Hà Nội (NV) - Hôm 22 tháng 12, tám giáo dân Thái Hà là “bị cáo” trong phiên xử vụ án “gây rối trật tự công cộng” và “hủy hoại tải sản”, diễn ra ngày 8 tháng 12, đã cùng ký tên vào một lá thư, yêu cầu VTV1 (Ðài Truyền hình Việt Nam) và báo Hà Nội Mới đính chính về việc đã đưa tin sai sự thật.
Tuy trong phiên xử, cả tám “bị cáo” cùng khẳng định với hội đồng xét xử rằng họ không sai khi tham gia đọc kinh cầu nguyện, đòi lại tài sản của nhà thờ Thái Hà nhưng khi đưa tin, cả VTV1 lẫn Hà Nội Mới cùng cho rằng họ đã “cúi đầu nhận tội để được khoan hồng”.
Trả lời đài RFA, một trong tám “bị cáo” là ông Nguyễn Ðắc Hùng, tái khẳng định: “Hôm đó, tất cả chúng tôi không ai cúi đầu nhưng đài truyền hình và báo chí lại bịa đặt chúng tôi 'cúi đầu nhận tội và xin hưởng sự khoan hồng'. Chúng tôi đã yêu cầu đính chính nhưng không biết nhà nước có chấp nhận sự thật hay không”.
Một “bị cáo” khác, bà Nguyễn Thị Việt cho biết thêm: “Chúng tôi có quyền bắt họ cải chính. Nếu họ không cải chính thì chúng tôi kiện họ. Chúng tôi không cúi đầu nhận tội vì chúng tôi không có tội.”
Ông Phạm Chí Năng cả quyết: “Báo, đài là của nhà nước nên họ có quyền thông tin không đúng sự thật nhưng chúng tôi nhất định đòi cho được sự thật. Tôi mong những cơ quan truyền thông hãy nói sự thật và công bằng. Ðó là chuyện không đáng nhưng chính quyền xé cho to”.
Luật Sư Lê Trần Luật, người đã biện hộ cho tám giáo dân là “bị cáo” trong vụ Thái Hà giải thích: “Các giáo dân cho rằng, việc báo Hà Nội Mới, VTV1 bảo họ cúi đầu nhận tội là xúc phạm đến danh dự của họ, họ yêu cầu cải chính. Không cải chính họ sẽ kiện. Tôi cho rằng hành động như thế là rất lịch sự và rất tôn trọng pháp luật.”
Luật sư này nhận định rằng: Việc đưa tin sai sự thật, trước hết có thể vì chính quyền muốn biện minh với dư luận. Họ muốn dư luận thấy rằng, các giáo dân đã cúi đầu nhận tội thì có nghĩa là tiến trình xử lý vụ Thái Hà của nhà nước hoàn toàn chính xác. Chính quyền muốn tranh thủ dư luận, muốn tranh thủ niềm tin trong một cuộc khủng hoảng niềm tin mà chính quyền đã bị mất. Họ đã hành xử quá sai trái. Ðể biện minh cho hành động sai trái này, chính quyền chỉ có một mục tiêu là làm sao cho giáo dân nhận họ có tôi nhưng không đạt được mục đích này.”
Trong thực tế, có khá nhiều cơ quan truyền thông đưa tin các “bị cáo” trong vụ Thái Hà “cúi đầu nhận tội và xin hưởng sự khoan hồng” nhưng tám “bị cáo” chỉ yêu cầu VTV1 và báo Hà Nội Mới cải chính vì hai cơ quan này có trụ sở chính tại Hà Nội. Theo các nạn nhân, trong vòng một tuần, hai cơ quan truyền thông này không đính chính, họ sẽ khởi kiện cả hai để đòi bồi thường danh dự...
Bản án của vụ án “gây rối trật tự công cộng” và “hủy hoại tải sản” Tòa án CSVN đã tuyên đối với tám giáo dân trong vụ Thái Hà cho thấy, chính quyền CSVN đã buộc phải thoái bộ để diễn biến không xấu hơn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nếu xử phạt tám giáo dân có liên quan đến vụ cầu nguyện đòi lại đất ở Thái Hà theo hướng “răn đe” sẽ khiến tình hình vượt khỏi khả năng kiểm soát của chính quyền CSVN.
Từ sáng sớm ngày 8 tháng 12, hàng ngàn giáo dân đã đổ về trụ sở UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Ðống Ða để phản đối vụ xét xử đồng đạo của họ. Những giáo dân này đeo ảnh “Nữ Vương Công Lý” trên ngực, tay cầm lá thiên tuế (biểu tượng tôn vinh những tiền nhân tử đạo), giương cao các khẩu hiệu: “Chúa ở cùng anh chị em”, “Chúng tôi yêu mến anh chị em”, “Anh chị em vô tội”, “Mẹ tôi vô tội”, “Chồng tôi vô tội”, thậm chí “Chúng tôi muốn đi tù thay anh chị em”,... đã vây kín khu vực có phòng xử. Tuy không thể tiếp cận khu vực có phòng xử song hàng ngàn giáo dân cùng với các tu sĩ, giáo sĩ Công Giáo đã kiên nhẫn chờ suốt từ sáng sớm đến hết giờ làm việc buổi chiều để chờ kết quả xét xử. Trong thời gian chờ đợi, họ đồng thanh đọc kinh, cầu nguyện, hát thánh ca, giương cao lá thiên tuế và khẩu hiệu trong vòng vây của đủ loại cảnh sát, an ninh. Chính quyền CSVN đã kéo hàng rào kẽm gai, hàng rào sắt, dùng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng cháy-chữa cháy, cảnh khuyển, an ninh,... kèm theo các phương tiện như: máy dò vũ khí, xe chuyên dụng chống bạo động, xe vòi rồng,... phong toả toàn bộ khu vực, dù trước đó đã từng tuyên bố sẽ “xét xử công khai”.
Tuy hệ thống truyền thông của CSVN dẫn nhận định của công an, viện kiểm sát, tòa án cho rằng “hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc” vì “tụ tập, cầu nguyện không đúng nơi quy định, cùng nhiều người đánh cồng chiêng, dùng loa phóng thanh cầu kinh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của khu dân cư; trật tự giao thông, gây bất bình cho dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các giáo dân thực hiện nghiêm túc 'tốt đời, đẹp đạo'. Việc làm của các bị cáo là nhằm gây áp lực đối với chính quyền” nhưng cuối cùng tòa án CSVN chỉ tuyên phạt: Bà Nguyễn Thị Nhi, 46 tuổi, 15 tháng tù vì “gây rối trật tự công cộng” nhưng “cho hưởng án treo”. Bà Ngô Thị Dung, 54 tuổi bị phạt 7 tháng tù vì tội “hủy hoại tài sản”, 6 tháng tù vì tội “gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt là 13 tháng tù nhưng cũng “được hưởng án treo”. Do cả hai bà không được tại ngoại nên họ được trả tự do ngay tại tòa.
Sáu bị cáo còn lại, bà Nguyễn Thị Việt, 59 tuổi, bị phạt 6 tháng tù vì tội “hủy hoại tài sản”, 6 tháng tù vì tội “gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt là 12 tháng tù nhưng “được hưởng án treo”. Ông Lê Quang Kiện, 63 tuổi, bị phạt 7 tháng tù vì tội “hủy hoại tài sản”, 6 tháng tù vì tội “gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt là 13 tháng tù và cũng “được hưởng án treo”.
Các ông bà: Lê Thị Hợi, 62 tuổi; Phạm Chí Năng, 50 tuổi; Nguyễn Ðắc Hùng, 31 tuổi cùng bị phạt “cải tạo không giam giữ” trong 12 tháng. Anh Thái Thanh Hải, 20 tuổi, chỉ bị “cảnh cáo”.
Chiều 8 tháng 12, chuông nhà thờ Thái Hà đã ngân dài, hàng ngàn người đã đổ về đó, miệng hô vang những từ như: “Công lý”, “Trắng án”, “Vô tội”,... một thánh lễ tạ ơn đã diễn ra ngay sau đó và rất nhiều người đã khóc.
Dù chỉ bị phạt có tính chất tượng trưng song cả tám đều đã nộp đơn kháng cáo. Họ yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố họ vô tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét