Ngày 10/12, Liên Hiệp Quốc kỷ niệm ngày thông qua Tuyên ngôn nhân quyền sau Thế chiến II, vốn được nêu lại trong hiến pháp và luật pháp của hơn 90 nước trên thế giới.
Ông Phan Thanh Hải, thành viên câu lạc bộ nhà báo tự do ở TP HCM, cho rằng nhân quyền ở Việt Nam “hiện rất tồi tệ dù quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc đã được nêu trong tuyên ngôn độc lập”.
Ông Hải nói nhân quyền là “mục tiêu của nhân loại nói chung, nhưng vẫn là một từ nhạy cảm ở Việt Nam”.
“Báo chí xưa nay luôn cho rằng nhân quyền bị các nước phương Tây, nhất là Mỹ, lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”.
“Người ta ngại nói đến nó vì sợ nhà nước và sợ bị chụp mũ những luận điệu chính trị”.
Trái với ý kiến của ông Hải, ông Nguyễn Đăng Dung, một chuyên gia nghiên cứu về nhân quyền, nói “nhân quyền là quyền con người thì có gì mà nhạy cảm”.
Giá trị chung
“Đương nhiên cũng có chỗ nọ chỗ kia vi phạm, nhưng nước nào cũng vậy thôi”.
Thời gian qua, nhiều nước phương Tây chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, nhất là trong việc bắt giữ những người họ cho là nói lên tiếng nói bất đồng.
Ông Dung cho rằng vẫn còn có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau về tình hình ở Việt Nam bởi lẽ “nhân quyền còn kèm theo vấn đề dân chủ, kinh tế và văn hóa”.
“Nhân quyền là giá trị chung mà nhà nước nào cũng phải phấn đấu, kể cả Mỹ, Trung Quốc hay Việt Nam”.
Tuyên bố nhân quyền 30 điểm của Liên Hiệp Quốc, được thông qua năm 1948, nhấn mạnh quyền và tự do của người dân trên khắp thế giới.
Nhân ngày này, hàng trăm luật sư, nhà văn, nghệ sĩ và học giả Trung Hoa đã ra tuyên bố trên mạng, kêu gọi tự do hơn và cải cách dân chủ ở Trung Quốc.
Theo AP, hàng chục người khác hôm 10/12 đã tụ tập bên ngoài Bộ Ngoại giao Trung Quốc để phản đối tình trạng bất công ở nông thôn.
Nguồn: BBC Vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét