Việt Nam trước diễn đàn nhân quyền




Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã nghe trình bày của đoàn Việt Nam chiều 08/05/2009

Báo cáo của Việt Nam về nhân quyền trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại Geneva có nhiều điểm tự phê và các cam kết cải tổ nhưng cũng nói đến các mối đe dọa và hoạt động thù địch.

Chiều nay, giờ châu Âu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đại diện Việt Nam trình bày bản phúc trình nhân quyền trước một diễn đàn 47 quốc gia của LHQ.

Sự kiện diễn ra trong cuộc điều tra chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ với tất cả các quốc gia thành viên.

Báo cáo của đoàn Việt Nam được truyền trực tiếp trên mạng Internet từ lúc 02:30 chiều này giờ Thuỵ Sĩ thừa nhận có những điều chưa đạt được nhưng nêu cao cam kết cải tổ.

Báo cáo của Việt Nam nói chất lượng của việc thực hiện pháp luật còn thấp nhưng hứa rằng việc thực hiện các tiêu chí nhân quyền quốc tế là ưu tiên của chính quyền.

Thậm chí, qua bản đọc tiếng Anh của ông Phạm Bình Minh, chính quyền Việt Nam thừa nhận trong các quan chức nhà nước còn có hiện tượng "nhận thức về nhân quyền" ở một số người còn "hạn chế".

Nhưng như thường lệ, Việt Nam đưa ra cách nhìn nhân quyền trong quan hệ gắn kết với các quyền kinh tế xã hội để nói rằng chính phủ sẽ tiếp tục chính sách xóa đói giảm nghèo, cải tổ hành chính và hệ thống tư pháp.

Bản phúc trình cũng nói Việt Nam đã và đang đưa ra các biện pháp cụ thể để nâng cao, đẩy mạnh cơ chế đảm bảo dân chủ và nhân quyền theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo dõi việc trình bày báo cáo thì không có điểm nào nói lên sự khác biệt giữa quan điểm nhân quyền của chính quyền Việt Nam và Công ước Nhân quyền Quốc tế.

Nhưng chính quyền cũng nêu ra các mối đe dọa, thậm chí cả khủng bố và các hoạt động thù địch.

Việt Nam đã và đang bác bỏ các cáo buộc từ bên ngoài và từ giới bất đồng chính kiến trong nước rằng chính quyền trấn áp một số hoạt động tôn giáo và báo chí.

Phản hồi

Sau phần báo cáo của Thứ trưởng Việt Nam, đại biểu nhiều quốc gia đã bày tỏ ý kiến của họ.

Các nước phương Tây như Canada, Hà Lan và Úc nhấn mạnh Việt Nam cần cởi mở hơn về tự do báo chí.

Đại diện Canada đề nghị Việt Nam cho phép báo chí tư nhân (một ý mà Hà Lan cũng đề cập), có luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Người của đoàn Canada nói: "Có vẻ luật Việt Nam đôi khi được dùng để hình sự hóa việc bày tỏ quan điểm chính trị hòa bình và hạn chế tự do lập hội."

Canada đề nghị Việt Nam "giảm bớt việc dùng luật an ninh để hạn chế công chúng thảo luận dân chủ đa đảng."

Phái đoàn Úc hoan nghênh cuộc thảo luận "ngày càng thắng thắn" về nhân quyền hàng năm giữa Úc và Việt Nam.

Đại diện Úc đề nghị Việt Nam tăng cường bảo vệ tự do báo chí, và hoan nghênh Việt Nam đang cân nhắc gia nhập Công ước LHQ chống tra tấn.

Trung Quốc cũng phát biểu, kêu gọi Việt Nam "khép bớt khoảng cách giàu nghèo".

Đại diện nước này đề nghị Việt Nam "giúp các nhóm thiểu số nhận thức tốt hơn quyền và trách nhiệm để họ có cuộc sống tốt hơn".

Về phần mình, Nhật Bản nhấn mạnh "tầm quan trọng của tự do ngôn luận, và vai trò của truyền thông độc lập và tự do".

Nhật đề nghị Việt Nam "thúc đẩy nhân quyền cho những nhóm dễ tổn thương" và cải thiện hệ thống luật pháp trong nước.

Bắt vì 'an ninh quốc gia'

Báo cáo nhắc lại rằng Việt Nam có và sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại nhân quyền với Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ.

Cùng lúc, có các nhóm biểu tình bên ngoài trụ sở Hội đồng Nhân quyền của LHQ ở Geneva đưa ra các yêu cầu, kiến nghị với nhận định khác hẳn nội dung chính quyền Việt Nam nêu.

Trong một báo cáo chung gửi cho Hội đồng Nhân quyền LHQ, các tổ chức phê phán Việt Nam cho rằng chính quyền nước này trấn áp các ý kiến đối lập, dùng điều luật về an ninh quốc gia để cầm tù, tạm giam những ai phát biểu trái ý đảng cầm quyền.

Họ cũng nói công an mạng Việt Nam ngăn cản giao lưu trên Internet khi thấy các nội dung về nhân quyền.

Những người biểu tình gồm các ủng hộ viên của đảng Việt Tân, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và tổ chức của Khmer Krom cũng đòi thả các tù nhân chính trị và bất đồng chính kiến.

Ông Trần Xuân Sơn, Chủ tịch Hội người Việt Quốc gia Lausanne, nói:

"Chúng tôi nhân dịp này muốn đóng góp tiếng nói với thế giới rằng Việt Nam không tôn trọng nhân quyền như những gì nhà nước công bố."

Báo cáo của những người chỉ trích nói Việt Nam vẫn dùng biện pháp như giam những người chống đối vào trại tâm thần, hay trại cải tạo và cấm nhiều tổ chức bất tuân đảng CS hoạt động.

Và theo họ thì việc trấn áp này không chỉ áp dụng với các tổ chức của người Việt mà các nhóm như người Thượng hay Khmer Krom cũng lên tiếng phê phán chính phủ Việt Nam về nhân quyền.

Nguồn: BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét