Đừng đánh lạc mục tiêu, đừng đánh tráo chủ đề




Mặc Giao
Bài này không có mục đích tranh cãi hơn thua và gây bất hoà giữa đồng bào Phật tử và đồng bào Công giáo. Tôi luôn luôn chủ trương hoà đồng dân tộc, vì trước khi được rửa tội dể có đức tin Công giáo, tôi được sinh ra là một người Việt Nam. Vì thấy có một số người đi vào con đường tranh luận nguy hiểm, tỏ mờ xuất hiện âm mưu chia rẽ và gây hận thù giữa hai khối tôn giáo lớn nhất Việt Nam, có thể gây nguy hại khôn lường cho dân tộc, chẳng những trong cuộc đấu tranh chống độc tài hiện tại mà còn cả trong công cuộc xây dựng lại đất nước mai sau, tôi buộc lòng phải phát biểu đôi điều.

Trong khi hàng ngàn giáo dân Hà Nội liên tiếp tụ tập trước trụ sở toà Khâm sứ Toà thánh cũ, từ cuối tháng 12-2007, để cầu nguyện cho việc nhà cầm quyền cộng sản trả lại khu nhà đất này, trong khi đồng bào trong nước và ngoài nước nhìn về cuộc đấu tranh ôn hoà, bất bạo động này với niềm ưu tư và hy vọng, nôn nóng chờ đợi kết quả để xem cộng sản sẽ giải quyết ra sao, để từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm và tiền lệ cho cuộc đấu tranh đòi công lý, không phải chỉ cho Công Giáo, mà còn cho cả các tôn giáo khác, nếu không nói là cho toàn dân, thì nhóm Giao Điểm ở Mỹ, khét tiếng thù hận Công giáo, đã tung ra những luận điệu kết án Công giáo đã triệt hạ và cướp đất Chùa Báo Thiên để xây Nhà thờ Thánh Giuse, khu Nhà chung và Toà Khâm sứ ở Hà Nội. Nhóm này cho rằng Phật giáo mới là chủ nhân của khu đất tranh chấp và kêu gọi Phật tử đứng lên đòi lại. Để đánh động tâm lý của Phật tử, có ông còn chơi trò ghép hình gian, lấy tấm hình đẹp đẽ của một chùa khác, Chùa Báo Ân (tức chùa Liên Trì), ghép bên cạnh hình Nhà thờ Lớn Hà Nội với ngầm ý là ngôi chùa trong hình chính là chùa Báo Thiên, đã bị đập phá để xây nhà thờ. Đòn kích động của nhóm Giao Điểm không nhiều thì ít đã gây tác hại cho tình đoàn kết dân tộc, thí dụ website Huongtran (hatnangusa@yahoo.com) vẫn hàng ngày phổ biến tin tức và bài vở bênh vực Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ngày 21-01-2008 đã đăng một số lời kêu gọi và kết án có nội dung rất “cạn tầu ráo máng”, khởi đầu bằng một khẩu hiệu in chữ lớn đậm: “Bà con Phật Tử hãy đến nơi gọi là “toà khâm sứ” đòi bọn Việt gian Catô trả lại chùa Báo Thiên cho PGVN”. Đọc khẩu hiệu kích động này, người ta có thể hiểu đó là một lời kêu gọi thánh chiến, báo trước một cuộc chiến tranh tôn giáo sắp xảy ra. Đó sẽ là một cuộc chiến tranh giữa Phật giáo và Công giáo, không phải là cuộc tranh đấu giữa các tôn giáo và chế độ độc tài vô thần. Tôi tin rằng các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đa số đồng bào Phật tử không mong muốn có một cuộc chiến tranh như vậy, nhất là khi các vị và các Phật tử chân chính đang cần sự hỗ trợ của toàn dân để đấu tranh cho sự sống còn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước mưu chước triệt tiêu Giáo hội của nhà cầm quyền hiện nay.

Người ta lại càng có lý do nghi ngờ việc đánh lạc mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân khi ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo nhà nước, người đã từng nhiều năm đứng đầu một cơ quan chuyên lo triệt hạ, kiểm soát, cấm đoán, kềm kẹp, gây chia rẽ và lợi dụng các tôn giáo, đứng ra đỡ đòn cho nhà nước bằng việc gây mâu thuẫn giữa Phật giáo và Công giáo với hy vọng làm cho hai tôn giáo này đánh đấm lẫn nhau thay vì đánh chế độ độc tài. “Đao phủ thủ” của các tôn giáo Lê Quang Vịnh cho phổ biến ngày 03-02-2008 một bài ngắn có tựa đề “Lịch sử Phố Nhà Chung”, kể lại việc ông được vị sư trụ trì chùa Lý Quốc Sư “đưa cho đọc những tư liệu quý giá mà nhà chùa vẫn còn lưu giữ được về khu đất bên cạnh chùa. Thật bất ngờ cho tôi khi đọc thấy những chứng tích rằng toàn bộ khu đất rộng 300 mét vuông ấy, ngày nay gọi là Phố Nhà Chung (Công giáo), ngày xưa là một ngôi chùa (Phật giáo) cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất nước ta. Chùa có tên gọi tắt là Báo Thiên Tự, gọi đầy đủ là là Sùng Khánh Báo Thiên Tự; trong sân chùa có một ngôi bảo tháp cao vời vợi (12 tầng), cao đến mức bóng tháp soi xuống mặt hồ Hoàn Kiếm. Tháp này có tên gọi là Đại Thắng Tư Thiên Tháp, gọi tắt là Báo Thiên Tháp…”. Chưa cần bàn tới tài liệu này chính xác tới đâu, chỉ nguyên việc ông Vịnh nói dóc đã đủ gây nghi ngờ về sự trung thực của ông. Trước hết, ông nói ông “đọc” những tư liệu của vị sư trụ trì. Những tư liệu này chắc chắn phải được viết bằng chữ Nho, lại là chữ Nho cổ. Một giáo sư Hán học của trường đại học văn khoa chưa chắc đã đọc thông liền tại chỗ, có khi còn phải lập cả một uỷ ban để nghiên cứu và dịch thuật mới có thể tìm hiểu tận tường. Chữ nghĩa của ông cán bộ Lê Quang Vịnh được bao nhiêu mà ông thoáng đọc đã hiểu hết mọi chi tiết? Thứ hai, ông nói tháp Báo Thiên cao đến mức bóng tháp soi xuống mặt nước hồ Hoàn Kiếm. Ai cũng biết nhà thờ chánh toà không nằm gần bờ hồ Hoàn Kiếm. Nếu đúng Tháp Báo Thiên nằm ở địa điểm Nhà thờ Lớn ngày nay có thể soi bóng trên mặt hồ thì tháp phải cao cả cây số, còn cao hơn toà nhà chọc trời cao nhất thế giới đang được xây ở Dubai, Trung Đông. Sự thật, theo tài liệu sưu tầm của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tháp chỉ cao 20 trượng, tức 80 mét. Phét lác như thế mà được Giaodiemonline.com của các ông “trí thức” vồ lấy đăng ngày 13-02-2008, cùng ngày phổ biến bài này trên website báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, nói về việc ông cộng sản gộc nhẩy vào cuộc để chỉ đạo một cách vụng về không có nghĩa là phủ nhận các sự kiện lịch sử.


Cuộc thảo luận trên diễn đàn talawas

Trên diễn đàn điện tử talawas ngày 19-01-2008, ông Lê Tuấn Huy đã có bài “
Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn”, bàn về vấn đề một số người muốn kích động việc tranh chấp đất đai giữa Phật giáo và Công giáo. Tác giả tự xác nhận là người vô thần 100%, nhưng “sống bằng lẽ phải và lương tâm, không hề thấy đúng nói sai hay thấy sai nói đúng”. Ông giật mình lo ngại trước nguy cơ tranh chấp giữa hai tôn giáo chỉ vì chuyện đất đai. Ông nhìn thấy có sự lẫn lộn giữa lịch sử và hiện thực. Theo ông, khi một trong các bên chủ thể của tranh chấp không còn tồn tại, hoặc khi đã qua một thời gian đủ lâu, lúc mà các chủ thể trực tiếp đã biến thành các chủ thể hậu duệ, thì xem như lịch sử đã được xác lập. Không ai thay đổi được lịch sử và không ai có thể giải quyết được mọi hậu quả của lịch sử. Trong khi đó hiện thực là cái ta phải đối mặt và có thể thay đổi. Về lịch sử, chính quyền thực dân Pháp, chủ thể phát đất cho Công giáo xây nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác, đã trở thành cát bụi từ lâu rồi. Những người bị lấy đất cũng không còn để có thể khiếu nại. Không thể viện quyền thừa kế vì khi đó chỉ có các cá nhân tu sĩ và Phật tử, chưa có Giáo hội Phật giáo, nên chưa có tập đoàn có tư cách pháp nhân. Vả lại Phật giáo và Công giáo vẫn sống hài hoà từ đó tới nay, chẳng ai thắc mắc, chẳng ai đòi gì của ai, tại sao bây giờ lại moi ra vấn đề đã đi vào lịch sử? Về hiện thực, ngược lại, chính quyền cộng sản lấy nhà đất Toà Khâm sứ năm 1959 vẫn còn đó, những người thừa kế quyền sở hữu vẫn còn đó với giấy tờ đầy đủ, nên việc khiếu nại có cơ sở. Vì vậy, ông e ngại việc khích động Phật giáo đòi đất chỉ là cớ chống Công giáo. Ông kêu gọi những nhóm người thuộc “tôn giáo” nào đó hãy ý thức “lợi ích dân tộc là lợi ích của toàn thể khối nhân dân, của tất cả các tôn giáo và người không theo đạo sống trên mảnh đất hình chữ S này, không phải của riêng ai, riêng một đảng phái hay tôn giáo nào. Vì lợi ích riêng mà bất chấp viễn cảnh được giả định của một cuộc xung đột tôn giáo và xã hội, vốn sẽ đi kèm – không tránh khỏi trong thời đại ngày nay – với giải pháp khắc chế lẫn nhau giữa các tôn giáo, sẽ dẫn đến một đại họa, và là một tội ác! Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn!”

Chỉ bốn ngày sau khi bài của ông Lê Tuấn Huy xuất hiện, ông Nguyễn Hữu Liêm nhảy vào cuộc với bài “
Một lịch sử đã muộn” (Góp ý với Lê Tuấn Huy về vấn đề Phật giáo và Công giáo ở Việt Nam), được đưa lên diễn đàn talawas ngày 23-01-2008. Thật ra ông Nguyễn Hữu Liêm không có góp ý trực tiếp với vấn đề và những luận điểm ông Lê Tuấn Huy nêu lên. Ông chỉ mượn cớ để đổ thêm dầu vào lửa bằng lối nói cố làm ra vẻ trí thức và hoà nhã. Trước hết, ông viện dẫn Ludwig Feuerbach đả kích đạo Công giáo rồi lại dùng Barth để đả kích Feuerbach đã lún sâu vào tín lý Công Giáo khi phủ định đạo này. Kế đến ông cho rằng những “người trí thức Phật Giáo Việt Nam đã nảy sinh một tinh thần hận thù Công Giáo như là một năng thức phủ định đối với một bản sắc văn hoá mới, ngoại lai trong ý chí bảo tồn truyền thống của mình”. Liền đó ông lại chê các trí thức Phật giáo Việt Nam chưa có, hay không có khả năng tạo nên cơ hội để biến niềm căm phẫn đối với Công giáo thành ra một phản biện thuần lý luận (như khi Feuerbach chuyển hoá niềm bất mãn nội tại thành ngôn từ triết học); chỉ trong hơn một thập niên qua, nhóm Giao Điểm mới có những công trình biên khảo phê phán Công giáo. Trong số những tác giả ông ca tụng và kê tên, có cả cây viết cộng sản Hoàng Văn Giàu. Ông cho rằng ông dùng chữ “hận thù” là không quá đáng vì Công giáo nhiều hay ít đã nhờ vào thực dân Pháp mà bành trướng. Đó cũng là lý do “người trí thức Phật tử Việt Nam cảm thấy họ gần gũi với người cộng sản trong bản chất phản đề và phủ định đế quốc phương Tây”.

Sau khi xử dụng trích đoạn Thánh Kinh bị ông cắt vụn và giải thích sai lạc: “Ta đến để nổi lửa trên thế gian… để mà gây chia rẽ” (Luke 12) dể chứng minh Công giáo bành trướng bằng sức mạnh chinh phục, ông chê Phật giáo ngây thơ đối với vấn đề tôn giáo và quyền lực rồi dạy các trí thức Phật tử “phải có khả năng và ý chí để nhân danh truyền thống dân tộc Việt, tạo nên một một năng lực phản đề và phủ định đối với đạo Chúa một cách có hiệu năng hiện thực”. Ngoài việc kết án Công giáo xây Nhà thờ Thánh Joseph trên nền Tháp Báo Thiên, ông Liêm còn tạo dựng thêm tội Vương cung Thánh đường La Vang được xây trên nền Chùa Lá Vàng ở Quảng Trị. Ông cho rằng “Đây là, và phải là một cáo trạng nặng nề đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam” “ít nhất là trên bình diện đạo đức lịch sử của người Công giáo, khi đòi lại cơ sở của họ, Giáo hội Công giáo phải trả lời cáo trạng này”.

Cũng trên diễn đàn talawas, ngày 28-01-2008 ông Nguyễn Mai Sơn cho đăng bài “
Xin đừng bi quan bởi không có gì là quá muộn”. Bài này không có gì đặc biệt ngoài việc tác giả chỉ trích Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt là ngây thơ, có thái độ khiêu khích khi phát động cầu nguyện để đòi lại nhà đất. Lý do là Tổng giám mục Kiệt đã coi thường phản ứng của Phật giáo và xem nhẹ khả năng “đáp trả” của chính quyền. Ông viết thêm: “Điểm đáng chú ý và cũng gần như là mấu chốt của vấn đề chính là phần nhiều người Công giáo vẫn xem Vatican là “nước Mẹ”, khiến mọi người nghĩ rằng người Công giáo Việt Nam đặt lợi ích tín ngưỡng của mình lên trên lợi ích dân tộc”.

Phải ghi nhận diễn đàn talawas đã có thiện chí mở cửa cho cuộc thảo luận rộng rãi về vấn đề tranh chấp đất đai, nhờ đó nhiều người có dịp đọc được những ý kiến trái ngược, có cơ hội nhận định tâm trạng của những người viết cũng như những tính toán của nhà cầm quyền qua những ngôn từ và những ẩn ý.


Những sự kiện lịch sử và những nghi vấn

Bỏ qua những xác định khơi khơi của ông Lê Quang Vịnh, chúng ta có một số tài liệu lịch sử nói về Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên với nhiều chi tiết bổ túc cho nhau và đáng để cho người sau suy nghĩ.

Trước hết, sự hiện diện của Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên ở khu vực gần Nhà thờ Lớn hiện nay đã được Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ (1768–1839) và Nguyễn Án (1770–1815) xác nhận. Tháp được xây trước (1056), chùa được xây sau một năm (1057), đều do lệnh của vua Lý Thái Tông (1054–1072).

Về sự sụp đổ của Tháp Báo Thiên, theo Đại Việt sử ký toàn thư Việt sử lược, những tầng trên của tháp được ghép bằng đồng nên dễ bị sét đánh. Vì thế tháp đã sụp đổ và được sửa lại nhiều lần. Lần đổ cuối cùng, theo Tang thương ngẫu lục, “khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, đức Thái tổ Hoàng đế tiên triều (Lê Lợi) tiến binh vây Đông Đô, viên quan giữ thành là Thành Sơn hầu Vương Thông phá huỷ cây tháp (lấy vật liệu) chế ra súng đồng để giữ thành (1414). Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên” (talawas 04-02-2008).

Theo tài liệu của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong bài Nghĩ về Thăng Long Hà Nội (Nhà xuất bản Trẻ, Tp HCM 2001, tr. 100–105) thì từ sau khi Tháp Báo Thiên bị tướng nhà Minh là Vương Thông triệt hạ để lấy đồng, Chùa Báo Thiên cũng bị bỏ hoang. Triều Lê cho đắp núi đất phủ lên nền cũ. Cuối thế kỷ 18, nơi sân chùa thì họp chợ gọi là Chợ Báo Thiên. Núi dùng làm nơi xử chém những tội nhân bị kết án tử hình. Năm 1791, người ta đào lấy những gạch đá nơi nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.

Như vậy sử liệu đã ghi rõ rằng Tháp Báo Thiên bị quân Minh phá sập dể lấy đồng khi Lê Lợi bao vây thành Thăng Long, Chùa Báo Thiên bị bỏ hoang sau đó, dân chúng họp chợ trên sân chùa, núi đất được dùng làm pháp trường, gạch đá được moi lên để tu bổ thành. Vậy mà ông Nguyễn Quốc Dũng hò hét trên Giaodiemonline (18-01-2008) là “Thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá tháp và chùa để xây dựng Nhà thờ Thánh Joseph, tức Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay”. Phá tháp, phá chùa là tội lớn lắm. Nếu tin lời ông Nguyễn Quốc Dũng và những người thích vu khống và gây thù hận như ông thì những người Công giáo Việt Nam phải là những tội đồ số một của dân tộc. Ông Nguyễn Hữu Liêm nói rằng trí thức Phật tử cảm thấy gần gũi với người cộng sản, chẳng lẽ các ông lại muốn hô hào Phật tử hãy mau tiếp tay với cộng sản để cùng trừng trị đám “tội đồ số một” này!?

Chưa xong vụ Báo Thiên, ông Nguyễn Hữu Liêm lại lôi ra vụ Chùa Lá Vàng ở Quảng Trị: “Chùa Lá Vàng trở thành Thánh địa La Vang, từ một ngôi chùa “không tên” trở nên Vương cung Thánh đường”. Khác với trường hợp Tháp và Chùa Báo Thiên, không có một tài liệu lịch sử nào chứng minh có một Chùa Lá Vàng ở địa điểm Nhà thờ La Vang hiện nay. Có chăng là một am nhỏ đã được dân địa phương nhường lại cho đồng bào Công giáo khi biết Đức Mẹ đã hiện ra gần đó. Ông Nguyễn Lý Tưởng, người gốc Quảng Trị, đã viết về khu đất này như sau: “La Vang ngày xưa là một xóm đạo thuộc giáo xứ Trí Bưu (gọi là xóm Lá Vằng)… Toàn vùng La Vang ngày xưa là đất thuộc làng Thạch Hãn (chỉ trừ xóm Lá Vằng tức La Vang bây giờ là do giáo dân Trí Bưu vào rừng làm củi đã khai phá ra đất đó, nên La Vang thuộc giáo xứ Trí Bưu). Đọc lịch sử Đức Mẹ La Vang chúng ta biết ba làng Thạch Hãn, Ba Trừ và Cổ Thành, sau khi tìm hiểu về chuyện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào cuối thời Tây Sơn, đã đồng thuận trao di tích Cây Đa (nơi dân đi rừng đã làm một cái am để thờ một Bà Hiển Linh nào đó mà họ không biết tên) lại cho người bên đạo” (Nguyễn Lý Tưởng 05-12-2005, đăng lại trên http:/ttntt.free.fr 25-01-2008). Như vậy, làm gì có chuyện giáo dân phá “Chùa Lá Vàng” để xây Vương cung Thánh đường lên đó.


Đánh lạc mục tiêu

Trong khi cuộc đấu tranh bằng cầu nguyện của giáo dân Hà Nội với mục đích đòi hỏi nhà nước cộng sản trả lại nhà và đất của Giáo hội Công giáo để sử dụng vào những việc công ích, thay vì để mở tiệm phở, sàn nhảy, nơi bán và giữ xe gắn máy, thì một số người nhận mình là trí thức Phật tử lại phát động chiến dịch khơi lại hận thù với Công giáo, xuyên tạc nên chuyện Công giáo phá chùa, chiếm đất để xây nhà thờ. Nếu Lê Quang Vịnh làm điều này, chúng ta không có gì thắc mắc vì đó là bổn phận của ông ta trong việc “ăn cây nào rào cây nấy”. Biết đâu ông chẳng được lệnh từ trên phải thi hành mánh khoé gỡ rối cho Đảng và Nhà nước bằng cách xúi cho Phật giáo và Công giáo đánh lẫn nhau thay vì đánh cộng sản. Có bao nhiêu người rơi vào âm mưu này vì vô tình? Có bao nhiêu người tiếp tay với nhà nước cộng sản thực hiện âm mưu này một cách cố ý? Đọc những lời lẽ của một số người tự nhận là Phật tử, chúng ta chỉ toàn thấy hận thù, tố cáo, xuyên tạc, mạ lỵ, lập cáo trạng để hỏi tội Công giáo, không hề thấy một chút từ bi hỷ xả nào của tinh thần Phật giáo. Họ còn chê những trí thức Phật tử khác là dốt, không biết lý luận rốt ráo và cao cấp khi chống đối Công giáo, chê đa số Phật tử thụ động và hiền lành, không chịu nghe lời xách động của họ để nổi lên hỏi tội Công giáo.

Ai cũng biết vụ giáo dân Hà Nội đòi nhà đất là một vấn đề rất khó giải quyết cho nhà cầm quyền cộng sản. Không trả thì những cuộc đấu tranh, dù bất bạo động, vẫn dai dẳng tiếp diễn, có thể lôi kéo người tham gia càng ngày càng đông, không phải chỉ riêng giáo dân, mà còn dân chúng thuộc các thành phần khác, không phải chỉ đòi nhà đất, mà còn đòi những thứ khác. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay rất sợ những cuộc tụ tập đông người vì chúng có thể biến thành những cuộc biểu tình chống Nhà nước, sẽ khơi ngòi bất mãn bùng nổ khắp nơi. Khi đó liệu chính quyền có dám và có khả năng đàn áp các cuộc biểu tình này không? Nếu có máu đổ thì máu sẽ gọi máu, dân càng thêm căm phẫn và càng đấu tranh quyết liệt hơn. Nếu đàn áp xảy ra, quốc tế có nhắm mắt làm ngơ hay sẽ áp dụng những biện pháp chế tài, cụ thể là “đóng băng” (freeze) tài sản của các công ty và của các ông bà lớn gửi tại các ngân hàng nước ngoài? Việc này đã có tiền lệ. Mới nhất là vụ đàn áp tại Miến Điện. Tại quốc gia này, đàn áp có thành công nhưng chế độ bị sỉ vả, bị chế tài, bị đóng băng trương mục, bị Liên hiệp quốc bắt phải nói chuyện với đối lập, thay đổi hiến pháp, lập chính phủ liên minh, đi đến việc thực hiện tự do dân chủ. Vì thế, khi thấy hàng ngàn giáo dân tụ tập cầu nguyện liên tục, nhà cầm quyền đã nhức đầu tìm cách gỡ ngòi nổ. Họ đã liên lạc thẳng với Vatican để xin can thiệp giải tán các buổi cầu nguyện đông người với lời hứa hẹn sẽ giải quyết thoả đáng. Giáo dân đang chờ. Ngòi nổ được tạm quay ngược vòng cho chậm giờ nổ nhưng vẫn có thể được tái khởi động (restart) bất cứ lúc nào. Không nhượng bộ không xong. Nhưng nhượng bộ chỗ này chỗ khác sẽ đòi hỏi. Điển hình là 7000 người tụ tập tại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà ngày lễ minh niên mồng 3 Tết. Công giáo đòi được, Phật giáo và các tôn giáo khác cũng sẽ đòi, cá nhân bị chiếm nhà chiếm đất cũng sẽ gia tăng cường độ khiếu nại. Lúc đó Nhà nước sẽ giải quyết ra sao? Cái mớ bòng bong này không có mối gỡ. Vì vậy, phải đánh lạc mục tiêu tranh đấu của giáo dân, phải có bộ phận nhập cuộc gây hận thù giữa Công giáo và Phật giáo để hai tôn giáo tấn công lẫn nhau, làm suy yếu hàng ngũ đấu tranh với nhà nước cộng sản. Chúng ta mong rằng giáo dân Công giáo và đồng bào Phật tử sẽ có ý thức cao độ về vấn đề này.


Đánh tráo chủ đề

Chủ đề của những cuộc đấu tranh bất bạo động đang diễn ra là Công giáo đòi nhà đất do nhà cầm quyền cộng sản chiếm giữ. Bỗng nhiên một đám người ngoài nhẩy vào đòi đổi chủ đề tranh đấu thành tranh chấp đất đai giữa Phật giáo và Công giáo. Trầm trọng hơn, họ còn muốn đổi chủ đề đất đai thành đề tài Công giáo quan hệ với thực dân và Công giáo phá hoại văn hoá dân tộc. Vì không có thời giờ thảo luận đến nơi đến chốn, tôi chỉ xin nhắc vài sự kiện để chúng ta cùng suy nghĩ.

1. Công giáo và thực dân

Công giáo có mặt tại Việt Nam từ năm 1533. Ba thế kỷ rưỡi sau, năm 1884, với Hoà ước Giáp Thân, Pháp mới chính thức đặt nền đô hộ tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian dài đó, Giáo hội ít khi được yên hàn giữ đạo và mở đạo. Ngược lại toàn bị bách hại, hết bởi vua đến quan (Văn Thân). Trong 351 năm đó, có thực dân đâu mà cộng tác? Điều nghịch lý là sau 351 năm bị cấm, giết bởi chính những người cùng máu mủ với mình, Công giáo Việt Nam chỉ được hồi sinh khi ngoại bang đến cướp nước. Khi cả triều đình đều khép nép tuân lệnh thực dân, khi cả nước phải làm theo ý của những ông chủ mới, người Công giáo có thể đơn phương chống lại thực dân Pháp được không, hay phải tương kế tựu kế để sống còn? Đồng ý rằng dưới thời Pháp cai trị, có những người Công giáo làm tay sai cho chính quyền thực dân, nhưng những tay sai khét tiếng như Hoàng Cao Khải, Vi Văn Định, Tôn Thọ Tường… thuộc tôn giáo nào? Có phải ông Hồ Chí Minh cũng đã viết đơn xin học trường Bảo Hộ để mong được làm quan bản xứ cho Pháp hay không? Mặt khác, Công giáo trong thời này, nhờ điều kiện thuận lợi để phát triển, đã xây dựng được nhiều trường học, nhà thương, viện tế bần, viện mồ côi, trại cùi… phục vụ mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo. Đừng nên có thiên kiến và chỉ biết kết án. Hãy xét hoàn cảnh thời bấy giờ và hãy cân nhắc những điều tốt mà Công giáo đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam.

Về cách hành xử của nhà cầm quyền bảo hộ Pháp (tạm gác việc nói về những chính sách thực dân), họ có truyền thống thiết kế thành phố với việc xây cất ưu tiên ở trung tâm sáu cơ sở chính: toà thị chính, toà án, nhà tù, nhà bưu điện, nhà hát và nhà thờ. Chúng ta thấy rất rõ cách thiết kế này tại Hà Nội và Sài Gòn. Nếu không đủ đất để xây, họ dùng biện pháp truất hữu hay phá cái cũ để xây dựng cơ sở mới. Vì lý do này, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có thời được gọi là “Nhà thờ Nhà nước”, Nhà thờ Lớn Hà Nội được chính quyền bảo hộ Pháp cấp đất trên nền của Chùa và Tháp Báo Thiên đã bị sụp đổ và bỏ hoang. Họ không dại gì giao chùa và tháp còn đang đứng sừng sững của Phật giáo cho Công giáo phá đi để xây nhà thờ trên đó. Là người cai trị, dù là thực dân, họ cũng không muốn có sự xáo trộn xã hội. Những Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn ở ngay giữa trung tâm Hà Nội, có ai dám đụng tới đâu? Giám mục Puginier được chính quyền thời đó cấp đất để xây nhà thờ và nhà chung. Ông không chiếm đất của ai. Những người thừa kế của ông có bằng khoán hợp lệ. Nay nếu ai muốn đòi đất này thì phải đi kiện chính quyền thực dân trong khi chính quyền này đã đi vào lịch sử. Giả dụ muốn trả thì trả cho ai? Cho Giáo hội Phật giáo nào? Hay để hoá giải “hận thù” thì phải đập sập luôn Nhà thờ Lớn Hà Nội và toàn khu Nhà Chung để một số người được thoả lòng? Có ai tìm được giải pháp thần diệu nào cho vấn đề này không, hay càng nói càng gây chia rẽ và hận thù giữa các thành phần dân tộc?

2. Công giáo và dân tộc

Đây là một đề tài lớn, không thể trình bầy trong một bài viết. Tôi chỉ xin góp ý về một vài điểm đã được một số tác giả nêu lên trong cuộc tranh luận mà tôi đã trích dẫn ở phần trên. Trước hết, có một số người mang định kiến sẵn với Công giáo, bất cứ cái gì của Công giáo đều xấu, từ giáo lý đến giáo chủ. Ông Nguyễn Hữu Liêm mở đầu bài viết bằng việc dẫn Karl Barth và Feuerbach để đả kích thần học Công giáo, gọi tín đồ Công giáo là những cá thể “nửa thú vật, nửa thiên thần”, cần phải được giáo dục để trở về “làm người, toàn diện con người”. Đã có triết gia định nghĩa con người là nửa thánh nửa quỷ. Nay ông Liêm mượn lời của Barth để chửi đồng loại là nửa vật nửa thiên thần, vậy ông là gì? chắc không phải là nửa thiên thần nửa thánh? Ông lại xuyên tạc Thánh Kinh khi dẫn lời Chúa Giêsu nói: “Ta đến là để nổi lửa trên thế gian… để mà gây chia rẽ” để chứng minh rằng Công giáo truyền đạo bằng bạo lực. Ông bẻ vụn hai câu 49 và 51, đoạn 12 của Phúc Âm Luca để làm sai ý và dịch sai nghĩa của câu nói. Bản tiếng Anh của Thánh Kinh The Holy Bible, New International Version (Michigan 1984) viết : “I have come to bring fire on the earth, and how I wish it kindled… Do you think I came to bring peace on earth? No, I tell you, but division”. Bản dịch Tân Ước của Toà Tổng giám mục Sài Gòn (1997) như sau: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên… Anh em tưởng rằng Thầy đến để đem hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Lối nói của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu hay dùng những ẩn dụ, những hình ảnh. Câu này không có nghĩa là Ngài đem lửa đến để gây chiến tranh, để đốt thế gian, mà là đem sự thật, áng sáng, hơi ấm và sự cứu độ cho nhân loại. Vì thế mới mong lửa bùng lên. Tôi cũng đã nghe nhiều lần Phật giáo ca tụng “lửa từ bi”. Chắc chắn lửa này cũng không phải là lửa gây chiến tranh. Ở câu sau, Ngài nói Ngài đem chia rẽ đến trần gian chứ không phải đến để chia rẽ trần gian. Đó là một lời tiên tri, vì những ai theo Ngài sẽ bị ghét bỏ, bị người ta lăng nhục và nhiều khi bị chém giết. Nhân loại sẽ ganh ghét và chia rẽ vì sự có mặt của Ngài và của môn đệ Ngài. Điều này đã xảy ra đúng như vậy. Bằng chứng là những người Công giáo ở thế kỷ 21 vẫn còn bị những người như ông Liêm lăng mạ. Mong ông “giáo sư” hãy chịu khó nghiên cứu để hiểu biết thêm một chút. Nếu đã hiểu rồi, xin ông hãy giữ lương thiện trí thức một chút.

Còn việc ông Nguyễn Mai Sơn cho rằng phần nhiều người Công giáo vẫn xem Vatican là “nước mẹ” thì đó là một sự hiểu lầm to lớn. Người Công giáo Việt Nam chỉ liên hệ với Vatican về tôn giáo mà thôi. Vả lại, mỗi một giáo phận, chưa nói tới Giáo hội Công giáo cả nước, được coi như một giáo hội địa phương hoàn toàn độc lập, chỉ liên hệ với Vatican về tín lý và kỷ luật nội bộ của Giáo hội. Người Công giáo Việt Nam là công dân Việt Nam toàn phần (không phải công dân hạng hai), tôn trọng luật lệ Việt Nam, xả thân bảo vệ tổ quốc Việt Nam, không bảo vệ nước Vatican. Họ chỉ bảo vệ đức tin. Vì vậy đừng sợ người Công giáo đặt lợi ích tín ngưỡng của mình trên lợi ích dân tộc. Đòi nhà đất bị chiếm một cách bất công có vi phạm lợi ích dân tộc không?

Cũng liên quan đến vấn đề Công giáo và dân tộc, ông Nguyễn Hữu Liêm đã nói huỵch toẹt lý do thù hận Công giáo như sau: “Người trí thức Phật giáo Việt Nam đã nẩy sinh một tinh thần hận thù Công giáo như là một năng thức phủ định đối với một bản sắc văn hoá mới, ngoại lai trong ý chí bảo tồn truyền thống của mình”. Ông ca đi ca lại bài Phật giáo là dân tộc. Không ai phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo trong truyền thống và văn hoá của dân tộc. Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận những đóng góp của các tôn giáo khác trong đời sống tâm linh và văn hoá của dân tộc Việt Nam. Không kể Khổng giáo và Lão giáo đã cùng Phật Giáo tạo thành bộ ba “tam giáo đồng nguyên”, đạo thờ tổ tiên ông bà còn có gốc rễ sâu xa hơn và phổ biến trong dân gian rộng hơn bất cứ đạo nào khác tại Việt Nam. Công giáo đã có mặt tại Việt Nam gần 500 năm nay, đã trở thành một phần tinh thần và máu thịt của dân tộc Việt Nam, tại sao vẫn còn bị kỳ thị, bị coi như đối tượng hận thù? Người Việt Công giáo có khác gì những người Việt khác ngoài đức tin của họ? Họ cùng chia sẻ một nguồn gốc, một lịch sử, một tiếng nói, một văn hoá và phong tục với mọi người Việt Nam, họ cùng nổi trôi theo vận nước với toàn thể dân tộc. Hàng triệu người Công giáo cũng đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ quê hương. Có ai phân biệt tôn giáo của các tử sĩ? Tại sao cứ nói đến hận thù, là những tiếng không có trong giáo lý nhà Phật?

Nếu Công giáo đem lại chút gì khác cho dân tộc thì đó chính là việc giao lưu tất yếu khi các định chế chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội có khuynh hướng đi đến chỗ được tổ chức một cách hợp lý và tiến bộ trên toàn thế giới. Có một số người vẫn chỉ trích mô thức tổ chức này trong khi vẫn cố gắng làm theo vì trong thời buổi chúng ta đang sống, không ai có thể tiếp tục mặc áo the, đi guốc mộc, búi tó củ hành để “bảo tồn truyền thống dân tộc”. Bảo tồn truyền thống và văn hoá dân tộc mới chỉ là khía cạnh tĩnh, tiêu cực, giậm chân tại chỗ. Đời sống văn hoá còn có khía cạnh động. Chỉ nên coi cái tĩnh là cốt lõi, và phải có cái động để hội nhập với thời đại, cầu tiến bộ. Giỏi thì vẫn tiến cùng người trong khi vẫn giữ được bản chất của mình. Dở thì sẽ thành một thứ không giống ai, không cạnh tranh nổi với người, nên đòi quay về ôm lấy truyền thống dân tộc.

Ở khía cạnh đóng góp cho văn hoá Việt Nam, những người Công giáo cũng không phải là những người ngoài cuộc. Không kể chữ quốc ngữ, ai có thể phủ nhận công trình của những Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký của lịch sử cận đại, những giáo sư triết học Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Vũ Đình Trác, giáo sư ngữ học Việt Nam Lê Văn Lý… của thời hiện đại? Nêu tên những vị này không phải để khoe khoang hay kể công. Họ là người Việt Nam, đóng góp tài ba cho dân tộc Việt Nam là chuyện tự nhiên. Nhưng vì có người muốn gạt hết mọi người Công giáo sang thành phần bị loại bỏ với tội vọng ngoại, phản bội văn hoá dân tộc, nên chúng tôi phải nhắc lại những tên tuổi này để mọi người thấy Công giáo Việt Nam có phản bội văn hoá dân tộc hay không.

Nói mãi cũng không cùng và càng gây thêm hiểu lầm. Tôi xin kết thúc bài này bằng kết luận sau đây:
  • Chúng ta có bằng chứng và lý do cho thấy nhà cầm quyền cộng sản rất bối rối trong việc giải quyết những vụ tụ tập cầu nguyện đòi nhà đất của giáo dân Hà Nội. Họ tìm cách gỡ bí bằng cách chuyển mặt trận sang địa bàn khác: biến nạn nhân đi đòi trở thành đối tượng bị đòi.

  • Một số “trí thức” Phật tử vô tình hay hữu ý nhảy vào cuộc, hành động đúng theo chiến thuật của nhà cầm quyền cộng sản. Họ còn đi xa hơn bằng việc biến cuộc tranh chấp đất đai thành cáo trạng hỏi tội người Công giáo đi theo ngoại bang, phản bội truyền thống và văn hoá dân tộc.

Đối với những người cố tình hành động theo sách lược của cộng sản, tôi không cần nói đến nữa. Họ đã có niềm tin và sự lựa chọn rất khác với tinh thần Phật giáo dù vẫn núp dưới danh nghiã Phật giáo. Nhưng đối với những người anh em Phật tử vô tình bị cuốn hút vào thế trận thiên la địa võng này, tôi xin anh em hãy tỉnh táo nhìn ra vấn đề, nhận ra đâu là đồng minh, đâu là đối phương, việc gì phải làm trước, việc gì nên làm sau. Nếu đất nước có tự do và công lý, anh em một nhà còn thiếu gì thời giờ và cơ hội để giải quyết những bất đồng quá khứ và hiện tại trong tinh thần vô úy nhưng khoan nhượng. Tiếp tục chia rẽ và hận thù sẽ làm lợi cho ai? Phật giáo vốn coi mọi sự là sắc không, là vô thường, há chi nặng lòng với những “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, bởi như Bà huyện Thanh Quan đã cảm khái:


Lớp sóng phế hưng coi đã mỏi
Chuông hồi kim cổ lắng càng đau


(Viết từ Canada)

© 2008 talawas

Bài viết không nhất thiết là quan điểm của CLBNBTD

Nguồn: talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét