Xảo ngôn - trò làm xiếc trên sinh mạng người dân




Trong một entry trước, chúng tôi đã lên tiếng về bệnh Dịch tả đang hoành hành ở Hà Nội và 11 tỉnh thành phía bắc. Vâng, phải gọi cho đúng tên cơn dịch này trước khi nó trở thành đại dịch, trước khi nó trở thành thảm họa. Vì sao cần gọi cho đúng tên Dịch tả trong khi các cơ quan truyền thông đại chúng vẫn chỉ loan tin là "tiêu chảy cấp"?? Đơn giản là chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của dịch bệnh này trên sức khỏe của cả một dân tộc trên 80 triệu người.
Phải gọi đúng tên, nêu đúng tầm quan trọng của dịch bệnh để cảnh giác trước hết là những người dân nghèo khó, điều kiện vệ sinh chưa đủ, những người đầu tắt mặt tối lo chạy ăn từng bữa không được tiếp cận thông tin. Thực ra, đây là trách nhiệm chính của nhà nước khi mà tất cả các cơ quan truyền thông đều nằm trong tay nhà nước. Trong vòng vài năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với những dịch bệnh kinh hoàng như dịch SARS, dịch Cúm gia cầm và sự thiệt hại về con người đã gây nên đau đớn; sự thiệt hại về của cải, về uy tín quốc gia thì không thể nào tính nổi. Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh thực phẩm càng ngày càng trở nên tồi tệ, khi mà bất cứ thức ăn nào cũng có thể mang mầm mống của bệnh tật, vụ bánh phở tẩm formol từ năm 1999 đến nay vẫn chưa tận diệt, vụ rau trái hoa quả chứa đầy thuốc tăng trưởng, thuốc ngừa sâu; vụ thịt cá hải sản ướp hóa chất... Riêng vụ bưng bít thông tin về nước tương chứa chất gây ung thư đã gây phẫn nộ trong lòng dân. Những người có trách nhiệm chính chưa từng bị xử lý đến nơi đến chốn khiến chúng ta không thể nghĩ khác ngoài một điều: SINH MẠNG DÂN NGHÈO QUÁ RẺ.
Mời các bạn điểm qua một số thông tin đăng công khai:
Hơn một trăm người ở miền bắc Việt Nam dương tính với khuẩn tả, nhưng quan chức chính phủ nói hôm thứ năm (9.11) rằng chưa khẳng định có dịch tả.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Nguyễn Quang Thuận được hãng tin Reuters trích lời nói: "Chúng tôi chưa công bố dịch tả. Cho tới giờ, dịch bệnh lan tràn chỉ được xác định là bệnh tiêu chảy cấp”.

(BBC Vietnamese )

Đọc lời tuyên bố của vị quan chức trên, chúng tôi thực sự phẫn nộ. Trên 1.000 người đã nhiễm bệnh, trên 100 trường hợp bệnh có thể tử vong, bệnh đã lây lan ra 12 tỉnh thành và mầm bệnh có thể đã đi xa hơn theo đủ mọi phương tiện giao thông, sinh mạng của rất nhiều người đang bị đe dọa. Tại sao nhà nước chỉ gọi một cách nhẹ nhàng là "tiêu chảy cấp"? Những người dân nghèo thiếu thông tin, ít học liệu có hiểu nổi "thuật ngữ đầy sáng tạo" đó không? Hay họ chỉ hiểu lờ mờ như những ý niệm về bệnh tiêu chảy bình thường?

Chúng tôi đề nghị nhà nước gọi đúng tên cơn dịch, trả về cho đúng bản chất quan trọng của vấn đề. Xin đừng đánh đổi sinh mạng người dân bằng những thuật ngữ xảo ngôn nữa.

Nhân chuyện xảo ngôn, mời các bạn tham khảo thêm những thông tin công khai khác: Quốc tang ở Phần Lan sau vụ thảm sát (VnExpress-Vietnam) ; và đây nữa: Afghanistan: quốc tang tưởng niệm 40 nạn nhân vụ đánh bom liều chết (Báo Người Lao động )

Chúng tôi thiết nghĩ, nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ và gia đình sẽ rất buồn khi biết được những thông tin này. Ở một nước vừa trải qua chiến tranh khốc liệt, Tổng thống vẫn tuyên bố quốc tang cho một vụ đánh bom với số nạn nhân 40 người chết, còn ở Việt nam ngay trong thời bình một thảm họa với số người chết gần gấp đôi lại không được báo chí gọi là thảm họa và không tuyên bố quốc tang. Phải chăng chính quyền và báo chí Việt nam coi mạng người dân Việt Nam quá rẻ nên sử dụng từ giảm nhẹ. Vâng!"Sự cố [chứ không phải thảm họa] sập cầu [dẫn] Cần Thơ" hay dịch "tiêu chảy cấp" [chứ không phải dịch tả]!! Nghệ thuật xảo ngôn ấy có lẽ nên gọi đích danh là LỪA BỊP.

Xin trích một đoạn về "xảo ngôn, xảo ngữ" khác đã được "giải mã như sau: "Tư Nhân Hoá = Cổ phần hoá" ( thế là không đi theo tư bản, vẫn XHCN) ; "Bệnh thành tích đẩy học sinh dốt lên lớp = Học sinh ngồi nhầm lớp" (hay, nghe cứ như là lỗi của học sinh) ; "Lạm phát = Tăng chỉ số giá tiêu dùng" (không lạm phát, tăng chỉ số giá vậy thôi!); "Bắt người dân phải đóng góp = Xã hội hoá" (về cái quái gở này, GS Hoàng Tuỵ đã phân tích); "Yêu Đảng, yêu chủ nghĩa XH = yêu nước"; "Có ý kiến ngược lại quan điểm của Đảng = Các lực lượng thù nghịch"... Và không nên quên chiến thuật nối tên vô duyên, cứ lấy của người khác rồi + thêm cái đuôi "Định hướng xã hội CN" là xong. Ví dụ như: "Nhà nước pháp quyền XHCN" ; "Kinh tế thị trường định hướng XHCN"; "Nền bóng đá chuyên nghiệp định hướng XHCN"... (Xuan Nguyen, Hà Nội )

Trần Dân Việt

2 nhận xét:

  1. Cổ phần hóa không nhất thiết là tư hữu hóa vì có các doanh nghiệp tư nhân vẫn cp hóa, tuy nhiên các dn nhà nước thì dùng từ tư hữu hóa thì thích hợp hơn.

    Trả lờiXóa
  2. doanh nghiep nha nuoc ma dung tu nhu the , thi con gi la nguyen ly chu nghia cong san ha anh ban , anh ban ham vui qua noi the thoi , doanh ngip nha nat la quoc danh co ma , ghi tu huu hoa thanh ra tu san sao , bay ba qua
    tu nhan thi trach nhiem huu han (muon von co han , tra von dung han !!!! ) con cong ty nha nat thi trach nhem vo han , muon von tha dan , khoi can tra von , vi vo han mo hihihi

    Trả lờiXóa