Giới lãnh đạo CSVN nhắm vào việc kềm giữ sự bất mãn


James Hookway, The Wall Street Journal 03/6/08,

Khánh Ðăng lược dịch


Trong lúc Việt Nam đang vật lộn để chế ngự nạn lạm phát gia tăng và tình trạng bãi công đang lan rộng trong các ngành sản xuất chế tạo trên khắp cả nước, thì giới lãnh đạo cộng sản lại có vẻ như đang ra tay để bóp nghẹt vài biểu hiện về bất đồng quan điểm vừa nhú đầu dậy dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Các nhà phân tích chính trị theo dõi chặt chẽ tình hình Việt Nam đã ghi nhận có nhiều dấu hiệu về các thành phần bảo thủ cứng rắn trong Bộ chính trị -- lo lắng về các nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm mở rộng xã hội Việt Nam – đang dùng cuộc khủng hoảng lạm phát để hạn chế việc phê bình chính phủ. Cùng với nhiều vấn đề khác, các nhà phân tích đã đề cập thẳng đến vụ bắt giữ hồi tháng trước hai nhà báo, là những người đã điều tra các vụ tố giác tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ nhà nước

Một biện pháp cứng rắn tương tự đối với các thành phần bất đồng chính kiến đã xảy ra cách đây 10 năm trong thời kỳ khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997-98, khi giới lãnh đạo CSVN lo ngại rằng sự xụp đổ của các chính phủ ở Thái Lan và Indonesia có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.

“Sau một thời gian mở cửa, các lãnh tụ Việt Nam hiện đang cho thấy họ có thể bảo thủ như thế nào”, theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam tại Học viện quốc phòng Úc ở Canberra, người đã tiên đoán hồi đầu năm nay rằng lạm phát gia tăng có thể làm cho căng thẳng chính trị dâng cao trong quốc gia bị kiểm soát chặt chẽ này. Vào tháng Năm, lạm phát đã lên đến mức hàng năm 25.25% cao nhất trong 13 năm.

Nhưng trong lúc giới lãnh đạo Việt Nam có thể đang siết chặt việc kiểm soát báo chí, thì không có nhiều cơ hội cho họ để giảm bớt một loạt những cải tổ, vốn đã làm cho nền kinh tế tăng trưởng với một mức trung bình ở 7.5% một năm, từ năm 2000 đến 2007 –mặc dù ông Dũng đã cho hạ thấp mục tiêu tăng trưởng cho năm nay xuống còn 7% từ mức 8.5%, để chú tâm tốt hơn vào việc chế ngự nạn lạm phát.

“Tôi nghĩ rằng thực tế thì Viêt Nam bây giờ đang là một thành viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới, và như thế thì đã quyết tâm mở rộng thêm nền kinh tế, điều này có nghĩa là cả nước sẽ tiếp tục cùng đi về một hướng chung”, một nhà kinh tế ở Việt Nam yêu cầu dấu tên cho biết.

Cũng giống như trường hợp của Trung Quốc khi họ vừa mới mở rộng kinh tế, các nhà phân tích chính trị đã hoài nghi rằng ÐCSVN có thể sẽ cố gắng siết chặt kiểm soát chính trị ngay cả khi kinh tế được cởi mở.

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy một số đồng chí của ông Dũng có đầu óc bảo thủ hơn –vài người trong họ đứng về cùng phe với Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh– đã vận dụng quyền lực của mình hồi tháng trước khi công an bắt giữ hai phóng viên nhà báo là những người đã vạch trần một trong những vụ tham nhũng nổi tiếng nhất Việt Nam vào năm 2005.

Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên đã bị bắt vào ngày 13/5, là hai người đã đóng một vai trò nổi bật trong việc tường thuật rất chi tiết vụ xì-căng-đan tham nhũng hàng triệu đô la ở Bộ Giao thông vận tải, mà các cán bộ nhà nước bị cáo giác là đã hút bớt ngân quỹ do Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản cung cấp để chơi cá độ và trả tiền cho gái mãi dâm.

Chính phủ của ông Dũng đã nắm lấy vụ xì-căng-đan để chứng minh cho giới đầu tư nước ngoài thấy rằng Việt Nam đang quyết tâm diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng, vốn đã làm tiêu tan uy tín của Viêt Nam như một trong những trung tâm đầu tư lớn kế tiếp của Á Châu.

Chín người đã bị kết án vì sự dính dáng của họ đến vụ tham nhũng tai tiếng, nhưng vào tháng Ba vừa qua các tiến triển có vẻ chậm chạp lại khi công an hủy bỏ các tội danh cáo buộc đối với viên cán bộ nhà nước có chức vụ cao nhất trong vụ xì-căng-đan là thứ trưởng giao thông Nguyễn Việt Tiến.

Rồi vào ngày 12/5, công an bắt giữ hai ông Chiến và Hải vì bị cho là đã đăng tải “những thông tin sai lạc” và “lạm dụng quyền lực”, khiến gây ra một cơn bão ngắn trong nước. Tờ Thanh Niên đã tường thuật lại lời của ông Chiến nói chỉ một lúc trước khi ông bị bắt rằng, “Tội duy nhất của tôi là đã tích cực đấu tranh chống tham nhũng”. Tờ báo này cũng cho đăng tải một bài bình luận nói rằng nên “Trả tự do cho các nhà báo trung thực”.

Từ đó, việc tường thuật trường hợp (bắt giữ hai nhà báo) này đã biến mất trên truyền thông báo chí quốc doanh bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam

Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan tâm của họ về số mệnh của hai nhà báo trên. “Các ký giả cần được phép tường thuật, viết bài và đăng tin mà không phải bận tâm về sự an toàn, hay lo ngại sẽ bị bắt giữ mỗi khi họ viết về một vấn đề nhạy cảm”, ông David Kramer, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động phát biểu sau một cuộc họp thường niên về đối thoại nhân quyền với Hà Nội vào ngày 30/5.

Các nhà quan sát như giáo sư Thayer cho rằng vụ bắt giữ đã cho thấy một sự giật lùi đối với việc mở rộng chính trị một cách phải chăng do ông Dũng đưa ra. Từ khi trở thành Thủ tướng hồi năm 2006, ông Dũng đã làm lu mờ các tay lãnh đạo chóp bu khác như tổng bí thư đảng Nông Ðức Mạnh và chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Ông Dũng luôn duy trì một vai trò nổi bật trong giới báo chí Việt Nam, khai trương cầu cống trường học cũng như thường xuyên được chụp hình quay phim với đại diện của nhiều công ty đa quốc gia đang đổ vào Việt Nam trong vài năm qua để thoát ra khỏi tình trạng chi phí sản xuất đang gia tăng ở Trung Quốc và các quốc gia khác. Thậm chí ông Dũng còn ngồi nguyên cả một ngày để trả lời các câu hỏi bằng điện thư (email) từ dân chúng, và một cách rất hiệu quả, đã dùng báo chí quốc doanh để nhổ tận gốc các trường hợp tham nhũng .

Nhưng với lạm phát gia tăng và mọi người đổ về các thành phố và khu kỹ nghệ để đáp ứng với sự tăng trưởng kinh tế dồn dập bây giờ phải vật vã để kiếm cho đủ sống, thì lại có thêm các đảng viên bảo thủ trong bộ chính trị muốn chứng tỏ quyền lực của họ. Ðặc biệt là bộ chính trị dường như rất quan tâm về một làn sóng bãi công hiện đang gây nhiều tai hại cho các ngành công nghiệp trong cả nước vì công nhân đòi hỏi mức lương bổng cao hơn để bắt kịp với đà gia tăng của gía cả.

Trong ba tháng đầu năm nay, đã có khoảng 300 vụ đình công –nhiều gấp 3 lần trong cùng thời gian của năm 2007 –khiến cho tư thế của ông Dũng kém thoải mái hơn trước đây, mặc dù các cuộc đình công không mang một dấu hiệu phảng phất nào là công khai chống chính phủ.

Vài nhà kinh tế Viêt Nam cố vấn cho chính phủ đã kín đáo đổ thừa cho ông Dũng là không đáp ứng nhanh chóng trong việc xử lý khi nạn lạm phát vừa có dấu hiệu bắt đầu hồi năm ngoái. Các cán bộ nhà nước cao cấp khác, trong đó có cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã lèo lái Việt Nam qua nhiều cải tổ kinh tế trong thập niên 1990s, than phiền rằng ông Dũng hình như chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng các công ty quốc doanh để biến thành các tập đoàn vốn thường chi phối nền kinh tế Nam Hàn trước khi các khoản nợ nần lung tung đẩy quốc gia đó vào cuộc khủng hoảng trong thập niên 1990s.

Theo giáo sư Carl Thayer thì, “Ðiều hành nền kinh tế đúng ra là sở trường của ông Dũng. Nhưng bây giờ ông ấy cho thấy rằng ông ta không thể không mắc phải sai lầm”

Nguồn:

http://online.wsj.com/article/SB121248604784440979.html

1 nhận xét:

  1. có lẽ đang có sự chuẩn bị để bắt đầu một chiến dịch.....?
    Tuổi trẻ Thứ Năm, 19/06/2008, 04:04 (GMT+7)
    Đề xuất bỏ án tử hình đối với 12 tội danh
    TT (HÀ NỘI) - Ngày 18-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết tổ biên tập dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 đang khẩn trương lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ.
    Theo tinh thần chung, luật sửa đổi bổ sung sẽ được điều chỉnh theo hướng nhân văn, trong đó đề xuất bỏ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với 12 tội gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ, đưa hối lộ...

    Trả lờiXóa