Cuộc diễu hành sau phiên xử
Phiên toà sơ thẩm xử 8 giáo dân Thái Hà đã kết thúc, các bị cáo nhận những bản án treo, cải tạo không giam giữ và cảnh cáo. Bản án đã tuyên, những người dân vô tội đã về với gia đình. Thế nhưng chuyện đến đó là đã hết hay chưa? Nhiều suy nghĩ, ưu tư sau một phiên toà để lại cho mỗi người chúng ta một cách nghĩ khác nhau.
Phiên toà công phu khẩn trương và tốn kém - rất nghiêm trọng?
Sau những gì hệ thống chính quyền và các cơ quan pháp luật đã làm với mấy nạn nhân Thái Hà như kết tội trên báo chí, trên truyền hình, bắt họ như bắt tội phạm nguy hiểm. Cáo trạng viết đi viết lại mấy lần. Toà chưa xử đã cho rằng bỏ lọt tội phạm điều tra lại… diễn ra nhanh không ngờ. Phiên toà “công khai” được mở tận tầng 4 của UBND phường, những người tham dự phiên toà công khai phải có giấy phép, những người thân thích không được dự toà vì “hội trường không đủ chỗ”…
Báo chí đã nói về “vụ án” này quá nhiều, có lẽ cũng không kém vụ án công an Vũ Xuân Trường buôn ma tuý là mấy. Vì vậy, nhiều người dân đã nghĩ: “Vụ này, mấy tay giáo dân ấy không què thì cũng bị thương, được các cơ quan quan tâm thế là hoạ đến nhà rồi. Mọt xác là cái chắc dù có tội thật hay không”.
Chưa hết, trước khi xử một vài ngày (dù đã lùi lại mất mấy ngày so với kế hoạch để… “sửa chữa”) cả hệ thống công an, công quyền phải chạy đôn chạy đáo thông báo cho các phường, tổ dân phố “Đề nghị ND không đến đó. Không được tụ tập đông người bất luận chỗ nào”… phải di chuyển bao nhiêu rào sắt ngăn chặn các ngõ phố, chốt chặn các đầu đường… để xử cho yên tâm.
Ngày xử, hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát tôn giáo, cảnh sát điều tra thành phố, phường, quận… đày đặc bủa vây khu vực xử án. Người dân Thái Hà, Hoàng Cầu bảo nhau “nếu đợt lụt lội tháng trước, được lực lượng này đến để giúp đỡ thì phúc đức cho dân biết mấy, chắc sẽ không có đến mấy chục mạng ra đi oan uổng. Và chắc khi thấy họ, dân sẽ chạy đến ôm mà hôn, đâu có thái độ như bây giờ. Chẳng lẽ nhiệm vụ của đám này chỉ là để trấn áp nhân dân mà thôi?”!
Hệ thống máy móc dày đặc, tối tân, máy dò vũ khí, roi điện, dùi cui, bình xịt hơi cay… được trang bị không thiếu một thứ gì như chuẩn bị cho một cuộc chống khủng bố quốc tế.
Đường Hoàng Cầu, nơi có UBND phường dùng xử án vốn có nhiều ngõ ngách, bờ hồ rộng và thoáng. Nhiều người nghĩ ừ thì họ đưa ra đó xử công khai cũng được, thoáng và có chỗ cho dân xem xét xử như thế nào? Vậy nhưng tất cả đã nhầm lẫn. Toà không có bất cứ một tiếng vọng nào được lọt ra ngoài, không một chiếc loa hay màn hình cho dân chúng.
Đứng trước cửa khu vực xử án, tôi nói đùa với một công an rằng: “Xử tám giáo dân tay không, đập mấy hòn gạch mà huy động cả hệ thống tối tân như như sắp xử tội phạm chiến tranh nguy hiểm. Nếu Mỹ bắt được Bin Laden thì chắc phải sang Việt Nam học Quận Đống Đa cách bảo vệ?”. Tôi chưa bao giờ đi dự toà. Giờ nhìn cách bố trí bảo vệ phiên toà mấy cục gạch này, tôi không hiểu tại sao ở VN lại có phiên toà mà người nhà bị cáo xông vào đánh quan toà chạy tán loạn được.
Một người dân chép miệng: “Vẽ chuyện, ngân sách – tiền dân lại chi đấy chứ ai. Mấy ông bà giáo dân xưa nay vẫn hiền hoà, cả năm nay dù bị đánh, bị xịt hơi cay có bao giờ làm gì bạo động đâu mà vẽ lắm thế? Khốn khổ cái thằng dân”. Tôi đùa: “Bà này lại mất cảnh giác cách mạng rồi, biết đâu bọn xấu nó lẫn lộn trong đấy phá hoại, gây rối thì sao?”. Được lời như cởi tấm lòng, bà làm luôn một tràng như chưa bao giờ được xả: “Chú bảo ai gây rối? Chỉ có đám công an đứng chung với bọn thanh niên tình nguyện gào thét, đánh các cha, nhổ nước bọt chửi bới và xịt hơi cay chứ giáo dân tôi thì hoàn toàn không thèm chơi bài bẩn thỉu hèn hạ cắn trộm ban đêm đấy đâu nhé. Làm gì thì cũng làm cho đàng hoàng mới đáng tư cách con người, nhất là những thằng cán bộ như chú”.
Thật chẳng dại nào giống dại nào, thì ra bà ấy tưởng tôi là cán bộ ở đó, tôi vội đánh bài chuồn.
Trấn áp được lòng yêu nước của nhân dân, không đè bẹp được tinh thần của các tín hữu.
Vụ xử này để lại một chi tiết mà các cán bộ chính quyền cũng như công an hay các ban ngành liên quan cần suy nghĩ.
Cả tuần trước, khi được tin Trung Quốc đã có kế hoạch xâm chiếm biển đông của Việt Nam bằng kế hoạch khai thác dầu khí 30 tỷ đô la. Trên mạng có nhiều thông tin kêu gọi biểu tình tỏ lòng yêu nước khá công phu và rầm rộ vào ngày 6/12/2008.
Chiều hôm kia, lên mạng đọc blog của một vài người mới thấy ảm đạm thay cho lòng yêu nước hiện nay. Một bloger thuật lại rằng khi đến đó, chỉ có một nhóm 6 nam và một nữ với hàng mấy chục công an. Bó tay và chán nản, anh ta chạy về lên blog than phiền về tinh thần yêu nước của họ.
Vậy là qua mấy cuộc biểu tình bất thành vì bị trấn áp, thanh niên và nhân dân đã không mặn mà với việc đến để bị trấn áp nữa. Nhà nước đã thành công trong việc trấn áp biểu thị lòng yêu nước của người dân.
Nhưng sáng nay, khi thấy đoàn người nườm nượp kéo về Thái Hà và đi dự toà, chắc những người có tí đầu óc không thể bỏ qua mà không suy nghĩ. Dòng người tuốn về từ muôn phương, xa gần đều có mặt, đến từ sáng sớm đưa các nạn nhân đến toà. Các nạn nhân ra trước vành móng ngựa trong trang phục đẹp nhất: Nữ áo dài đỏ, nam comple thắt cà vạt. Ánh mắt đỏ hoe của các tín hữu bên những ánh mắt rạng rỡ của các nạn nhân đã là điều lạ.
Những tín hữu đến từ khắp nơi này đã từng nếm mùi hơi cay, roi điện, nay lại nhìn thấy tận nơi cách bố trí “hoành tráng” của nhà nước trong phiên toà xử nhân dân này, thì lẽ thường ai chẳng chạy “mất dép”? Nhưng ngược lại, họ vẫn bất chấp tất cả, không kể nắng nôi, khó khăn và vất vả nguy hiểm. Họ cũng không ngại những ống kính của công an cứ nhằm mặt họ mà quay, mà chụp như đe doạ. Họ vẫn đến để ngồi cả ngày chờ xem cổ vũ cho những tín hữu họ chưa quen, thậm chí có người còn chưa biết mặt. Đó là điều lạ lùng hơn.
Tôi nói với một cán bộ công an: “Những người này mới đúng là tự giác khác với những người dân tự phát hôm đến phá Đền Giêrađô hôm trước anh nhỉ?”. Cán bộ công an này trả lời “Hôm đó cũng là đoàn thanh niên, phụ nữ và quần chúng tự phát đấy chứ”. Tôi cười bảo: “Chính ông Phạm Quang Nghị đã nói dân bây giờ khác dân ngày xưa, ỷ lại nhà nước lắm chứ không tự giác đấy thôi? Khi lụt lội ngập nhà, chết người của nhà họ mà họ còn không tự giác, lấy đâu ra đám đi phá nhà người khác và hò hét gây rối ban đêm thế hả ông? Thử không thuê tiền, họ đâu thừa thời gian đi hò hét cả đêm, đâu dư sức đi phá nhà người khác? Nhưng ở đây ông thấy đấy, họ chẳng có tiền, cũng chẳng được gì cả ngoài sự nguy hiểm, vậy mà họ vẫn đến, thế mới là tự giác chứ”.
Nhiều chi tiết khá vui bên ngoài phòng xử án. Khi những tín hữu hát bài hát “Kinh Hoà bình” nhiều chiến sỹ cảnh sát cơ động còn lẩm nhẩm hát theo và nhịp tay, nhịp chân rất đúng điệu. Nhiều người ngạc nhiên, nhưng thật ra, các chiến sĩ này chắc đã từng túc trực Thái Hà một thời gian không ít nên thuộc lòng. Cũng có những chiến sĩ cười rất tươi với các em đến dự toà ngoài khoảng không này. Cuộc sống trong gian nan vẫn có những niềm vui nho nhỏ.
Như vậy, bạo lực và trấn áp, lực lượng cảnh sát dày đặc cũng đã không đè bẹp được tinh thần hiệp thông đồng trách nhiệm của các tín hữu công giáo. Thật kiên cường và bất khuất. Hàng ngàn nhành lá Thiên tuế vẫy chào đón các nạn nhân khi đi vào toà. Những bó hoa đẹp nhất và tươi nhất đã dành cho họ khi ra khỏi toà dù chưa biết sẽ bị kết án thế nào. Sự khẳng định họ đã vượt qua sợ hãi, vượt qua gian nan để nối kết với nhau nên một là điều không thể bàn cãi.
Cũng thú vị ở điều này, những hành động nhục mạ, bêu riếu những ngày qua của hệ thống loa phường đến truyền hình nhà nước đã không có tác dụng làm cho giáo nhụt chí như mong muốn. Ngược lại, biến cố Thái Hà đã làm cả khối người từ muôn nơi kết lại và gắn bó với nhau hơn. Chưa có lúc nào, những tín hữu công giáo thấy thân ái và đoàn kết như những lúc này.
Phiên toà đầu voi, đuôi chuột… nhắt
Những tưởng vụ án “nghiêm trọng” vì hậu quả là mấy viên gạch cũ này được chuẩn bị công phu và tốn kém, mệt nhọc cả hệ thống này sẽ bị tuyên án tử hình cũng nên. Nhưng đến khi toà đã tuyên một bản án nhẹ nhàng và “ngọt ngào” nữa, nếu những người này thực sự có tội.
Luật sư Lê Trần Luật cho biết:
Vui nhất là khi toà ra một câu hỏi “Viện kiểm sát đề nghị mức án nhẹ nhàng như vậy, nghĩa là không bị giam giữ, vậy các bị cáo thấy thế nào”? Lẽ thường, với những bị cáo của nhà nước, khi nhận được bản án đơn giản thế, biết mình sẽ được về nhà và chấm dứt những ngày bị giam cầm khổ sở đa số sẽ bằng lòng mà vui mừng nói lời cảm ơn. Lời đề nghị một bản án nhẹ nhàng như một miếng mồi ngon để mong nhận được từ các giáo dân nạn nhân một lời cảm ơn và yên phận. Nhưng Toà đã nhầm, tất cả đều không chấp nhận và kêu oan, họ không chấp nhận bản án mà Toà đã cố tình đặt ra cho có. Vì sao vậy? Dù bản án đối với họ coi như không có, nhưng họ đã không chấp nhận. Họ đã xác quyết rằng việc đập hàng rào là hoàn toàn xác đáng vì đã xây bất hợp pháp trên đất của cha ông họ, của nhà thờ. Bà Việt, khi được hỏi là việc đập tường có vi phạm pháp luật không, đã hỏi lại toà: “Nếu tôi đưa gạch đến nhà ông để xây và ông đập đi thì có gọi là vi phạm pháp luật không”?
Truyền thông nhà nước - lại ma đưa lối quỷ dẫn đường
Tối 8/12, trên TH Hà Nội và VTV, cũng như các báo Hà Nội mới, Vietnamnet… có đăng bài về phiên toà này. Vẫn là câu chuyện “Ma đưa lối quỷ dẫn đường/Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi” (Kiều – Nguyễn Du), tại các bản tin vẫn là luận điệu dối trá “các bị cáo đã cúi đầu nhận tội”. Luật sư Lê Trần Luật khi nghe đã phải thốt lên: “Làm gì có chuyện nhận tội”. Một blogger viết: “Chả trách có người ghét nhà báo vì hay nói sai sự thật”. Còn tôi, tôi nghĩ rằng, không chỉ là có người mà là rất nhiều người, nếu vẫn có những người muốn nghe sự thật.
Trên tờ Vietnamnet, PV Tuyết Nhung đã hành nghề kiểu “bán miệng nuôi trôn” bằng những lời lẽ hết sức ngớ ngẩn và ngu xuẩn: “Các bị cáo đã nhiều lần tập trung rất đông người, có lúc lên đến 1.000 người ở khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng” – mặc dù ở đây chỉ có 8 bị cáo, và cáo trạng không hề có một dòng nào nói về việc họ tập trung ai cả.
Trên tờ Hà nội mới viết: “Tại phiên tòa, các bị cáo đều đã cúi đầu nhận tội, thừa nhận mình đã có các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật”. Trong khi Vietnamnet viết: “Tại phiên tòa, nhiều bị cáo vẫn ngoan cố chối tội”. Còn VNExpress viết: “Trước tòa, các bị cáo thừa nhận có hành vi đập phá tường, cùng nhiều người tập trung cầu nguyện nhưng khẳng định họ không gây ồn ào, không gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản”.
Quả thật, cha ông đã dạy rằng: “Nói dối hay cùng”.
Hệ thống truyền thông nhà nước đã tự vả vào mặt nhau đôm đốp!
Có lẽ cũng cần phải kết thúc câu chuyện này bằng một câu ngay trên Vietnamnet: “Một số phần tử quá khích đã lợi dụng tình hình xuyên tạc sự thật, gây chia rẽ, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc”.
Vấn đề là ai đã lợi dụng tình hình giáo dân thấp cổ bé họng, không có tiếng nói để xuyên tạc sự thật gây chia rẽ, kỳ thị tôn giáo, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc thì cần phải xác định rõ ràng và cần phải xử lý nghiêm?
Hà Nội, ngày lễ Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, 8/12/2008
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét