Gởi các blogger Việt




Những ngày vừa qua đối với giới blogger Việt Nam là những ngày đầy ắp sự kiện.



Sự kiện nóng bỏng nhất vẫn là
thảm hoạ sập cầu Cần Thơ, hầu hết các blog đều đăng tải những tin tức được cập nhật về tình hình thương vong, về nguyên nhân gây ra thảm hoạ cũng như kêu gọi trợ giúp những đồng bào nạn nhân. Rất nhiều ảnh đại diện (avatar) được thay bằng ngọn nến lung linh hay những nén nhang tưởng niệm.



Xông xáo, năng động và không kém chuyên nghiệp là các nhà báo tự do. Các "nhà báo không thẻ" này đã mau chóng có mặt tại hiện trường, chụp ảnh, phỏng vấn, tìm hiểu nguyên nhân và góp phần chia sẻ đau thương bằng những trợ giúp bằng tiền bạc, tấm lòng. Điều quý giá nhất là những thông tin trung thực, nóng hổi và đầy xúc cảm được chuyển tải mau chóng trên phương tiện vô cùng hiệu quả là những trang blog. Có thể kể về “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” vừa mới hình thành vài ngày trước đó, về nhóm “Chứng nhân Lịch sử”, về những những nhóm hoặc cá nhân "lặng lẽ" khác đang đồng hành cùng dân tộc và làm chứng cho sự thật.



Những cuộc tranh cãi, đấu đá trên blog lắng xuống; những blog chuyên đăng ảnh, bài “ăn chơi” cũng tạm thời ngưng. Thật hiếm hoi có được cảnh các blog liên kết, và đồng lòng với nhau trước một sự kiện bi thảm liên quan đến nỗi khổ đau đồng bào như thế. Tất nhiên, vẫn có những kẻ vô cảm dửng dưng hay những tranh cãi nhỏ về trách nhiệm, về nguyên nhân sập cầu. Tình tự dân tộc hình như chỉ được khơi dậy cách mãnh liệt khi máu thường dân bị đổ trong các biến cố. Có hiện tượng gần như "bội thực thông tin", khi mở bất cứ liên kết nào, bất cứ message nào cũng sôi sục về sự kiện này. Bên cạnh đó, với tính cách "chính thống" của truyền thông, báo chí luôn dành thời lượng lớn nhất trong việc chuyển tải thông tin và đứng ra quyên góp tiền bạc của độc giả. Có lẽ cũng hiếm khi nào báo chí - đặc biệt là các báo điện tử - thông tin mau chóng, đa dạng như vậy, dù có thể còn bị nhiều hạn chế do các chỉ thị của cấp trên.



Đến hôm nay, gần một tuần sau thảm hoạ, các trang blog Việt đã giảm nhiệt. Các blogger đang bình tâm để nhìn sâu, nhìn rõ hơn vấn đề và bắt đầu bình luận. Chắc hẳn các cuộc tranh cãi lại sắp sửa nhen nhóm. Nhưng chắc chắn thảm hoạ kinh hoàng này sẽ khó phai mờ trong tâm tư blogger Việt.



Cơn lũ thông tin về vụ sập cầu Cần Thơ đã nhấn chìm những sự kiện quan trọng khác, thật hiếm thấy blog nào bỏ công tìm hiểu về sự kiện ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi dự Hội đồng Liên Hiệp Quốc để vận động cho Việt Nam kiếm một chân trong số 10 thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (báo chí "chính thống" thì không được phép quên lãng sự kiện này, các blogger vốn là nhà báo "chính thống" cũng có chút đỉnh quan tâm). Thực ra, giành được vị trí này trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng không phải là một danh dự gì quá đặc biệt trên trường quốc tế. Trong quá khứ và hiện tại, nhiều quốc gia nhỏ đã là thành viên của định chế quốc tế này: Angola 2003/2004, Benin 2004/2005, Tanzania 2005/2006, Ghana 2006/2007, Panama 2007/2008…



Cuối cùng thì Việt Nam cũng có thể có một chân thành viên như ý muốn, tất nhiên không phải vì bài diễn văn chán ngấy của ông Thủ tướng Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc. Trong dịp hiếm hoi này, ông Thủ tướng Việt Nam cũng tranh thủ quảng cáo cho chính quyền Việt Nam và hứa hẹn góp phần đủ thứ trong các vấn đề toàn cầu như nhân quyền, môi trường, hoà bình, ổn định...



Các blogger có vẻ chẳng thèm quan tâm đến chuyện
báo chí trong nước tha hồ khoa trương rằng tờ Wall Street Journal - tờ báo uy tín hàng đầu thế giới - đăng 4 trang về thành tựu của Việt Nam, với những người am hiểu thì việc một chính phủ bỏ ra đến nửa triệu USD thuê đăng 4 trang quảng cáo nhằm đánh bóng mình cũng là chuyện thường. Chẳng phải khi ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Mỹ cách đây mấy tháng cũng đã bỏ tiền (của nhân dân) làm quảng cáo y hệt như thế sao! Hiệu quả ra sao thì không ai kiểm chứng, nhưng cách báo chí Việt Nam mập mờ rằng "tờ báo uy tín hàng đầu thế giới" ca ngợi Việt Nam, rồi thành tựu này khiến thế giới "khâm phục", hay "ảnh hưởng ngày càng lớn của Việt Nam trên trường quốc tế" thì lại là hành động thiếu lương thiện. Thật sự, ai hoặc tổ chức nào có tiền mua các trang quảng cáo trên WSJ đều được và tờ báo này không hề mập mờ khi thông tin. Trong số 4 trang quảng cáo về Việt Nam nêu trên, ngoài vài bài không ký tên còn lại 5 bài đều của ông Darrell Delamaide, một "cây bút tự do" (không phải nhà báo của WSJ), cũng chỉ là một tay viết thuê sòng phẳng.



Mới đây là tình hình biến động tại Miến Điện (Myanmar) với sự nổi dậy của hàng chục ngàn tăng ni, hàng trăm ngàn thường dân. Chính phủ quân phiệt Miến Điện, với sự
trợ giúp của ngoại bang đã ra tay trấn áp quần chúng. Đây là cuộc nổi dậy lớn nhất kể từ năm 1988 (với cái chết của 3.000 thường dân Miến), lần này chỉ có vài trăm người bị sát hại, trong số đó có Kenji Nagai - một nhà báo Nhật bị binh lính Miến bắn thẳng vào ngực khi ông đang làm chứng cho sự thật. Sự kiện này khiến cả thế giới bàng hoàng, nhiều nước khu vực Đông Nam Á đã biểu tình ủng hộ dân Miến, đả đảo chính quyền quân phiệt Miến Điện; nhiều người đã đốt chân dung ông tướng cầm quyền Miến Điện và tung hô nhà đấu tranh dân chủ lừng danh của dân tộc Miến, người được giải Nobel Hoà bình - bà Aung San Suu Kyi.



Giống như tại chính quốc Miến Điện, truyền thông của nước khổng lồ phương bắc Trung Quốc và truyền thông Việt Nam hoàn toàn hờ hững hay chỉ đưa tin rất sơ sài, cho có lệ. Các blogger Miến Điện chính là những người đã thông tin mau chóng, đầy đủ về thảm hoạ của dân tộc mình cho toàn thế giới biết. Nhà cầm quyền Miến để bưng bít thông tin đã cắt đứt mọi hệ thống Internet. Đến hôm nay, những nhà hoạt động dân chủ và quần chúng nổi dậy của Miến Điện đã bị chính quyền Miến dập tắt. Nhưng sự im ắng này có vẻ như đang ẩn chứa một cơn bão lớn sắp tới. Trào lưu đòi dân chủ cộng hưởng với công nghệ thông tin ào ạt như thác lũ chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện các thể chế độc tài toàn thế giới.



Chúng ta, những blogger yêu tự do, chắc chắn cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Ảnh: Nhà báo Kenji Nagai tác nghiệp phút chót trước khi bị lính Miến bắn chết.
------------------------------------------------------------
LCLB: Ý kiến bày tỏ trên trang Diễn Ðàn là của các tác giả, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của CLB Nhà báo Tự do.

8 nhận xét:

  1. blog nen ma.nh dang va cap nhap nhieu thong tin ho*n

    Trả lờiXóa
  2. Bọn ác quỷ chính quyền quân đội Miến Điện này là do địa ngục sai lên tàn sát dân lành. Để coi cái thiện có thắng được cái ác không. Tôi tin vào cái thiện.

    Trả lờiXóa
  3. Sign for Burma
    http://www2.free-burma.org/index.php#spread

    Trả lờiXóa
  4. Bức ảnh quá ấn tượng và quá ám ảnh!

    Trả lờiXóa
  5. bức ảnh nói lên quá nhiều điều.

    Trả lờiXóa
  6. Ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ của nhân dân Miến Điện. Đả đảo bọn độc tài, tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  7. Ý kiến bày tỏ trên trang Diễn Ðàn là của các tác giả, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của CLB Nhà báo Tự do.
    Nhưng câu lạc bộ lại đăng nó trên blog của mình???? thật là khó hiểu

    Trả lờiXóa
  8. toi tien duong ghe qua xin co doi loi : Co mot so nguoi dat qua nhieu ki vong o DC Toi khong phu nhan tinh than tranh dau quen minh cua DC nhung neu de nhung nguoi cung kho dat qua nhieu niem tin :ngay nao do DC se tra lai cho ho dat dai ruong vuon bi CS tuot doat co phai la mot ganh qua nang chang ?
    Kinh chuc DC mai song hanh cung nhung trai tim tin yeu hungphong

    Trả lờiXóa