Lễ trao giải Nhân quyền năm 2008

WESTMINSTER, California (NV).- Lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2008 đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) long trọng tổ chức tại Tòa Thị Chính, thành phố Westminster, California, vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 14-12-2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đánh dấu một bước tiến vô cùng quan trọng của cộng đồng nhân loại trong việc bảo vệ và đề cao quyền làm người khắp nơi trên thế giới.

Ðại diện MLNQVN có mặt tại buổi lễ gồm các vị: Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang (trưởng ban phối hợp), Luật Sư Lâm Lễ Trinh, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng và nhiều vị khác. Trong số hơn 200 khách tham dự, chúng tôi nhận thấy có Nghị Sĩ Tiểu Bang California Lou Correa, cô Lily Nguyễn, đại diện Văn Phòng Dân biểu Liên Bang Loretta Sanchez, cùng rất nhiều đại diện cơ quan, đoàn thể, đảng phái Nam California.

Trong diễn văn khai mạc, sau khi lược thuật lịch sử ra đời Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948, dẫn đến khai sinh bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền năm 1966, Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang đã nhấn mạnh đến sự vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và có hệ thống của chính quyền Hà Nội dù đã gia nhập vào một số tổ chức quốc tế. Ông nói:

“Sau khi Việt Nam được gia nhập tổ chức mậu dịch quốc tế WTO, nhân quyền đã không được cải tiến như Hà Nội hứa hẹn, mà trái lại còn trở nên tồi tệ hơn trước. Ðiển hình là việc đàn áp các tôn giáo, nhất là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và các giáo hội Tin Lành của người thiểu số vùng cao nguyên, bắt giam các nhà báo và những người sử dụng Internet, đàn áp các dân oan khiếu kiện đất đai v.v. Gần đây nhất đã xảy ra những vụ đàn áp các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội đã làm cho dư luận khắp nơi vô cùng phẫn nộ.”

Ðược biết, ngay trong năm 2008, nhằm kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, tại Việt Nam, 27 nhà dân chủ đã tố cáo nhà cầm quyền CSVN đàn áp và bắt giam những người yêu nước tham gia biểu tình bất bạo động hoặc tọa kháng phản đối Trung Cộng xâm lăng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Họ đòi Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, như nhà báo Ðiếu Cày, cô Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh, nhà giáo Vũ Hùng, nhà thơ Trần Ðức Thạch, kỹ sư Phạm Văn Trội, v.v...

Cũng trong dịp này, ngày 10-12-2008, tại Hoa Kỳ, 8 dân biểu, trong đó có 3 vị từ California, là các dân biểu Loretta Sanchez, Ed Royce và Zoe Lofgren, đã gởi thư yêu cầu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trả tự do cho nhà báo Ðiếu Cày và cô Phạm Thị Thanh Nghiên vì họ là hai nhân vật tiêu biểu cho những người đã bị đàn áp và bỏ tù chỉ vì họ đã lên tiếng đòi hỏi những quyền tự do căn bản như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang cho biết thêm:

“Trước tình hình đó, MLNQVN đã lên tiếng và có những hành động cụ thể như thỉnh cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC vì thiếu tự do tôn giáo. Ðồng thời, MLNQVN cũng kêu gọi Thượng Viện Hoa Kỳ sớm thông qua Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam do Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer đệ nạp ngày 1-10-2008.”

“Hôm nay, chúng ta làm lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và cũng là dịp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng Giải Nhân Quyền Năm 2008 đến hai nhân vật và một tổ chức tại Việt Nam đã được vinh danh vì những thành tích đấu tranh của họ, đó là thượng tọa Thích Thiện Minh, nhà báo Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, và bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận.”

Tiếp theo là bài phát biểu của bà Tiến Sĩ Mary Shuttleworth (sáng lập tổ chức Thanh Niên Nhân Quyền Quốc Tế tại Los Angeles). Bà cho biết, bà rất trân trọng giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam và rất ngưỡng mộ việc làm vô cùng ý nghĩa của MLNQVN trong nhiều năm qua. Ðồng thời, bà cũng gởi lời chúc mừng những người được giải năm nay.

Phần vinh danh và giới thiệu các cá nhân, tổ chức đoạt giải Nhân Quyền 2008 được các vị sau đây diễn đọc: Giáo Sư Nguyễn ngọc Bích (vinh danh bán nguyệt San Tự Do Ngôn Luận), bà Jackie Bông (vinh danh nhà báo Ðiếu Cày-Nguyễn Văn Hải) và Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng (vinh danh Thượng Tọa Thích Thiện Minh). Ðồng thời, các cá nhân và tổ chức đoạt giải cũng được lần lượt các vị Luật Sư Lâm Lễ Trinh, Cựu Ðại Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh và Mục Sư Trần Thanh Vân chính thức trao giải.

Cũng trong buổi lễ trao Giải Nhân Quyền 2008, Linh Mục Phêrô Phan Văn Lợi, từ Huế, Việt Nam, tổng biên tập bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, cũng gởi một audio bày tỏ cảm nghĩ khi bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận được nhận Giải Nhân Quyền năm nay. Ông nói:

“Hôm nay, đại diện ban biên tập, chúng tôi trước hết xin bày tỏ lòng tri ân của chúng tôi đối với Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vì vinh dự cao quý và bất ngờ này. Vinh dự này không phải chỉ ban cho nhóm biên tập viên chúng tôi mà còn ban cho cái tập thể rộng lớn đã cùng chung sức khai sáng, nuôi dưỡng, phổ biến cũng như thân thương đón nhận tờ báo, mà chúng tôi cũng muốn nhân dịp này bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến tất cả. Trước hết là Linh Mục Nguyễn Văn Lý, vị khởi xướng và đồng sáng lập, vốn đang ở tù cộng sản lần thứ tư và năm thứ 16. Tiếp đến là những tác giả trong lẫn ngoài nước đã sốt sắng gởi bài đăng hoặc cho phép chúng tôi đăng bài. Những cá nhân và tập thể đã hào hiệp ủng hộ tài chánh để tờ báo có thể tặng miễn phí hoàn toàn cho đồng bào quốc nội. Xin phép nêu vài tên tuổi tiêu biểu như Nhóm Lương Tâm Công Giáo mà hôm nay đã vui lòng thay mặt chúng tôi để nhận giải, như Khối 1706 và Khối 1906 v.v... Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn các chiến sĩ quốc nội, đặc biệt thuộc Khối 8406, trong đó một số đang ở tù, đã can đảm sao chụp và phổ biến tờ bán nguyệt san đi khắp cả nước, tới nhiều vùng. Xin cảm ơn các vị chuyên gia vi tính hải ngoại đã thiết kế trang mạng riêng cho tờ báo, các vị điều hành trang mạng đã lưu giữ tờ báo, nhiều cá nhân và tập thể đã in lại tờ báo tại Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Anh Quốc, Úc Châu để gây tinh thần yểm trợ cho quốc nội. Xin cảm ơn các thân hữu xa gần đã nhiệt thành phát tán tờ báo trên mạng khắp hải ngoại hay về lại trong nước. Xin cảm ơn các độc giả, đặc biệt các độc giả quốc nội là những người chẳng những đã đọc tờ báo với lòng thích thú mến chuộng mà còn với lòng dũng cảm.”

Phát biểu tại buổi lễ, Nghị Sĩ Lou Correa cho biết, ông rất cảm động khi nghe những lời phát biểu của Linh Mục Phan Văn lợi. Ðồng thời, ông hứa rằng ngày nào còn tại chức, ông sẽ luôn sát cánh với cộng đồng người Việt hải ngoại tiếp tục tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Có vài việc gây ngạc nhiên và vui mừng cho MLNQVN và người tham dự, đó là một vị ẩn danh đã tặng $5,000 dùng cho giải Nhân Quyền năm 2009. Ông Ðặng Hoàng Hà, từ Philadelphia đã gọi thiện thoại về chúc mừng MLNQVN nhân dịp trao giải đồng thời ông cho biết, ông đã mua bảo hiểm nhân thọ với số tiền là $35,000. Ông nói:

“Sau khi tôi chết, tất cả số tiền trên tôi tặng lại cho ‘Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam’... Số tiền này để dùng vào mục đích duy nhất là làm giải thưởng một lần cho những tôn giáo, tổ chức, hội đoàn và cá nhân đang ở trong nước có những đóng góp tích cực và hữu hiệu cho dân tộc Việt Nam sớm có Dân Chủ và Nhân Quyền. Ðó là ước nguyện lớn nhất của tôi.”

Chúng tôi cũng được gặp cô Nguyễn Thị Thu Hồng, người từ Việt nam sang Hoa Kỳ du lịch, tại buổi lễ. Cô không ngần ngại cho chúng tôi biết cảm nghĩ của cô về các nhà đấu tranh dân chủ trong nước. Qua Internet, cô thường theo dõi và thực sự cảm phục tinh thần bất khuất và việc làm của nhà báo tự do Ðiếu Cày, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê thị Công Nhân... Họ đấu tranh dưới chế độ tàn bạo như vậy thì chỉ thiệt hại cho bản thân họ thôi, nhưng họ vẫn đứng lên đấu tranh, nên em cảm phục.”

“Sinh viên, giới trẻ Việt Nam muốn làm cái gì đó, trước đây họ rất sợ nhưng bây giờ họ bạo dạn hơn. Em đã từng tham gia những buồi biểu tình chống Trung Cộng, theo dõi vụ xử các nhà báo, nhà dân chủ.”

“Khi qua đây du lịch, em vẫn theo dõi tin tức trên Intenet nên biết có buổi lễ này. Em đến đây tham dự để ủng hộ tinh thần những người được giải và những người đang đấu tranh trong nước. Em thấy rằng họ không đơn độc vì được sự ủng hộ của đồng bảo hải ngoại, và đây là một buổi lễ rất ý nghĩa đối với em.”

Nguồn: Nguoi Viet Online

1 nhận xét:

  1. Một việc làm đúng đắn để ghi nhận những việc mà Điếu Cày đã làm cho đất nước này

    Trả lờiXóa