Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn!




Sau khi post bài Nhà nước, tôn giáo, thông tin và công dân – vài lý lẽ đời thường tại blog của mình, trong số những comment tôi nhận được có một link đến bài Tiếng nói của Phật tử trước cái gọi là "cầu nguyện" đòi lại Tòa khâm sứ - ý kiến độc giả. Đọc vào, tôi thật sự hết sức kinh hãi, cho dù trước đó cũng đã lờ mờ nhận ra một bước đi nào đó có thể dụng đến Phật giáo!

Không thừa khi điểm lại những điểm đáng lưu ý:

  • Ảnh nhỏ một nhà thờ cùng với chú thích Đất bị thực dân Pháp và tay sai Ki-tô giáo cưỡng đoạt xây nhà thờ lớn được dùng để mở đầu cho bài viết có một phần nội dung là kết án Công giáo Việt Nam đi với thực dân, và có hàm ý rất rõ rằng nay họ lại đi ngược lại với dân tộc.
  • Cũng ngay đầu bài: Xét một cách chính danh nhất thì Phật giáo mới đủ tư cách để đòi lại đất bị nhà thờ và thế lực tay sai xâm chiếm. Và cứ nếu xét theo sự thật lịch sử thì không chỉ có nhà thờ Lớn tại Hà Hội mà nhà thờ Lớn tại TP. HCM cho đến cái gọi là thánh địa La Vang cũng phải trả về cho Phật giáo.
  • Từ chỗ khẳng định chính danh hơn, cuối bài đi đến công khai thách thức rằng có thể hành động để tranh giành: Người Công giáo sẽ nghĩ gì, nếu những người Phật tử cũng thắp hương cầu nguyện, ký tên đứng bao quanh nhà thờ Lớn Hà Nội và những nơi người Công giáo đã chiếm đoạt để đòi lại những danh thắng nổi tiếng của dân tộc và Phật giáo đã bị chính nhà thờ và tay sai tàn phá? Nhưng người Phật tử sẽ không bao giờ làm thế nếu người Công giáo không tiếp tục có những hành động quá đáng như vậy.
  • Chẳng những bác bỏ gỉải pháp (nếu có) giữa Chính phủ với Giáo hội mà còn vu khống một cách lố bịch khi quy kết việc làm của Giáo hội là cùng loại với hành động của Trung Quốc, với thâm ý dùng lòng yêu nước của người Việt để chống Công giáo: Nếu hành động “trả lại” Tòa Khâm xảy ra, tin chắc sẽ gặp phải những phản ứng quyết liệt của người Phật tử trong nước và nước ngoài. Và nếu điều đó xảy ra sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho những hành vi học “đòi” một cách lố bịch như Trung Quốc và là một cách hành xử không công bằng đối với Phật giáo.

Những lời lẽ và thái độ như vậy có phải xuất phát từ sự từ, bi, hỷ, xả và diệt tham, sân, si của nhà Phật hay không, xin mời độc giả tự nhận định. Ở đây, tôi chỉ xin nói đến những vấn đề có liên quan khác.

1. Lẫn lộn (vô tình hay hữu ý) trong việc đặt vấn đề về những nhà thờ mới trên các nền chùa cũ

Trước hết là lẫn lộn giữa lịch sử với hiện thực.

Có thể xem “lịch sử” là khái niệm về sự kiện đi với thời gian của quá khứ và gắn kết với một không gian, và là một khái niệm tương đối ở các “điểm nút”. Có lịch sử xa mà cũng có lịch sử gần, có lịch sử đã qua mà cũng có thể lịch sử ngay hôm nay (khi nó tức thời bị vượt qua về sự kiện).

Vậy vấn đề là quy chiếu nào để xem đâu là lịch sử, đâu là hiện thực? Theo tôi thiển nghĩ, khi các chủ thể tương ứng nhau, cùng làm nên một sự kiện mà còn tồn tại trong thực tế, khi đó hiện thực này vẫn tồn tại. Khi một trong các bên chủ thể đó đã không còn tồn tại; hoặc khi đã qua một thời gian đủ lâu, lúc mà các chủ thể trực tiếp đều biến chuyển thành các chủ thể hậu duệ, thì xem như lịch sử đã được xác lập.

Hiện thực là cái ta phải đối mặt trong hiện tại và có thể thay đồi. Lịch sử là cái chỉ ta ghi nhận và rút ra bài học khả dĩ từ đó, chứ không phải là cái có thể thay đổi, tuy có thể ít nhiều giải quyết hậu quả lịch sử. Nhưng không phải hậu quả nào của lịch sử cũng có thể giải quyết được, mà chỉ là lịch sử lân cận nhất mà thôi và khi hiện thực “xác nhận” về hậu quả đó cũng như có nhu cầu giải quyết nó; ngoài ra, đều thuộc phạm vi của ảo tưởng thay đổi lịch sử. Đòi hỏi thay đổi lịch sử, dù lịch sử đó tốt hay xấu, vinh hay nhục, của mình hay của người, đều là đòi hỏi vô lối và thiếu lý lẽ.

Đúng là sự thật ở Việt Nam có những nhà thờ được xây trên nền chùa, nhưng điều đó đã đi vào lịch sử chứ không còn là vấn đề của hiện thực. Vì sao? Đơn giản là những chủ thể của sự kiện dỡ chùa nay đã không còn tồn tại. Phật giáo Việt Nam từ bấy đến nay, qua bao nhiêu thăng trầm là bấy nhiêu lần thay đổi về mặt tổ chức và chủ thể rồi (sự phân tán của nhiều hệ phái Phật giáo dưới thời Pháp thuộc để rồi thống nhất dưới cùng một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; sau năm 1975 lại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khác không chấp nhận đặt dưới sự chi phối của chính quyền). Cho dù cố nại rằng chủ thể là toàn bộ Phật tử Việt Nam chăng nữa, thì chủ thể dứt khoát cần phải có ở phía bên kia, trong sự kiện này, là chính quyền thực dân, nay đã hoàn toàn đi vào lịch sử. Ngoài ra, cho dù có thăng trầm như thế nào dưới chế độ thuộc địa, thì xuyên suốt, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn chứng tỏ sức sống của nó, vẫn sống an lạc trong toàn bộ cộng đồng xã hội, trong đó có cộng đồng Công giáo, và mọi “phạm vi ảnh hưởng” tinh thần lẫn tổ chức của mỗi tôn giáo đều đã “an bài” mà không hề có tranh chấp với nhau, nên khách quan mà nói, không hề có nhu cầu “sửa chữa” lịch sử trên mọi phương diện.

Ngược lại, trong vấn đề tranh chấp của các giáo phận thuộc Giáo hội Công giáo với Chính quyền hiện nay về tài sản – chưa cần xét về thời gian khi mà thời gian cũng xa nhất trong sự việc này cũng chỉ là năm 1959, ngoài ra là rải rác từ đó, trước 1975 và từ 1975 về sau – cả hai phía chủ thể đều còn tồn tại. Giáo hội Công giáo vẫn là giáo hội đó, Chính quyền Việt Nam vẫn là chính quyền đó, còn chuyện chuyển tiếp con người cụ thể cai quản Giáo hội hay nắm quyền Nhà nước thì không cần bàn, đó là điều đương nghiên theo thời gian của bất kỳ một chủ thể thiết chế nào. Do vậy, đây là vấn đề hiện thực của Giáo hội Công giáo với Chính quyền, không phải là vấn đề lịch sử. Và nó, trong phạm vi các vụ việc có liên quan, càng không phải là vấn đề hiện thực giữa Công giáo và Phật giáo, cũng không phải là vấn đề giữa Chính quyền với Phật giáo!

Cứ cái lập luận rằng Công giáo đòi Toà Khâm sứ mà hiện Chính quyền đang quản lý thì Phật giáo có quyền đòi nhà thờ lớn hay những cơ sở, vùng đất khác của Công giáo vì trước đây là của nhà chùa, với thái độ bất chấp lý lẽ, bất chấp giới hạn lịch sử, sự thật (đã thành) lịch sử, bất chấp hiện thực, thì liệu trả lời sao với những điều sau đây? Người Việt đến đòi đất tại khu Chợ Lớn của người Hoa vì người Việt mới chính danh về lịch sử (!). Chính quyền Cambodia đòi lại Sài Gòn và Tây Nam bộ vì người Khmer mới chính danh là chủ vùng đất này trong lịch sử[1] (!). Các gia tộc trên khắp nước đi đến những khu đất xa xưa để đòi người khác phải ra khỏi vì trước đây nó là của gia tộc mình (!). Xa hơn nữa, Trung Quốc có thể căn cứ vào lịch sử Giao Chỉ để đòi lại vùng đất xưa (!)… Hoặc gần nhất, là câu hỏi ai sẽ dám chắc những nền chùa mà nay tọa lạc nhà thờ, là của Phật giáo ngay từ thuở khai thiên lập địa để không bị một người chủ chính danh giả định khác lên tiếng đòi?

Sự lẫn lộn giữa lịch sử và hiện thực này lại gắn kết chặt chẽ với lẫn lộn giữa lịch sử với pháp lý.

Sự kiện đất chùa xưa bị chiếm đoạt cho dù có là thực tế lịch sử, nay cũng đã nằm ngoài khuôn khổ pháp lý hiện hành, một phần cũng vì các chủ thể pháp lý đặt trong tình hình thực tế lịch sử như vừa nói. Trong khi đó, đối với Giáo hội, mà tiêu biểu là vụ Tòa Khâm sứ, thì lại khác. Ngoài việc sự vụ xảy ra ngay dưới chế độ hiện hành, theo những thông tin được đưa ra từ phía Giáo hội, họ có các văn bản cần thiết làm cơ sở cho yêu cầu của mình. Vấn đề còn lại giờ đây là giá trị thực của các chứng thư đó và hiệu lực của chúng có nằm trong khuôn khổ thừa nhận của hệ thống quy định pháp luật hay không.

Nếu có ai đó đặt vấn đề về tài sản của Phật giáo tại những vị trí của Công giáo hiện nay, về lý, đương nhiên sẽ là có một chủ thể đại diện để chính thức đặt ra yêu cầu tranh chấp của mình, bằng những chứng thư xác thực tương tự, chứ không thể khẳng định suông về mặt lịch sử, rằng vì dưới thời thực dân đó đã là nền đất của nhà Phật, rằng đã được nhà Lý, nhà Trần gì đó giao cho Phật giáo…

Lẫn lộn này lại tương quan với sự lẫn lộn giữa lịch sử với sở hữu, giữa tình cảm (tôn giáo) với pháp lý và sở hữu, thậm chí là giữa chiếm hữu (trong lịch sử) với sở hữu (của hiện thực).

2. Từ chỗ lẫn lộn giữa các phạm vi đi đến chỗ đánh tráo các vấn đề

Đầu tiên chính là việc đánh tráo tương quan chủ thể. Đây hoàn toàn là việc giữa Công giáo với Chính quyền lại biến thành việc giữa Công giáo với Phật giáo. Và nếu muốn mở rộng ra, Phật giáo (và có thể cả những tôn giáo khác trong nước) cũng có vấn đề về tài sản với Nhà nước, thì việc bỗng dưng Phật giáo trở thành đối trọng với Công giáo trong vấn đề tài sản rõ ràng là đánh tráo cả chủ thể tương quan trong vấn đề này của chính Phật giáo.

Một thực tế khó mà không thừa nhận, là chính sách trưng thu, sung công được áp dụng rộng rãi đối với tài sản của các tôn giáo, ở cả hai miền Nam, Bắc tùy vào thời điểm nắm chính quyền. Từ lý luận “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” đã khiến trong thực tế việc thu hẹp “địa bàn gieo trồng và chế biến thuốc phiện” là một trong những nhiệm vụ không nhỏ. Phải thừa nhận rằng chính sách đối với tôn giáo hiện đã có những thay đổi, tuy nhiên, cùng với sự thiếu minh bạch khi nhìn nhận những sai lầm của quá khứ, cộng thêm tư duy và hành xử cũ vẫn chiếm ưu thế, khiến vấn đề không đi đến thấu đáo. Trong vấn đề tài sản này, nếu tiếp tục né tránh vấn đề, đánh tráo các quan hệ chủ thể đối ứng với nhau, không những không giải quyết được mà còn phát sinh những vấn đề khác, trầm trọng hơn nhiều.

Một sự đánh tráo cực kỳ nguy hiểm là từ chỗ thuần túy tài sản, vấn đề được lái sang thành quan hệ… dân tộc – thực dân. Cho dù thực tế lịch sử có việc Công giáo được sự ưu ái của chính quyền thực dân, có việc nền đất chùa được lấy xây nhà thờ, có việc một phận người Công giáo làm tay sai cho giặc, thì tất cả những điều đó nay cũng chỉ còn giá trị là ghi nhận đối với quá khứ, trong toàn bộ quá trình du nhập và phát triển của Công giáo tại Việt Nam, chứ hoàn toàn không có giá trị phán xét trong hiện tại.

Đem lịch sử – một lịch sử đã hoàn toàn sang trang ra để quy kết về tính dân tộc trong tranh chấp hiện nay rõ ràng là đánh lận con đen và đặt Công giáo trước một tấm bia nhiều người nhắm cùng lúc. Vả lại, cũng cần phải hết sức công tâm với lịch sử, rằng có phải duy nhất những người Công giáo có quá khứ câu kết với thực dân, không có người Phật giáo sao, không có người theo những đạo khác hay không theo đạo sao? Trong một đất nước mà tín ngưỡng chủ đạo là thờ Ông Bà và Phật giáo, liệu có phải tính theo tỷ lệ thì người ngoài Công giáo câu kết với giặc là không đáng kể không?

Dấn thêm một bước nữa trong hướng này là đánh tráo tới mức từ chỗ chỉ là tranh chấp tài sản trong hiện tại, lại viện đến văn hóa dân tộc liên quan đến những công trình Phật giáo xưa mà nay trên nền là công trình Thiên chúa giáo, viện đến vai trò lịch sử của Phật giáo trong những giai đoạn chưa có Công giáo, xem đó là duy nhất của văn hóa Việt cho đến nay, với hàm ý loại hẳn Công giáo ra khỏi tiến trình văn hóa dân tộc đó.

Không ai có thể bác bỏ được những đóng góp mang tầm văn hóa dân tộc của Phật giáo giai đoạn cực thịnh thuộc trung đại của lịch sử Việt Nam, thì cũng sẽ như thế đối với những đóng góp từ phía Công giáo cho văn hóa Việt Nam thời kỳ cận và hiện đại. Chữ quốc ngữ là một điển hình quá rõ. Kiến trúc Thiên chúa giáo đã là một phần của kiến trúc Việt Nam hiện đại. Các hoạt động lễ hội có nguồn gốc Thiên chúa giáo đã hoàn toàn đi vào đời sống của đất nước phương Đông này mà không ai mảy may đặt vấn đề xét lại tính văn hóa dân tộc của chúng. Một điều hoàn toàn phi lý là để tôn vinh danh thắng của dân tộc trong quá khứ thì phải đập bỏ danh thắng của đất nước thời hiện đại để dựng lại cái cũ sao? Vậy thì xem ra Hoàng thành Thăng Long phải được dựng lại nguyên như xưa bằng mọi giá chứ không thể tính đến chuyện gì khác cho các công trình kiến trúc mới của thủ đô đâu!

Chỉ có những người cực đoan mới nói rằng Phật giáo là quốc giáo của Việt Nam từ thời lập quốc và hàm ý rằng do đó nay phải đòi lại từ Công giáo những địa điểm văn hóa Phật giáo xưa để thể hiện tinh thần quốc giáo của dân tộc. Trong số hàng chục vạn người hàng năm vui đón Giáng Sinh tại khu vực nhà thờ lớn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, mà hẳn người không có đạo phải hơn về tỷ lệ so với người có đạo, chắc chắn không ai điên rồ tới mức cho rằng đây là văn hóa Công giáo phải tẩy chay, hay cái nhà thờ trung tâm ấy không thể hiện văn hóa dân tộc cần phải đập bỏ để dựng lên nhà chùa (tháp Báo Thiên ở Hà Nội chẳng hạn) vì đạo Phật là quốc giáo của ta từ trước!

Văn hóa Thiên chúa giáo đã thật sự là một bộ phận trong tổng thể văn hóa Việt và đã hòa quyện vào đó. Lấy văn hóa của một thời kỳ lịch sử đã qua, cho dù là thời kỳ của một đỉnh điểm nào đó, để quy kết bất biến cho ngày nay nhằm loại bỏ văn hóa Thiên chúa giáo, là quan điểm thiếu tầm nhìn và kỳ thị tôn giáo không hơn không kém.

Dùng vấn đề văn hóa dân tộc được thể hiện dưới hình thức cực đoan để thay cho chuyện tranh chấp tài sản thì thật sự một vốc bùn đã được đánh vào đại dương mênh mông – chứ không phải vào ao nữa. Và nếu khai thác cái đại dương đó, nó có thể sẽ nhấn chìm không chỉ vốc vùn, mà còn cả con người có bàn tay nắm vốc bùn cũng như tất cả những gì thuộc cảnh quang xung quanh!

3. Có chăng một ý định dùng đến Phật giáo để chống Công giáo trong vấn đề tài sản?

Câu hỏi này đặt ra không thừa trước những gì mà bài viết được đề cập ở trên đã thể hiện, cũng như vài biểu hiện khác mà có thể xâu lại thành một dây liên hệ.

Vượt lên trên xung đột về chính trị, vượt cả lên xung đột về sắc tộc, vốn đã là những xung đột mà khi diễn ra sẽ cực kỳ gay gắt và hậu quả sẽ nhiều tan thương, xung đột tôn giáo là xung đột có tầm mức kinh khủng nhất trong các loại xung đột có ở loài người. Lịch sử đã chứng minh điều đó! Hiện tại càng chứng minh điều đó!

Ngày nay, với sự liên kết toàn cầu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả liên kết về đức tin, không chỉ về mặt tinh thần, mà cả về mặt thông tin, tổ chức. Mặt trái của điều tích cực này chính là tình cảm tôn giáo, nhiều khi là thiếu lý lẽ và thiếu kiềm chế, lan tỏa hết sức nhanh chóng, trở thành một xung lực tàn phá ngay tức thời những gì thuộc phạm vi sự việc lẫn về lâu về dài. Trong bối cảnh có nhiều xung đột toàn cầu mà lại khơi gợi sự cách biệt tôn giáo, đưa ra sự phán xét không đúng chỗ và vô trách nhiệm về quá khứ của một tôn giáo trên cơ sở đối lập với một tôn giáo khác, thì nếu không có động cơ xấu cũng là một thái độ hết sức thiển cận và hồ đồ!

Mấy chục năm qua, Phật giáo và Công giáo – hai tôn giáo lớn và có ảnh hưởng nhất đời sống tâm linh ở nước ta – cùng với các tôn giáo khác, luôn sống hòa hợp, không hề có ngăn cách nào với nhau trong cuộc sống và giao tiếp cộng đồng giữa những con người theo những tín ngưỡng (hay không tín ngưỡng) khác nhau. Có điều đó phần lớn là do dân tộc ta có truyền thống hiền hòa, dung nạp và khoan dung lẫn nhau về tín ngưỡng giữa các tôn giáo. Phần khác thì nhờ bản thân mỗi tôn giáo, trong đó vai trò lớn ở hàng giáo phẩm cao cấp, không hề tạo ra sự phân cắt xã hội trên cơ sở tôn giáo. Một phần nữa, cũng hết sức quan trọng, là chính sách đúng đắn của chính quyền trong việc không chủ trương gắn công quyền với tôn giáo nào, hay việc dùng tôn giáo chống tôn giáo nhằm phục vụ cho việc củng cố quyền lực hoặc giải quyết các vấn đề chính trị đang phải đối mặt.

Từ cuộc tranh chấp của Chính quyền với các giáo phận Công giáo ở từng vụ việc cụ thể, lại bỗng nhiên có sự “tự nguyện” nào đó để biến sự việc thành ra cuộc tranh chấp của (một số) người “nhà Phật” nhắm vào Công giáo, trên bình diện chung về lịch sử và văn hóa, thậm chí trên bình diện dân tộc và ngoại bang – phải hiểu sao đây?

Chưa có cơ sở để khẳng định có người của Ban Tôn giáo “nào đó” dính vào. Cũng chưa thể căn cứ vào nhân thân sinh thành của ai đó, của những người quản lý website nào đó – những người và nơi hăng hái dùng danh nghĩa Phật giáo để công kích Công giáo – có một ít liên hệ với yếu tố Trung Quốc, để kết luận rằng có một âm mưu thâm độc hơn nhằm tạo sự xung đột từ trong lòng, phục vụ cho kế hoạch lâu dài của quốc gia phương Bắc. Từ thâm tâm, tôi chỉ mong sao các động thái có liên quan chỉ là tự phát từ những tình cảm tôn giáo đặt nhầm chỗ, hay thậm chí là một sự bất khoan dung về mặt cá nhân, chứ không phải là những hành động được tính toán và có tổ chức.

Thẳng thắn mà nói, bất kỳ ai có chút tầm nhìn chính trị đều thấy ngay những cuộc thắp nến cầu nguyện của người Công giáo có mối đe dọa tiềm tàng về chính trị đối với Chính quyền. Đó là khi ý thức thể hiện niềm tin tôn giáo chuyển thành ý thức thể hiện niềm tin chính trị, và ý thức đó lan tràn ra khỏi cộng đồng giáo dân. Đó là khi các tôn giáo khác “noi gương” Công giáo trong vấn đề tài sản và cũng có những động thái tương tự… Cũng thẳng thắn mà nói, để hóa giải toàn bộ nguy cơ này, tức không cho có sự lan tràn, giải pháp tốt nhất là cô lập người Công giáo, mà cô lập tốt nhất từ đâu, từ lực lượng nào và từ những công cụ nào, chỉ cần một chút nhìn vào những bối cảnh có liên quan ở nước ta là có thể nhận ra ngay…

Chắn chắn không ai mong muốn trên đất nước này có xung đột giữa Công giáo và Phật giáo. Xin hãy thử hình dung cảnh tượng mà ngày nào đó ta bước vào chỗ làm hay trường học…, những con người vẫn tay bắt mặt mừng với nhau hôm trước, hôm nay bỗng nhìn nhau dè chừng khi biết “nó khác (đạo) mình”! Hãy thử hình dung một viễn cảnh kinh khủng, khi ngày nào đó ta hay đời con cháu ta ra đường trong nỗi hoang mang, lo sợ bị tấn công chỉ vì tin vào Chúa hay Phật!

Muốn chấm dứt việc người Công giáo cầu nguyện đòi tài sản mà không can dự đến Phật giáo, trước những viễn cảnh tồi tệ giả định, tại sao không xúc tiến giải pháp đơn giản hơn rất nhiều, là có bước đi pháp lý thích hợp và một ít thỏa hiệp để giải quyết rốt ráo vấn đề? Nhà nước “mất” về tay các giáo phận những tòa nhà hay khu đất mà trong quá khứ không lâu, đã là của họ vẫn không tốt hơn là mất đi khối đoàn kết dân tộc và sự bình yên trước viễn cảnh xung đột tôn giáo sao? Về phía (những người lấy danh nghĩa) Phật giáo, đã mấy trăm nay mất những chùa nào đó, nay nếu tiếp tục “mất” thì có tăng thêm chút mất mát nào không, thay vì lại “tự nguyện” nhảy vào thế chân Nhà nước trong cuộc tranh chấp này để mất đi cả căn tính vốn có của đạo Phật? Nếu những tài sản mà phía Công giáo chứng minh được sở hữu có về với họ, thì cũng chỉ là thêm cho một bộ phận con dân nước Việt được có được những cơ sở vật chất mới phục vụ cho đời sống tâm linh, cho việc giáo dục, giải trí, hay làm từ thiện…, không phải là điều Nhà nước ta cũng chủ trương hay sao? Và thêm một bộ phận chúng sanh có được niềm hoan hỷ như thế, nào có khác chăng với tinh thần nhà Phật?

Sẽ là một sai lầm kinh khủng nếu cứ khư khư ôm lấy uy quyền chính trị của mình trong việc giải quyết vấn đề, cũng như khăng khăng tự nguyện tham gia tranh chấp về mặt tôn giáo, để rồi dẫn đến xung đột tôn giáo trên bình diện xã hội. Một khi điều đó đã bén rễ, sẽ không thể nào cứu vãn nổi vì thực tế cho thấy xung đột loại này luôn vượt qua mọi tầm kiểm soát của bất kỳ thế lực nào, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

4. Tỉnh táo, lý lẽ, khách quan và lẽ phải

Hẳn sẽ có người nghĩ tôi là người Công giáo. Không, tôi vô thần 100%, điều này đã được “giải trình” từ lâu. Đời người không ai tránh khỏi có những lúc gặp chuyện buồn đau. Tôi cũng thế, và thật tình, có khi tôi mong tìm đến một bến đỗ tâm linh để có chút bình yên. Nhưng không, chưa bao giờ tôi từng có thể là một người hữu thần.

Tôi không ngại mà cũng không phản đối hay bất bình khi đọc ở đâu đó nói rằng người vô thần thì thế này thế kia. Friend nào đó trong blog, thấy tôi “bênh” Công giáo, vào comment “chửi” vô thần, tôi xem là bình thường. Bởi lẽ rất đơn giản, tôi không hề bị tình cảm vô thần chi phối đến lý trí của mình để mà lập tức phản ứng lại bằng cách phủ định tín ngưỡng. Cũng bởi đơn giản là tôi hiểu người vô thần thì có người này người kia – và tự hiểu tôi không phải là loại người vô thần họ họ nói – cũng như người theo bất kỳ tôn giáo nào đó cũng có người này người nọ. Đọc, nghe những phê phán như thế, tôi chỉ thầm nhủ rằng họ bị chi phối bởi tình cảm tôn giáo, còn thiếu sự khoan dung, thế thôi.

Trong các quan hệ, tôi sống bằng lẽ phải và lương tâm, không thể thấy đúng nói sai hay thấy sai nói đúng. Ở đây tôi “bênh vực” Công giáo, nhưng tôi sẽ sẵn sàng phê phán họ một cách gay gắt – cũng như phê phán bất cứ chủ thể nào khác – nếu sai trái ở phía họ. Bản thân tôi có nhận định rằng trong giáo luật và trong đời sống xã hội, Phật giáo có độ khoan dung cao hơn Công giáo (không có nghĩ là Công giáo không khoan dung). Khi nghiên cứu triết học chính trị, thực tiễn chính trị tại các nước dân chủ là một trong những điều tôi lưu tâm. Việc những năm gần đây Công giáo La Mã, mà đại diện là Giáo hội tại các nước, có xu hướng tăng cường can thiệp vào dân luật bằng giáo luật, là điều tôi hoàn toàn không đồng tình (như việc chống dùng bao cao su và thuốc tránh thai, chống nghiên cứu và ứng dụng tế bào dòng vào y học và dược học, vấn đề li dị trong hôn nhân dị tính và chống người đồng tính luyến ái…, hay ngay cả chuyện nội bộ giáo hội khi tranh cãi quanh việc phong linh mục cho phụ nữ…). Chỉ vì ảnh hưởng của những chủ trương này ở Việt Nam hết sức nhỏ bé nên tôi không lên tiếng.

Một chút bày tỏ như thế để thấy rằng yếu tố tình cảm tôn giáo hay vô thần, dù rất quan trọng nhưng cũng không thể để nó chi phối đến lý trí và sự khách quan, đặc biệt là ở người trí thức, thành phần mà thái độ của họ có thể ít nhiều định hướng cho công chúng. Để cho loại tình cảm này chi phối, rồi vô tình hay cố ý kết hợp vào đó tình cảm dân tộc, kết quả là căm ghét niềm tin tôn giáo khác với mình, là sự thù hằn dân tộc vô lối dành cho người khác.

Vài ngày gần đây, chỉ quanh blog của mình thôi, tôi lại chứng kiến loại tình cảm này bộc phát khiến có người chệch choạng trong lý trí, ngã nghiêng trong lời nói, kỳ quặc trong tính khí. Tôi mừng vì có những người trẻ dù bị tình cảm tôn giáo chi phối nhưng lập tức nhận ngay rà vấn đề và tỉnh táo xử trí một cách khách quan. Ngược lại, tôi có phần hoảng khi thấy có trí thức không còn nhỏ tuổi lại thể hiện thái độ cực kỳ cố chấp và cực đoan… Thế mới biết mối đe dọa này đầy tiềm năng!

Tôi mong muốn thông qua bài này gửi lời kêu gọi đến tất cả mọi người, người có đạo và không có đạo, người Công giáo, Phật giáo hay những tôn giáo khác, dân thường cũng như chức sắc, và đặc biệt đến người trí thức…, cần tỉnh táo và dựa vào lý lẽ khách quan, vào lẽ công chính để nhìn nhận vấn đề.

Lời này cũng xin được nhắn gửi đến những nơi nào đó, những nhóm người thuộc “tôn giáo” nào đó đang hoạch định sách lược và những biện pháp trước diễn biến đang có. Lợi ích dân tộc là lợi ích của toàn thể khối nhân dân của tất cả các tôn giáo và người không có đạo sống trên mảnh đất hình chữ S này, không phải của riêng ai, riêng một đảng phái nào hay một tôn giáo nào. Vì lợi ích riêng mà bất chấp viễn cảnh được giả định của một cuộc xung đột tôn giáo và xã hội, vốn sẽ đi kèm – không tránh khỏi trong thời đại ngày nay – với giải pháp khắc chế lẫn nhau giữa các tôn giáo, sẽ dẫn đến một đại họa, và là một tội ác!

Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn!

-

(Bài đã đăng tại talawas, 19.01.2008)

9 nhận xét:

  1. Tôi không đọc hết nội dung bài này (sẽ đọc sau) vì hoàn cảnh riêng nhưng tôi muốn phát biểu rằng: Bản thân tôi và khá đông bè bạn, công chúng cực kỳ phản đối những biểu hiện chia rẽ, cục bộ, mất thăng bằng, thiếu khách quan trong việc này.Hết sức cảnh giác những bấn loạn có thể xảy ra khi vấn đề Tôn giáo được "kích hoạt" một cách thiếu thiện chí, thiếu xây dựng.
    Bài học lớn từ Châu Âu cho thấy, chỉ một bức tranh biếm họa có hàm ý xúc phạm đến hồi giáo mà Phương tây phải trả giá rất đắt.
    Chúng ta nên nhìn nhận, phân định vấn đề này hết sức tỉnh táo, công bằng để không phải trả giá.
    Đây không phải trò đùa của bất cứ thế lực nào.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đồng tình với cách đề cập của bạn Cuongnhabaotudo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì việc kích hoạt mâu thuần Phật giáo-Thiên chúa giáo là đi theo vết xe đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm trước đây. CLB Nhà báo tự do cũng không nên lợi dụng để đổ thêm dầu vào lửa. Bài viết của bác Tuấn Huy rất uyên bác và sâu sắc, cứ như bác là người của 38 vậy, có phải không bác ?

    Trả lờiXóa
  3. @Hung1: Nếu anh hòan toàn những gì chế độ CS đổ lên đầu chính quyền Ngô Đình Diệm thì tôi không cần phải bàn làm gì. Nhưng sự thật có đúng vậy không? và sao người Phật Giáo được quyền yêu nước và đòi hỏi quyền lợi thì được, mà người Thiên Chúa Giáo chúng tôi bị xem là phản động? tay sai cho giặc?
    @ ALL : XIN VÀO BLOG MÌNH ĐỂ NGHIÊN CỨU MỘT CHÚT VỀ:" CÔNG, TỘI CỦA THIÊN CHÚA GIÁO VIỆTNAM THỜI THỰC DÂN PHÁP" ==> http://blog.360.yahoo.com/blog-eiVH0xM2eqrnfDWPuECL3ZSrfg--?cq=1&p=293

    Trả lờiXóa
  4. Ai cũng đòi thì nhà nước trả lại à? Nếu trả cho thiên chúa rồi Phật giáo đòi thì sao? lấy gì mà trả làm như vậy để mà tranh chấp tôn giáo à đúng không? tốt nhất là lấy đất đó làm công viên cho bà con ngồi chơi thì tốt nhất ....

    Trả lờiXóa
  5. @Đại Tiểu Thư: Bạn "Cá trê" tôi quá lời rồi. Từ thửa thiếu thời tôi vốn rất ghét nhũng gì nhờ nhờ, đục đục, tôi chỉ thích đỏ đỏ hẳn, đen đen hẳn, thế thôi. Vì vậy tôi luôn tự hào là Người Việt không bị Tàu đồng hóa.
    @L'Imperator: sự thật thế nào ai đã từng sống thời ông Diệm đều biết. Nếu thế hệ sau này thì tất sẽ thuộc sử sách. Không đổ lỗi cho người khác được đâu.
    @CLB Nhà báo tự do: Nhà thờ Kỳ Đồng buổi lễ chúa nhựt nào các cha rao giảng cũng rất đông bà con giáo dân rồi. Không dễ gì giả mạo con chiên mà "trà trộn " vào đó được đâu.

    Trả lờiXóa
  6. chia rẽ thì ai có lợi? ai vỗ tay hoan hô?===>DCSVN chỉ là con rối của DCS TQ qua vụ việc giải quyết tr/ch đđ giữa giáo dân và chính quyền.
    Hung 1: Miệng lơỡi bác thâm như tụi Tàu. Bác là người Tàu mất gốc Việt đúng hong?

    Trả lờiXóa
  7. Tài liệu Bằng Khoán Điền Thổ và Bản đồ Tòa Khâm Sứ:
    http://img89.imageshack.us/img89/4205/maptks0bw2.jpg
    http://img85.imageshack.us/img85/3992/maptks2hh5.jpg
    http://img85.imageshack.us/img85/6859/maptks1fy4.jpg
    http://vietcatholic.net/News/Html/51411.htm

    Trả lờiXóa
  8. Ai lợi dụng tôn giáo để chia rẽ và kích động hận thù đưa đến việc sụp đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa?
    ==> Ngoại bang: Phương Tây và phương Bắc
    Tại sao?
    ....

    Trả lờiXóa
  9. Ca'c ba.n coi chu'ng bi. tru'ng chieu chia re? cua ai do'?? Day la van de' tranh chap tai' san cua tu nhan va nha nuoc VN . cHUNG ta chi ung ho , du'ng ban ve van de TON GIAO neu ba'n ve van de TON GIAO O day .Toi nghi vo tinh chung lam mat di y nghia cuoc dau tranh cua Toa Kham Su.

    Trả lờiXóa