Ba luật sư cùng khiếu nại về phiên tòa phúc thẩm xử LS Nguyễn Văn Đài và LS Lê Thị Công Nhân

Với nhận thức rằng phiên tòa xét xử phúc thẩm LS Nguyễn Văn Đài và LS Lê Thị Công Nhân đã có những “vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng" các Luật sư Đặng Dũng, Bùi Quang Nghiêm và Lê Công Định đã thống nhất cùng ký tên trong Đơn khiếu nại gửi đến Ông Chánh án Tòa án ND tối cao. Theo các vị Luật sư thì Hội đồng xét xử đã có những vi phạm cụ thể sau:

1. Không triệu tập đủ nhân chứng.

2. Không xem xét tài liệu mới.

3. Cản trở Luật sư tranh luận.

Họ kiến nghị rằng những thiếu sót này cần phải khắc phục ngay lập tức bằng thủ tục luật định trên cơ sở Luật pháp hiện hành.

Cũng theo các vị luật sư trên thì ông Chánh án tòa án nhân dân tối cao phải có quyết định trả lời khiếu nại trong vòng 15 ngày, tuy nhiên đến nay đã quá 25 ngày mà họ vẫn chưa nhận được quyết định này.

Trong khi kiên nhẫn chờ đợi sự trả lời chính thức của ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chúng tôi đăng bản Đơn khiếu nại này để công luận cùng theo dõi và nhận xét.


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC

____________________________

ĐƠN KHIẾU NẠI

Kính gửi: Ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Trích Yếu : Khiếu nại hành vi của Hội đồng xét xử trong Phiên tòa phúc thẩm ngày 27/11/2007 vụ án hình sự “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Kính thưa ông Chánh án,

Chúng tôi, đồng ký tên dưới đây, là những Luật sư tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân trong vụ án hình sự “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được xét xử phúc thẩm vào ngày 27/11/2007. Bằng văn thư này, chúng tôi khiếu nại sự việc như sau:


SỰ VIỆC

Thứ nhất: Không triệu tập đủ nhân chứng

Ngày 19/11/2007 các Luật sư biện hộ đã gửi đơn thỉnh cầu triệu tập mười bảy (17) nhân chứng, nhưng chúng tôi được Thư ký Tòa thông báo miệng rằng Tòa chỉ gửi giấy mời triệu tập chín (9) nhân chứng đến dự Phiên tòa phúc thẩm. Vào ngày xét xử chỉ năm (5) nhân chứng dự phiên tòa phúc thẩm.

Về phần nhân chứng Phạm Văn Trội bị Công an cản trở đến tòa làm chứng mà chúng tôi đã lưu ý Hội đồng xét xử khi bắt đầu Phiên tòa và yêu cầu phải có biện pháp giải quyết ngay, thì ngoài việc Hội đồng xét xử cố tình “tịch thu” bản gốc Đơn tố cáo của nhân chứng Phạm Văn Trội, trong suốt diễn biến Phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyệt nhiên không đề cập đến sự việc nghiêm trọng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật này mặc dù Thẩm phán Chủ tọa Nguyễn Minh Mắn hứa sẽ giải quyết vấn đề này trong Phiên tòa. Thậm chí, ông Chủ tọa cũng cố tình không cấp một bản sao y Đơn tố cáo của nhân chứng Phạm Văn Trội cho các Luật sư như đã cam kết khi yêu cầu Luật sư nộp lại bản gốc.

Việc làm nói trên của Hội đồng xét xử về vấn đề này là không thể chấp nhận được vì lẽ ra các Thẩm phán cần phải hội ý với nhau và tham khảo ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát tối cao và các Luật sư đang hiện diện tại Phiên tòa để xem xét khả năng yêu cầu Công an địa phương nào đã bắt giữ trái pháp luật ông Phạm Văn Trội phải lập tức đưa anh ta trở lại Phiên tòa.

Thứ hai: Không xem xét tài liệu mới

Khoản 1 Điều 246 của Luật Tố tụng Hình sự quy định việc người bào chữa có quyền cung cấp và bổ sung chứng cứ mới và tài liệu trong khi xét hỏi tại Phiên tòa phúc thẩm. Cũng tại điều này Khoản 2 Điều này, chứng cũ mới, cũ và tài liệu mới bổ sung phải được xem xét tại Phiên tòa phúc thẩm và ghi nhận trong Bản án phúc thẩm.

Tại Phiên tòa phúc thẩm các Luật sư đã cung cấp tài liệu mới sau đây để Hội đồng xét xử xem xét:

(1) Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;

(2) Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật;

(3) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Political and Civil Rights) do Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào ngày 16/12/1966 theo Nghị quyết số 2200 A (XXI), có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 và Việt Nam tham gia vào ngày 24/9/1982; và

(4) Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (Basic Principles on the Role of Lawyers) do Hội nghị Liên hiệp quốc lần thứ tám về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội, tổ chức tại Havana (Cu-Ba) từ ngày 27/8/1990 đến ngày 7/9/1990.

Nhà nước Việt Nam có bổn phận tuân thủ các điều ước quốc tế đã gia nhập hoặc công nhận, đặc biệt là các công ước của Liên hiệp quốc mà Việt Nam là thành viên như đã liệt kê ở trên. Tuy nhiên, khi chúng tôi dẫn chiếu các tài liệu nói trên tại Phiên tòa, thì Hội đồng xét xử chẳng những cố tình ngăn cản các luật sư phát biểu đề cập đến các tài liệu pháp lý nói trên, mà còn không ghi nhận các tài liệu ấy trong Bản án phúc thẩm đã tuyên tại Phiên tòa và thậm chí không giải thích lý do vì sao Hội đồng xét xử từ chối áp dụng luật pháp quốc tế theo yêu cầu của các Luật sư.

Đây là một sự thiếu sót nghiêm trọng của Hội đồng xét xử trong công việc xét xử tại Phiên tòa phúc thẩm ngày 27/11/2007.

Thứ ba: Cản trở Luật sư tranh luận

Tất cả các Luật sư đều bị Hội đồng xét xử cản trở khi tranh luận, đặc biệt là Luật sư Đặng Trọng Dũng bị cắt ngang lời phát biểu ít nhất sáu (6) lần khiến ông phải bỏ dở phần trình bày quan trọng của mình. Việc nhắc nhở là cần thiết nhưng cản trở Luật sư trình bày luận cứ và tranh luận là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Các Thẩm phán đã tự ý nhận định các luận cứ do Luật sư trình bày là không liên quan đến Vụ án mặc dù chưa nghe trọn quan điểm của Luật sư, đặc biệt khi các Luật sư phân tích sự cần thiết phải áp dụng các quy định có liên quan của những công ước quốc tế mà Nhà nướcViệt Nam đã tham gia và phải tuân thủ.

Mặt khác, khi Luật sư Lê Công Định đề nghị đọc công khai Đơn tố cáo của nhân chứng Phạm Văn Trội tại Phiên tòa hay Luật sư Đặng Trọng Dũng đề nghị đọc toàn văn bài viết “Quyền tự do thành lập Đảng tại Việt Nam” của Bị cáo Nguyễn Văn Đài nhằm mục đích phân tích chứng cứ và rộng đường tranh luận giữa Đại diện Viện Kiểm sát tối cao và các Luật sư, thì phán Chủ tọa Nguyễn Minh Mắn đã thẳng thừng bác bỏ một cách vô lối mà không lý giải vì sao.

Rõ ràng đây là sự cố tình của Hội đồng xét xử trong việc gây khó khăn cho công việc bào chữa hợp pháp của các Luật sư.

KHIẾU NẠI VÀ ĐỀ NGHỊ

Vì những sai phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nêu trên tại Phiên tòa phúc thẩm ngày 27/11/2007 xét xử ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chúng tôi nhận định rằng việc giải quyết Vụ án có nhiều thiếu sót cần phải khắc phục ngay lập tức bằng thủ tục luật định.

Do vậy, chúng tôi nghiêm túc đề nghị ông Chánh án xem xét sự việc và giải quyết khiếu nại nêu trên của chúng tôi trên cơ sở luật pháp Việt Nam hiện hành. Rất mong nhận được sự chấp thuận và hợp tác của ông Chánh án. Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào.

TP Hồ Chí Minh, ngày 7 tháng 12 năm 2007

Đồng kính đơn


Đã ký tên và gửi đơn

Đặng Trọng Dũng Bùi Quang Nghiêm Lê Công Định

3 nhận xét:

  1. TÔI NÓI TỒNG PÀO NGHE RÕ KHÔNG???
    Bao ngìn đời tổ tiên ta khổ cực
    Nhưng chưa bao giờ phải nhục như thời nay
    Nhìn giặc cướp đất, cướp biển đứng khoanh tay
    Loay hoay biện bạch tìm lối thoát?
    Nhưng quá thối nát thì làm được chi?
    Vậy, toàn dân ta phải làm gì?
    Phá tan xiềng xích, dậy mà đi...!!!

    Trả lờiXóa
  2. Vì công lý, hãy can đảm lên. Lịch sử sẽ ghi nhận công minh nhất, Công - Tội của từng nhân vật.

    Trả lờiXóa
  3. Hoan ho Luat Su DANG TRONG DUNG - BUI QUANG NGHIEM _ LE CONG DINH!
    cac anh se la dau tau - keo the he thanh nien chung toi manh dan buoc di tren con duong dan chu thuc su cho dat nuoc!
    Hay manh dan len nua di cac anh oi - chung toi ung ho va se sat canh ben cac anh - VI CONG LY!

    Trả lờiXóa