Vết Nứt Trên Trường Thành







NGUYỄN XUÂN NGHĨA



Vì Tây Tạng, Thế Vận Hội Bắc Kinh cháy như bó đuốc...

Trong nền văn hoá phổ thông của Trung Hoa, mà một tiêu biểu là loại truyện võ hiệp Kim Dung, Thổ Phồn là một xứ lạ, loại man di mọi rợ trong một cõi Tây Vực xa xăm. Thổ Phồn là chữ người Hoa gọi đất Tây Tạng, từ Tubo mà ra.

Trong các truyện võ hiệp Kim Dung, Thần Điêu Hiệp Lữ là truyện về Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Truyện có nhiều chi tiết hào hứng về Kim Luân Pháp Vương, một đại cao thủ kỳ dị. Ông là vị thánh tăng Tây Tạng và sư phụ của Hoắc Đô Vương Tử, một vị thân vương Mông Cổ. Bối cảnh truyện này là cuộc xâm lăng của Mông Cổ vào đời Tống bên Tầu.

Kim Dung không là người kỳ thị ngoại nhân hay các sắc dân thiểu số tại Trung Quốc. Dưới ngòi bút của ông, nhiều nhân vật ta gọi là "thiểu số" thật ra rất đáng yêu và đáng kính, từ Quận chúa Triệu Minh người Mông Cổ cho tới Tiêu Phong người Khất Đan hay Tiểu Siêu người Ba Tư, chưa kể họ Đoàn ở đất Đại Lý miền Vân Nam ngày nay....

Dù không là người miệt thị ngoại nhân và nhiều lần còn gián tiếp đả kích tinh thần chủ quan, duy chủng và trịch thượng của Hán tộc ở Trung Nguyên, Kim Dung vẫn dựa vào những sự kiện lịch sử để viết truyện. Và những sự kiện ấy có phản ảnh một nỗi sợ truyền thống của Trung Hoa đối với các sắc dân ở vùng ngoại biên mà họ gọi là Tứ Di.

Vạn Lý Trường Thành không là sự sáng tạo của Tần Thủy Hoàng Đế.

Nó chỉ nối kết những công trình phòng thủ của Trung Hoa chống lại người Hung Nô đã có từ trước. Thời Chiến Quốc, Trung Hoa chỉ còn bảy nước thì có ba nước đã phải xây trường thành để chống rợ Hung Nô từ phương Bắc và hướng Tây tấn công vào. Tần Thủy Hoàng Đế chỉ nổi liền và củng cố những trường thành đó.

Vạn Lý Trường Thành mà ta còn thấy ngày nay tại Trung Quốc cũng không là di tích của Tần Thủy Hoàng Đế. Nó được con cháu Chu Nguyên Chương xây dựng và kéo dài vào đời Minh, sau khi nhà Nguyên của quân Mông Cổ sụp đổ, và ở mạn Bắc của Vạn Lý Trường Thành cũ của cường Tần. Nhưng dù có trường thành bảo vệ, nhà Minh vẫn bị một dị tộc khác khuất phục vào năm 1644, đó là nhà Mãn Thanh từ phương Bắc kéo xuống.

Những truyện và chuyện ấy cho thấy là từ ngàn xưa, từ thời Chiến Quốc qua đến thời Tần Hán hay Đường Tống, cho tới năm 1911 gần đây, Trung Quốc đã từng bị các bộ tộc mà họ khinh miệt tiến vào xâm lăng và cai trị, rất nhiều lần. Và lãnh đạo nào lên cầm quyền cũng phải tìm cách xây dựng vùng trái độn để phòng ngừa bất trắc xuất phát từ bên trong lục địa, từ Thổ Phồn, Mông Cổ, Kim, Liêu, Nữ Chân, Mãn Thanh hay cả người Nga bên kia Tây bá lợi á.

Nhưng hệ thống phòng thủ theo kiểu quay đầu vào trong như vậy lại bị vỗ vào lưng, từ ngoài đại dương vào, với Liệt cường Tây phương và Nhật Bản! Đó là chuyện hiện đại hơn, chỉ vì trái đất hình tròn.

Nếu tìm hiểu - dù chỉ để giải trí - thì ta cũng thấy Tây Tạng hay Thổ Phồn là một xứ lạ, không thuộc lãnh thổ Trung Hoa.

Lịch sử Tây Tạng thì ghi rằng trước khi du nhập Phật giáo từ Ấn Độ và trở thành hiếu hoà, nhiều vị vua Tây Tạng đã cầm quân đánh vào lãnh thổ Trung Quốc, như Songtsen Gambo (Tùng tán Can bố, 605-649) và có khi còn uy hiếp cả kinh đô Trường An (Tây An ngày nay), như trường hợp của Trisong Detsen (755-799) khi nhà Đường bị loạn An Lộc Sơn.

Đã nói đến chuyện - là những gì được coi là có thật - và truyện - là những gì hư cấu được kể lại trong văn chương, Trung Hoa có chuyện Công chúa Văn Thành.

Bà là con gái của một trong những Hoàng đế anh hùng nhất Trung Hoa, là Đường Thái tông Lý Thế Dân (Đường Trinh Quán), và được gả cho vị vua hùng tài của Tây Tạng là Tùng tán Can bố trong chánh sách Trung Hoa gọi là "hoà thân". Đấy là chánh sách mưu cầu hoà bình bằng cách gả con gái hay sủng phi của hoàng đế Trung Hoa cho các "lãnh tụ man rợ" - Thuyền vu Hung Nô, Đại hãn Mông Cổ hay Quốc vương Tây Tạng! Chánh sách này đã khởi sự từ thời Hán. Trước khi có truyện "Chiêu Quân Cống Hồ" thì Hán Cao tổ Lưu Bang đã phải gả con gái cho một Thuyền vu (tước vị của quốc vương) Hung Nô. Một lãnh tụ Hung Nô còn ngang táng đòi cưới Quốc mẫu nhà Hán là Lã Thái hậu, bà Lã Trĩ của Hán Cao tổ!

Nếu Quang Trung của ta không mất sớm thì cũng đã góp phần thực hiện chánh sách "hoà thân" này khi đòi cưới con gái Thanh Càn Long!

Tùng Tán Can Bố cũng vậy, ông gửi sứ tới cầu hôn con gái Đường Thái Tông. Và những di tích ngày nay tại Tây Tạng còn cho thấy tượng thờ Văn Thành công chúa, cùng một công chúa khác của xứ Bhutan - người Hoa gọi là xứ Bất Đan - cũng được Tùng Tán Can Bố hỏi về làm vợ.

Lịch sử Trung Hoa thì hơi nhập nhằng trong chuyện Văn Thành.

Có thuyết thì nói rằng Văn Thành là cháu gái chứ không phải là con gái của Lý Thế Dân. Có thuyết lại cho là một thường dân được giả trang làm Công chúa Văn Thành để làm hoàng hậu Tây Tạng. Lời giải thích phổ thông nhất - và chính thức của Bắc Kinh cho tới tháng này - là Văn Thành Công chúa đã có công khai hoá Tây Tạng và xây dựng quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước.

Chung quy, cả ba thuyết đều phản ảnh mặc cảm Trung Hoa. Và không che giấu được bản năng sợ sệt mà hay nói phét của những người lãnh đạo. Họ nhảy múa biểu diễn trên bức trường thành của sự sợ hãi.

Chúng ta trở lại chuyện Thế vận hội Bắc Kinh, một điển hình của hai thuộc tính nói trên: sợ hãi mà ưa nói phét, phản ảnh qua hai chức năng đắc lực nhất của Trung Quốc thời xã hội chủ nghĩa, an ninh và tuyên truyền.

Khi vận động thế giới để được tổ chức Thế vận hội năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh muốn đạt được mục đích tuyên truyền, rằng sau hơn một thế kỷ nhục nhã vì chế độ phong kiến bên trong đã bị các đế quốc bên ngoài khuất phục, Trung Hoa đang ngửng đầu lên để bước vào thế giới văn minh như một cường quốc. Đó là công lao của đảng Cộng sản.

Và để chuyện biểu dương này không thể có "sự cố bất trắc", hệ thống an ninh được tăng cường, gần như chạy tandem với hệ thống tuyên truyền. Thế vận hội được kiểm soát cực kỳ gắt gao và làng thế vận đã có dáng vẻ của một trại tập trung mang màu ngũ sắc. Danh sách của những việc và những vật bị cấm có thể là cột mốc của một cuộc điền kinh vượt dã băng đồng!

Một sinh hoạt chào mừng tinh thần ganh đua trong tự do và bình đẳng bỗng trở thành một hài kịch. Và Vạn lý Trường thành của lịch sử đã được hiện đại hoá với bức tường lửa trên không gian điện toán. Một ấn bản mới của bức vách Xích bích trên cyberspace.

Lãnh đạo Bắc Kinh chỉ nhầm có một chuyện là tấm lịch.

Thế giới ngày nay đã đổi khác. Hệ thống phòng thủ của tâm lý sợ sệt truyền thống ấy bỗng trở thành vô ích. Chuỗi rước đuốc Thế vận để mừng ngày "Quang diện Trung Hoa" là một trò tắt lửa đi trốn. Và việc tham gia hay không cái đêm "tứ bát" (ngày tám tháng tám năm linh tám vào lúc tám giờ tối) bỗng thành chuyện thất bát: nhiều quốc gia đang tranh luận xem lãnh tụ của họ có nên tham dự lễ khai mạc tối hôm đó hay không!

Người ta khám phá ra, rằng Văn Thành Công chúa của Bắc Kinh là đồ giả, một mụ công an cấp tá, xấu như Chung Vô Diệm!

Tất nhiên, Bắc Kinh đổ lỗi cho - danh sách này rất dài, xin cứ chọn - đức Đạt Lai Lạt Ma, bọn thổ phỉ Tây Tạng, các nhóm khủng bố Hồi giáo của dân Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương, bọn phản động lợi dụng chiêu bài nhân quyền, các thế lực đế quốc đang muốn làm nhục Thiên triều, bọn truyền thông tư sản muốn bêu riếu chế độ xã hội chủ nghĩa, v.v... Và như nhiều người đã tiên đoán, năm vòng liên hoàn biểu tượng của Thế vận đã biến thành nằm cái còng.

Lãnh đạo Bắc Kinh đang chuẩn bị liên hoan trên bức tường thành biểu tượng của nền văn minh Trung Hoa bỗng như thấy trường thành rạn nứt dưới chân. Họ bị tấn công từ những nơi bất ngờ nhất.

Từ một vị cao tăng vẫn đang kêu gọi đối thoại là đức Đạt Lai Lạt Ma; từ những người chẳng có một chút quyền lợi gì liên hệ đế Tây Tạng cũng gọi nhau đi biểu tình phản đối; từ hàng triệu thông điệp trên không gian điện toán đã liên kết những người cùng một ước nguyện là tự do, cố loan truyền ra bên ngoài tin tức và hình ảnh bên trong trường thành... Cái "ảo" cùa từ tâm và công lý đang cuộn lên thành sức mạnh thật, đánh vào vạn lý trường thành và xối nước lên đám rước Thế vận. Và các chính trị gia trên thế giới đều cân nhắc, giữa lòng dân và thế lực lý tài vật chất của Bắc Kinh, họ phải chọn. Họ không khéo chọn thì cử tri sẽ biết chọn lá phiều của mình.

Trong suốt đoạn đường đốt đuốc mà chạy trốn, Bắc Kinh chỉ còn một phần thưởng nhỏ. Đó là khi đuốc Thế vận chạy qua Sàigon thì sẽ được công an của Việt Nam bảo vệ! Đấy là cơ hội biểu dương công lao của Bắc Kinh khi giúp Hà Nội giải phóng miền Nam. Thời điểm là cuối tháng Tư và địa điểm là miền Nam cũng là một kiểu dáng biễu diễn rất Trung Hoa.

Họ thầm mong là dân Việt cũng hèn như lãnh đạo, để đuốc Thế vận khỏi phải trốn vào bóng tối! Hay bị vùi xuống Trường Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét