Họp ở Bắc Kinh nhìn lại Thiên An Môn - 1989




Năm nay đánh dấu 20 năm ngày xảy ra biến cố Thiên An Môn

Một cuộc gặp hiếm có về chủ đề Thiên An Môn 1989 đã diễn ra tại Bắc Kinh, với sự tham dự của nhiều giáo sư và trí thức có tiếng.

Biến cố Thiên An Môn 1989, dẫn đến cái chết của nhiều người sau khi xe tăng tiến vào thủ đô, vẫn là chủ đề cấm kỵ tại nước này.

Nhưng hôm 10.5, ngay tại Bắc Kinh, khoảng 19 người đã làm một hội thảo mà theo họ là để phá vỡ sự im lặng của giới trí thức trong nước về phong trào 04/06.

Phá bỏ im lặng

Giải thích về cuộc gặp, giáo sư nổi tiếng, Tiền Lý Quần, nói nó xuất phát từ "lương tâm người thầy".

"20 năm trước nhiều sinh viên bỏ mình vì dân chủ. Chúng tôi, là những người thầy của các em, đã không thể bảo vệ các em và chúng tôi đã sống với tội lỗi đó."

Ông nói tiếp: "Nếu chúng ta không nói ra bây giờ, chúng ta không xứng đáng danh hiệu giáo viên. Thứ hai, đây cũng là lời kêu gọi công lý từ lương tâm người trí thức."

Ông Tiền Lý Quần, trong bài mang đến hội thảo, nói hệ thống chính trị "cần khuyến khích sự tham gia của nhân dân dựa trên giá trị dân chủ gồm cả năm quyền tự do đã ghi trong hiến pháp".

Không rõ đã có bao nhiêu người chết trong vụ đàn áp ở Thiên An Môn

Ông cảnh báo loại cải cách đặt quyền kiểm soát vào đảng và nhà nước "chỉ phục vụ quyền lợi của thống trị độc đảng và sẽ tạo ra khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội và đạo đức".

Học giả Thôi Vệ Bình thổ lộ sự im lặng tập thể 20 năm qua đã tác động xấu đến đạo đức xã hội.

"Đâu là tác động tiêu cực lên xã hội vì sự im lặng của chúng ta trong 20 năm qua? Sự im lặng đó đã làm hại gì cho tinh thần và đạo đức dân tộc?"

Ông nói tiếp: "Ngay cả nếu chúng ta không trực tiếp gây ra tội ác đẫm máu 20 năm trước, việc chúng ta im lặng ngần ấy năm cũng khiến chúng ta thành kẻ đồng lõa."

Triết gia Từ Hữu Ngư, người ký vào Hiến chương 08 đòi hỏi tự do ở Trung Quốc, nói sự biến 04/06/1989 đã hủy hoại niềm tin của dân chúng.

"Người dân xem giới cầm quyền là bậc cha mẹ độc tài bướng bỉnh, nhưng không thể tưởng tượng họ sẽ giết con cháu mình. Khi hình ảnh gia đình tan nát và chính phủ đối xử với dân như kẻ thù, nhân dân sẽ đáp lại y như thế."

Trương Bác Thụ, từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói tư duy kẻ thù là đặc trưng cho văn hóa chính trị độc đoán.

"Sự đàn áp phong trào yêu nước 1989 là kết quả của tư duy kẻ thù đó. Nó xem mọi chỉ trích quyền lực đều là ‘âm mưu'...Thứ tư duy này của Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo cộng sản khác là sự bắt đầu của mọi điều sai trái trong lịch sử."

Hầu hết những người tham dự buổi gặp mặt là những trí thức có tiếng, mang tư tưởng tự do ở Trung Quốc.

Việc một cuộc gặp mặt như thế diễn ra được cho thấy sự phức tạp đa dạng của xã hội Trung Quốc ngày nay, cho dù Đảng Cộng sản vẫn duy trì kiểm soát tư tưởng chặt chẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét