Nhân quyền sẽ được đề cập đến trong chuyến thăm Mỹ của TT Nguyễn Tấn Dũng





Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008-06-21

Ngày 23/6/2008, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng Việt Nam có mặt tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài khoảng 1 tuần.

Nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục là mối quan tâm của chính giới và dự luận Mỹ. Một tuần trước chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các nhà lập pháp và Cộng đồng người Việt đã tổ chức họp báo lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Liệu vấn đề nhân quyền của Hà Nội, mối quan tâm chính yếu của Hoa Kỳ trong bang giao song phương Việt-Mỹ, có đựơc đặt lên bàn thảo luận với người đứng đầu nhà nước Việt Nam lần này hay không?

Thứ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về dân chủ, nhân quyền, và lao động, ông David Kramer, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam ở Hà Nội, dành cho Trà Mi cuộc phỏng vấn đặc biệt trước khi Thủ tướng Việt Nam đặt chân tới Washington.

Quan trọng đối với Tổng thống Bush

Trà Mi: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi tiếp chuyện đặc biệt này. Trước tiên, xin hỏi ông liệu vấn đề nhân quyền của Việt Nam có được nêu lên lần nữa với Hà Nội nhân chuyến Mỹ du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kỳ này hay không?

Thứ trưởng David Kramer: Tôi nghĩ rằng vấn đề nhân quyền của Việt Nam sẽ lại đựơc đề cập đến. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với Tổng thống George W. Bush. Chắc cô còn nhớ, điểm nhấn mạnh trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của ông Bush là phát huy tự do, dân chủ, và nhân quyền trên toàn cầu.

Chúng tôi cho rằng những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam sẽ giúp tăng cường mối quan hệ bang giao của hai nước. Tiếp nối cuộc đối thoại nhân quyền tại Hà Nội hồi cuối tháng Năm do tôi làm trưởng đoàn, tôi nghĩ rằng vấn đề nhân quyền của Việt Nam sẽ lại đựơc nêu lên khi Tổng thống Bush tiếp Thủ tướng Dũng lần này.

Chúng tôi hy vọng sẽ có những hiệu quả trông thấy cả trước và sau chuyến Mỹ du của ông Dũng, không đơn giản chỉ là để tạo điều kiện tốt cho chuyến thăm, mà là nỗ lực phát huy những cải thiện lâu dài. Điều này không chỉ tốt cho mối quan hệ Việt-Mỹ mà còn tốt cho tương lai của Việt Nam sau này.

Thứ trưởng David Kramer

Trà Mi: Những điều gì đang đựơc kỳ vọng cao nhất đối với Hà Nội lần này, thưa ông?

Thứ trưởng David Kramer: Chúng tôi đã nêu lên một số vấn đề với đối tác phía Việt Nam liên quan tới tự do tôn giáo, tự do báo chí, tù nhân lương tâm, cải cách luật pháp, đặc biệt là bộ luật hình sự. Tóm lại, chúng tôi muốn thấy cải thiện trong những lĩnh vực đó.

Khi thương thuyết với Hà Nội, chúng tôi luôn cố gắng đi vào chi tiết cụ thể và đề nghị những bước cải thiện cụ thể mà phía Việt Nam có thể làm để chứng tỏ tiến bộ trong những vấn đề này.

David-Kramer-250.jpg
Thứ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về dân chủ, nhân quyền, và lao động, ông David Kramer. AFP PHOTO

Cho nên, chúng tôi hy vọng sẽ có những hiệu quả trông thấy cả trước và sau chuyến Mỹ du của ông Dũng, không đơn giản chỉ là để tạo điều kiện tốt cho chuyến thăm, mà là nỗ lực phát huy những cải thiện lâu dài. Điều này không chỉ tốt cho mối quan hệ Việt-Mỹ mà còn tốt cho tương lai của Việt Nam sau này.

Sẽ có vài nhà tranh đấu được trả tự do

Trà Mi: Trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 6 với Ban Việt Ngữ RFA sau cuộc thoại với Hà Nội, ông có cho biết rằng Washington khuyến khích Hà Nội chứng tỏ những cải thiện trong lĩnh vực nhân quyền để tạo điều kiện cho chuyến Mỹ du của thủ tướng Việt Nam được tốt đẹp hơn. Cho tới nay Hà Nội đã có những biểu hiện gì đáng kể chưa, chẳng hạn như sẽ có tù nhân lương tâm nào được phóng thích chăng, thưa ông?

Thứ trưởng David Kramer: Chúng tôi được nghe là sẽ có một vài người đựơc Hà Nội trả tự do, nhưng để đảm bảo cho điều này diễn ra tốt đẹp thì tôi sẽ không nêu danh tánh cụ thể của các nhân vật đó bây giờ. Song, chúng tôi đã nhận được những dấu hiệu tích cực về mặt này.

Chúng tôi cũng đã đạt đựơc thoả thuận rằng chuyên gia hai nước sẽ phối hợp trong công tác cải tổ các vấn đề về luật lệ và Bộ luật hình sự. Và cũng có tín hiệu là Việt Nam sẽ cho phép giới truyền thông quốc tế thành lập các văn phòng tại TPHCM. Nhìn chung, có một số lĩnh vực đã được đánh tiếng là sẽ có cải thiện. Và chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát những vấn đề này với các đồng nghiệp phía Việt Nam.

Trà Mi: Mỗi khi lĩnh vực nhân quyền đựơc nhắc tới, Hà Nội vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần rằng Washington không nên can thiệp quá sâu vào chuyện nội bộ của Việt Nam. Quan điểm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra sao, thưa ông?

Sẽ có một vài người đựơc Hà Nội trả tự do, nhưng để đảm bảo cho điều này diễn ra tốt đẹp thì tôi sẽ không nêu danh tánh cụ thể của các nhân vật đó bây giờ.

Thứ trưởng David Kramer

Thứ trưởng David Kramer: Khi chúng tôi có mặt tại Việt Nam cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng đây không phải là những vấn đề hoặc những giá trị của Mỹ áp đặt lên Việt Nam. Những gì chúng tôi đang thúc giục Hà Nội là những giá trị toàn cầu.

Quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do quyết định lựa chọn của người dân, đó là những quyền căn bản của con người trên toàn cầu, mà Việt Nam đã đồng ý ký tên tham gia. Những gì chúng tôi đang làm là khuyến khích Hà Nội tôn trọng những nhân quyền ấy. Chúng tôi nghĩ rằng cho phép tự do ngôn luận, tự do báo chí, hay tự do tôn giáo v.v., sẽ giúp Việt Nam trở thành một nước hùng mạnh hơn.

Chúng tôi muốn Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, dân chủ hơn, một đất nước nghiêm túc tôn trọng nhân quyền. Bởi nếu đựơc như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia đối tác hữu hiệu hơn đối với chúng tôi. Thế nên, chúng tôi không xem đây là việc can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam mà đó là lĩnh vực quan trọng mà Hoa Kỳ hết sức quan tâm.

Trà Mi: Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có sự nhất trí về định nghĩa “tù nhân lương tâm”, mà như ông biết đó, Hà Nội vẫn luôn khẳng định rằng “tại Việt Nam không có người tù lương tâm, chỉ có những ai vi phạm pháp luật mới bị trừng trị mà thôi.” Theo ông thì có giải pháp nào khả dĩ cho vấn đề này không?

Thứ trưởng David Kramer: Trong những cuộc thảo luận đầy đủ với Bộ Công An Việt Nam không chỉ trong khuôn khổ các cuộc đối thoại nhân quyền, chúng tôi đã nêu lên những trường hợp cụ thể, khẳng định sự quan tâm, cũng như đưa ra những giải pháp đề nghị cho những trường hợp đó.

Chúng tôi hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ sớm có những hành động cụ thể. Đã có những tín hiệu chứng tỏ thiện chí như tôi đã trình bày, và chúng tôi mong sẽ thấy điều này xảy ra càng sớm càng tốt.

Nguồn: RFA Việt Ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét