Ngọn đuốc Thế vận kết thúc chặng đường quay cuồng tại San Francisco

Ngọn đuốc Thế vận Bắc Kinh 2008 đã phải chơi trò cút bắt với hàng ngàn người biểu tình và người đi coi, đứng tràn đầy khu phố cảng của thành phố biển San Francisco vào hôm Thứ Tư, trước khi được rước qua Buenos Aires mà không có lời từ giã chính thức ở trạm ngừng tại Hoa Kỳ, trên lộ trình rước đuốc Thế vận quanh thế giới.

Do phải đối đầu với làn sóng biểu tình chống Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, ban tổ chức cuốc rước đuốc tại thành phố San Francisco đã phải cắt ngắn tuyến đường rước đuốc còn một nửa và phải thay đổi lộ trình vào giờ chót để tránh chạm trán với đoàn biểu tình.

Dự đoán trước sự đối đầu của hai phe chống đối và ủng hộ có thể xảy ra, nên ban tổ chức đã phải huy động ngoài lực lượng cảnh sát ra, còn có lực lượng cảnh sát đặc nhiệm SWAT và một số nhân viên FBI. Trên không trung thì có trực thăng, dưới nước thì có lực lượng giang cảnh Coast Guard.



Mặc dầu với lực lượng giữ trật tự hùng hậu như vậy, nhưng ban tổ chức vẫn phải thay đổi và cắt ngắn lịch trình liên tục. Thoạt tiên sau khi ngọn đuốc xuất hiện ở chặng đầu thì lại biến mất ngay, để rồi lại xuất hiện 1 tiếng đồng hồ sau đó cách địa điểm đầu tiên 3 cây số.

Sau khi lộ trình diễn hành của ngọn đuốc bị sửa đổi và rút ngắn lại để ngăn ngừa những gián đoạn có thể xảy ra bởi một đoàn người biểu tình đông đảo, thì nghi thức bế mạc cuộc rước đuốc tại San Francisco phải bị huỷ bỏ ở địa điểm đã được chuẩn bị trước là khu bến tàu, và chuyển đến Phi trường quốc tế San Francisco. Sau đó ngọn đuốc được đưa thẳng lên phi cơ và không được trưng bày.

Biện pháp thay đổi lộ trình và địa điểm nghi thức bế mạc vào giờ phút cuối đã được đưa ra vì những lo ngại về an ninh, theo sau các cuộc biểu tình hỗn loạn tại Luân Đôn và Paris, chống nhà cầm quyền Trung Quốc về thành tích vi phạm nhân quyền trầm trọng của họ ở Tây Tạng và các nơi khác, đồng thời việc thay đổi lộ trình và địa điểm của nghi thức bế mạc cũng đã ngăn ngừa nhiều người muốn nhìn thấy ngọn đuốc như chứng kiến một sự kiện lịch sử.

Khi đi qua đường phố San Francisco, thì ngọn đuốc được rước theo một lộ trình lòng vòng làm người đi coi lẫn người biểu tình đều bị nhầm lẫn, thắc mắc không biết chuyện gì xảy ra, trong khi họ cùng nhau đứng đợi một cuộc rước đuốc không bao giờ đến. Những người biểu tình cũng vội vã thay đổi dự tính của họ và chạy theo lộ trình của ngọn đuốc đã được sửa đổi.

Ông thị trưởng Gavin Newsom, ngồi trong một chiếc xe thùng caravan nơi chứa ngọn đuốc, nói với hãng thông tấn AP rằng việc thay đổi địa điểm của nghi thức bế mạc được đưa ra vào giờ chót vì số lượng người tụ họp đông đảo và thái độ của họ ở bên ngòai công viên AT&T, là nơi dự định cho nghi thức bế mạc.

Nửa tiếng đồng hồ trước khi cuộc rước đuốc bắt đầu, các giới chức liên hệ đã cắt ngắn lộ trình rước đuốc từ 6 dặm Anh xuống còn phân nửa.

Lúc khai mạc, người rước đuốc đầu tiên nhận và đốt ngọn đuốc từ một đèn lồng chứa ngọn lửa Thế vận, giương cao một lúc rồi chạy bộ vào một khu chứa hàng. Có một chiếc xe mô tô của cảnh sát chạy theo hộ tống, nhưng không ai thấy người cầm đuốc nữa.

Giới chức liên hệ đưa ngọn đuốc diễn hành bằng xe khoảng 1 dặm trong đất liền, rồi đưa cho 2 người rước đuốc ở nơi không có phóng viên báo chí và người biểu tình hiện diện, và họ bắt đầu rước ngọn đuốc chạy về phía cầu Golden Gate Bridge, ngược lại với địa điểm mà hàng ngàn người đang đứng chờ đợi ngọn đuốc. Thêm nhiều rắc rối xảy ra, đoàn rước đuốc ngừng lại gần cầu Golden Gate Bridge một chút, rõ ràng là bị lầm lẫn, trước khi chạy về hướng phi trường.

Trong khi ngọn đuốc được rước về phía phi trường, thì nhiều tin tức được chuyền tai đến đoàn người đông đảo đang đứng đợi có lúc lên đến 10,000 người, ở khu bến tàu, rằng ngọn đuốc sẽ không đến đây.

Đương nhiên sự thay đổi này làm cho tất cả những người có mặt của cả 2 phía đều thất vọng.

Anh Dave Dummer là một người đi coi, đã bày tỏ sự thất vọng, "Tôi bực quá, lưng tôi bị đau vì đứng chờ cả buổi ở cái lối đi lồi lõm này …, đây là cơ hội ngàn năm một thuở và người ta làm cho nó bị lung tung lên chỉ vì biểu tình phản đối"

Còn anh Matt Helmenstine, một thầy giáo trung học, cầm trong tay lá cờ Tây Tạng, nói: "Thật là hèn. Họ không dám rước đuốc qua thành phố, tức là chẳng ai ủng hộ Thế vận này".

Trong khi đó một ủng hộ viên Trung Quốc là anh Michael Huo, một kỹ sư hiện đang làm việc tại thung lũng Silicon Valley thì nói rằng "Tôi cảm thấy là chúng ta bị lừa, bởi vì ý nghĩa của cuộc rước đuốc là cho cả thế giới thấy là đất nước tôi đang tổ chức thế vận".

Sở dĩ San Francisco được chọn để đứng ra tổ chức cuôc rước đuốc vì nơi đây có một cộng đồng đông đảo người Trung Hoa.

Cộng đồng người Hoa ở San Francisco là một cộng đồng lớn, chiếm 1/5 dân số của thành phố này. Tòa Lãnh sự của Trung Cộng đã sử dụng tối đa các phương tiện tuyên truyền, lôi kéo, kể cả bắt buộc du học sinh Trung Quốc phải cầm cờ đỏ Trung Quốc xuống đường để ủng hộ cuộc rước đuốc. Do đó, người ta đã thấy một rừng cờ đỏ của phe "ủng hộ" đứng một bên, và bên kia là của phe biểu tình phản đối với đủ màu sắc cờ của người Tây Tạng, người Việt Nam, người Sudan, người Tân Cương, người Miến Điện … và biểu ngữ lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Thông tấn xã quốc doanh Tân Hoa xã của Trung Quốc tường thuật vào sáng sớm hôm Thứ Năm rằng, chặng đường rước đuốc San Francisco đã được thay đổi, "vì sự đe doạ của những kẻ Tây Tạng ly khai và ủng hộ Tây Tạng muốn phá hoại cuộc rước đuốc".

Có một vài dấu hiệu căng thẳng trước khi cuộc rước đuốc bắt đầu. Hai nhóm ủng hộ Tây Tạng và ủng hộ Trung Quốc được cấp phát giấy phép biểu tình cùng đứng cạnh bên nhau, ở một khu vực cho phép trong một con đường lớn. Những người đại diện của hai bên tràn ra khỏi khu vực được cho phép của họ và la mắng nhau, nhưng không có cảnh sát hiện diện để can thiệp.

Ít nhất có một người rước đuốc đã bày tỏ sự ủng hộ cho Tây Tạng được độc lập, khi chị đang ở lúc được nhiều người chú ý. Sau khi nhận ngọn đuốc và bắt đầu chạy, chị Carter 41 tuổi, đại diện cho một tổ chức từ thiện tại Nữu Ước, liền lôi ra một lá cờ Tây Tạng nhỏ được dấu trong tay áo và giương lên.

Chị kể lại, "An ninh Trung Quốc và cảnh sát nhào vào tôi như là chuột sa chĩnh gạo, tôi không nói đùa đâu. Họ lôi tôi ra khỏi cuộc rước đuốc, và cảnh sát San Francisco đẩy tôi vào đám đông đang đứng ở bên đường".

Ở phía xa dọc theo lộ trình đã được dự định, khoảng 200 du học sinh Trung Quốc bao vây một chiếc xe có trưng cờ Tây Tạng, ngay trước cửa của trung tâm du lịch Pier 39 của thành phố.

Các du sinh nàỵ, đến đây bằng xe bus từ Đại học California. Một du sinh Trung Quốc tên Yi Che, khua trống và la lớn "Hoan hô Olympic" bằng tiếng Tàu.

Yi Che nói, "Tôi hãnh diện là người Trung Quốc và tôi phẫn nộ vì có nhiều người ngu dốt không biết rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc. Tây Tạng đã và sẽ muôn đời là một phần của Trung Quốc".

Chặng đường rước đuốc vòng quanh thế giới của ngọn đuốc Thế vận Bắc Kinh dài 85,000 dặm Anh, đi xuyên qua 20 quốc gia là chặng rước đuốc dài nhất trong lịch sử Thế vận, và được dùng để tạo dựng sự hồi hộp thích thú cho Thế vận hội Bắc Kinh. Nhưng cuộc rước đuốc này bị những người phản đối Trung Quốc chống đối vì họ giận dữ thành tích vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tây Tạng lẫn Trung Quốc đã huýt sáo, thổi còi và giương cờ khi họ thấy nhau tại địa điểm của lễ khai mạc cuộc rước đuốc. Cảnh sát đã phải rất khó khăn để giữ hai bên tránh không cho va chạm. Ít nhất có một người biểu tình bị bắt giữ, và cảnh sát phải đóng nút chặn không cho ai qua lại tại một cây cầu trên đường dẫn đến địa điểm lễ khai mạc, gần McCovey Cove từ phía sân vận động.

Một người rước đuốc, hồi đầu tuần đã có dự tính rút lui ra khỏi cuộc rước đuốc vì lo ngại cho vấn đề an toàn cá nhân, theo các giới chức liên hệ cho biết. Cuộc rước đuốc không những phải đối phó với những người biểu tình chống Trung Quốc đàn áp Tây Tạng, mà còn phải đối phó cả với những người Miến Điện và Sudan phản đối Trung Quốc đang ủng hộ chế độ quân phiệt Yangoon và Darfur, và người Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo đang trong vòng tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa.

Giới thẩm quyền địa phương nói rằng họ ủng hộ những quan điểm khác nhau, nhưng vấn đề an ninh chặt chẽ là cần thiết vì những hỗn loạn đã xảy ra tại Luân Đôn và Paris, cộng thêm vào là một cuộc phản đối hôm Thứ Hai của những người tranh đấu ủng hộ Tây Tạng độc lập, đã leo lên treo biểu ngữ trên cầu Golden Gate.

Xe cảnh sát đã đuợc dùng để ngăn chặn và giữ những người biểu tình không cho họ tràn ra đường, và cơ quan FAA đã hạn chế các trực thăng thuộc các đài truyền hình không cho bay trên vòm trời thành phố, cùng các trực thăng cấp cứu và của cơ quan bảo vệ an ninh trật tự. Các cơ quan bảo vệ an ninh trật tự đã thiết lập nhiều hàng rào chướng ngại và các nhân viên cảnh sát chạy bộ, bằng xe đạp cùng mô tô đã chuẩn bị để che chắn bảo vệ cho những người cầm đuốc.

Ông Peter Ueberroth, chủ tịch Uỷ ban Thế vận Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ đã có một sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm cho những người biểu tình phản đối, đồng thời giúp cho những người cầm đuốc có một kinh nghiệm vui vẻ tốt đẹp qua cuộc rước đuốc, và ngăn ngừa không cho lập lại những gì đã xảy ra tại Luân Đôn và Paris khi ngọn đuốc được rước qua đó.

Ngọn đuốc Thế vận bắt đầu chặng đường xuyên thế giới vào ngày 24/3, từ đỉnh núi Olympia ở Hy Lạp để đến Bắc Kinh, và là sự chú ý của những cuộc biểu tình phản đối ngay từ lúc đầu.

Mặc dù những người rước đuốc tại các thành phố khác đã than phiền về thái độ hung hăng côn đồ của mật vụ Trung Quốc trong bộ đồng phục thể thao màu xanh dương, được Bắc kinh gởi đến bảo vệ cho ngọn đuốc, thì không có vấn đề gì xảy ra tại chặng đường ở San Francisco, California.

Tại Bắc Kinh, chủ tịch Uỷ ban Thế vận Quốc tế Jacques Rogge đã gặp Thủ tướng Ôn gia Bảo của Trung Quốc vào hôm Thứ Tư để bàn thảo về việc chuẩn bị cho Thế vận hội, và theo Uỷ ban Thế vận thì "một số đề tài về Thế vận hội đã được đề cập".

Ông Rogge sẽ cho biết thêm chi tiết về cuộc gặp gỡ này tại một cuộc họp báo vào Thứ Sáu, khi Ủy ban Thế vận sẽ họp để bàn về việc có nên chấm dứt ngay các chặng đường rước đuốc xuyên thế giới còn lại, sau San Francisco, vì biểu tình phản đối đang lan rộng khắp nơi.

Ngọn đuốc theo chương trình thì sẽ đến Buenos Aires, Á Căn Đình, và hàng chục thành phố khác trước khi trở về Bắc Kinh vào ngày 04/8, để chuẩn bị cho lễ khai mạc Thế vận hội ngày 08/8.

Ông Rogge vẫn tự chế không muốn chỉ trích Trung Quốc, vì theo ông thì ông ưa thích đối phó trong "ngoại giao thầm lặng" với Bắc Kinh hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Tư trên đài truyền hình VRT tại quê quán của ông ở Bỉ Quốc, ông Rogge cảnh báo rằng việc dồn ép Trung Quốc quá xa về vấn đề Tây Tạng và nhân quyền sẽ không có lợi gì cả mà còn gây ra phản ứng ngược.

"Nếu quý vị hiểu Trung Quốc, quý vị nên biết rằng chồng chất càng nhiều hàng rào chướng ngại và dùng ngôn ngữ cứng rắn sẽ có ảnh hưởng ngược lại. Trung Quốc sẽ đóng cửa lại và không giao thiệp với thế giới bên ngoài, và đừng quên rằng, họ đã làm thế cả 2000 năm trời."

Trong khi đó, Toà Bạch Ốc đã nói lại rằng Tổng thống Bush sẽ đi tham dự Thế vận hội, nhưng vẫn có thể là ông sẽ không đến tham dự lễ khai mạc. Khi được hỏi là ông Bush sẽ đến coi phần nào của Thế vận hội thì bà tuỳ viên báo chí Dana Perino có vẻ lưỡng lự và nói rằng chương trình của các chuyến công du ngoại quốc có thể thay đổi vì còn quá xa và hơn nữa có nhiều vấn đề cần phải xem xét khi hoạch định chuyến đi.

Môt phát ngôn viên của Thủ tướng Gordon Brown nói rằng vị lãnh đạo Anh Quốc sẽ không đi tham dự lễ khai mạc. Văn phòng của Thủ tướng Brown nói rằng quyết định này không phải là nhằm mục đích đưa một thông điệp phản đối đến Trung Quốc, vì Bộ trưởng Thế vận Tessa Jowell sẽ đại diện chính phủ Anh tham dự lễ khai mạc, và ông Brown sẽ tham dự lễ bế mạc.

Luân Đôn sẽ đứng ra tổ chức Thế vận hôi 2010, và nhiều giới chức chính quyền Anh Quốc sẽ đến tham dự các buổi tranh tài trong suốt thời gian Thế vận hội tại Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói rằng ông đang suy nghĩ không biết có nên tham dự lễ khai mạc hay không, như là một sự phản đối về việc Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng.

Được biết, trong các chặng đường rước đuốc còn lại tại các thành phố, lộ trình đã được thay đổi và rút ngắn lại, như ở Jakarta và Canberra.

Lê Minh & Khánh Đăng tổng hợp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét