Điếu văn trong tang lễ cụ Hoàng Minh Chính, LS Trần Lâm đọc




Những lời thương tiếc được LS Trần Lâm đọc ở HN sáng nay trong tang lễ cụ Hoàng Minh Chính

Kính thưa các cụ lão thành cách mạng !

Kính thưa các cụ các ông các bà, các anh chị cùng họ hàng gia quyến nội ngoại của cụ Hoàng Minh Chính !

Cụ Hoàng Minh Chính của chúng ta đã từ biệt cõi trần vào lúc 23 giờ 8 phút ngày 7 tháng 2 năm 2008 tại bệnh viện Hữu Nghị thọ 88 tuổi.

Hôm nay, tất cả chúng ta có mặt nơi đây để vĩnh biệt Cụ về cõi vĩnh hằng.

Biết rằng cuộc sống là vô thường, đời người chỉ có hạn, nhưng trong cảnh tử biệt sinh ly bao giờ cũng đem lại cho lòng người mối cảm thương vô hạn !

Cụ Hoàng Minh Chính tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920 tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cụ sinh ra trong một gia đình nhà giáo yêu nước, thân sinh của cụ làm Thừa Phái, con cái đều được đưa lên ăn học tại Hà Nội.

Cụ sớm giác ngộ cách mạng khi còn học ở trường Trung học Thăng Long, Cụ tham gia các hội hướng đạo sinh Scout, hội truyền bá quốc ngữ và tham gia Đoàn Thanh niên phản đế hoạt động bí mật tại Hà Nội như in truyền đơn, in báo phân phát cho cho các cơ sở cách mạng từ những năm 1936-1939.

Tháng 10 năm 1940 cụ bị chế độ thực dân Pháp bắt, đưa ra toà án binh xét xử 10 năm tù biệt xứ, 10 năm khổ sai. Tại nhà tù Sơn La, Cụ đã được cử làm đại diện đi đấu tranh với bọn cai ngục, và cụ đã cùng cụ Nguyễn Lương Bằng chữa bệnh tiêm thuốc cho tất cả các tù nhân.

Năm 1943, đế quốc Pháp chuyển tù nhân từ Sơn La về Hoả Lò để đưa đi Côn Đảo. Cụ đã cùng anh em tổ chức vượt ngục. Ra ngoài, Cụ đã bắt được liên lạc với tổ chức để tiếp tục hoạt động và sau đó tham gia Đại Hội Quốc Dân ở Tân Trào.

Cách mạng tháng Tám thành công, Cụ được giao nhiệm vụ vận động phong trào trí thức, làm tổng thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam, tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12/1946, Cụ tự nguyện xung phong chuyển sang mặt trận trực tiếp chiến đấu với đế quốc Pháp, Cụ đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp phân công phụ trách mặt trận sân bay Gia Lâm. Cụ đã tổ chức và lãnh đạo đội Quyết Tử Quân, tập kích nhiều trận vào sân bay Gia Lâm tiêu huỷ nhiều máy bay của địch. Trong một trận đánh, cụ bị thương nặng được anh em cõng ra điều trị tại trạm xá Vân Đình rồi chuyển vào Thanh Hoá. Đến nay vẫn còn di chứng tổn thương thần kinh, tê buốt một cánh tay đến tận cuối đời.

Năm 1947, Cụ trở lại công tác Bí thư Đảng Đoàn Trung Ương Đảng Dân Chủ kiêm tổng bí thư Đáng Dân chủ Việt Nam.

Năm 1948 Cụ được cử sang phụ trách Thanh vận Trung Ương, trực tiếp làm Bí thư Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cứu quốc, rồi làm Tổng Đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Việt Nam, Tổng thư ký Hội Liện Hiệp Thanh Niên Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến Cụ là người Việt Nam đầu tiên dẫn các đoàn đại biểu Thanh niên sinh viên Việt Nam đi dự các đại hội Festival Quốc tế. Cụ đã hoạt động rất sôi nổi, gây được nhiều cảm tình tốt đẹp của quốc tế đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.

Năm 1957, Cụ được Trung ương Đảng cử làm trưởng đoàn Cán bộ cao cấp của Trung ương sang học tại trường Đảng Cao cấp của Liên Xô.

Năm 1960, Cụ từ Liên Xô về nước, được giao nhiều trọng trách, nhưng cụ chỉ nhận làm nhiệm vụ về công tác lý luận, xây dựng Viện Triết học đầu tiên của Việt Nam, trực thuộc Uỷ Ban Khoa học Xã hội.

Công cuộc đổi mới ở Liên Xô (đại hội 20 Đảng Cộng sản LX) đã tạo ra một chấn động lớn, lan truyền đến tất cả các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cụ và một số cán bộ cao cấp của Đảng đã nhận thức ra đường lối đổi mới do Liên Xô khởi xướng và đề đạt với Đảng cần thiết phải sửa đổi để xây dựng đất nước tiến kịp trào lưu tiến hoá của nhân loại.

Cụ đã viết nhiều kiến nghị với Đảng, nhưng rồi cụ và những người đồng quan điểm đều bị kết tội là "Xét lại chống Đảng" và bị xử lý nghiêm khắc. Cụ đã bị 3 lần tù đầy, gần 20 năm trời giam giữ và quản chế. Đến nay, thực tế cuộc sống xã hội đã chứng minh những đề xuất của cụ là hoàn toàn đúng đắn.

Cụ đã nếm trải một cuộc đời gian khổ, nhưng cụ không hề kêu ca thắc mắc quyền lợi cá nhân, không bao giờ luồn cúi. Cụ luôn sống bình dị, lạc quan, sống có ý chí và mục tiêu phấn đấu, không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tiến bộ về mọi mặt của thế giới để đóng góp vào cuộc đấu tranh dân chủ hoá đất nước.

Trong những thời gian tù đày gian khổ cũng như sự khắc nghiệt của cuộc sống thời gian bao cấp, Cụ không nề hà mọi công việc chân tay cũng như trí óc để kiếm sống, không hề bi quan trước mọi thất bại. Phong cách sống của cụ được nhiều người cảm phục.

Bất kỳ ai, dù là những người đồng chính kiến hay bất đồng chính kiến, đều nể trọng quá khứ tham gia cách mạng của Cụ, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần say mê cống hiến, không sợ khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình. Cụ là người trung thực, thẳng thắn, tự trọng, cụ rất ghét sự dối trá, nịnh nọt, luồn cúi. Cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời, khi không còn cử động được nữa, cụ vẫn đau đáu lo cho việc xây dựng mầm mống cho công cuộc dân chủ hoá đất nước.

Đối với gia đình, Cụ là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, Cụ luôn chăm lo dạy dỗ trong việc học hành của các con, các cháu. Cụ thường xuyên động viên con cháu phải học giỏi, học không ngừng để có kiến thức đáp ứng được nhu cấu phục vụ Tổ Quốc. Cụ chăm lo cho cả phong trào khuyến học của quê hương.

Cụ đồng cảm và yêu thương anh em bè bạn cùng cảnh ngộ, Cụ đau xót nỗi đau của những người dân bị oan ức và hết lòng giúp đỡ mọi người.

Cụ luôn luôn mong muốn đoàn kết tất cả mọi người Việt Nam kể cả trong cũng như ngoài nước, đang cùng hướng về công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp, tự do, dân chủ và giàu mạnh.

Kính thưa quý vị,

Trái tim yêu nước, lòng tận tụy vì nhân dân của Cụ cũng như tất cả những gì mà cuộc đời Cụ đã trải qua rồi sẽ đi vào lịch sử. Cụ xứng đáng được ghi nhận một cách trang trọng trong lịch sử tộc Việt Nam. Hậu thế sẽ phán xét công bằng.

Cụ đã sống như một người chân chính.

Cụ đã thực hiện được lời của người xưa "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, nghĩa là giàu sang không sa đọa, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục.

Nguyện ước của Cụ vì Tự do dân chủ cho nhân dân sẽ sớm trở thành hiện thực bằng nỗ lực nối tiếp của những người còn ở lại.

Cụ mất đi, công cuộc dân chủ hoá Việt Nam đã thiếu đi một người anh cả bất khuất, những người dân oan ức thiếu đi sự tận tình giúp đỡ của nhà Cách mạng lão thành, thân hữu mất đi một người bạn chí tình, gia đình mất đi một người chồng, người cha, người ông hết mực yêu thương.

Hôm nay, vào thời khắc linh thiêng này, chúng ta cùng nhớ tới Cụ, tự hào vì Cụ.

Cầu mong linh hồn Cụ bình an siêu thoát cõi vĩnh hằng..

Xin vĩnh biệt Cụ !

Đề nghị tất cả các quý vị dành một phút mặc niệm !

Xin chân thành cảm ơn quý vị.

Hà Nội, ngày 16/2/2008

4 nhận xét:

  1. Viết bài cứ bị xóa hoài, nên ko nói gì nữa cả, chỉ trích thôi
    Ý kiến khen, "Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalal, trong một thông cáo báo chí ra hôm nay 15.02 đã tỏ lòng kính trọng ông Hoàng Minh Chính"
    Ý kiến chỉ trích :" "Ông Chính sai ở ba điểm cơ bản, thứ nhất, ông cho rằng vấn đề tôn giáo Cao Đài là đáng khích lệ, tức là ông kích động gây hận thù tôn giáo,"
    "Cái sai thứ hai của ông Chính là kích động vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên, và cái sai thứ ba là NGĂN CẢN VIỆT NAM VÀO WTO". (Xem thêm chú giải và nghe nội dung thu âm ở BBC)
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/
    2008/02/080215_havanthinh.shtml

    Trả lờiXóa
  2. Một số blog không cho phép post khác biệt quan điểm (đặc biệt blog của Nguyễn Tiến Trung) chưa phải đảng cầm quyền nhưng cũng độc tài phết. Nói ai!

    Trả lờiXóa
  3. Tiễn biệt người đi ,
    Người về ..
    Nơi ấy xa xăm
    Giật mình chợt tỉnh,
    Hoá… trăm năm rồi !
    Khói hương
    Nhè nhẹ
    Lên trời,
    Một đôi cánh hạc ,
    Ai người ..ra đi ?
    Hồng trần,
    Chắc chẳng tiếc chi,
    Loanh quanh ,mệt mỏi*
    Mấy khi an bình !
    Có chăng
    Chỉ một chút tình
    Gởi vào hy vọng
    Bình minh ,rạng dần ...
    Thế gian ,
    Ai tới một lần,
    Phải đâu đi dạo,
    Vườn xuân tháng ngày !
    Bây chừ,
    Theo cánh hạc bay,
    Phong phanh áo giấy ,
    Về tây khẽ khàng !
    Dẫu rằng ,
    Xuân mới
    Mơ màng,
    Con thuyền ly biệt ,
    Đã sang ngang rồi,
    Long vân ,phàm xác
    Nổi trôi **
    Phiêu diêu cực lạc
    Về nơi Thái bình !
    *rút ý bài hát :" Đã bao năm rồi ,còn mãi ra đi " (TCS)
    **Bến Long Vân ,tích Tây du ký.
    thingoc
    18.02.08

    Trả lờiXóa
  4. xin gửi lời chia buồn đến gia đình cụ Hoàng Minh Chính. Lịch sử sẽ ghi nhận những công lao của cụ với đất nước với phong trào dân chủ.

    Trả lờiXóa