Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-06-23
21 Tháng 6 là Ngày Nhà Báo Việt Nam, và ngày kỷ niệm này nhắc cho mọi người nhớ hiện vẫn còn ít nhất ba nhà báo hiện đang bị giam giữ trong trại giam vì các tội danh mà họ không hề vi phạm.
Đó là các ông Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn văn Hải và Nguyễn Hoàng Hải tự Điếu Cày. Việc nhà nước bắt giữ nhà báo tự do Điếu Cày dưới tội danh trốn thuế đã làm dư luận quốc tế lên tiếng chống đối, trong đó có tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Mặc Lâm phỏng vấn luật sư Lê Công Định, hiện đang làm việc trong Công Ty Luật D.C, người chịu đứng ra biện hộ cho nhà báo Điếu Cày, để biết thêm chi tiết có liên quan đến vụ án.
Mặc Lâm: Thưa Luật sư Lê Công Định, được biết công ty Luật D.C đã chính thức đứng ra nhận bảo vệ quyền lợi hợp hiến của nhà báo Điếu Cày bằng cách biện hộ cho ông ấy và gia đình trong vụ án trốn thuế. Luật Sư là người trực tiếp theo dõi vụ án thì ông có thể cho biết diễn biến của các thủ tục tố tụng đã tiến hành tới đâu rồi, thưa ông?
Luật sư Lê Công Định: Tôi được gia đình ông Nguyễn Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày, chỉ định làm luật sư để vừa biện hộ cho gia đình đồng thời vừa biện hộ cho ông Nguyễn Hoàng Hải luôn.
Nó chỉ bất bình thường ở chỗ là ngay sau khi ông Điếu Cày bị bắt và tôi đã được chỉ định làm luật sư, tôi có làm việc với họ thì họ vẫn chưa cho tôi được tham gia bào chữa cho ông ấy, và cũng như chưa cho tôi được gặp mặt (Điếu Cày), cũng như là đọc hồ sơ và tham dự tất cả các buổi thẩm vấn đối với bị can.
Cho đến nay, mặc dầu tôi đã làm đơn rất là nhiều lần và cũng đã đến tận nơi để gặp họ, nhưng mà họ vẫn yêu cầu tôi là chờ đợi để họ cung cấp cho tôi một cái gọi là "giấy chứng nhận bào chữa" và cho đến giờ tôi vẫn chưa nhận được, cho nên về mặt pháp lý thì tôi vẫn chưa thể nào đại diện được cho ông Điếu Cày được. Và do đó tôi cũng chưa được thông báo chính thức là khi nào thì toà án sẽ mở phiên toà để xử một cách công khai.
Theo tôi biết, mà gia đình đã trao đổi với tôi, cho đến giờ phía công an điều tra, tức là phía công an thì họ cũng đang tiến hành những cái biện pháp nghiệp vụ để mà lấy lời khai, rồi thu thập chứng cứ, còn ngày giờ cụ thể để mà biết được là khi nào sẽ xét xử thì tôi hoàn toàn chưa được thông báo.
Mặc Lâm: Thưa Luật sư, theo luật pháp hiện hành thời gian để điều tra một vụ án hình sự kéo dài hai tháng và không cho phép luật sư có mặt trong các buổi lấy cung có được xem là bình thường trong hệ thống tòa án Việt Nam hay không?
Luật sư Lê Công Định: Thật ra đối với một vụ án hình sự như là vụ này thì 2 tháng cũng không phải là quá lâu và cơ quan điều tra có thời gian là 4 tháng để họ tiến hành điều tra, do đó nếu tính từ lúc bắt ông Điếu Cày là ngày 19-4 cho đến hôm nay thì vừa tròn 2 tháng, thì tôi nghĩ rằng cái tiến trình đó đang diễn ra bình thường.
Hai ngày hôm sau thì cơ quan công an mới thu thập tài liệu, vậy thì tôi không hiểu là vào thời điểm tiến hành khởi tố thì người ta dựa trên tài liệu nào mà người ta ghi trên đó là "dựa theo những tài liệu". Tôi cho rằng đó là xu hướng rất là nguy hiểm ở chỗ là người ta muốn bắt về cái chuyện này nhưng mà không có cơ sở pháp lý cho nên người ta phải dùng một cơ sở pháp lý khác để bắt.
Nhưng nó chỉ bất bình thường ở chỗ là ngay sau khi ông Điếu Cày bị bắt và tôi đã được chỉ định làm luật sư, tôi có làm việc với họ thì họ vẫn chưa cho tôi được tham gia bào chữa cho ông ấy, và cũng như chưa cho tôi được gặp mặt (Điếu Cày), cũng như là đọc hồ sơ và tham dự tất cả các buổi thẩm vấn đối với bị can. Tôi hoàn toàn không được tham dự những cái đó, thì điều đó rất là bất bình thường.
Mặc Lâm: Việc truy tố nhà báo tự do Điếu Cày với tội danh trốn thuế có cơ sở hay không khi dư luận cho là động cơ thúc đẩy việc bắt giữ xuất phát từ các hoạt động chống Trung Quốc của ông ta mới là chính?
Luật sư Lê Công Định: Thực ra mà nói thì ai cũng biết rằng ông Điếu Cày bị bắt là vì những hoạt động biểu tình chống lại vụ Hoàng Sa và Trường Sa và cái thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam. Ông tổ chức và tham gia những vụ biểu tình như vậy. Nhưng mà khi bắt ông thì người ta lại dùng tội danh là trốn thuế.
Tôi có đọc hồ sơ do gia đình cung cấp thì tôi thấy là ông hoàn toàn không có vi phạm tội trốn thuế cũng như là không có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Vào thời điểm bắt ông là ngày 19-4 thì cũng là thời điểm có một quyết định do Viện Kiểm Sát phê chuẩn và một cái quyết định tiến hành khởi tố bị can thì cái nội dung đó ghi nhận rằng dựa trên những tài liệu chứng cứ thu thập được mà khởi tố là tội trốn thuế.
Nhưng vào hai ngày hôm sau thì cơ quan công an mới thu thập tài liệu, vậy thì tôi không hiểu là vào thời điểm tiến hành khởi tố thì người ta dựa trên tài liệu nào mà người ta ghi trên đó là "dựa theo những tài liệu". Tôi cho rằng đó là xu hướng rất là nguy hiểm ở chỗ là người ta muốn bắt về cái chuyện này nhưng mà không có cơ sở pháp lý cho nên người ta phải dùng một cơ sở pháp lý khác để bắt thì tôi cho rằng điều đó là một xu hướng không hay trong một hệ thống luật pháp bình thường.
Mặc Lâm: Vài ngày trước đây tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã chính thức lên tiếng đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho nhà báo Điếu Cày và họ cũng nhấn mạnh rằng việc áp đặt tội danh trốn thuế cho ông là không có cơ sở. Luật sư có cho rằng đây là một áp lực tích cực đối với vụ án hay không?
Luật sư Lê Công Định: Thái độ của Tổ chức Nhà Báo Không Biên Giới đó là về phương diện chính trị và ngoại giao, nhưng mà cái vụ này nó lại là vụ án về hình sự, nó thuần tuý là pháp lý, cho nên tôi không nghĩ rằng nó sẽ có một ảnh hưởng nào đặc biệt đối với tiến trình tố tụng của vụ án này. Dù vậy, tôi nghĩ rằng có lẽ sự lên tiếng đó cũng giúp cho phía nhà cầm quyền Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan điều tra họ sẽ tập trung vô để làm bật lên cái cơ sở pháp lý của vụ án.
Mặc Lâm: Văn phòng luật D.C của Luật sư đã có những kế hoạch nào nhằm tiếp tục theo đuổi mục tiêu mà thân chủ đã giao phó trong lúc ông và các đồng nghiệp bị ngăn trở như thời gian hiện nay?
Luật sư Lê Công Định: Chúng tôi vẫn tiếp tục yêu cầu phía cơ quan điều tra cấp cho tôi giấy chứng nhận bào chữa để tôi tham gia vô vụ án này. Bây giờ thì 2 tháng rồi cũng tương đối trễ rồi nhưng mà dầu sao thì chúng tôi vẫn kiên quyết để yêu cầu đựơc thực hiện quyền của mình.
Người ta có nói một lý do rất là buồn cười rằng là tụi tôi không có đến tận nơi để mà gặp nhưng văn phòng tôi đã có 2 luật sư cùng tham gia. Chúng tôi đã có sự uỷ quyền cho nhau để cùng đến gặp cơ quan công an và đồng thời qua đường công văn chúng tôi cũng đã chính thức nộp đơn. Người ta cũng biết điều đó, người ta cũng yêu cầu tôi chờ để họ có công văn trả lời, nhưng cho đến nay thì họ vẫn không trả lời bằng công văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét