Không thể ngậm miệng lâu hơn?










Ngày chủ nhật 17 tháng 5 năm 2009, báo Tuổi trẻ online có bài "Đưa bôxit lên bàn nghị sự của Quốc hội". Đầu đề nói đủ nội dung: kỳ họp Quốc hội vào ngày 20 tháng 5-2009, vấn đề bô-xit phải được đem trình Quốc hội, chứ không thể nhập nhèm được. Đó là một thắng lợi của dư luận. Sở dĩ gọi bằng thắng lợi, vì trước đó người ta đã có nhiều cách để định không đưa vấn đề ra Quốc hội. Nhưng rồi, dấu đầu sợ hở đuôi, thế không đừng, đành phải "đưa lên bàn nghị sự" vậy!



Nhưng đến đây lại sinh ra cái mẹo mới. Hãy nghe nguyên văn báo Tuổi trẻ, ở đây trích ra 3 ý kiến vàng ngọc:



Ý kiến 1 - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói việc Chính phủ có báo cáo Quốc hội về khai thác bôxit là thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị, nên cũng cho thấy cách giải thích trước đó của một số cơ quan chức năng rằng các dự án khai thác bô-xit ở Tây nguyên chưa đủ tiêu chí để trình Quốc hội là không thuyết phục.



Ý kiến 2 - Theo ông Dương Trung Quốc, ý kiến của các tầng lớp xã hội, trong đó có các nhà chuyên môn, cho thấy trong việc khai thác bôxit không chỉ có vấn đề tổng kinh phí các dự án mà còn liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm khác do địa điểm đặt dự án. Ông Dương Trung Quốc khẳng định cùng với việc báo cáo vấn đề bôxit ra Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận về vấn đề này trong chương trình thảo luận về kinh tế - xã hội, nếu giải trình của Chính phủ chưa thỏa mãn thì có thể thành lập bộ phận giám sát ngay từ đầu vì đây là chức năng của Quốc hội.



Ý kiến 3 - "Trong thảo luận sẽ không đặt ra vấn đề làm hay không làm (khai thác bôxit ở Tây nguyên) mà làm thế nào cho tốt, cho đảm bảo đúng theo kết luận của Bộ Chính trị. Tôi nghĩ rằng trong việc khai thác bô-xit, về hiệu quả kinh tế có thể tính toán được, về môi trường thì khó hơn nhưng nhiều giải pháp đã được đưa ra... Câu chuyện ở đây là nhìn vào lịch sử thì Tây Nguyên có vai trò cực kỳ quan trọng, do vậy đòi hỏi chúng ta khi thực hiện dự án nào ở đây đều phải hết sức thận trọng” - ông nhấn mạnh.



Mẹo gì qua những lời trích dẫn "trung thực" trên?





Thứ nhất là mẹo dân chủ. Ông dân biểu "dân chủ" đổ lỗi cho "các cơ quan chức năng" để che cái lỗi của chính ông lãnh tụ ngồi trên đầu các dân biểu trong đó có ông dân biểu họ Dương. Ai là người đã nói toẹt ra với cử tri rằng "dự án bôxit Tây Nguyên dưới 600 triệu đô" thì không cần đưa ra Quốc hội? Ai là người nói như nói ngọng rằng "vả lại dự án đã ra đâu vào đâu" (ý giả rằng thì là) mà cứ cuống lên? Thôi được, cứu nguy cho người trên đầu mình thì cũng được, trong lịch sử có người như thế (nhưng nếu là chính nghĩa) thì còn được thờ cúng sớm hơn chủ một ngày nữa kia! Nhà sử học họ Dương chắc phải nhớ câu "hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi" chứ nhỉ? Mẹo dân chủ này gỡ cái lá nho đi thì trơ ra cái dân chủ vỏ.





Thứ hai là mẹo tham mưu. Ông dân biểu họ Dương sau khi cũng giả vờ nói đến những phức tạp về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh… liền tham mưu là phải có tổ chức giám sát. Cái tổ chức giám sát ấy chưa ra đời nên khó đoán định giá trị. Nhưng ông đại biểu tỉnh Đồng Nai đã giám sát gì ở sông Thị Vải mà suốt mười bốn năm sông bẩn chết cá chết dân ông chỉ giữ thái độ cao đạo của nhà sử học ngậm miệng? Ông dân biểu còn lạ gì tình trạng tham nhũng ở nước ta: đến tiền tiêu Tết của dân nghèo mà còn không giám sát nổi xem cái bánh chưng cân mỡ vụn có đến kịp tay bà con nghèo không, nay lại dám nói đến giám sát một công trường mênh mông bùn đỏ dạng nước đem chôn đi thì nó ngấm vào mạch nước ngầm, bùn đỏ dạng khô đem cất đi đâu thì nó cũng bay được lên trời cao… Chưa kể đến những mánh khóe của chú hàng xóm tinh quái túi đầy phong bì sẵn sàng chìa ra cho các ông tham mưu. Mẹo tham mưu này gỡ cái lá nho đi thì trơ ra cái tham mưu thối.





Trong ý kiến thứ ba được trích dẫn là có "nhấn mạnh", ông dân biểu hiến một cái mẹo mới khi ông xưng xưng nói "… thảo luận sẽ không đặt ra vấn đề làm hay không làm (khai thác bô-xit ở Tây Nguyên) mà làm thế nào cho tốt…" Xin lỗi ông dân biểu, thế là ông bỏ phiếu trước khi Quốc Hội họp bàn rồi còn gì? Nếu có dân biểu phản đối, liệu ông có chỉ điểm mật báo cho A25 theo dõi và tóm gọn "phe đối lập" đó không? Dẫu sao, đó vẫn là một cái mẹo sáng giá, tạm gọi tên là mẹo lãnh tụ, dắt dẫn sẵn dư luận ngay từ trước khi giơ hai tay bỏ phiếu theo lối đầu hàng. Tiếc thay, mẹo lãnh tụ này gỡ cái lá nho đi thì trơ ra cái chất lãnh tụ chân gỗ.





Tôi thường xuyên theo dõi các cuộc gọi bằng thảo luận ở Quốc hội, và tôi thấy mấy ông trí thức đã quá tin vào cái Quốc hội nhà các ông! Vì tôi đã phân loại được những kiểu phát biểu cứ như là tranh luận như sau. Có người nói với tấm lòng không chút vẩn đục, lập luận lại rất chặt chẽ, tiêu biểu như ông Đức Dũng Kông-Tum; khốn thay người như ông Đức Dũng này đã bị coi là chạm nọc cơ chế và không được cơ cấu nữa. Còn lại thì có người nói chỉ cốt chường cái mặt mình ra cho vợ con họ hàng và bồ nhí coi. Có người nói cốt để khoe với cấp dưới ở tỉnh rằng ta đang ngồi họp ở Thủ đô đây, ra ý một mình ta vừa là cấp ủy vừa là chính quyền vừa là lập pháp nữa đó, nghe chưa? Còn nhiều người nói lại như để tập đọc một bài diễn thuyết viết sẵn, đọc nhanh nhanh còn ra giải lao chụp ảnh kỷ liệm về Hà Lội.





Còn ông dân biểu họ Dương nói theo kiểu gì?





Ông nói theo kiểu ngậm miệng. Ngậm miệng để tiêu hóa cho hết bổng lộc. Ngậm miệng cho ra vẻ suy tư kiểu nhà sử học (Mở ngoặc, khi nào rảnh, xin ông thông báo những công trình của ông cho bà con nghe chơi).





Bà con thì thấy kỳ này nên nói vỗ vào gương mặt đã được tạo dáng khá thành công: không thể ngậm miệng lâu hơn được nữa à?





Tổ quốc, ngày 17-5-2009



Vô Vi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét