im ỉm. Tất cả bọn họ đều đến từ Hà Nội. Nếu một người bình thường quan tâm đến công ăn việc làm, bạn có thể biết được các ngành nghề không nên xin vào (vì có xin cũng vô ích) như: bưu điện, đường sắt, hàng không, dầu khí… Đây là những khu vực độc quyền “bất thành văn” của một giới nhất định đến từ miền Bắc. Ban đầu, cứ tưởng chỉ người miền Nam mới chịu cái cảnh này. Nhưng không, sau này tôi mới vỡ lẽ, đa số những người đồng bào miền Bắc cũng cùng chung cảnh ngộ. Và tôi biết rõ điều này khi đọc lại những tư liệu của thời “cải cách ruộng đất”. Thì ra, hận thù được gieo khắp nơi, từ ải Nam Quan (xin lỗi quý vị, cái này nay đã thuộc Trung cộng rồi) đến mũi Cà Mau.

Dưới góc nhìn của phân tâm học, hận thù không bao giờ mất đi, nó ẩn sâu vào những góc đen tối nhất trong tiềm thức con người và chờ dịp bùng phát thành tội ác. Hận thù không bao giờ mất đi, nó di truyền theo những quy luật xã hội và may ra chỉ được “hoá giải” mà thôi. Hận thù mang tính tập thể còn khủng khiếp hơn thế bởi nó bị chi phối bởi những quy luật khác thường và khó lường. Sự hoá giải những hận thù tập thể thật gay go, bởi nó phải xuất phát từ những tấm lòng trung thực và đầy thiện ý, và phải xây dựng những chiến lược dài hơi đi từ gốc rễ là giáo dục. Một nền giáo dục hướng thiện và nhân bản sẽ giúp cho xã hội hoá giải từ từ. Còn một nền giáo dục được chính trị hoá như lâu nay chỉ có một tác dụng duy nhất, đó là nuôi dưỡng hận thù mà thôi.

Theo tôi, trong xã hội Việt Nam ngày nay, sẽ chẳng có ai có được hạnh phúc đúng nghĩa. Người dân thường thì càng không thể nào hạnh phúc. Bạn không thể sống như lợn, chỉ cần ngày ăn ba bữa cơm no thì gọi là hạnh phúc. Và một điều nữa, khó có thể có cái hạnh phúc đơn lẻ, hạnh phúc bị chi phối mạnh mẽ bởi các điều kiện xã hội. Đôi lúc tôi tự hỏi, “liệu những kẻ giàu nứt đổ đổ vách và đầy quyền lực ở Hà Nội có thực sự hạnh phúc không?”. Trước khi những vụ như “quota dệt may” hay “PMU 18” xảy ra, chắc có lẽ ai cũng cho những gia đình như Mai Văn Dâu, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến,… là đang sở hữu sự sung sướng hơn người bởi sự giàu sang của họ. Sự sụp đổ của họ không phải từ mục đích tiêu diệt bất công hay tái tạo công lý, nó đến từ sự thay ngôi đổi chủ mà thôi. Chính trị - đặc biệt là chính trị Vịêt Nam - là thế. Nó có thể núp dưới mọi hình thức như: ý thức hệ, dân tộc, tổ quốc,… nhưng thực ra nó không hơn gì một cuộc tranh ăn, tranh quyền khốc liệt và không kém phần bẩn thỉu. Trong đó, kẻ được hôm nay sẽ là kẻ mất của ngày mai. Hạnh phúc rõ ràng không thể xây dựng từ những giá trị phi đạo đức. Những giá trị mà những kẻ có quyền cố công tước đoạt của nhân dân, vì quyền lợi của mình, nó đã không làm cho họ hạnh phúc, mà chỉ đem đến sự lo âu. Đó cũng là tâm lý chung của những kẻ thủ ác: luôn nơm nớp lo sợ hậu hoạ. Nhưng những cái mà họ cướp đi: của cải vật chất chung của xã hội, các giá trị tinh thần do bị cấm đoán trong các quyền con người,… đã không giúp họ hạnh phúc đã đành, nhưng lại khiến cho cái phần còn lại của xã hội cũng chẳng hưởng được vị ngọt của cuộc sống, bởi sự thiếu hụt và lòng căm hận.

Hận thù không được hoá giải, nó sẽ tìm đường đào thoát ra xung quanh. Đối tượng của nó sẽ bất kỳ là ai, là cái gì. Bởi hận thù tiềm ẩn là thứ vô thức khủng khiếp nhất, nó chảy trong dòng vô minh của nhân loại. Nó có thể biểu hiện ở những dạng như: những cuộc đâm chém của những kẻ vị thành niên, những cuộc tranh giành nhỏ nhặt trong đời thường nhưng lại có thể chết người,… Và hơn hết, nó là một sự vô cảm tập thể của xã hội trước cái ác. Tôi vẫn luôn hằng tin rằng, không có cái ác bẩm sinh. Con người ta thực sự trở thành ác khi phải đối phó với cái ác trường diễn.

Mấy hôm nay, các cơ quan thông tin nhà nước đưa tin liên tục trong chiều hướng kết tội và lên án vụ việc hành hạ một cô gái trong 13 năm của một đôi vợ chồng bán phở ở ngay giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến. Vụ việc càng ly kỳ hơn khi một bà lão đã dũng cảm giải cứu
đươc em bằng cách đưa em đi trốn, không phải ở đồn công an mà ở nhà người thân của mình.

Xã hội Việt Nam, dưới sự thống trị của Đảng, được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ của hệ thống an ninh và các hội đoàn do Đảng lãnh đạo. Một công dân Việt Nam hiện đại, từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, không có giai đoạn nào của cuộc đời lại không chịu sự kiểm soát của những tổ chức này. Khi còn là nhi đồng, phải chịu sự quản lý của Đội; lớn lên một chút, ở các lớp trung học thì chịu sự kiểm soát bởi Đoàn. Khi trưởng thành, nếu làm nông, thì chịu sự giám sát của Hội Nông dân; buôn bán hay làm nghề lặt vặt, chịu sự giám sát của Hội Tiểu Thủ công nghiệp… Nếu là phụ nữ, sẽ không thoát khỏi Hội Phụ nữ. Thật khó có thể kê ra hết các “hội, đoàn” ở Việt Nam. Có một điều chung ở các hội này là tất cả đều chịu sự quản lý của Đảng. Những tổ chức nếu không do Đảng trực tiếp lãnh đạo, như các tổ chức tôn giáo, thì sẽ gom vào trong cái gọi là Mặt trận Tổ quốc. Lúc trà dư tửu hậu, tôi thử ngồi tính có bao nhiêu ông chủ tịch ở một phường:

1. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân

2. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân

3. Chủ tịch Hội Phụ nữ

4. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (dĩ nhiên không tính các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hoà)

5. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc

6. Chủ tịch Hội Nông dân

7. Chủ tịch Hội chữ thập đỏ

8.

Và tất cả các vị trên đều chịu sự chỉ đạo chung của một vị bí thư Đảng uỷ duy nhất.

Đây là kiểu chính quyền được tuyên truyền là “của dân, do dân và vì dân”. Nhìn cái danh sách (mà tôi không tài nào kê ra hết) ở trên, tìm chỗ cho họ ngồi đã khó, huống gì phải trả lương cho họ.

Trong vụ việc ngược đãi cô Nguyễn Thị Bình ở Hà Nội, tất cả các hội đoàn và chủ tịch ở trên không ai quan tâm đến. Không thể đổ thừa là không biết khi sự việc xảy ra liên tục trong 13 năm trời.

Tất cả đều biết và tất cả đều dửng dưng!

Ở đây, tôi có liên tưởng đến buổi đấu tố luật sư Nguyễn Văn Đài
cách đây vài tháng và được VTV phát lên truyền hình. Buổi đấu tố này được gọi là buổi kiểm điểm của tổ dân phố đối với LS Đài. Nhìn cái hội trường ngồi đầy người để nghe môt vài kẻ (chắc là công an) đang kể tội anh Đài, tôi có cảm tưởng rằng mầm mống của những hành xử kiểu “cải cách ruộng đất” vẫn chưa hết, nó có nguy cơ trở lại – dù ẩn nấp dưới bất kỳ hình thức nào. Cái được gọi là “quần chúng” trong những buổi đấu tố này thật mãnh liệt. Nó nhấn chìm mọi lý trí sáng suốt và đạo đức. Nó là một cái ác tập thể.

Vậy hội đoàn hay chính quyền tồn tại để làm gì? Có thể chỉ dành để làm những việc như trên.

Đấu tố là một cái ác tập thể. Vô cảm trước cái ác cũng là một cái ác tập thể. Một tập thể chỉ biểu hiệu sức mạnh khi đấu tố, thì xã hội đã cùng đường rồi. May thay, còn một bà lão 70 tuổi dám đương đầu với nó. Thật nhỏ nhoi và tội nghiệp. Cũng như trước đây, khi hải quân Trung Quốc bắn chết ngư dân Thanh Hoá, cũng đã có 20 sinh viên trong một xã hội hơn 80 triệu, xuống đường biểu tình phản đối (cho dù không thành vì bị công an ngăn cản). Những bằng chứng này nói lên điều gì? Nó khơi gợi lòng dũng cảm trước cái ác không nhiều bằng thông điệp: đó là sự khiếp nhược và vô cảm đáng sợ của xã hội Việt Nam hiện tại.

Xin đừng ai hỏi tôi có khiếp sợ không? Xin thưa rằng, có, rất khiếp sợ nữa là đằng khác. Ngoại trừ bạn là thánh, còn không thể không khiếp sợ trong một xã hội như Việt Nam. Đừng xúi dại tôi chống lại chính quyền, tôi không đủ dũng cảm để làm việc ấy. Tôi chỉ thấy nhói lòng khi nghe và thấy những cái ác đang hoành hành. Tôi làm được gì không nhỉ? Có thể tôi cũng sẽ làm được như bà lão 70 nọ, hay 20 cậu sinh viên kia. Tôi chỉ cầu mong có đủ dũng khí để làm được như họ. Và cũng cầu mong cho mọi người xung quanh tôi cũng chia sẻ với tôi những ước nguyện đó.

Còn hằng ngày, tôi sẽ cầu nguyện để cho những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình và bạn bè, và với dân tộc này. Một xã hội nhân bản hơn, là một niềm mơ ước không nguôi.

Nhưng khi nào nó đến, và bằng cách nào?

Tôi không biết.

Sài Gòn, ngày 11/11/2007

5 nhận xét:

  1. khong con j de noi, Toan canh XH VN la` nhu vay do'. Giao duc chinh tri Mac -Le-HCM. chiem 30% noi dung giao dc Dai Hoc.

    Trả lờiXóa
  2. không hẳn là vô cảm, mà sự khiếp sợ khiến người dân né tránh, tảng lờ, và như cách nói dân gian là không dây dưa vào những chuyện không liên quan tới mình.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn bạn đã nói lên những suy nghĩ của mình, đúng như bạn nói ,tôi cũng không đủ can đảm giống như bạn ;bởi vì những người có được suy nghĩ như bạn ,như tôi quá ít ỏi, và tôi thật sự thất vọng cho giới trẻ miền Nam ngày nay.
    Bởi vì con người cũng cần cái ăn ,cái mặc để sống ,nó không cho ta một giây phút nào rãnh rỗi,tất cả sinh lực của chúng ta đã dồn vào cuộc sống.Tôi thật sự tức cười với những cụm từ "gây rối trật tự an ninh công cộng" khi có vài người không còn chịu nổi phải liều mình phản đối những bất công trong cuộc sống.
    Một chút với vấn nạn kẹt xe ,ngập dường : bao nhiêu tiền đã bỏ ra ,nó đã chạy vào túi của ai? Tại sao những chiếc xe bus ,nguyên nhân gây kẹt xe tiếp tục được nhà nước bảo trợ? Xin thưa tại vì những chiếc xe cũ rích từ những bãi rác nước ngoài ấy được người ta kê giá xe mới để nhập về Việt Nạm,và người ta lại dược dịp chia chác
    Và tôi cũng thật sự thán phục ,thán phục một cách kinh tởm những con người đã tạo ra cái xã hội đã xoay con người ta 100% vào cơm áo gạo tiền ,để người ta không còn sinh lực mà suy nghĩ đến bất cứ cái gì khác

    Trả lờiXóa
  4. Làm sao để tẩy não nhỉ?

    Trả lờiXóa