Không thể xem thường nguy cơ bất ổn




Giá cả tăng cao là vấn đề nóng bỏng hiện thời ở trong nước. Tỷ lệ lạm phát năm ngoái đã lên hai chữ số và chưa có xu hướng giảm đi.

Đài BBC đã có cuộc trò chuyện quanh chủ đề này với nhà kinh tế hàng đầu, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tại Hà Nội.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh (TS LĐD): Tỷ lệ lạm phát ở VN năm 2007 là 12.6%, thuộc loại cao nhất khu vực, chỉ sau Myanmar với trên 40%.

Trong tháng Giêng và tháng Hai chúng ta thấy chỉ số giá cả tiếp tục tăng và tôi nghĩ đây phải là một trong các mối lo ngại hàng đầu và ưu tiên hàng đầu cùa chính phủ VN để ổn định kinh tế vĩ mô cũng như ổn định đời sống cho người lao động, nhất là những người nghèo.

BBC: Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng lạm phát hiện nay, khiến thu nhập thực tế của những người làm công ăn lương giảm rõ rệt?

TS LĐD: Điều này, theo tôi có ba nguồn gốc.

Thứ nhất là giá vàng và giá dầu thô tăng, không chỉ dẫn tới giá xăng dầu tăng mà tất cả các sản phẩm từ dầu thô như phân bón, thuốc trừ sâu, chất dẻo, nguyên liệu đồ nhựa, sợi tổng hợp vv... đều tăng. Rồi cước phí vận tải cũng tăng, tác động đến mặt bằng giá cả.

Thứ hai, các diễn biến về cung cầu trên thị trường phức tạp. Thí dụ VN hiện nay đang qua một đợt rét lịch sử, khiến cho gia súc bị chết, rau quả cũng bị mất mùa và đương nhiên giá cả tăng lên. Sự mất cân đối cung cầu này cần được xử lý kịp thời, như tìm nguồn cung cấp thay thế hoặc nhập khẩu.

Phải có các biện pháp tích cực để trợ giúp cho người nghèo.

Điểm thứ ba có liên quan tới chính sách tiền tệ. Trong năm 2007, VN đã xuất ra một lượng tiền mặt rất lớn để mua vào 9 tỷ đôla. Theo kinh tế học thì sau khi xuất ra lượng tiền lớn như vậy phải có biện pháp trung hòa, như bán trái phiếu và nâng lãi suất ngân hàng để vô hiệu hóa số tiền vừa phát hành đó. Nhưng các biện pháp này chúng ta làm quá chậm, dẫn tới chỉ số giá cả tăng cao.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác như lượng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp để xây dựng cơ bản, qua một số vòng quay nhất định cũng sẽ ra thị trường và tác động tới tổng lượng tiền.

Một yếu tố nữa là giá bất động sản ở VN cao một cách phi lý và đang có phương hại tới môi trường đầu tư.

BBC: Giá cả tăng như vậy khiến người nghèo càng nghèo hơn. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội VN, theo ông đánh giá, đang ở mức độ thế nào?

TS LĐD: VN đã tăng được mức thu nhập bình quân đầu người, song đồng thời chỉ số chênh lệch giữa chi tiêu củ̀a người giàu và người nghèo cũng tăng lên một cách nhanh chóng.

Mức thu nhập của chúng ta hiện ở mức 835 đôla/người nhưng chênh lệch chi tiêu giàu nghèo của ta đã ngang bằng với Trung Quốc trong khi mức thu nhập của TQ là khoảng 2.000 đôla/người. Đó là điều cần chú ý.

Tuy nhiên tôi nghĩ ngay cả chỉ số đó cũng chưa phản ánh đúng chênh lệch giàu nghèo ở VN vì chúng ta không kiểm soát được nguồn thu và mức độ chi tiêu bằng tiền mặt trong xã hội còn quá lớn.

Theo tôi, tình trạng này không thể xem thường và phải có các biện pháp tích cực để trợ giúp cho người nghèo.

BBC: Khoảng cách giàu nghèo như vậy có thể gọi là bất công hay không, thưa ông?

TS LĐD: Theo tôi, đó là thể hiện một phần của sự bất công. Nhưng bất công lớn nhất trong xã hội là bất công về cơ hội được tiếp cận với giáo dục và cơ hội được nói lên tiếng nói của mình.

Nghèo không chủ yếu là nghèo tiền, mà đáng sợ là nghèo về trí tuệ, về tri thức. Người nghèo không tiếp cận được báo chí, giáo dục, khi cất tiếng nói không được lắng nghe. Theo tôi nhà nước cần chú ý để bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội có tiếng nói như nhau.

Bất công lớn nhất trong xã hội là bất công về cơ hội được tiếp cận với giáo dục và cơ hội được nói lên tiếng nói của mình.

BBC: Thưa ông bên TQ người ta đã cảnh báo nguy cơ mất ổn định xã hội chính vì khoảng cách giàu nghèo và tình trạng bất công. Tại VN, với mô hình kinh tế nhiều nét tương đồng, liệu có nguy cơ này hay không?

TS LĐD: Nguy cơ bất ổn định xã hội hoàn toàn không thể xem thường. Bởi vì đối với những người nông dân mất đất để xây dựng và công nghiệp hóa, họ được đền bù một khoản nhất định nhưng sau đó không được tạo điều kiện để có thu nhập ổn định, công ăn việc làm.

Đó là nguy cơ lớn và trong thời gian qua đã có một số biểu hiện của nguy cơ mất ổn định.

Sắp tới đây, trong năm 2008 này, chúng ta đã thấy xuất hiện ảnh hưởng của kinh tế Hoa Kỳ tới các nền kinh tế thế giới và có thể đoán được rằng cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt. Hàng TQ, nếu không bán được sang Hoa Kỳ thì sẽ tìm cách để tràn ngập thị trường VN.

Điều đó có nghĩa, có những doanh nghiệp hôm nay còn có việc làm nhưng ba tháng nữa thì chưa dám chắc. Chúng ta phải chú ý có những biện pháp về an sinh xã hội để bảo đảm mức sống tối thiểu cho những người tạm thời không có việc làm đó.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét