Hãy Nói Cho Dân: “Dịch Tả”Vài tuần nay, thông tin về những ca bệnh "tiêu chảy cấp" được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, kèm sau đó là một vài trường hợp xử lý mắm tôm chưa chưa qua kiểm định. Trong ý thức của người dân, vụ này chẳng qua chỉ là "an toàn thực phẩm" như kiểu nước tương, bánh phở... trước đây. Mắm tôm thì dân Sài Gòn vẫn vô tư ăn, cho dù không biết xuất xứ mắm ấy có phải từ miền Bắc - ổ dịch hiện tại - không. Mẹ tôi - một bà cụ 80 tuổi - chỉ nghe loáng thoáng qua radio và TV đã "cảnh báo" tất cả các con: "Dịch tả đấy, liệu mà ăn uống ngoài đường ngoài chợ."; trong ký ức mẹ tôi thì ngày xưa ngoài bắc cũng từng có dịch tả, người chết như rạ, lây lan kinh khủng, người bị bệnh không ai dám chăm sóc, người chết không ai dám đi chôn vì sợ lây bệnh.Còn bây giờ, liệu đã phải là cơn dịch tả từng giết 1/3 dân châu Âu xưa kia hay không? Tại sao chính quyền không dám lên tiếng cảnh báo nhân dân như mẹ tôi cảnh báo con cái??? Xin giới thiệu bài viết của nhà báo Huy Đức (Sài gòn Tiếp thị):




Vài tuần nay, thông tin về những ca bệnh "tiêu chảy cấp" được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, kèm sau đó là một vài trường hợp xử lý mắm tôm chưa chưa qua kiểm định. Trong ý thức của người dân, vụ này chẳng qua chỉ là "an toàn thực phẩm" như kiểu nước tương, bánh phở... trước đây. Mắm tôm thì dân Sài Gòn vẫn vô tư ăn, cho dù không biết xuất xứ mắm ấy có phải từ miền Bắc - ổ dịch hiện tại - không. Mẹ tôi - một bà cụ 80 tuổi - chỉ nghe loáng thoáng qua radio và TV đã "cảnh báo" tất cả các con: "Dịch tả đấy, liệu mà ăn uống ngoài đường ngoài chợ."; trong ký ức mẹ tôi thì ngày xưa ngoài bắc cũng từng có dịch tả, người chết như rạ, lây lan kinh khủng, người bị bệnh không ai dám chăm sóc, người chết không ai dám đi chôn vì sợ lây bệnh.
Còn bây giờ, liệu đã phải là cơn dịch tả từng giết 1/3 dân châu Âu xưa kia hay không? Tại sao chính quyền không dám lên tiếng cảnh báo nhân dân như mẹ tôi cảnh báo con cái??? Xin giới thiệu bài viết của nhà báo Huy Đức (Sài gòn Tiếp thị):
122 bệnh nhân được chính thức công bố “dương tính với phẩy khuẩn tả”, tính đến chiều 6-11-2007. Nếu tính cả số bệnh nhân tả được phát hiện ở các bệnh viện địa phương, con số này còn cao hơn rất nhiều. Khả năng phát hiện khuẩn tả của các bệnh viện địa phương cũng rất đáng tin cậy. Bệnh viện Hải Dương gửi 22 mẫu lên Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kiểm tra, kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 22 ca đều nhiễm bệnh tả như kết quả mà bệnh viện Hải Dương xét nghiệm.

Theo Quyết định số 4233, do chính Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu ký, thì: “Một vụ dịch tả được xác định khi có ít nhất một ca bệnh tả được xác định”. Thế nhưng cho tới chiều 6-11, khi đã có hàng trăm người mắc bệnh tả, các quan chức y tế vẫn gọi trận Dịch đang đe doạ tính mạng dân chúng này là: “Dịch Tiêu Chảy Cấp”. Không chỉ dân chúng, ngay cả các nhà chuyên môn cũng không hiểu chắc chắn, “tiêu chảy cấp” đích xác là loại bệnh gì.

“Dịch Tả” đã được phát hiện từ hai tuần trước. Bệnh nhân đầu tiên là một ông cụ 73 tuổi, bị tiêu chảy sau khi ăn cỗ “thịt chó, mắm tôm” về. Ngành Y tế đã dùng tới 7 tạ Chloramin B khử trùng một cái ao làng rộng hơn 8000m2 ở xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, nơi có chứa khuẩn tả sau khi người nhà đổ dịch nôn của cụ già xuống đấy. Theo đúng nguyên tắc do chính ông Bộ trưởng Y tế đưa ra, ngay lúc ấy, Bộ Y tế, lẽ ra, phải tuyên bố: Dịch Tả xuất hiện!

Mãi tới ngày 30 tháng 10, khi con số người mắc bệnh tả lên đến 36, Bộ Y tế mới tuyên bố “Dịch” với cái tên như chúng ta biết, “Dịch Tiêu chảy Cấp”. Cho dù các quan chức Y tế đã cố gắng nhấn mạnh hai chữ “nguy hiểm”, sức khuyến cáo của “tiêu chảy” đã không khiến cho dân chúng quan tâm đúng mức như điều mà Bộ Y tế cần. Thông thường, mỗi tháng, trên cả nước có khoảng 70 nghìn ca tiêu chảy, giờ công bố mấy chục ca, làm sao dân tình nghĩ, có gì là “cấp” với “nguy hiểm” đây.

Phải thừa nhận, ngành Y tế đã hành động khá quyết liệt: ra lệnh cấm mắm tôm và một số loại thức ăn; hướng dẫn điều trị bệnh theo phác đồ bệnh tả; cử nhiều đoàn đôn đốc kiểm tra; đích thân Bộ trưởng cũng có mặt ở những nơi dịch bệnh vừa bùng phát… Nhưng, làm sao Bộ có đủ người. Với những loại bệnh mà tốc độ lây lan rất nhanh như dịch tả, nếu người dân không được biết để chủ động phòng ngừa, dịch bệnh không dễ gì ngăn chặn được.

Vì thông tin “dịch tả” không xuất hiện trên báo chí chính thức, người dân phải thông báo cho nhau thông qua các phương tiện như blog, tin nhắn. Nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài chủ động cập nhật thông tin dịch tả cho nhân viên của mình qua email. Những ai biết được “Dịch Tả” đều bày tỏ sự phản ứng một cách có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Làm sao có thể thờ ơ với loại dịch bệnh có thể giết chết một con người đang khoẻ mạnh chỉ sau mười mấy tiếng đồng hồ. Mới năm ngoái đây thôi dịch tả xuất hiện ở Angola đã giết chết hơn 2000 người. Nhưng, đa số dân chúng, cho đến nay, vẫn không nghĩ “Tiêu Chảy Cấp” chính là “Dịch Tả” đang trở lại đe doạ ngay chính họ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, chiều 5-11 đã phải thừa nhận: “Ở nhiều nơi, nhiều địa phương, người dân chưa thấy hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh”. Website của Bộ Y tế ghi nhận, tại Hà Nội, mắm tôm, loại thức ăn mà ngành Y tế tin rằng có nguy cơ chứa vi khuẩn tả cao, vẫn được thản nhiên bày bán. Ngay cả các đại biểu đang dự họp Quốc hội cũng hết sức chủ quan trước những cảnh báo của ngành Y tế. Ngày 4-11, khi cán bộ Y tế kiểm tra nơi ở của 3 Đoàn Đại biểu Quốc hội, các loại mắm có nguy cơ lây dịch cao vẫn được các đại biểu thản nhiên sử dụng.

Từ 1 ca nhiễm dịch hôm 23-10 đến 36 ca, một tuần sau đó; hôm qua, 6-11, con số người bị tiêu chảy lên đến xấp xỉ 1000 với hàng trăm ca được xác định là mắc bệnh tả. Khi công bố “Dịch”, “Tả” chỉ mới xuất hiện ở 5 tỉnh, thành; nay có tới 11 tỉnh, thành có người mắc “Dịch”. Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng, Nguyễn Huy Nga, hôm qua xuất hiện trên website của Bộ với vẻ mặt lo lắng, “Nếu nguồn nước nhiễm khuẩn, nguy cơ đại dịch tới gần”. Ông Nga sợ rằng, sẽ không có đủ lượng Chloramin B để diệt khuẩn, nếu Dịch tiếp tục lây lan như thế.

Cho dù vẫn gọi “Tả” là “Tiêu Chảy Cấp”, ông Nguyễn Huy Nga phải thừa nhận hết sức xót xa: “Chúng ta không thể ngờ một loại dịch bệnh chỉ xảy ra ở những nơi lạc hậu thì lại đang xảy ra ngay giữa Thủ Đô”. Dịch Tả đúng là một chỉ dấu có thể dùng để đánh giá mức độ văn minh ở nơi mà nó xảy ra, tuy nhiên, văn minh cũng thể hiện thông qua cách mà chúng ta hành xử mỗi khi có dịch bệnh. Thật là không may, đại dịch xảy ra giữa khi bão lụt vẫn đang đe doạ cuộc sống của người dân ở Miền Trung. Thật là bất lợi khi một nước đang vất vả mời gọi khách du lịch lại phải công nhận, giữa Thủ Đô, xảy ra dịch tả. Nhưng, nếu thẳng thắn thừa nhận để ngăn chặn dịch hữu hiệu hơn, uy tín của chúng ta sẽ không bị tổn thương quá lớn. Năm 2003, Bộ Trưởng Y tế Trung Quốc đã từng bị kỷ luật vì bưng bít dịch SARS xảy ra ở Bắc Kinh. Không phải dịch bệnh, mà chính sự bưng bít ấy, đã làm Trung Quốc mất uy tín.

Không phải Bộ Y tế giấu giếm. Bộ cũng đã ban hành phác đồ điều trị bệnh tả, thông tin diễn tiến thường xuyên và làm mọi cách để ngăn chặn trận dịch này. Nhưng, nếu như khi phát hiện, Bộ Trưởng Bộ Y tế, xuất hiện ngay trên truyền hình tuyên bố tình trạng dịch bệnh và khuyến cáo dân chúng tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn phòng và trị “Dịch” thì tình hình có thể đã khác. Nếu như ngay từ ngày 23-10, khái niệm “Dịch Tả” đã được dùng thay vì nhọc công tu từ “Dịch Tiêu chảy Cấp”. Thì 2 tuần qua, ngành Y tế có lẽ đã nhận được sự hợp tác có trách nhiệm hơn của dân chúng và tình hình có thể đã không diễn ra càng ngày càng phức tạp như vậy. Phải nhanh chóng cho dân chúng biết chúng ta đang bị “Dịch Tả” đe dọa. Đây không chỉ là vấn đề “uy tín”, đây là vấn đề tính mạng của người dân.

Huy Đức

4 nhận xét:

  1. Bài báo cần thiết quá , xin phép COPY lại để thông báo cho bà con được biết ... chân thành cám ơn

    Trả lờiXóa
  2. Xuỵt im lặng nào! Mình đâu để cho dân "nó" biết được. Sắp tới rước đuốc Olympic sẽ đi ngang VN, họ mà biết nước mình có dịch "tiêu chảy cấp" thì họ không vô nước mình đâu! Còn nữa mất khách du lịch nữa sao? Với lại chỉ mới vài chục ca thì nhằm nhò gì. Chừng nào lãnh đạo mình bị thì hẳn hay.
    Lỡ dấu rồi thì mình cho chìm xuồng luôn!

    Trả lờiXóa
  3. Đất nước đang đổi mới thì cũng phải đổi mới về ngôn ngữ chứ!Dùng mãi từ cũ làm gì nghe phát khiếp, nào là bệnh thổ tả, dịch tả v.v...Bây giờ dùng "bênh tiêu chảy cấp" nghe nó rất văn hoá mà lại phản ánh được thực chất vấn đề. Tiêu chảy là biết nó là gì rôi. Cấp là biết nó nghiêm trọng rồi. Dân ta văn hoá thấp nên không tiếp thu được "văn hoá" mới. Thế thôi. Việc gì cứ làm ồn lên. Khi nào chêt như nạn đói năm 45 hay kêu.

    Trả lờiXóa
  4. Cũng phải thông cảm với ông bộ trưởng y tế mới lên. Ông còn phải giữ uy tín để làm việc chứ. Khoác cho ông ấy cái bệnh thổ tả thìông ấy chết à?

    Trả lờiXóa