Website Chính phủ Việt Nam vừa đăng tải Dự thảo Nghị định “Quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet” cho nhân dân góp ý (xem toàn văn bản dự thảo tại đây); bên cạnh những điểm tích cực của dự thảo, tôi đề nghị ban soạn thảo nên bỏ, hoặc sửa đổi những điều khoản sau:
(xem toàn văn bản dự thảo tại đây)
1. Căn cứ ban hành Nghị định trái với Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Mở đầu dự thảo, phần viện dẫn các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc ban hành Nghị định “Quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet” (gọi tắt là Nghị định xử phạt) này là “Căn cứ Nghị định số …/2008/NĐ-CP ngày …/…/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet” (gọi tắt là Nghị định quản lý), tôi đặc biệt nhấn mạnh vào chổ Nghị định quản lý này không số, không ngày tháng, năm ban hành là 2008, chứng tỏ Nghị định này chưa hề tồn tại trong thực tế.
Có thể hiệu rằng Nghị định quản lý là cái định khung, đề ra một chuẩn mực, một giới hạn để cho công dân theo đó mà tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp quy định pháp luật. Nếu cá nhân nào vượt quá giới hạn chuẩn mực đó sẽ bị các chế tài pháp luật điều chỉnh.
Trong trường hợp này, Nghị định quản lý còn chưa hình thành, chưa ra đời, chưa có hiệu lực… nhưng người ta đã vội vàng muốn xử phạt người dân bằng cách quy cho họ đã vi phạm vào một cái chuẩn… chưa có? Do đó, đã vi phạm vào Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức vi phạm nguyên tắc văn bản ban hành phải hợp pháp, dùng một văn bản pháp luật chưa ra đời để làm căn cứ ban hành một văn bản pháp luật mới là không hợp pháp..
2. Quy định trái với Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền:
Khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị định xử phạt quy định:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp các thông tin có liên quan đến người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Khái niệm “thẩm quyền” có nghĩa là quyền xem xét, quyết định một vấn đề nào đó về mặt hành chính (thẩm quyền xét xử của toà án) hoặc tư cách về chuyên môn để xem xét, quyết định (người có thẩm quyền khoa học).
Có nhiều loại thẩm quyền, ví dụ các thẩm quyền chung là: thẩm quyền lập pháp, thẩm quyền tư pháp, thẩm quyền hành pháp; chia nhỏ ra lại có: thẩm quyền điều tra, thẩm quyền xét xử, thẩm quyền truy tố, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính…
Theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, riêng thẩm quyền điều tra đã bao gồm rất nhiều cơ quan là: Bộ Công an, Viện kiểm sát, Bộ Quốc phòng, và các lực lượng được quyền tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển;
Dự thảo Nghị định xử phạt này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn Bộ Thông tin và Truyền thông cũng liệt mình vào hàng “cơ quan có thẩm quyền” chớ không thể đứng ngoài.
Chỉ riêng việc “cung cấp các thông tin có liên quan đến người sử dụng dịch vụ” cũng có quá nhiều “cơ quan có thẩm quyền” có quyền yêu cầu theo kiểu “mật ít ruồi nhiều”, ai cũng tự cho mình là “cơ quan có thẩm quyền” cả, gây ra tình trạng lộn xộn, rối ren, dễ dàng dẫn đến việc cán bộ lạm quyền để sách nhiễu, gây khó khăn cho người sử dụng.
Điều 73 Hiến pháp quy định: “Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật”.
Điều 8 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định về: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân” như sau:
“Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này”.
Việc đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ Internet phải cung cấp thông tin cá nhân của người sử dụng không theo trình tự quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự cũng là trái với Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức vi phạm nguyên tắc văn bản ban hành phải hợp pháp, “Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên”, xét về thứ tự thì BLTTHS do Quốc Hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định nên Nghị định phải phù hợp, thống nhất với Hiến pháp, Bộ luật, Luật, Pháp lệnh.
Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền quy định: “Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”. Như vậy, Khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị định xử phạt cũng vi phạm vào luật pháp quốc tế, đi ngược lại xu hướng hội nhập của Việt Nam.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên bỏ khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị định xử phạt này.
3. Điều khoản mù mờ, trái Luật, trái Hiến pháp:
Điểm b khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị định xử phạt quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Truy nhập nhiều lần vào trang thông tin điện tử có một trong những nội dung: gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá Việt Nam;”
Khái niệm “truy nhập” (truy cập) tương đương với từ Access ở tiếng Anh, là một hành động khi người sử dụng cố gắng tiếp cận với dịch vụ cụ thể trên hệ thống internet. Ví dụ khi ta muốn đọc báo, thì ta phải “truy cập” vào trang web của báo, ta muốn vô blog thì phải “truy cập” vô trang blog. Cũng theo cách hiểu thông thường, số lượng từ 2 đơn vị trở lên được gọi là số nhiều. Như vậy, bao nhiêu lần thì được xem là “nhiều lần”? 2 lần có phải là “nhiều lần”?
Như thế nào là một trang thông tin điện tử “gây phương hại đến an ninh quốc gia”? “gây phương hại đến trật tự xã hội”? “Vi phạm thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá Việt Nam”? Những trang báo nhưng có kèm theo hình ảnh các panô quảng cáo, hay giới thiệu chuyên đề “người đẹp thể thao” ăn mặc kiểu “thừa da thiếu vải” khác với truyền thống “ăn chắc mặc dày” của người Việt xưa thì có bị coi là trái với “bản sắc văn hóa Việt Nam”? Như thế nào là kín mà như thế nào là hở, hở bao nhiêu là vừa? Hoặc nam nữ hôn nhau trên phim bao nhiêu phút thì không bị coi là “Vi phạm thuần phong mỹ tục”??? v.v… v.v…
Cơ quan, tổ chức nào có quyền quy định các chuẩn mực này? Cơ quan, tổ chức đó căn cứ vào cơ sở khoa học nào để định ra các quy chuẩn này? Khi mà những chuẩn mực quy phạm đó còn chưa định hình, chưa có thì dự thảo Nghị định này căn cứ vào đâu để cho rằng có hành vi vi phạm xảy ra? Quy định chung chung, mù mờ như thế chẳng khác nào tạo điều kiện nhập nhằng, rối rắm để cán bộ lợi dụng biến pháp luật thành công cụ nhũng nhiễu dân lành.
Ngay cả Bộ Luật Hình Sự cũng không coi hành vi xem đĩa CD, phim video, tranh ảnh, sách báo khiêu dâm, trụy lạc là phạm tội thì chẳng có lý do gì để cho rằng người ta vi phạm khi lướt web. Đọc quy định này của dự thảo, tôi có cảm nghĩ ban dự thảo chắc chẳng khi nào biết cầm con chuột máy vi tính lướt web để tìm kiếm thông tin?
Điều 69 Hiến pháp Việt Nam quy định:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2, khoản 7, Điều 5 Luật Công nghệ thông tin quy định:
“Tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu”; “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin”;
Việc người dùng truy cập vào bất cứ một trang thông tin điện tử nào đó là người dùng đang thực hiện quyền tìm kiếm thông tin, thực hiện quyền được thông tin do Hiến pháp quy định; không ai có quyền đặt ra những quy định khác trái với Hiến pháp để hạn chế quyền công dân của người khác.
Mặt khác, tại Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ghi nhận: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”.
Có thể thấy điểm b khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị định xử phạt trái với Hiến pháp, trái với Luật Công nghệ thông tin, nên cũng trái với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trái với tinh thần chung của luật pháp quốc tế. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên bỏ điểm b khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị định xử phạt này.
4. Quy định không khả thi, gây lãng phí, tốn kém, trái với Hiến pháp:
Điểm c khoản 3 Điều 13 dự thảo Nghị định quy định:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
c) Sử dụng địa chỉ Internet hoặc số hiệu mạng trực tiếp từ các tổ chức quốc tế khi chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép”.
Theo giải thích của một chuyên viên IT đang làm việc cho một Công ty nước ngoài tại Việt Nam thì khái niệm “địa chỉ Internet” thông thường được hiểu theo 2 nghĩa, đó là địa chỉ IP và địa chỉ URL, 2 địa chỉ này về bản chất chỉ:
a. Địa chỉ IP: bao gồm 4 dãy số, ví dụ: 203.162.4.1 là 1 địa chỉ IP, nếu địa chỉ URL của nó sẽ là hcm-server1.vnn.vn
b. Địa chỉ URL: ví dụ: http://360.yahoo.com, địa chỉ IP của nó sẽ là: 216.252.106.238
Nôm na nó giống như tên của người và số giấy chứng minh nhân dân, cả 2 đều chỉ về 1 người, cho dễ nhớ vậy.
Do đó, địa chỉ http://360.yahoo.com/ta.phongtan (tức địa chỉ blog cá nhân của tôi) thì rõ ràng là 1 địa chỉ internet dạng Tên.
Như vậy, theo quy định của dự thảo Nghị định này, nếu tôi muốn sử dụng địa chỉ blog cá nhân của tôi, hoặc ai đó muốn xem blog của tôi… cũng đều phải “được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép”.
Theo trang Điểm tin Thương mại điện tử (tuần từ 16/ đến 21/4/2007) của Bộ Thương mại, ghi nhận: “trong ba tháng đầu năm nay, theo số liệu của Trung tâm Internet VN (VNNIC), số lượng người sử dụng Internet ở VN đã tăng từ khoảng 12,2 triệu người lên hơn 15,1 triệu người (tăng 24%), chiếm khoảng 18% dân số cả nước”.
Con số 15,1 triệu người sử dụng Internet ở Việt Nam nói trên là thống kê chưa đầy đủ của 6 tháng đầu năm 2007, bình quân tăng 3 triệu người dùng Internet/năm. Hiện nay đã hết quý 1 năm 2008, vậy đến khi Nghị định này được thông qua và có hiệu lực thi hành, lượng người dùng Internet chắc chắn không dừng lại ở con số 20 triệu người. Vậy Bộ Thông tin và Truyền thông dự định sẽ duyệt bao nhiêu đơn xin và cấp giấy phép sử dụng địa chỉ Internet cho bao nhiêu triệu người?
Rõ ràng, quy định này của dự thảo Nghị định không những không có tính khả thi, gây lãng phí, tốn kém thời gian, tiền bạc cho nhiều người mà còn vi phạm nghiêm trọng vào Điều 69 Hiến pháp và Điều 5 Luật Công nghệ thông tin; tôi đề nghị ban soạn thảo cũng nên loại bỏ điểm c khoản 3 Điều 13 dự thảo Nghị định này.
* * *
Điều khoản cuối cùng của bản Tuyên ngôn có viết “Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này”.
Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1977, hiện nay còn là tư cách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam càng phải có nghĩa vụ thực thi và luật hóa nghiêm những điều khoản của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền, cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chính quyền Việt Nam đã ký kết ngày 24/9/1982.
Ngày 13-3, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nhấn mạnh:
“Trong những năm qua, VN đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm và phát huy ngày càng tốt hơn các quyền tự do của người dân trong mọi lĩnh vực, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin.
Nhà nước VN luôn tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của công dân”.
Vậy thì không có lý do gì, Chính phủ Việt Nam lại ban hành một Nghị định xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của công dân, trái với các quy định của hệ thống luật pháp Việt Nam hiện hành và trái chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Tạ Phong Tần
Cong san chi la mot dang cuo*’p do’ng ki.ch lam chi’nh quye^`n tuy tha^’y gio^’ng nhung khong phai la` tha^.t.
Trả lờiXóaHien phap, luat, nghi dinh gi do chi la nhung tro` he^`.
o^ng Le^ Dung no'i...."VN........bao dam va` phat huy ngay cang to^t hon cac quye^n tu do cua nguoi da^n trong moi lanh vuc,trong do' co' TDNL,TDbao chi va TDTT..."
Trả lờiXóaNhung tai VN nha nuoc "CHXHCNVN" lai bo tu nhie^u nguoi tranh dau "dissident cybers" ??? Ho chi su dung Internet ke^u goi nha nuoc CHXHCNVN phai dan chu hoa bang phuong phap rat on hoa,ma co nguoi phai tra gia kha dat cho viec keu goi DC hoa VN tren internet nhu luat su Le^ Thi Co^ng Nha^n,L/S Nguye^n Van Dai .....v..v...
o^ng noi tie^'p "Nha nuoc VN luo^n ton trong cac quye^n tu do,DC cua co^ng da^n" trong do' nguoi da^n VN co quye^n bay to tinh tha^n ye^u to^ quo^c VN cho^ng giac ngoai xa^m chie^m lanh tho^,lanh hai,cac hai dao nhu HS-TS.Nhung tai sao khi SV VN va nguoi da^n bay bo tinh than yeu nuoc bieu tinh phan do^i TC xam chiem HS-TS thi bi CA dan ap,sach nhieu va khung bo^ tinh tha^n ???
Ne^n ca^u kinh "Dung nghe nhung gi cs noi ,ma nhin nhung gi cs lam" van luo^n co gia tri !!!