Tiếng nói bất đồng trên mạng internet





Tăng Kim Yến trông không giống một nhân vật bất đồng chính kiến. Dáng người nhỏ bé, bụng chửa vượt mặt, chị hay ăn vận các bộ đồ màu sắc sặc sỡ.

Thế nhưng chỉ nguyên việc cơ quan an ninh Trung Quốc thường xuyên theo dõi căn hộ của vợ chồng chị cho thấy ảnh hưởng của chị như thế nào.

Người phụ nữ 24 tuổi này sử dụng mạng internet để phát tán ra bên ngoài các tài liệu nói về các cuộc biểu tình, các vụ bất công và các chiến dịch phản kháng trong lòng Trung Quốc.

Chị Tăng chỉ là một trong hàng chục ngàn người Trung Quốc bình thường, nay dùng mạng internet để bày tỏ quan điểm của bản thân thông qua những phương tiện mà trước kia không tồn tại.

Chị đã thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày của mình trên trang blog trong nhiều năm nay.

Người ta bắt đầu chú ý tới chị khi chồng chị là anh Hồ Giai bị bắt năm 2005.

Anh Hồ, một nhà vận động nhân quyền, bị cảnh sát bắt tới 41 ngày mà vợ anh không hề biết chồng mình ở đâu.

Khi thông tin về blog của chị Tăng được phổ biến, người ta bắt đầu liên lạc với chị để kể các câu chuyện tương tự xảy ra với chính họ và chị ghi lại các câu chuyện đó.

Chị nói: "Tôi muốn người ta biết rằng không chỉ có tôi và chồng tôi nằm trong hoàn cảnh như thế".

"Thực tế là tại Trung Quốc, nhiều người đang bị quản thúc tại gia, bị bắt một cách bất hợp pháp hoặc bị theo dõi suốt cả năm."

Các việc làm của chị Tăng dĩ nhiên đã khiến cho cơ quan an ninh Trung Quốc chú ý.

Blog của chị Tăng nay đã bị chặn ở Trung Quốc và mật vụ thường xuyên theo dõi nhà chị ở ngoại ô Bắc Kinh.

Đường nối mạng internet của chị thường xuyên bị cắt, thế nhưng chị vẫn tiếp tục gửi email ra ngoài và cập nhật blog cho những người còn truy cập được ở bên ngoài.

Phương tiện khác

Các nhà vận động dân chủ không phải là giới người Trung Quốc duy nhất sử dụng mạng internet để bày tỏ suy nghĩ của mình.

Tại Trung Quốc, mạng internet được sử dụng trong nhiều tầng lớp xã hội, và cũng vì nhiều mục đích khác nhau.

Các phòng chatroom trên mạng internet là những nơi gặp gỡ quan trọng, để người ta chia sẻ ý kiến, hay đơn thuần là các chuyện đùa.

Và các chuyện hài hước với nội dung chính trị nhằm vào giới có chức có quyền, vốn vắng bóng trên truyền thông Trung Quốc, có thể được tìm thấy trên internet.

Mới đây, trên mạng lưu truyền một bức ảnh một con cua nước ngọt trên càng và thân có đeo ba chiếc đồng hồ.

Trong tiếng Trung "cua nước sông" nghe từa tựa như "hòa hợp", từ khóa yêu thích của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Con cua cũng có thể được coi như biểu tượng của việc hà hiếp người khác.

Còn cụm từ "ba chiếc đồng hồ" trong tiếng Trung cũng có thể được đọc nghe từa tựa như "ba đại diện", chủ thuyết chính trị do cựu chủ tịch Giang Trạch Dân đề xướng.

Một số người dùng internet còn gợi ý dùng hình con cua này làm linh vật cho Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 17.

Kiểm duyệt

Ngay trước kỳ đại hội, sự kiện trọng đại nhất trên chính trường Trung Quốc, một số nhân vật trong đảng đã dùng internet để biểu lộ sự hy vọng của họ dành cho đại hội.

Internet cũng đôi khi được sử dụng làm công cụ để tổ chức việc gì đó.

Thí dụ khi giá đồ ăn tại một căng-tin trường đại học ở Quảng Châu tăng thì các sinh viên quyết định phản đối.

Họ dùng dịch vụ nhắn tin trên mạng để gọi nhau tham gia và kết quả là hai phần ba số sinh viên cùng phản đối việc tăng giá.

Rồi mới đây các bậc phụ huynh cho rằng con cái mình bị bắt cóc để lao động cưỡng bức tại các lò gạch cũng dùng mạng internet để kêu gọi giúp đỡ.

Tất nhiên nhà chức trách cố gắng tìm cách kiểm soát các thông tin mà họ cho là kêu gọi lật đổ ở trên mạng internet hay ở các nơi khác.

Các website nước ngoài có nội dung mà nhà cầm quyền không chấp nhận được đều bị chặn ở Trung Quốc. Họ cũng kiểm duyệt các website thông tin và người dân muốn vào internet cafe phải trình thẻ căn cước.

Thế nhưng kiểm soát mạng internet không phải chuyện dễ làm và trong khi người dân không có nhiều phương tiện và địa điểm để bàn luận công khai về những gì họ quan tâm thì ảnh hưởng của internet sẽ còn tăng nữa.

1 nhận xét:

  1. Thông tin hiện đại càng làm cho cuộc sống tốt hơn và làm cho ta có một cái nhìn đầy đủ hơn!
    Chúc câu lạc bộ có nhiều bài hay hơn nữa!

    Trả lờiXóa