Thứ trưởng Ngoai giao Mỹ David Kramer xác minh lại thông tin
về khả năng hưởng đặc xá của nhà dân chủ Lê Thị Công Nhân.
AFP PHOTO
Những nhà dân chủ trong vòng cương tỏa của luật pháp Việt Nam phản ứng trước nhan đề “Hoa Kỳ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam” từ báo Công an Nhân dân.
Cuộc đối thoại thường niên giữa Hà Nội và Washington về vấn đề nhân quyền của Việt Nam năm nay diễn ra hôm 29/5 là một sự kiện được giới yêu chuộng dân chủ trong và ngoài nước hết sức chú ý. Truyền thông trong nước không bàn nhiều về sự kiện này, ngoài hai bài báo của Công an Nhân dân và An ninh Thế giới, nhưng những thông tin được trình bày khiến những người quan tâm không khỏi nghi vấn, đặc biệt là bài viết đăng trên tờ Công an Nhân dân Online số ra ngày 31/5/2008.
Ở Việt Nam thì không được phép nghe trộm
điện thoại của công dân.
Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an VN
Với nhan đề: “Hoa Kỳ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”, bài viết của tác giả Bảo Sơn đăng trên báo điện tử Công an Nhân dân không nhằm mục đích tường trình diễn tiến, nội dung, hay kết quả cuộc đối thoại song phương về tình hình nhân quyền của Việt Nam, mà chủ yếu nhấn mạnh vào những phản biện của Hà Nội trước những vấn đề mà Hoa Kỳ nêu lên, để chứng minh rằng những thông tin Washington đưa ra không chính xác.
Bài báo trích dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam trong buổi đối thoại khi đáp lại mối quan tâm của Hoa kỳ về trường hợp của các tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì bất đồng chính kiến: “Việt Nam là một nước có chủ quyền và luật pháp, không phải chúng tôi muốn bắt ai thì bắt.” Lời phát biểu này đã gây bức xúc cho nhiều người, nhất là những nạn nhân trực tiếp, những người dám đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền trong nước.
Các nhà dân chủ phản biện lập luận của nhà nước
Nhà dân chủ Đỗ Nam Hải, một tiếng nói khẳng khái được nhiều người biết đến, bày tỏ sự bất bình:
“Đây là một trong những thủ đoạn của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong những lần đối thoại với quốc tế. Cái điều mà họ thường quy cho những người đấu tranh là phạm điều 88 của Bộ luật Hình sự, tức là tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, nhưng bản thân điều luật này rất lơ mơ, chung chung, và họ căn cứ vào đó để có thể bắt bất cứ ai họ muốn.”
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, ngừơi từng bị tù tội vì các hoạt động cổ võ dân chủ sau đó được giảm án nhờ sự can thiệp của quốc tế, và hiện đang bị quản thúc tại gia ở Hà Nội, góp lời:
“Đứng về mặt luật pháp mà nói thì đúng là pháp luật không cho phép làm việc đó, muốn bắt ai thì bắt, nhưng thực tế hiện nay pháp luật ở Việt Nam không đựơc bảo vệ. Cho nên những cơ quan thi hành pháp luật sẵn sàng làm việc không theo pháp luật, không dựa vào luật, như trường hợp của cá nhân tôi, việc bắt giam và cáo buộc tôi cũng không theo pháp luật.”
Trong số các luận điểm phản bác lại Washington, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưởng, cũng nhấn mạnh rằng: “Ở Việt Nam thì không được phép nghe trộm điện thoại của công dân.” Quả thật luật Việt Nam không cho phép điều này, nhưng hầu như mọi người đều biết rõ rằng việc cơ quan chức năng nghe lén hoặc thu âm cuộc điện đàm của công dân là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhất là đối với những thành phần bất đồng chính kiến.
Là nạn nhân thường xuyên của tình trạng này, nhà dân chủ Đỗ Nam Hải khẳng định:
“Ví dụ như chính tôi đây luôn luôn bị nghe trộm điện thoại, bị cắt điện thoại, bị cắt internet, và luôn bị đọc trộm thư, thậm chí trong những lần công an làm việc với tôi tại đồn công an, họ đã in ra một loạt thư điện tử của tôi và đưa lên bàn làm việc cho tôi xem luôn.”
Các biện pháp an ninh đi ngược lại pháp luật
Hỏi chuyện một người có thân nhân làm việc trong ngành bưu điện, đài Á Châu Tự Do được biết thêm:
“Những thông tin mình biết được từ người quen làm bên bưu điện họ cho biết những tin nhắn của khách hàng điện thoại di động, họ sẽ lưu trong vòng 1 tháng, áp dụng cho tất cả các thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam. Còn riêng những số máy nào có yêu cầu của cơ quan an ninh thì họ sẽ ghi âm lại tất cả cuộc gọi của máy đó. Họ còn có thể xác định đựơc vị trí của người đang sử dụng điện thoại đó hiện ở đâu nữa kìa. Luật ở Việt Nam thì không đựơc phép xâm phạm về vấn đề thư tín, nhưng cái luật bất thành văn ở Việt Nam thì nó lại khác như vậy.”
Ngoài ra, theo bài báo này, Hà Nội cũng phủ nhận quan ngại của Washington về trường hợp bị quản thúc, bị sách nhiễu của luật sư Lê Quốc Quân, người từng bị chính quyền Việt Nam bắt giam sau khi hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh của Cơ quan hỗ trợ dân chủ NED Hoa Kỳ.
Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi hỏi thăm chính luật sư Quân và được anh cho biết:
“Những gì tôi chịu đựng trong thời gian ngắn vừa rồi quả thật là những vấn đề rất lớn lao, ví dụ như chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi họ không trao trả lại cho tôi. Rõ ràng điều đó là sai và hoàn toàn có ảnh hưởng đến cá nhân tôi. Thứ hai là việc tôi đi xuất cảnh, đi ra nước ngoài là có những khó khăn.
Thế còn trong phiên xử phúc thẩm luật sư Đài, tôi bị người ta bóp cổ thêm một tí nữa là ngạt thở, rồi tôi bị 4,5 người đánh tôi trong vụ Toà khâm sứ. Thứ ba nữa là việc tôi biểu tình vụ Hoàng Sa-Trừơng Sa đều có những vấn đề cả. Thì thế nào là sách nhiễu thì cũng là một vấn đề không dễ trình bày ra, nhưng tôi xác nhận về mặt pháp lý thì tôi không bị quản thúc.”
Vẫn theo báo Công an nhân dân, khi phía Hoa Kỳ đề cập tới trường hợp của luật sư Bùi Kim Thành, một tên tuổi được đông đảo dân oan khiếu kiện đất đai trong nước yêu mến, thì phía Việt Nam khẳng định đây là lần thứ 3 bà bị tâm thần, và nếu Hoa Kỳ quan tâm đưa bà đi Mỹ định cư thì Việt Nam sẽ tạo điều kiện ngay.
Trong khi đó thì bà con dân oan, những người từng đựơc luật sư Thành trợ giúp pháp lý trên con đường đấu tranh vì công bằng, lẽ phải, thì xác nhận rằng:
“ Rõ ràng đây là việc chụp mũ bà Kim Thành và nói sai sự thật. Bà Thành đã giúp dân oan đi khiếu kiện đòi lại công bằng. Bà là một người bình thường, không có gì để gọi là tâm thần cả. Nếu một người tâm thần thì không thể nói những tình hình của đất nước rất rõ ràng như vậy. Bà con dân oan lên nhiều lần nhờ bà Thành tư vấn dùm, người ta rất tin tửơng. Sự giúp đỡ của bà qua những đơn từ, và những hướng dẫn của bà rất có hiệu quả.”
Thứ trưởng Mỹ xác minh thông tin về bản án của LS Lê Thị Công Nhân
Bài báo cũng viết rằng phái đoàn Hoa Kỳ đã đưa ra thông tin sai lệch rằng luật sư Lê Thị Công Nhân chỉ bị án phạt tù 1 năm. Tác giả trích lời Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng rằng những tù nhân lương tâm mà Washington đề cập trong đó có luật sư Công Nhân, “muốn đựơc hưởng chế độ đặc xá, phải chấp hành án phạt được 2/3 thời gian.” Rồi phần kết luận cuối bài có đoạn nguyên văn như sau: “Trước khi chia tay, ngài đại sứ đã xin lỗi thựơng tướng Nguyễn Văn Hưởng về một số thông tin đưa ra không chính xác.”
Khi tìm hiểu việc này trong cuộc phỏng vấn đặc biệt với ông David Kramer, Thứ trưởng đặc trách về dân chủ, nhân quyền, và lao động Hoa Kỳ, người dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ đến Việt Nam đối thoại nhân quyền hôm cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi đựơc ông xác minh:
“Việc này liên quan đến nội dung thảo luận về thời điểm nào trong thời hạn thụ án thì tù nhân tại Việt Nam có thể được hưởng ân xá. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được thì một người tù có thể được hưởng đặc xá sau khi đã thi hành 1/3 bản án. Tại buổi họp chúng tôi được họ cho biết là phải sau 2/3 thời gian thụ án mới được ân xá.
Sau đó, chúng tôi có nghiên cứu lại thông tin dựa trên quyết định đặc xá của chủ tịch nước và dựa trên luật pháp của Việt Nam, thì quả đúng là sau 1/3 thời gian chấp hành án thì tù nhân có thể được ân xá. Như vậy, thông tin chúng tôi đưa ra ngay từ đầu là đúng, nhưng chúng tôi đã tôn trọng phản biện của Hà Nội khi họ khẳng định là phải 2/3 thời gian thụ án.
Sau cuộc đối thoại, chúng tôi đã gửi văn bản khẳng định rằng những thông tin chúng tôi ghi nhận qua các tài liệu của nhà nứơc Việt Nam cho thấy thời điểm có thể được đặc xá là sau 1/3 thời hạn thụ án. Tóm lại, cho dù trong buổi gặp gỡ chúng tôi có nói rằng nếu chúng tôi có nhầm lẫn trong vấn đề cụ thể này thì chúng tôi xin lỗi, nhưng hoá ra chúng tôi đã đúng. Chúng tôi đang chờ hồi âm của phía Hà Nội về việc này ra sao.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét