Các tài liệu, bài báo đăng tải gần đây trong nước đang dần dần thu hẹp câu hỏi: Lạm phát đến từ đâu và do ai mà ra? Các nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước ngày càng khẳng định những số tiền đầu tư khổng lồ vào các tập đoàn kinh tế, xí nghiệp quốc doanh là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự gia tăng khối cung tiền tệ, dẫn đến lạm phát hiện nay.
Thực chất của vấn đề này ra sao? Và thực chất của tiến trình "cổ phần hoá" công ty quốc doanh tại Việt Nam là gì?
Có thể trong đời người nông dân, họ chẳng bao giờ nghe đến, hay quan tâm đến, hai chữ "lạm phát." Vậy mà, cơn bão giá có tên gọi "lạm phát" đang vét cạn túi người nghèo với tốc độ nhanh hơn bất cứ thành phần nào trong xã hội.
Người nghèo, người nông dân, trong cuộc sống mình, chắc hẳn họ chẳng bao giờ có được cái sang trọng là để dành một phần thu nhập để đi du lịch, một phần thu nhập khác để mua quần áo mới. Tất cả thu nhập của họ, là để vào một mục đích duy nhất: ăn cho no và mặc cho ấm.
Bây giờ thì, tốc độ mất giá nhanh chóng của đồng tiền Việt Nam đã lên đến mức không thể kham nổi cho người nghèo. Từng tháng một, từng quý một, đồng tiền Việt Nam mất giá. Hôm nay, báo chí cho biết, tỷ lệ mất giá của đồng tiền đã lên đến trên 15%.
Lạm phát do đâu?
Các kinh tế gia trong và ngoài nước liên tục đặt câu hỏi: lạm phát đến từ đâu? Dần dần, câu trả lời có vẻ được thu hẹp lại. Người ta bắt đầu có câu trả lời lạm phát đến từ đâu. Và người ta đặt câu hỏi mới:
Lạm phát đến từ Ai?
Một số bài báo và tài liệu phát hành gần đây, ngay tại Việt Nam, đều trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ trích những gì đến từ chính quyền; từ các tập đoàn kinh tế do chính quyền lập ra, từ các chính sách tài khoá của chính quyền, từ sự thiếu đồng bộ của các cơ quan chính quyền, và không kém phần quan trọng, là sự phụ thuộc chính trị quá nhiều của Ngân Hàng Nhà Nước vào hệ thống chính quyền.
Vấn đề đầu tiên đặt ra, là Bộ Tài Chính Việt Nam đã thực hiện những việc không được phép về mặt nguyên tắc, đó là thay mặt chính phủ giữ ngoại tệ. Đến khi có nhu cầu đổi ngoại tệ ra tiền đồng, Bộ Tài Chính bán trực tiếp ra ngoài khiến Ngân Hàng Nhà Nước mất khả năng kiểm soát tiền tệ, từ đó sinh ra hàng loạt bất cập trong thời gian qua.
Trả lời về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ Trưởng Vụ Tài Khoản Quốc Gia thuộc Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm về các thống kê kinh tế, nói rằng hệ thống chính quyền Việt Nam thiếu một cơ chế "đối trọng" cần thiết.
"Rõ ràng cần có một sự độc lập nhất định cho Ngân Hàng Nhà Nước. Phải phân biệt sự khác nhau giữa Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Tài Chính. Bộ Tài Chính là nơi thu thuế và thực hiện chi tiêu.
Nếu thu thuế không đủ thì phải kiếm ra tiền để chi trong trường hợp bội chi ngân sách, chẳng hạn phải mượn tiền trong thị trường thay vì bắt ngân hàng phải chi. Cho dù thủ tướng quyết định mọi chuyện, "hai cánh tay" là Ngân Hàng và Tài Chính phải là đối trọng của nhau. Hiện Việt Nam chưa có chuyện này."
Vai trò của chính quyền?
Sự thiếu vắng khả năng phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chính quyền cũng thể hiện rõ qua phản ứng của họ trong tình trạng sụt giảm quá nhanh của giá chứng khoán. Nhà phân tích Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định rằng trong khi các chỉ số chứng khoán xuống quá nhanh, "tình hình nguy kịch không nằm tại hai thành phố lớn, mà trong phản ứng của các cơ quan lãnh đạo trước sự hốt hoảng này."
"Trước khi giới đầu tư lập kiến nghị cầu cứu thì Bộ Tài chính đã muốn điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô để vực thị trường chứng khoán dậy.
Nó nguy kịch vì từ nguyên thủy, thị trường chứng khoán được lập ra để huy động vốn tiết kiệm vào đầu tư, bây giờ, người ta lại muốn dùng tài sản công để bơm tiền vào thị trường hầu cấp cứu các nhà đầu cơ. Và bơm tiền khi đang bị lạm phát tiền tệ trên hai số.
Theo thiển ý thì việc Bộ Tài chính hiểu lầm về chức năng của thị trường mới là điều đáng sợ."
Trong một tài liệu do các giáo sư thuộc chương trình Việt Nam của Đại Học Harvard thực hiện và phổ biến tháng vừa qua, các tác giả chỉ ra rằng, sự yếu kém trong đầu tư công là một trong các nguyên nhân đưa đến lạm phát.
Điều đáng nói, cho đến nay, một tỷ lệ rất lớn của tín dụng vẫn được dành riêng cho các xí nghiệp quốc doanh kém hiệu quả. Các giáo sư đại học Harvard cũng nhắc đến việc, Việt Nam hiện nay có quá nhiều sự tác động của các nhóm đặc quyền đặc lợi.
Về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Quang Việt nhận định rằng.
"Các nhà nghiên cứu của Harvard nói rằng đó là các nhóm lợi ích. Việt Nam bây giờ lập ra công ty mới, lập ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán. Ngay cả công ty dầu hoả và điện lực cũng đi vào chứng khoán, địa ốc, mà không làm công việc kỹ thuật của mình.
Tôi ngờ là họ tự mua của nhau khiến giá chứng khoán, địa ốc tăng cao. Còn cơ bản, tiền ấy không tạo ra sản phẩm vì họ không đi vào sản xuất."
Các nhóm đặc quyền đặc lợi
Điều đáng nói ở đây, trong khi các nhóm đặc quyền đặc lợi vẫn tiếp tục tác động lên chính sách chính phủ để trục lợi, thì chính phủ vẫn để điều ấy tiếp tục diễn ra.
Trong một bài phát biểu trên báo Tuổi Trẻ gần đây, ông Nguyễn Đình Cung, trưởng ban Nghiên Cứu Vĩ Mô thuộc Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương thừa nhận là các nhóm lợi ích tìm cách tác động lên chính sách, và việc ban hành chính sách của các bộ, ngành vẫn thiên về bảo vệ lợi ích của mình thay vì bảo vệ phúc lợi chung của toàn xã hội.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng hiện tượng các nhóm lợi ích là chuyện bình thường, ở đâu cũng giống nhau, điều quan trọng nằm ở thái độ của chính quyền.
"Bây giờ nói về nhóm lợi ích, người trong nước hay nước ngoài thì cũng có chuyện lợi ích riêng. Giống nhau cả. Quan trọng là chính quyền đẩy mạnh cạnh tranh đẩy mạnh sản xuất, thay vì các nhóm lợi ích chỉ làm giàu trên vấn đề tài chính.
Thử tưởng tượng, một nền kinh tế mới phấn khởi chút xíu, thì mọi người, thay vì lo sản xuất thì lại lo đầu cơ tài chính. Đó là sự thật rất lạ. Nhìn thử Hoa Kỳ, có bao giờ Microsoft lập ngân hàng không?
Thế mà bây giờ FPT thì làm điều đó, Điện Lực thì làm điều đó, Dầu Hoả thì làm điều đó. Thử hình dung một tập đoàn đi lập ngân hàng, thì dĩ nhiên khi mọi người bỏ tiền vào đầu tư, người ta lại dùng tiền ấy tự đi cho vay nợ, làm gì thì làm.
Đáng lẽ ra, khi ngân hàng cho con nợ vay, họ quan sát con nợ rất kỹ. Còn trong trường hợp này, con nợ là chủ ngân hàng thì ngân hàng phải đổ tiền cho con nợ ấy, làm sao kiểm soát được."
Các mô hình kinh tế bất cập
Về chuyện các tập đoàn kinh tế quốc doanh lại đi lập ngân hàng con của riêng mình, giáo sư David Dapice thuộc nhóm nghiên cứu của đại học Harvard cũng đã trả lời rõ ràng trên tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 21 tháng Giêng, rằng: "Kinh nghiệm của các nước Châu Á nơi các tập đoàn kinh tế sở hữu ngân hàng cho thấy đây là một mô hình không hay ho gì, tất nhiên trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Tuy nhiên, có một thực tế là sẽ có những khoản trợ cấp ngầm do ngân hàng con cung cấp cho các tập đoàn mẹ làm thiệt hại quyền lợi của những cổ đông khác và những người gởi tiền. Bản thân tôi cho rằng đây là một phương thức làm ăn ẩn tàng nhiều mối nguy cơ hơn là đem lại lợi ích cho nền kinh tế."
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng nhấn mạnh điều này. Ông nói rằng tiến trình cổ phần hoá tại Việt Nam hiện nay chỉ là "cổ phần hoá" trên tên gọi, còn thật ra, về bản chất là sự tư nhân hoá để sau đó gia đình của các quan chức nắm tất cả tài sản.
"Thành ra nếu nói, một công ty nhà nước là để phục vụ nhà nước thì chưa chắc, nhưng nó sẽ đẻ ra các công ty con, mà Việt Nam thì đang cho phép làm điều này. Như điện lực chẳng hạn, đẻ ra ngân hàng, đẻ ra công ty đầu tư bất động sản, rồi một thời gian sau cổ phần hoá rồi gia đình họ nắm tất cả."
Tập tài liệu có tên "Lựa Chọn Thành Công" do nhóm giáo sư đại học Harvard gởi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trích đăng trên báo Tuổi Trẻ, có những đoạn gay gắt nói về các nhóm chính trị thế lực lợi dụng đầu tư công để lấy tư lợi, trở nên giàu có bất chính.
Tài liệu này cũng khuyến cáo nhà nước cần đảm bảo mục tiêu phúc lợi chung của toàn xã hội. Đặc biệt, tài liệu nhấn mạnh rằng các nhóm chính trị có thế lực của Việt Nam đã và đang biến tài sản quốc gia thành tài sản riêng.
Cái giá phải trả chắc chắn sẽ lớn, và gánh nặng chi phí, cuối cùng, sẽ đặt lên vai người dân, những người đang phải vật lộn từng ngày với tình trạng gia tăng phi mã của giá cả gây ra một phần lớn bởi chính những nhóm đặc quyền đặc lợi.
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
"Thông Minh Đột ..ngột ,Bất ngờ..." của Nguyễn Tấn Dũng (Moi ban qua doc bai nay ben VN blog)
Trả lờiXóaVừa ăn Cướp , Vừa La Làng.
Đạo diển : “Chính phủ Nhà Nước"
Diển viên Siêu Sạo : Nguyễn Tấn Dũng
Phát hành khống 600 ngàn tỉ đồng để vơ vét thu mua $ ngoại tệ Dollar trong nước "Có Hệ thống"...
Mình lại cứ nghĩ lạm phát là do xăng lên nên kéo theo mọi thứ khác lên ấy chứ!! Grừ!! Chán quá đi mất!!!
Trả lờiXóamình chưa đọc hết được nhưng in ra để đọc từ từ, hehehe! Vì mình ko fải dân kinh tế nên chắc đóc 1 lần ko hiểu hết, fải ngâm cứu, ec ec! Anyway thansk đã post bài này lên để mình cũng thêm 1 ý kiến!!!
Trả lờiXóa"tiến trình cổ phần hoá tại Việt Nam hiện nay chỉ là "cổ phần hoá" trên tên gọi, còn thật ra, về bản chất là sự tư nhân hoá để sau đó gia đình của các quan chức nắm tất cả tài sản." Chính xác !
Trả lờiXóaTheo ý kiến của tôi, thì cứ nhìn xã hội là đủ biết. Nước ta sản xuất ít, xuất khẩu không nhiều. Đầu tư công trình chưa xây xong đã hỏng. Thử hỏi lấy cái gì mà phát triển. Chẳng qua là Xuất khẩu tài nguyên, và chờ tiền Việt kiều gửi về. Nguy cơ thì rõ từ laâ rồi. Nhưng do tài lãnh đạo quá kém nên mới để xảy ra khủng hoảng thế này.
Trả lờiXóa